Sau khi đổ bộ thành công lên bề mặt sao Hỏa, phương tiện tự hành Curiosity đang bắt đầu được cập nhật phần mềm từ xa mà theo cách gọi của NASA gọi là "thay não". Bản cập nhật mới sẽ thay thế phiên bản cũ được Curiosity sử dụng khi được phóng đi từ Trái Đất nhằm chuẩn bị cho công tác khám phá bề mặt hành tinh đỏ.
Phần mềm mới đã được tải lên Curiosity trong khi nó đang trên đường đến sao Hỏa. Hiện tại, phương tiện đã hạ cánh và phần mềm vốn được lập trình để sử dụng hệ thống điều khiển của tàu MSL khi đang bay đã được gỡ bỏ khỏi 2 máy tính trên Curiosity. Phần mềm mới sau khi cài đặt sẽ cho Curiosity biết cách định hướng, tránh chướng ngại vật và sử dụng cánh tay robot.
Nhà nghiên cứu Ben Cichy đến từ phòng thí nghiệm các hệ thống đẩy phản lực của NASA tại Pasadena, California kiêm giám đốc kỹ thuật phần mềm của sứ mạng Marc Science Lander - MSL cho biết: "Ngay từ đầu, chúng tôi đã thiết kế Curiosity với khả năng nâng cấp phần mềm cần thiết cho từng giai đoạn khác nhau của sứ mạng. Phiên bản phần mềm được cài sẵn trên Curiosity tập trung vào quy trình hạ cánh của phương tiện và bao gồm nhiều tính năng mà chúng tôi không cần dùng đến nữa. Nó mang lại khả năng điều khiển cơ bản cho phương tiện trên bề mặt sao Hỏa nhưng chúng tôi đã lên kế hoạch dài hạn để chuyển đổi sang một phiên bản phần mềm khác tối ưu cho hoạt động trên bề mặt của Curiosity hơn."
Trưa thứ 2 tuần trước theo giờ Việt Nam, Curiosity đã hạ cánh an toàn lên sao Hỏa sau một quy trình đổ bộ đầy khó khăn với sự hỗ trợ của tấm chắn nhiệt (giúp bảo vệ Curiosity khi bay xuyên qua bầu khí quyển của sao Hỏa) và cần trục không gian (giúp hạ độ cao và đưa Curiosity chạm đất một cách an toàn trước khi nó bị thổi bay). Curiosity là phương tiện tự hành dùng năng lượng hạt nhân lớn nhất từng được đưa tới sao Hỏa và trước mắt, nó sẽ trải qua 3 tuần đầu tiên trên hành tinh đỏ trong sứ mạng dài 2 năm nhằm gởi về Trái Đất những hình ảnh với độ phân giải cao nhất.
Một khi phần mềm mới được cài đặt và quy trình kiểm tra hệ thống hoàn tất. Curiosity sẽ di chuyển và bắt đầu công việc khai phá bên trong miệng núi lửa Gale, nơi nó sẽ tìm kiếm những dấu hiệu về sự sống có thể đã từng tồn tại trên hành tinh còn nhiều bí ẩn này.
Nguồn Gizmag