Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Trợ giáo

Trợ giáo
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Trong giáo dục ta có “chuẩn kiến thức kỹ năng”, “chuẩn nghề nghiệp”. Vậy “chuẩn nhà giáo mẫu mực” sẽ là gì?

Nhà giáo mẫu mực thường cô đơn Phc_1410
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội)
Có rất nhiều ý kiến thống nhất ở 3 tiêu chí: phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp vì 3 tiêu chí hội tụ đầy đủ yêu cầu, đòi hỏi của ngành, của xã hội.

Tôi cũng đồng tình nhưng xin được trao đổi một vài góc nhìn cụ thể hơn về những phẩm chất của nhà giáo mẫu mực trong bối cảnh hiện nay.

Nhà giáo mẫu mực trước hết phải là người tốt, người cởi mở và đáng tin cậy; đặc biệt phải luôn vững vàng trong chuyên môn.

Nhà giáo mẫu mực luôn khao khát kiến thức và không yên tâm với những gì đã có trong chuyên môn, trong công việc. Thế nhưng trong cuộc sống lại luôn khép mình “tri túc”, nghĩa là phải “biết đủ” để sống “có chừng, có mực”. Nhà giáo mẫu mực luôn hiểu rõ sự gian nan khi chọn nghề và biết chấp nhận vì nghề mà sống cuộc đời trong sạch.

Mỗi nhà giáo mẫu mực không chỉ ở hình thức hay biểu hiện trước phụ huynh và học trò, mà còn sống sâu sắc, nhường nhịn và vị tha.

Nhà giáo mẫu mực luôn có ý thức giữ hình ảnh người làm thầy. Đã theo nghề là lúc nào cũng phải có một bục giảng vô hình dưới chân và xác định dạy học không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình thương, là niềm vui.

Nhà giáo mẫu mực cũng giống như người nông dân trăn trở về mùa vụ, lo “gió mưa” thời @ ngăn trở sự giáo dục thuận chiều, lo sâu bệnh của lối học đang cũ mòn khiến cho cành không đâm chồi, lá hết xanh tươi, hoa không kết nụ. Trăn trở làm sao để mỗi bài giảng nhẹ nhàng, đơn giản lại vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng? làm sao để tình sâu mà chí vẫn cao? làm sao thả lòng mà không rối bời, hao khuyết?...

Tất cả, với nhà giáo mẫu mực đó không phải là chuyện cơm áo, gạo tiền mà hơn cả là trách nhiệm, là bổn phận, là danh dự, là đạo đức nhà giáo.

Vì người thầy mẫu mực sẽ định dạng ngôi trường văn hóa và tiến bộ!

Không để sự mẫu mực "âm thầm sải cánh"

Có một thực tế là không ít người đang phấn đấu trở thành nhà giáo mẫu mực lại rất lặng lẽ.

Sự “ngại phô trương”, “kém giao tiếp”, “ít tiếp cận cấp trên” cũng là một nét “mẫu mực” và cũng giúp thuận cho việc say nghề, tránh được những ý kiến phản ứng từ của những thành phần còn lười ngại.

Chính vì nỗ lực âm thầm nên nhiều nhà giáo mẫu mực như “tự ẩn mình”, các thầy cô chỉ gắn bó và say sưa với học trò nên ít được cấp trên, xã hội chú ý và ghi nhận. Tôi xin gọi đó là sự “mẫu mực cô đơn”.

Là một người quản lý ở cấp trường, tôi rất trăn trở về việc này. Vì trường nào cũng có những nhà giáo mẫu mực, làm thế nào để nhân lên thành một tập thể, một đội ngũ mẫu mực là bài toán khó với người quản lý.

Niềm tin của xã hội là động lực

Theo dõi nguyện vọng đăng ký thi vào các trường ĐH-CĐ những năm gần đây, rất học sinh ít đăng ký thi vào trường sư phạm.

Các em chia sẻ, thấy nghề giáo vất vả quá nên tránh ngại. Có em còn nói: “nghề giáo phải sống mẫu mực, làm việc hay yêu thương cũng không thật thoải mái, tự nhiên. Mà vì là mẫu mực nên người ta luôn đòi hỏi về cái chuẩn. Nghề nghiệp mà khó khăn, căng thẳng như thế thì chúng con đành tìm chọn nghề nghiệp khác”.

Xã hội đòi hỏi nghề giáo rất cao, không chỉ phải mẫu mực về tri thức, mà còn ở nếp sống.

Chính sự đòi hỏi đó, chúng tôi còn tự học cả sự chịu đựng và sự chấp nhận những điều không như ý một cách không căng thẳng từ những áp lực của xã hội đối với ngành giáo dục.

Chúng tôi vẫn có những sắc thái riêng từ tác phong, lời nói..., không đánh mất những giá trị truyền thống. Vì thế, niềm tin của xã hội là động lực để mỗi nhà giáo thêm nguồn sáng tạo, tận tụy với nghề, tận tâm cống hiến và ngày càng mẫu mực hơn.

Nguyễn Thị Nhiếp (Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội)

Phượng hồng

Phượng hồng
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
"30 năm đào tạo học sinh giỏi, tôi cho mình điểm 0 nghề giáo"
“Hơn 30 năm công hiến cho ngành giáo dục, tôi thấy mình chưa làm được điều mình muốn. Tôi không muốn nhồi học sinh đến đờ đẫn, nhưng tôi vẫn phải nhồi".

Nhà giáo mẫu mực thường cô đơn 20131111
Một ngày 20/11 nữa lại đến. Môt ngày hạnh phúc. Học trò cấp 2 chưa phải lớn nhưng các em cũng không còn nhỏ nữa. Tôi hạnh phúc vì những tấm thiệp chi chit chữ. Các em trong sáng, hồn nhiên với những câu chữ lê thê

Tôi luôn có học sinh ở bên cạnh và tôi cảm thấy các em hiểu, yêu quý và dành cho tôi những điều bất ngờ. Thế nên tôi ngạc nhiên trước suy nghĩ “Nhà giáo mẫu mực thường cô đơn”.

Vì tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn. Mọi nỗ lực của tôi không chỉ được cấp trên ghi nhận mà phụ huynh, học sinh luôn trân trọng.

Còn việc được xã hội biết đến rộng rãi hay không, tôi nghĩ không quan trọng cho lắm. Đó dường như là ước muốn của những ngôi sao.

Đối với tôi, những gì tôi để lại trong lòng học sinh, phụ huynh mới là điều có ý nghĩa nhất.

Đối với giáo viên cấp THCS ở Thủ đô như tôi, những thành tích thiết thực nhất vẫn được đưa ra làm cơ sở xét thưởng là: số học sinh đạt giải các kì thi học sinh giỏi, học sinh đỗ vào chuyên, vào cấp 3…

Trường tôi, lớp tôi chủ nhiệm, cứ đến kỳ lại được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ trở thành “lá cờ đầu”.

Mỗi khóa của tôi đều có hàng chục học sinh có giải thành phố, đỗ vào các trường chuyên danh tiếng của Hà Nội với số điểm rất cao.

Sau hơn 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục, nhiều học sinh thành đạt đã trở về cảm ơn cô giáo.

Nhưng nếu có ai hỏi tôi có hài lòng với những thành tích mấy chục năm dạy học không, tôi đánh số 0 ngay.

Tôi hiểu chia sẻ của đồng nghiệp Nguyễn Thị Nhiếp khi tri ân những thầy cô lặng lẽ đóng góp cho ngành giáo dục mà không đòi hỏi, hay những đồng nghiệp của tôi muốn một sự bình yên để những giờ giảng bài thực sự thuần khiết.

Với tôi, hơn 30 năm làm nghề, tôi thấy mình chưa làm được điều mình muốn. Cái guồng quay của ngành vẫn đang quay vô cùng mạnh mẽ và những măt xích như tôi vẫn đang hối hả quay theo.

Những cuộc đuổi lao căng thẳng

Tôi cho rằng, thi học sinh giỏi mới là cuộc thi kinh khủng! Kì thi vào các trường chuyên, các trường cấp 3 công lập ở Hà Nội thực sự là một cuộc chiến nóng bỏng, gây áp lực nặng nề đối với thầy cô, phụ huynh và nhất là học sinh.

Tôi không muốn nhồi học sinh đến đờ đẫn, nhưng tôi vẫn phải nhồi!

Mỗi lần nhận đội tuyển, đồng nghĩa với mỗi lần nhận mình viết tiếp bảng thành tích chói sáng cho trường, cho quận.

Nhưng mỗi lần như thế, cả tôi và trò lại gân sức lên để làm việc. Trò thì trải qua đủ các vòng thi từ lớp, trường, quận rồi thành phố. Sau mỗi vòng thi lại một chu trình “nhồi” thêm, nâng cao thêm kiến thức. Cứ thế, cả cô và trò ì ạch leo lên từng nấc. Học sinh thức, cô thức, bài vở chất đống. Cô trò đánh vật với nhau để được kết quả cuối cùng.

Bởi vì sao, vì mức độ khó của đề thi học sinh giỏi thì nhiều thầy cô dạy bình thường cũng không thể làm được. Thậm chí, trong tổ toán của một trường uy tín thì cũng chỉ khoảng 6 - 7 người làm được nhưng chưa chắc đã làm đúng hết.

Nhiều khi, tôi phải làm cái việc không đúng và bất công với các đồng nghiệp khác là phải “chiếm dụng” các giờ học như Thể dục, Giáo dục công dân, Công nghệ,…

Và học trò của tôi còn ám ảnh về các kì thi này đến mức còn để lại trong lưu bút: “Có những hôm nằm mơ cũng phải nhớ đến môn Toán!”

Nhưng đã vào guồng rồi thì phải theo chỉ tiêu thi đua. Vì trách nhiêm của người đứng lớp, lòng tự trọng nghề nghiệp trong bối cảnh chung của giáo dục là thế, tôi không thể làm khác.

Đó là kì thi học sinh giỏi. Còn kì thi vào cấp 3 mới khiến tôi trăn trở nhiều nhất. Kì thi này cùng với thi học sinh giỏi đã khiến cho chương trình học nặng nề thêm. Có ở trong nghề như chúng tôi mới thấm vì sao học sinh cứ phải oằn lưng mà cõng sách vở đi học thêm.

Chương trình có những nội dung được đưa vào giảng dạy sớm hơn và theo sách giáo khoa, những kiến thức đó mới chỉ mang tính giới thiệu. Nhưng vì đi học thêm, học sinh được học nhiều dạng bài hơn, sẽ giải quyết nhanh gọn các câu hỏi trong đề thi. Điều đó tác động đến kết quả thi, đến tỉ lệ học sinh được vào cấp 3.

“Đất” vào cấp 3 công lập ở Hà Nội vô cùng chật hẹp, chỉ đáp ứng được một nửa số lượng học sinh là nhiều. Vì thế, mức độ khó của đề thi cũng phải co duỗi cho vừa với “đất”. Thế là, rút kinh nghiệm đề thi năm trước học sinh đáp ứng tốt, năm nay đề sẽ khó hơn!

Cứ sau mỗi lần rút kinh nghiệm và dự báo xu hướng ra đề của những giáo viên có kinh nghiệm như tôi, những kiến thức truyền cho học sinh cứ thế phải nặng dần, khó dần để theo kịp với đề thi.

Thi cử chính là nguyên nhân khiến cho học thêm, nhồi nhét phát triển và mọi thứ quay lại ràng buộc nhau khiến cuộc chiến càng gay gắt.

Tôi nhận thấy, nếu chỉ học sách giáo khoa, ít nhất là học sinh thủ đô không thể vào cấp 3. Chỉ vì sách giáo khoa hạn chế dạng bài, mức khó cho phù hợp vùng miền, nhưng việc học thêm, dạy thêm và ra đề thi ở thủ đô thì muôn hình muôn vẻ và đương nhiên độ khó thì vượt xa.

Ngoài các trường phổ thông thi đề chung của Sở GD-ĐT, mỗi trường chuyên ở Hà Nội lại có kiểu ra đề khác nhau khiến cho việc ôn thi của các em càng phức tạp.

Phụ huynh, học sinh và giáo viên cứ thế lao theo các kì thi. Nhiều khi, học sinh của tôi không biết các em học để làm gì, học cho ai, lựa chọn như thế nào. Nhiều phụ huynh của tôi rất quyết tâm để con vào trường chuyên. Họ cho rằng vào đó là đảm bảo đỗ đại học, danh tiếng gia đình,…

Một sự thật khác

Vì thế, có một sự thật khác mà tôi muốn nói. Những em tư chất chỉ đạt đến 6 -7 phần và không phù hợp với các trường chuyên vốn dành cho các em thực sự có tư chất tốt.

Nhưng vì học thêm nhiều, nhồi nhiều nên thành “đường cày đảm đang” và các em có thể vượt qua bài thi.

Nhưng kiến thức đó chỉ đáp ứng được bài thi. Khi vào môi trường rèn luyện ác chiến như thế, các em sẽ chơi vơi mà học, trong khi các bạn có năng lực được chú ý để thành mũi nhọn.

Các em sẽ rất khổ sở với những kiến thức kinh viện, chuyên sâu không phù hợp và không cần thiết ở thi đại học.

Vì thế, cho dù các em có vào chuyên thì kết quả đó chỉ là sự hài lòng cho một khoảng ngắn và chẳng nói lên rằng các em đã chọn đúng hướng và sẽ thành đạt.

Để thành đạt trong cuộc sống, các em cần rất nhiều kỹ năng và hiểu biết xã hội khác.

Tôi mong sao phụ huynh hãy tôn trọng và hiểu sở trường của con mình, để các em được theo đuổi những mặt mạnh đó.

Nếu được quyết định, tôi sẽ làm gì?

Tôi cũng cho rằng, giáo dục sẽ không thể toàn diện nếu thi cử vẫn tiếp diễn như thế. Có những ngôi trường, để có thành tích đẹp thi học sinh giỏi, thi đại học, thi chuyên, đã sẵn sàng hi sinh những giờ học khác để tập trung cho các môn thi. Học sinh phần nhiều trở thành mọt sách, tự bản thân các em sẽ phát triển lệch mà thôi. Chưa kể, điều đó vô tình khiến các em xem nhẹ những kiến thức ở các môn khác, là cách đối xử bất công và thiếu tôn trọng với các giáo viên.

Nếu được quyết định, tôi sẽ bỏ ngay kì thi học sinh giỏi để các em có thêm nhiều sân chơi vui học. Kiến thức trong sách giáo khoa sẽ giúp các em giải quyết và lý giải nhiều vấn đề trong cuộc sống, hình thành cho các em phương pháp tư duy chứ không chỉ là ghi nhớ kiến thức phục vụ những kì thi.

Tôi đang chờ sự thay đổi trong đề án đổi mới giáo dục trị giá hàng chục nghìn tỉ đồng dự báo sẽ được triển khai từ năm 2015.

Liệu những mong muốn, đề xuất của một giáo viên vẫn được ngành công nhận là giáo viên giỏi như tôi có được đáp ứng?

Còn ở thời điểm hiện tại, những người thầy như chúng tôi vẫn đang quay cùng guồng quay thành tích của ngành giáo dục, của xã hội.

Chúng tôi có mong muốn như thế và hi vọng rằng chúng tôi không cô đơn!

Ghi từ lời kể của một giáo viên

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Nhà giáo mẫu mực thường cô đơn Flags_1