Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1Rập khuôn là... giỏi! Empty Rập khuôn là... giỏi! 2/12/2012, 5:27 am

Phượng hồng

Phượng hồng
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Nhiều phụ huynh cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên với văn mẫu vì nếu học sinh làm khác đi sẽ bị điểm kém.

Rập khuôn là... giỏi! Hoc-si10
Ngay từ bậc tiểu học đến THPT, HS đã phải làm quen với các kiểu văn mẫu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học tập theo...

Bài tập làm văn hiện nay của học sinh (HS) thường phải theo chuẩn mực chung. Tả cô giáo thì tóc phải đen nhánh, mũi dọc dừa, da trắng mịn; ông bà tóc phải bạc phơ; mẹ phải hiền, dịu dàng; cây bóng mát phải có câu đại loại “tán lá xòe ra như một chiếc ô lớn”. Tả cánh đồng thì “xanh ngun ngút, bạt ngàn lúa”, hay “lúa đang trổ đòng đòng” mà khi ra ngoài đời bao nhiêu HS thành phố không hề biết “đòng đòng” là gì nhưng vẫn tả.

Chính vì khuôn mẫu này nên có những câu chuyện cười ra nước mắt.

Một phụ huynh có con học lớp 2 ở Hà Nội bức xúc: “Cô giáo cho đề bài, hãy tả ông hoặc bà em. Con nhà mình chọn tả ông nội và tả rất thật, rất trong sáng rằng người ông béo, lùn, da ông ngăm đen, đầu ông bị hói vì tóc đã rụng nhiều quá”. Chị cho biết mình hài lòng về những câu văn tả thực ấy của con, vui khi con biết cách đặt câu như: “Tuy ông em béo nhưng đi lại rất nhanh nhẹn”. Thế nhưng thật không ngờ cháu được 5 điểm với lời phê lạnh lùng của cô rằng tả về ông ngây ngô quá. Cháu phụng phịu cho biết cô giáo bảo tả ông phải râu tóc bạc phơ, ánh mắt hiền từ, giọng nói trầm ấm, dáng đi đã chậm chạp thì mới... hay. “Tôi không biết phải nói với cô thế nào vì người ông trong bài văn điểm kém và “ngây ngô” ấy mới chính là người ông thực sự và hết mực thân yêu của cháu. Tôi không muốn con tôi tả về ông mình như một ông già xa lạ nào đó. Lẽ nào gần 60 HS trong lớp cũng đều có người ông, người bà giống hệt nhau như vậy?”, vị phụ huynh này trăn trở. Phụ huynh khác thì than thở: “Cô cứ nhất nhất bắt con tôi khi tả về người thân phải kể tên, tuổi, nghề nghiệp y như khai lý lịch. Khi cháu bảo em thấy bác em ở nhà nên không biết bác làm nghề gì thì cô bảo “vẫn phải nghĩ ra một nghề nào đó cho bác”. Vậy là cháu lại phải bịa là bác em làm nghề bác sĩ”.


Gia đình bắt buộc phải có đủ ba, mẹ

Có mặt tại Trường tiểu học Phan Văn Trị, Q.1, TP.HCM vào giờ tan trường ngày 28.11, một nhóm HS lớp 5 cho biết nếu tả thầy cô, phần mở bài phải là: “Vào năm học trước em đã từng được học thầy/cô...”. Khi tả về mẹ, sẽ lần lượt chọn một trong 2 vế mà cô giáo đã hướng dẫn: mắt tròn xoe hoặc đen nhánh, mũi cao cao hoặc dọc dừa, dáng đi nhè nhẹ hoặc chậm rãi. Khi chúng tôi hỏi, vậy nếu không tả mẹ mà tả ba thì làm sao, các HS này trả lời ngay: “Nếu tả ba thì thêm vào: tính cách cứng rắn, còn những phần khác thì vẫn tả như cũ”. Khi tả về người bạn để lại nhiều ấn tượng, các HS cho biết sẽ theo trình tự sau: “Năm nay bạn ấy trạc tuổi em hoặc cao hơn em cái đầu. Bạn ấy là một người chăm chỉ, tốt bụng, hay giúp đỡ người khác”.

Chị N.N.L - phụ huynh HS lớp 2 Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1, TP.HCM) - ấm ức: “Cô giáo cho đề bài tả các thành viên trong gia đình em. Bé nhà tôi tả ngoài Bi và mẹ thì gia đình còn có ông, bà ngoại, cậu, dì nhưng cô giáo không chịu mà yêu cầu cháu tả thành viên gia đình bao gồm ít nhất 3 người ba, mẹ và con. Nói thật là, vợ chồng tôi đã ly dị từ lâu rồi, cháu đang ở chung với tôi, nhà có 2 mẹ con bây giờ cô bắt như vậy tôi chả biết nói sao. Tôi chỉ mong được đọc những câu văn thể hiện tình cảm của con để nếu có gì sẽ điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống của cháu”.

Minh Luân - Bích Thanh

Tả con vật thì có khuôn mẫu là phải so sánh đầu, tai, mũi, đuôi nó giống cái gì, to bằng gì. Dẫn đến tình huống nực cười như sau: Một ông bố có con học lớp 3 phải kêu trời lên khi con tả con lợn: “Đầu con lợn to bằng đầu bố em, tai con lợn to bằng tai bố em, mũi con lợn bẹp gí như mũi bố em, đuôi con lợn giống em vì bố em bảo em là cái đuôi của bố em”.

Bài văn đúng chuẩn mẫu đến cuối mỗi bài phải nói lên cảm nghĩ của mình theo kiểu “xin hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi để vui lòng”. Điều này đã ăn sâu vào học trò đến nỗi có trường hợp sau khi tả xong con bò, một HS lớp 4 đã kết luận: “Em xin hứa sẽ học tập theo... con bò để ngày càng học giỏi và chăm ngoan hơn”.

Cứ rập theo khuôn

Phần lớn giáo viên tiểu học sợ HS lan man và tả thực quá nên khi hướng dẫn làm tập làm văn, cô thường yêu cầu phải trả lời được đủ các câu hỏi mới đủ ý. Chẳng hạn khi tả cây, HS sẽ trả lời hàng loạt câu hỏi như: Cây có tán không? Có che mát không? Lợi ích của cây ra sao với con người? Một phụ huynh kể con gái chị chọn cây hoa đại, làm theo dàn ý của cô nên có những đoạn như sau: "Cây không có tán, rất ít lá nên không thể che mát được, lợi ích của cây đó là...".

Tương tự với thể loại văn viết thư. Thư gửi cho người thân hay thư làm quen cũng chả khác nhau là mấy. Để chuẩn bị kết thúc bức thư thì phải có câu “Thư viết đến đây đã dài, mình xin dừng bút”. Vậy là có không ít bài văn kiểu viết thư mới có vài dòng nhưng cũng để câu: “Thư viết đến đây đã dài”.

Nhiều trường ở Hà Nội đã cẩn thận đến nỗi yêu cầu HS phải có thêm cuốn vở “chuẩn bị tập làm văn”. Ở cuốn vở này, HS làm đi làm lại một bài văn để cô sửa cho đến khi nào thật đúng ý cô thì lúc đó bài làm mới được viết vào vở tập làm văn chính thức.

Phải học thuộc lòng

Học thuộc lòng các bài văn mẫu để làm bài thi là tình trạng rất phổ biến ở các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông hiện nay. Nhiều phụ huynh có con học tại một trường tiểu học Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết gần đến kỳ thi, cô giáo cho HS khoảng 4 đến 5 đề trong chương trình. Lúc đầu các cháu tự làm, sau đó bố mẹ đọc và sửa lại rồi chuyển cho cô giáo (bắt buộc phải có chữ ký của phụ huynh chứng tỏ đã đọc sửa). Lúc này, cô giáo lần lượt đọc, sửa, rồi trả lại cho HS. Các em bắt buộc phải học thuộc lòng những bài văn này và đến các kỳ thi các em chỉ còn mỗi một việc là chép bài văn này ra. Có trường hợp phụ huynh phản ứng, không cho con học thuộc lòng thì con lại khóc lóc, vào lớp sợ cô la vì cô bắt từng bạn đứng lên trả bài xem có thuộc không.

Mọi thứ đều có khuôn nên HS cứ thế áp vào và sẽ đạt thành tích như mong muốn của giáo viên, nhà trường. Thế nên mới có chuyện lớp nào cũng đa số là HS giỏi. Chỉ có điều, cảm xúc thật của HS khi viết văn chẳng còn nữa, bảo sao HS ngày nay không yêu thích và hào hứng với môn văn?

Ý kiến


Tôi không muốn con tôi tả về ông mình như một ông già xa lạ nào đó.

Một phụ huynh ở Hà Nội

Phải để học sinh phá cách

“Nếu quá gò theo dàn ý lại mất đi tính sáng tạo của HS. Tôi cho rằng đây cũng là điều cần phải thay đổi trong những năm tới. Có thể dạy một số dàn ý chu toàn nhưng vẫn phải để cho HS phá cách, phân tích theo chiều sâu khía cạnh của một vấn đề chứ không nhất thiết bắt HS phải thật toàn diện cả bài mà mất đi sự sắc sảo mang dấu ấn cá nhân”.

Giáo sư NGUYỄN MINH THUYẾT - Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học

Lệch lạc

“Sách giáo khoa, sách hướng dẫn của giáo viên đã có hướng dẫn cụ thể về cách làm một bài tập làm văn. Ngay giáo viên cũng được đào tạo về phương pháp giảng dạy. Vậy mà dù thanh tra, kiểm tra rất nhiều lần nhưng giáo viên vẫn để tái diễn tình trạng này. Có thể nói rằng, những thầy giáo, cô giáo dạy HS làm bài rập khuôn theo văn mẫu là những giáo viên lệch lạc”.

LÊ NGỌC ĐIỆP - Trưởng phòng GD tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM

Tuệ Nguyễn

2Rập khuôn là... giỏi! Empty Re: Rập khuôn là... giỏi! 4/12/2012, 3:25 am

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Làm bài theo văn mẫu chính là tập nói dối.

3Rập khuôn là... giỏi! Empty Re: Rập khuôn là... giỏi! 4/12/2012, 3:33 am

Phượng hồng

Phượng hồng
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Khi cả một nền giáo dục nặng nề bệnh thành tích, chỉ lo học để ứng thí, nhà xuất bản thi nhau in văn mẫu kiếm lời, bất chấp tác hại cho học trò, thì việc học sinh cứ làm văn theo kiểu máy móc là điều không thể tránh khỏi.

Có cả văn mẫu của... Trung Quốc

Để học tốt các môn, tài liệu tham khảo thật sự rất cần thiết. Bởi những tài liệu này giúp học sinh (HS) mở rộng vốn kiến thức mà do thời gian eo hẹp ở trường, giáo viên không có điều kiện giảng dạy. Thế nhưng tài liệu tham khảo môn văn hiện nay không dừng lại đó. Bên cạnh những đầu sách thuộc dạng nghiên cứu, mở rộng kiến thức (mà ít HS nào chịu mua để đọc) là vô số tài liệu kiểu những bài văn mẫu. Phần lớn HS mua những cuốn sách này để rồi phụ thuộc hoàn toàn vào văn mẫu, dẫn đến tình trạng bài của HS hầu như na ná nhau, không có tính phát hiện.

Đến nhà sách nào cũng thấy bạt ngàn sách tham khảo môn văn, chủ yếu là sách các bài văn mẫu. Số lượng tuyển tập văn mẫu có vẻ như ngày càng phong phú, mỗi khối lớp có hàng chục đầu sách và nội dung thì “bình mới, rượu cũ”. Ngay như lớp 2 và 3 chỉ học cách viết đoạn văn ngắn, đơn giản cũng có rất nhiều loại sách văn mẫu không kém lớp cuối cấp.

Tại TP.HCM, dạo quanh đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), nơi tập trung gần 20 nhà sách mới thấy sự đa dạng của sách tham khảo dành cho HS. Riêng môn văn, từ lớp 2, HS có thể dễ dàng tìm được ít nhất gần 10 đầu sách dưới dạng những bài văn mẫu, văn hay, văn chọn lọc... Ở nhà sách Minh Khai, với những đề tài tập làm văn trong sách giáo khoa lớp 2, các NXB: ĐH Quốc gia TP.HCM, Hải Phòng, ĐH Sư phạm, Tổng hợp TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã xuất bản 8 đầu sách bao gồm: 162 bài tập làm văn chọn lọc, Tuyển chọn 171 bài văn hay, 270 đề và bài văn mẫu...

Trung tâm sách Sài Gòn, NXB ĐH Sư phạm cũng xuất bản cuốn Tuyển chọn những bài văn miêu tả, Tuyển chọn những bài văn kể chuyện cho HS lớp 3... Đặc biệt, NXB Văn hóa Thông tin và NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản cuốn Những bài tập làm văn mẫu dành cho HS từ lớp 2 đến hết bậc THPT.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm học này sách văn mẫu còn phong phú hơn khi xuất hiện văn mẫu của Trung Quốc. Các sách như Những bài văn đoạt giải theo chủ đề của học sinh tiểu học Trung Quốc được dịch và bán tại các nhà sách với giá rất cao (gần 130.000 đồng/cuốn).

Rập khuôn là... giỏi! Sgk10
Đủ loại sách tham khảo văn mẫu trong các nhà sách - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đề mở cũng có... mẫu

Điều đáng buồn hơn, trong khi dư luận đang tràn trề hy vọng với những đề văn mở xuất hiện trong các kỳ thi thì mới đây thị trường cũng đã kịp xuất hiện văn mẫu dành cho đề... mở. Đáng lo ngại hơn khi chính NXB Giáo dục Việt Nam lại là nơi phát hành cuốn sách này.

Cuốn sách mang tựa Tuyển tập đề bài và bài văn theo hướng mở được “quảng cáo” như sau: “Đối với phần lớn HS thực hiện một đề bài theo hướng mở như thế nào để đạt điểm cao vẫn là một khó khăn, thử thách. Cuốn sách Tuyển tập đề bài và bài văn theo hướng mở sẽ giúp các em vượt qua thử thách đó”.

Ngoài việc hướng dẫn cách làm bài chi tiết về làm văn theo hướng mở thì sách này còn “giới thiệu” 43 bài văn mở tiêu biểu. Kết lại phần mở đầu, cuốn sách câu khách: “Nội dung sách có độ tin cậy, có khả năng ứng dụng cao vào việc làm bài của các em trong các kỳ thi và kiểm tra đánh giá”.

Giáo viên không đủ dũng cảm?

Một giáo viên văn ở H.Bình Chánh (TP.HCM) cho biết mỗi lần giao bài làm văn về nhà, trung bình lớp có 3 - 5 trường hợp “bê” nguyên xi văn mẫu. Giáo viên Nguyễn Thị Thu Hiền (Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM) thừa nhận: “Trong các kỳ thi, kiểm tra và cả thi tốt nghiệp, hiện tượng HS chép văn mẫu diễn ra khá phổ biến. Có những bài văn mà HS tả giống nhau về đoạn, cấu trúc, chỉ thay đổi vài từ vì có thể... các em quên”.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên sách Tiếng Việt tiểu học, bức xúc: “Chuyện này thật đáng buồn. Tôi cho rằng phải kiên quyết cấm văn mẫu và NXB Giáo dục phải gương mẫu trong chuyện này. Trước kia, thời chúng tôi đi học cũng thích đọc những bài văn mẫu nhưng chỉ để tham khảo. Văn mẫu bây giờ là của tác giả viết sách, mà văn phong đó là của người lớn chứ đâu còn gì là sự trong sáng của học trò nữa. Nếu bài văn nào cũng viết ra như cách giải bài tập và cô giáo vì tiện lợi, vì thành tích mà hướng dẫn cho HS làm bài dựa trên văn mẫu thì... quá dở”.

Tuy nhiên, GS Thuyết cũng cho rằng các thầy cô vì áp lực của cách thi cử, ra đề cứng nhắc, đòi hỏi kiến thức phải đúng mẫu, phải ghi nhớ... nên không ít giáo viên không dám dũng cảm, mạo hiểm. Chính vì vậy, theo ông Thuyết, muốn môn văn trở nên hấp dẫn với học trò thì phải đổi mới đồng bộ từ thiết kế chương trình - sách giáo khoa cho đến cách thi cử, kiểm tra, đánh giá.

Không dám nói lên suy nghĩ thật

Qua nhiều năm kèm con, cháu học, tôi nhận thấy môn văn hiện dạy ở THCS là không thích hợp. Dạy quá nhiều, quá cao và rập khuôn không giúp HS dám nói lên suy nghĩ thật của mình.

Cuốn Những bài văn mẫu 9, tập 1 của tác giả Trần Thị Thìn, đề 29, trang 98 yêu cầu: “Hãy kể một kỷ niệm về thầy cô giáo mà em nhớ mãi”. Tất cả bài văn mẫu khiến thầy cô là những ông, bà tiên trên bục giảng chứ không phải người bình thường vì luôn được miêu tả “nhỏ nhẹ”, “ân cần”... Có HS nào dám viết, chẳng hạn: “Em có ấn tượng xấu với một cô giáo có tính thù vặt”... hoặc “một thầy giáo nóng nảy, quát nạt chửi mắng HS đầu bò, óc trâu”? Nếu có bài văn như thế, liệu ngành giáo dục có chấp nhận không? Tại sao sau khi phân tích về những cái hay, cái đẹp của một tác phẩm, người viết sách không thêm một câu, đại loại: “Đây là ý kiến của những người cảm nhận tác phẩm trước đây. Riêng em, em có ý kiến gì, nhất là phát hiện những mâu thuẫn, sai sót hoặc yếu kém của tác phẩm?”.

Giáo sư Lê Trí Viễn ca ngợi mấy câu thơ trong Truyện Kiều: “Bốn câu thơ trên đẹp như một bức tranh thủy mặc...”. Vậy là hầu như từ cô giáo THCS đến thầy THPT đều nhắc đến bức tranh thủy mặc, nhưng từ HS đến giáo viên mấy ai nhìn thấy bức tranh ấy? Đây chẳng phải là dạy và học rập khuôn, ăn theo nói leo và học vẹt sao?

Trước năm 1975, ở miền Nam, chương trình học văn lớp 9 về Truyện Kiều chỉ trích có 4 đoạn ngắn. Giải nghĩa các từ Hán Việt, điển tích và phân tích sơ. HS thời đó đa số mê văn nên tự tìm hiểu thêm. Bây giờ sách văn lớp 9 Truyện Kiều trích đến 5 đoạn dài, phân tích quá tỉ mỉ, hỏi những câu quá cao, quá khó. Học mà không hiểu nên cứ lấy sách giải xào qua đổi lại để thành bài làm lấy điểm.

TRẦN THANH TUYÊN (Xã Xuân Sơn, H.Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu)


Tả con mèo

Một phụ huynh tại Q.7 (TP.HCM) xin giấu tên kể lại câu chuyện sau: Cô giáo yêu cầu HS tả con mèo nhà em.

HS tả: “Con mèo nhà em chăm chỉ, mỗi đêm bắt được nhiều chuột. Em thường thưởng cho con mèo nhà em một con cá to”.

Nhưng cô giáo sửa lại đoạn văn này: “Em thưởng cho con mèo nhà em một tô cơm và vài con cá nhỏ” (cho giống mẫu hướng dẫn).

Vị phụ huynh này không đồng tình và đến trường hỏi vì sao cô lại sửa bài của con mình như vậy.

Cô giáo này lý giải: “Chỉ có nhà giàu mới thưởng cá to. Thưởng cho mèo cá to rồi nhà lấy gì mà ăn”.

Tả ông nội

Một phụ huynh HS của Trường tiểu học Điện Biên (Q.10, TP.HCM) kể cô giáo ra bài tập làm văn tả về ông nội của mình.

Cháu viết: “Ông của em râu tóc đã bạc phơ, ánh mắt nhìn thật hiền từ”. Trong khi ông nội của cháu năm nay mới hơn 50 tuổi, tóc chưa hề bạc.

Tôi hỏi: “Sao đề bài yêu cầu tả ông nội của mình mà con tả ai vậy?”.

Cháu trả lời: “Cô giáo nói người già thì râu tóc phải bạc phơ”!

M.L - B.TH (ghi)

Nguồn thanhnien.com.vn

4Rập khuôn là... giỏi! Empty Re: Rập khuôn là... giỏi! 5/12/2012, 4:55 am

Phượng hồng

Phượng hồng
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Thói quen làm theo mẫu từ những bậc học đầu tiên trong đời sẽ khiến học sinh thui chột khả năng sáng tạo, lúng túng trước những tình huống ngoài khuôn mẫu.

Chưa kịp yêu đã chán

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng: “Ở bậc tiểu học, trẻ có những suy nghĩ rất trong sáng, mỗi bài văn là một cơ hội để trẻ bày tỏ tình cảm, nhận thức, lòng yêu thương. Vậy thì thay vì áp đặt bằng cảm quan và văn phong của người lớn, hãy tôn trọng và hòa mình vào thế giới của các em”.

Rập khuôn là... giỏi! Lamvan10
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) trong một tiết học môn văn theo hướng không đọc chép, HS tự tổ chức và làm chủ giờ học - Ảnh: Minh Luân

Ông Tiến cho biết, có lần ông dự chuyên đề về tập làm văn ở một trường tiểu học, bài văn tả con đường đến trường. Có học sinh (HS) tả: “Nhà em ở ngay sau trường nên ngày nào em cũng trèo tường đến trường cho nhanh”. Cô giáo cho rằng tả như thế là không được. Thế nhưng theo ông Tiến, trước hết phải tôn trọng sự thật và tôn trọng sự trong sáng của học trò. Nhiệm vụ của giáo viên là làm thế nào để HS biết đưa nhiều chi tiết để bài làm chân thực, sinh động hơn. Còn việc có nên trèo tường để vào trường hay không thì giáo viên sẽ nói chuyện với HS đó ở một khía cạnh khác.

PGS Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng, văn học trong nhà trường là một bộ môn khoa học về văn chương. Vì thế nó cần được xem xét và đối xử như các bộ môn khoa học khác. Nghĩa là cũng có đúng/sai, có những tiêu chí khoa học. Tuy nhiên, theo ông Thống, do dạy văn là dạy và học về cách cảm thụ nghệ thuật, không thể dùng văn mẫu để yêu cầu HS cảm thụ đúng hướng... Với những tác phẩm đa nghĩa, cần khuyến khích HS đưa ra nhiều cách hiểu, cách cảm nhận độc đáo, sáng tạo, nhưng phải có lý, có căn cứ... chứ không phải muốn hiểu thế nào cũng được.

Nhà giáo Đặng Đình Đại, người có thâm niên mấy chục năm dạy văn ở bậc THPT cho rằng, hậu quả của việc học thuộc lòng theo văn mẫu rất nặng nề. Chấm thi tốt nghiệp THPT, ĐH sẽ thấy rõ nhất điều này. Nhiều bài văn giống nhau dù không ngồi cùng một phòng thi hay một hội đồng thi. Ấy là do các em được học thuộc văn mẫu để đi thi.

Ông Đại cho biết, kết quả của văn mẫu ở cấp học dưới khiến cho nhiều HS lên lớp 10, khi gặp đề đòi hỏi sáng tạo một chút là kêu khó và lúng túng không làm bài được. Làm văn theo mẫu từ khi bắt đầu học tập làm văn đã khiến HS chưa kịp yêu môn văn đã chán môn học này.

Làm hỏng tư duy diễn đạt, thuyết trình

Thói quen làm theo văn mẫu khiến cho khả năng tư duy, sáng tạo của các em bị mai một dần, thói quen đọc sách cũng không được hình thành vì nó không trở thành nhu cầu tự thân nữa. Ngày nay học văn nhưng HS không cần đọc tác phẩm mà chỉ học theo văn mẫu để làm bài. “Văn hóa đọc của giới trẻ mà chúng ta vẫn lo ngại cũng xuất phát từ điều này” - ông Đại nói.

Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng ở việc học và dạy môn văn, HS có yêu thích môn này hay không… mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến kỹ năng sống của HS khi bước ra ngoài cuộc sống. Ông Đại cho biết, nhiều HS ra trường với kết quả học tập có thể rất cao nhưng lại “lơ ngơ” và thụ động trước mọi thứ. Cứ gặp tình huống không nằm trong khuôn mẫu là lúng túng, không biết phải ứng xử thế nào.

Một cán bộ của một tổ chức nước ngoài tại Việt Nam cho biết, khi tuyển dụng xin việc, nhiều bạn trẻ không đương đầu nổi với các câu hỏi đòi tư duy logic, biết cách trình bày quan điểm của mình. Trong khi đó, để tìm cho mình những ứng viên thông minh, có tố chất và khả năng sáng tạo cao trong công việc, nhà tuyển dụng thường phỏng vấn những câu hỏi “kỳ lạ” để kiểm tra phản ứng, triết lý, tư duy riêng của ứng viên.

Mất dần cảm xúc

Bà Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng điều đáng lo ngại đặc biệt là nhờ một bài mẫu làm sẵn hoặc dàn bài khai thác thật hoàn hảo, HS có thể đạt được điểm văn cao nhưng chất văn vẫn không thấm vào trong tình cảm của các em. Bà Dương Thị Mai Hương, cũng giáo viên trường này so sánh: “Nếu dạy theo kiểu đọc chép thì thầy là “máy dạy” và trò là “máy học”. Cái nguy hại của phương pháp dạy học này là làm thui chột tài năng của người dạy. Người dạy cứ theo một bài bản nhất định, lớp nào cũng thế, năm nào cũng thế, không cần phải học hỏi, trau dồi gì thêm, không cần phải giảng giải, tranh luận, xử lý tình huống sư phạm, dần dần trở thành một cái “máy dạy” văn”.

Theo nhiều nhà chuyên môn, dạy văn là dạy cho HS biết cách ăn nói, miêu tả, dùng ngôn từ đúng cảnh, đúng người, đúng tình huống diễn ra trong cuộc sống, và hơn nữa dạy cho HS biết cảm nhận và có cảm xúc thật để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. “Nếu với cách dạy văn không để hiểu, để cảm xúc mà chỉ đưa ra những bài văn mẫu hoặc viết đúng theo gợi ý của cô giáo thì liệu thế hệ con em chúng ta có còn những cảm nhận và cảm xúc thật để viết ra bài văn thật sự là của mình hay chỉ biết máy móc viết theo bài văn mẫu đã học thuộc hoặc viết y như lời cô giáo bày sẵn?”, một giáo viên suy tư.

Ý kiến

Khơi gợi cảm xúc thật của học trò

“Cần sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục, tập huấn giáo viên biết việc sử dụng sách tham khảo như thế nào là hợp lý. Các tổ chuyên môn sinh hoạt với nhau cùng có ý thức không làm việc phản sư phạm. Giáo viên phải dạy làm sao để HS hiểu được cái hay cái đẹp của văn chương, khơi gợi sao cho trò viết ra những cảm xúc chân thật chứ không nên lệ thuộc vào bài văn mẫu”.

Giáo sư Trần Hữu Tá - Nguyên Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Vun đắp tâm hồn

Cách dạy khuôn mẫu như thế sẽ làm thui chột suy nghĩ, mất đi tính phá cách của các em trong quá trình học tập. Theo tôi môn văn rất quan trọng. Môn học này không chỉ đơn thuần là học thuộc lòng những bài văn, bài thơ mà nó sẽ vun đắp tâm hồn con người, dạy ta biết yêu thương, biết lắng nghe, biết buồn vui... Vì vậy nếu cứ dạy theo kiểu văn mẫu, rập khuôn thì thật tội nghiệp cho thế hệ trẻ, chúng sẽ không biết cách cảm nhận cuộc sống.

Lê Văn Nhung (nhunglv@gmail.com)

Thiên Long - B.Thanh (ghi)

Tuệ Nguyễn

Sponsored content


Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Rập khuôn là... giỏi! Flags_1