Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1Hạnh phúc nhờ… gene Empty Hạnh phúc nhờ… gene 31/10/2012, 11:05 am

KHCN

KHCN
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Các nhà khoa học khẳng định rằng, hạnh phúc của đời ta không chỉ do ta tạo dựng mà còn ở mức độ rất cao phụ thuộc vào những yếu tố di truyền. Nếu điều này là đúng thì những ai không được thiên nhiên ưu đãi sẽ phải làm gì để có thể hạnh phúc?

Có lẽ mỗi người trong chúng ta bẩm sinh đã được quy định sẵn mức độ hạnh phúc có thể được hưởng trong đời, người nhiều, kẻ ít. Và điều này đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhà tâm lý học Ken Sheldon ở Trường Đại học Tổng hợp Missouri và của nữ GS - TS Sonja Lyubomirski thuộc Trường Đại học Tổng hợp California. Họ đã yêu cầu 666 sinh viên (vì sao đấy họ lại chọn đúng từng ấy sinh viên!) trong vòng một học kỳ ghi lại mọi sự việc diễn ra trong cuộc sống của mình và mô tả các cảm xúc nảy sinh khi những sự việc ấy diễn ra, cả tích cực lẫn tiêu cực. Những sinh viên tham gia thí nghiệm này cũng có trách nhiệm báo cáo về những việc mà họ đã làm để cải thiện tâm trạng cá nhân trong những khi buồn chán.

Phân tích những thông tin đã nhận được, hai nhà tâm lý học đã đi đến những kết luận rất đáng chú ý. Hóa ra là, những sự việc khả quan thì thường tác động đến các sinh viên tham gia thí nghiệm theo cách tương đối giống nhau, nhưng những chuyện không hay thì lại tác động đến họ rất khác nhau, theo kiểu mỗi cây mỗi hoa… Ai đó vì thất tình chỉ bị buồn rầu khoảng một hai tuần rồi lấy lại được thăng bằng và tiếp tục nhìn đời bằng “con mắt xanh non”. Còn ai đó thì bị ám ảnh rất lâu bởi những thất bại trong cuộc sống riêng tư, thậm chí có thể trở nên trầm cảm.

Nữ GS Sonja Lyubomirski nhận xét: “Hóa ra là, khoảng 50% lượng cảm xúc cá nhân về hạnh phúc phụ thuôc vào nền giáo dục mà ta đã được hưởng cũng như những hành động mà ta đã thực hiện. 50% còn lại chỉ có thể lý giải bằng những yếu tố thiên phú ở trong ta từ thuở lọt lòng, tức là bằng gene”.

Tự nhiên nảy sinh câu hỏi: Thế gene nào trong chúng ta là gene hạnh phúc?

Hạnh phúc nhờ… gene 19_han10

Ý nghĩa của kích cỡ

Theo các nhà khoa học, chịu trách nhiệm về cảm giác hạnh phúc của con người là nhiễm sắc thể số 17 – chính trong nó ẩn chứa gene 5-HTTLPR. Gene này thực hiện nhiệm vụ luân chuyển các chất truyền dẫn neurotransmitter serotonin, tức là hoócmôn hạnh phúc tới các tế bào thần kinh. Hoócmôn này giúp cho các tế bào thần kinh trên não phối hợp hoạt động một cách bình thường và đảm bảo hoạt động trôi chảy của hệ thần kinh nói chung.

Thêm vào đó, nó còn đưa chất serotonin cùng natri và clo vào tế bào và loại khỏi nó chất cali. Quá trình tinh vi này được gọi là sự chuyển giao các tín hiệu serotonin. Hoạt tính cao của serotonin sẽ tạo nên cảm giác sảng khoái. Khi mức độ hoạt động của nó xuống thấp thì tâm trạng của con người cũng u ám theo, dẫn tới khủng hoảng về tâm lý.

TS Jean - Emmanuel De Neve, một chuyên gia về hành xử của con người, GS thỉnh giảng ở Trường Kinh tế chính trị học London, đã phân tích dữ liệu của 2.500 người, tập trung vào việc ở họ có những dạng dị biến khác nhau (allele) của gene 5-HTTLPR. Hóa ra là những dị biến này có thể ngắn hoặc dài và trong đó, kích cỡ của chúng có ý nghĩa rất hệ trọng. Khi được cha mẹ di truyền cho loại gene này, chúng ta nhận được những allele khác nhau, thí dụ như dài – dài, ngắn - ngắn hoặc ngắn - dài…

TS De Neve đã chú ý tới việc những người mang dạng này hay dạng khác của loại gene trên mô tả những sự việc diễn ra trong đời họ. Và đã nhận ra rằng, 35% những người mang biến dị gene dài - dài rất hài lòng về cuộc sống của mình, còn 34 % thì hài lòng ở mức độ vừa đủ. Còn về những người mang biến dị gene ngắn - ngắn thì chỉ có 19% trong số học hài lòng hoặc rất hài lòng về cuộc sống của mình.

De Neve lý giải: “Nguyên do là, những biến dị gene khác nhau thì tác động bằng những mức độ khác nhau. Khi sự biến dị dài, thì gene hoạt động mạnh mẽ hơn. Các nhà khoa học từ lâu đã nói tới việc gene tác động tới trạng thái tâm lý của con người và những sự phụ thuộc khác nhau trong vấn đề này, nhưng tôi và các đồng nghiệp còn chứng minh được là, cả ở trong sinh hoạt đời thường nó cũng ảnh hưởng tới trạng thái hạnh phúc của con người”.

Như vậy là nếu ai đó được di truyền dạng biến thể gene dài - dài thì coi như họ bẩm sinh phải làm người bất hạnh. Hay nói một cách chuẩn xác hơn, anh ta sẽ bị bất hạnh nếu hành vi và cảm nhận thế giới của anh ta chỉ giới hạn bởi những yếu tố bản năng và các phản ứng thuần túy thể chất. May thay, con người còn được có khả năng tư duy và kiểm soát các hành động của mình nên dù trong bất cứ tình huống di truyền nào cũng còn cơ hội để sửa chữa những khiếm khuyết bẩm sinh.

Don’t worry, be happy

Cần phải làm gì nếu ta không may mắn bởi những allele trong lúc còn chưa ai nghĩ ra thuốc chữa bệnh bất mãn với cuộc sống? Nhà tâm lý học Sonja Lyubomirski đã thử đưa ra câu trả lời như sau: “Để bắt đầu thì cần phải hiểu, thế nào là hạnh phúc riêng của cá nhân ta. Chúng ta sẽ không đi sâu vào những triết lý rối rắm và chỉ cùng nhau dừng lại ở hai điểm chính. Thứ nhất, hạnh phúc, đó là cách đánh giá tổng quát về việc cuộc sống của bạn diễn ra như thế nào. Nói cách khác, tức là về việc bạn hài lòng với nó đến mức độ nào. Thứ hai, đó là tần suất mà bạn cảm thấy những xúc cảm lành mạnh, vui vẻ, thoải mái…”. Gene và những hoạt chất mà chúng tạo ra, trong đó có serotonin, phải chịu trách nhiệm về điểm thứ hai trên cơ sở thường xuyên, liên tục.

Chúng giúp ta cảm nhận cuộc sống một cách lạc quan ngay cả khi xảy ra những chuyện phiền muộn nào đấy. Thí dụ, người được thiên nhiên phú cho những gene “hạnh phúc” sẽ luôn bình thản trước cả những lời phê phán gay gắt và thậm chí cả những sự xúc phạm tới bản thân mình. Và những cảnh chen lấn trên các phương tiện giao thông công cộng cũng như những lời quở mắng của sếp sẽ không làm những người này cảm thấy đời mình thật tồi tệ.

Những người mà cơ thể không tạo ra được đủ lượng serotonin, luôn có xu hướng “công chúa giẫm phải gai” và coi bất cứ một sự cố nào dù nhỏ đến mấy là chuyện kinh thiên động địa. Họ luôn cảm thấy đời họ thất bại và những thành công cũng như những niềm vui sống nho nhỏ dễ gặp chỉ làm họ khuây khỏa trong giây lát. Chính vì thế mà họ hay bị khủng hoảng tinh thần nhất và dễ trở thành những con nghiện - nát rượu, thích chích choác… Họ buộc phải tìm niềm an ủi ngắn ngủi trong các tệ nạn.

Trong khi đó, theo ý kiến của nhà tâm lý học Sonja Lyubomirski, trong những phút yếu lòng, chúng ta cần phải tìm tới sự trợ giúp ở yếu tố quan trọng nhất của hạnh phúc - cảm giác thỏa mãn với những gì đang có. Mà muốn làm được như thế, cần phải rèn mình. Khi ta hiểu ra rằng, cảm giác hạnh phúc - đó là kết quả của quá trình trao đổi chất, của các hoạt động của cơ thể thì ta dễ đạt được cảm giác này hơn. Đó cũng giống như việc rèn luyện cơ bắp. Người bẩm sinh đã được có quá trình trao đổi chất tốt thì dễ có một thân hình đẹp mà không phải quá cố gắng tập luyện. Còn người vốn sinh ra đã không có được hệ tiêu hóa tốt thì luôn cảm thấy “khó ở” với chính bản thân mình. Trong trường hợp này có hai cách giải quyết vấn đề: hoặc là cứ tiếp tục than thân trách phận, hoặc quyết tâm tập luyện nhiều hơn những người khác để cũng được như họ.

Nữ GS Sonja Lyubomirski lý giải: “Để trở nên hạnh phúc, con người phải tự thay đổi. Trước hết cần phải nhìn lại cuộc đời mình để hiểu rằng, chẳng gì mình cũng được trời cho không ít. Rồi sau đó là rèn luyện bản thân mình. Và điều quan trọng là bạn sẽ tìm thấy điểm tựa ở trong niềm thích thú gì. Cá nhân tôi có thể nêu ra tới 12 chiến lược hành động để trở nên hạnh phúc”.

Đại đa số những lời khuyên đều cũ như trái đất: cần luôn luôn lạc quan trong bất cứ tình huống nào, luôn tự nhắc mình nhớ tới mọi điều tốt đẹp mà số phận đã dành cho mình, tránh xét nét bản thân và tự so sánh mình với những người khác. Hãy làm những việc tốt và không sợ mất công để xây dựng những mối quan hệ với những người thân. Hãy đặt cho mình những mục tiêu lớn trong công việc và phấn đấu đạt được chúng. Hãy dành thời gian cho những trò giải trí hoặc những niềm vui nho nhỏ, không hoảng hốt trước các vấn đề mà hãy bình tĩnh tìm cách giải quyết chúng. Hãy học cách tha thứ, quan tâm tới sự phát triển tinh thần của bản thân mình, rèn luyện cơ thể… Đó hoàn toàn là những việc rất đơn giản và hầu như ai cũng biết, có điều, nhiều người trong chúng ta đã thôi tin vào công dụng của chúng và chính vì thế nên không cảm thấy mình hạnh phúc.

Các nhà tâm lý học hiện nay đã không thể tìm được cách lại gần các bệnh nhân bất hạnh của mình nên không có gì lạ là, họ đã bắt buộc phải tìm tới các chuyên gia nghiên cứu về gene. Và một khi một ngành khoa học như gene học đã tuyên bố rằng, có hạnh phúc thì không ai không có thể trở nên hạnh phúc và việc cần làm chỉ là cải thiện quá trình trao đổi chất… Nói tóm lại, phải làm như nhan đề bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Mỹ lừng danh Bobby McFerrin Don’t worry, be happy (Đừng lo lắng gì cả, hãy vui lên) thì ta sẽ cảm thấy hạnh phúc.

Nguồn antgct.cand.com.vn

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Hạnh phúc nhờ… gene Flags_1