Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1Học kiểu mới Empty Học kiểu mới 21/10/2013, 1:20 pm

Phượng hồng

Phượng hồng
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Học sinh tự do chạy đến góc này, chạy sang góc kia, trao đổi một cách tự tin, thoải mái trong giờ học sẽ thay thế dần kiều ngồi ngay ngắn, im lặng răm rắp hướng về phía giáo viên.

Học kiểu mới Hs
Học sinh Trường tiểu học 1, thị trấn Năm Căn, H.Đất Mũi, Cà Mau trong giờ học theo mô hình “Trường học VN mới” - Ảnh: Tuệ Nguyễn
Quen với kiểu học sinh (HS) ở các trường tiểu học ngồi im lặng, hai tay đặt ngay ngắn lên bàn khi giáo viên giảng bài nên chúng tôi khá bất ngờ khi thấy rất nhiều lớp ở Trường tiểu học 1, thị trấn Năm Căn, H.Đất Mũi, Cà Mau có vẻ “lộn xộn” và ồn ào. Giáo viên thay vì đứng ở vị trí quen thuộc trên bục giảng thì đi lại như con thoi trong học lớp học.

Chủ tịch hội đồng tự quản thay cho ban cán sự lớp

 

Biên soạn lại sách giáo khoa cho phù hợp

“Trường học VN mới" xuất phát từ Colombia và được xem là mô hình giáo dục tiểu học tốt nhất ở khu vực nông thôn Mỹ Latinh. Đây cũng được đánh giá là mô hình sáng tạo của thế kỷ 21 bởi ngoài việc giúp HS trải nghiệm, phát hiện kiến thức thông qua các hoạt động theo nhóm, các em còn được kích thích sự sáng tạo, rèn luyện tính độc lập và sự tự tin trong mọi hoạt động.

Ở VN, nội dung kiến thức áp dụng tại các lớp VNEN vẫn đảm bảo theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình hiện hành nhưng đã được Bộ GD-ĐT biên soạn lại cho phù hợp. HS không học theo bộ sách giáo khoa hiện hành mà theo bộ sách được biên soạn lại.  Bộ tài liệu này được coi là “3 trong 1” khi cả HS, giáo viên và phụ huynh đều có thể dùng làm tài liệu học tập và giảng dạy.

Lớp khoảng 30 - 35 HS, chia thành 5 - 6 nhóm, mỗi nhóm 4 -6 em. Bàn học không kê theo hàng ngang hướng về phía bục giảng của giáo viên mà quây thành các nhóm khác nhau, có nhóm trưởng. HS trong nhóm sẽ cùng nhau học tập, tự đánh giá mình, đánh giá bạn và giáo viên sẽ là người hướng dẫn và đánh giá sau cùng.

Ở mỗi góc lớp là một góc học tập theo từng bộ môn với những tài liệu và đồ dùng học tập liên quan. Lớp được trang trí bằng những hình ảnh sinh động, hộp thư “Lời em muốn nói” cũng được đặt ở phòng học để HS chia sẻ những mong muốn của mình với giáo viên và nhà trường... Giáo viên di chuyển liên tục, đang ở nhóm này quan sát và hướng dẫn thì lại có nhóm khác mời cô sang giải đáp thắc mắc.

Những gì diễn ra trong các lớp học ở Trường tiểu học 1 thị trấn Năm Căn là một phần của dự án thí điểm mô hình “Trường học VN mới” (VNEN, viết tắt theo tiếng Tây Ban Nha), đang được Bộ GD-ĐT thí điểm ở bậc tiểu học tại 62 tỉnh thành trên cả nước với 1.447 trường năm học 2012 - 2013. Năm nay có thêm khoảng 200 trường nữa tự nguyện đăng ký tham gia.

Ở những lớp học này, ban cán sự lớp thay bằng chủ tịch hội đồng tự quản, trưởng ban học tập, trưởng ban kỷ luật, trưởng ban ngoại giao và các trưởng nhóm. Với mô hình này, HS được yêu cầu và tự trả lời câu hỏi hoặc tự làm bài tập theo yêu cầu của tài liệu, tự đánh giá tiến độ học của mình trên phiếu.  Từ đó, HS có ý thức, chủ động hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào thầy cô.

Tự tin với các lớp học như... chợ vỡ

Trường tiểu học Tả Thanh Oai, H.Thanh Trì, Hà Nội, là trường đầu tiên của Hà Nội được chọn để thí điểm mô hình này từ năm học 2012 - 2013. Đến nay giáo viên và HS cũng đã dần quen với các lớp học như... chợ vỡ.

Bà Hoàng Việt Hạnh, giáo viên của trường, cho biết: “Mới đầu khá mệt khi triển khai lớp học này vì việc chia lớp, quản lý lớp chưa đi vào nền nếp. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn các em đã bắt nhịp và bị lôi cuốn vào các tiết học như thế”. Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội, chia sẻ: “Tôi cũng không hình dung theo phương thức mới HS lại tự tin, mạnh dạn đến thế”.  Ông Tiến kể: “Đến những lớp học truyền thống, khi có đoàn kiểm tra vào hỏi han thì thường các cháu rất rụt rè nhưng ở lớp học này, các cháu nhao nhao xin trả lời các câu hỏi, đáng ngạc nhiên hơn là các cháu còn liên tục đặt câu hỏi ngược trở lại với chúng tôi. Có cả những câu hỏi như: bác bao nhiêu tuổi, bác đã có gia đình chưa, sở thích của bác là gì?...”.

Trường tiểu học Âu Cơ là một trong 4 trường của TP.Rạch Giá, Kiên Giang dạy thí điểm VNEN. Bà Trần Thị Liên, Hiệu trưởng, nhìn nhận: “Tuy tỷ lệ khá giỏi không tăng so với năm trước nhưng HS học theo mô hình này tự tin, biết cách tự học, tham gia tích cực vào các hoạt động, biết cách nhận xét, đánh giá bạn, tự đánh giá mình. Một số em sớm bộc lộ khả năng quản lý, điều hành các hoạt động của tổ, của lớp một cách linh hoạt, sáng tạo”. Nhiều giáo viên của trường này cũng cho rằng trong quá trình học tập, HS có nhiều cơ hội độc lập suy nghĩ, bộc lộ ý kiến riêng và phát huy năng lực hợp tác khi học nhóm.

Thể nghiệm đổi mới chương trình sau năm 2015

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Với mô hình VNEN, quan niệm về chương trình giáo dục khác với những năm trước đây”. Nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, tổ chức dạy học... là do các nhà trường, do chính các giáo viên chủ động làm. Sách giáo khoa không phải chỉ có một bộ mà giáo viên sử dụng rất nhiều tư liệu, từ nhiều nguồn khác nhau. “Do đó quan niệm một chương trình một bộ sách giáo khoa cần phải được thay đổi”, ông Hiển nhấn mạnh.

Theo ông Hiển, mô hình trường học mới là những thể nghiệm bước đầu cho việc triển khai đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015. Điều này giúp cho việc hoàn thiện và làm cho các nhà trường và phụ huynh quen dần khi chuyển sang mô hình mới một cách đại trà.

Ý kiến
Thay đổi căn bản phương pháp dạy và học

“Mô hình này buộc phải thay đổi căn bản phương pháp truyền đạt của giáo viên và cách tiếp thu kiến thức của HS. HS chủ động tiếp thu, lĩnh hội kiến thức”.

Phan Văn Khởi (Giáo viên Trường tiểu học 1, thị trấn Năm Căn, H.Đất Mũi, Cà Mau)
Làm những việc khác trước

“Tham gia mô hình này, giáo viên phải làm những việc rất khác trước đây. Thay vì soạn giáo án, giáo viên phải ghi nhật ký giảng dạy. Trong đó ghi những vướng mắc, hạn chế trong từng bài dạy; sự tiến bộ hay hạn chế của một số HS trong lớp, cách thể hiện vai trò của cá nhân trong hội đồng tự quản lớp”.

Trần Thị Liên (Hiệu trưởng Trường tiểu học Âu Cơ, TP.Rạch Giá, Kiên Giang)
Học sinh phải hiểu bài mới thôi

“Học theo mô hình này, số HS yếu giảm rõ rệt vì giáo viên không phải chạy theo tiến độ chương trình quá nhanh như hiện hành nên có điều kiện để giảng cho HS hiểu bài mới thôi”.

Châu Văn Tín (Hiệu trưởng Trường tiểu học Thới Bình C, H.Thới Bình, Cà Mau)
Tuệ Nguyễn

2Học kiểu mới Empty Re: Học kiểu mới 25/10/2013, 2:12 pm

Phượng hồng

Phượng hồng
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Sĩ số đông, cơ sở vật chất không đảm bảo, giáo viên không đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp… là những vấn đề mà ngành giáo dục phải đối mặt khi thực hiện mô hình trường học VN mới sẽ áp dụng đại trà sau năm 2015.

Học kiểu mới Hocsin10
Nhiều trường đã triển khai mô hình trường học VN mới nhưng vẫn chưa có các góc học tập theo đúng chuẩn của các nước - Ảnh: Tuệ Nguyễn
Chưa đúng mô hình khi áp dụng ở Việt Nam

Trong năm học 2012-2013, Hà Nội chỉ có một trường thực hiện mô hình trường học VN mới (VNEN). Đến năm học này, Hà Nội quyết định triển khai ở 50 trường. Tuy nhiên, nơi áp dụng nhiều chủ yếu vẫn tập trung ở khu vực ngoại thành.

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Những trường được chọn là sĩ số học sinh (HS)/lớp không quá đông, cơ sở vật chất phải đảm bảo. Những nơi sĩ số lên tới 50-60 HS/lớp thì rất khó để áp dụng mô hình này hiệu quả”. Cũng chính vì rào cản này mà theo ghi nhận của Thanh Niên, những trường “điểm” ở thủ đô hầu như chưa có trường nào thực hiện theo mô hình VNEN vì ở những trường này sĩ số HS/lớp thấp nhất cũng là 50. Những trường như Kim Liên, Nam Thành Công, Kim Đồng, Hoàng Diệu… đều lên tới 60 HS/lớp.

 

Những nơi sĩ số lên tới 50-60 HS/lớp thì rất khó để áp dụng mô hình này hiệu quả


Ông Phạm Xuân Tiến
(Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội)
Bà Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Trường tiểu học Tả Thanh Oai (H.Thanh Trì, Hà Nội), nơi đầu tiên thí điểm mô hình VNEN, cho biết: “Nếu lớp học quá đông thì rất vất vả đối với cả giáo viên lẫn HS, giáo viên cũng rất khó quan sát bao quát hết các nhóm nên đôi khi HS rất mất trật tự. Lớp học chật thì việc trang trí các góc cũng gặp khó khăn”.

Chính vì điều kiện phòng học thiết kế theo kiểu cũ chưa tương thích với mô hình mới nên theo ghi nhận của phóng viên, những góc học tập theo mô hình của VNEN dường như chưa thực hiện đúng khi áp dụng ở Việt Nam. Đồ dùng và tài liệu học tập nghèo nàn khiến những góc học tập này chưa thu hút được HS; thậm chí có nhiều lớp chưa có góc học tập này. Bà Trần Thị Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Âu Cơ, TP.Rạch Giá, Kiên Giang, cho hay năm nay trường có 16 lớp thực hiện VNEN nhưng kinh phí được đầu tư cũng chỉ được như trường có 1-2 lớp thí điểm. Do vậy không có kinh phí trang trí lớp, làm đồ dùng học tập như đúng mô hình.

Có những nơi phải thu hút từ nguồn đóng góp của phụ huynh để trang bị góc học tập. Chẳng hạn phụ huynh Trường tiểu học Thị trấn và Tiểu học Diễn Kỷ (H.Diễn Châu, Nghệ An) tự nguyện góp thêm bình quân mỗi lớp 11 triệu đồng và ngày công để đầu tư trang trí, mua sắm, thiết kế phòng học.

Khoảng cách giữa mục tiêu và thực tế

Do có thể lựa chọn nơi phù hợp nhất để thực hiện nên mô hình này khi thí điểm chưa bộc lộ hết những khó khăn về điều kiện dạy học. Song, khi triển khai đại trà mọi việc lại phức tạp hơn nhiều. Để áp dụng được mô hình VNEN, nhà trường buộc phải tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, với nhiều địa phương, điều này vẫn còn là mục tiêu khá xa vời.

Ông Mai Thanh Hải, Trưởng phòng GD-ĐT H.Trần Văn Thời, Cà Mau, cho biết: “Cả huyện mới có 20% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày. Mục tiêu phải tăng nhưng thiếu phòng học và có những trường HS phải đi học xa quá, nếu học 2 buổi/ngày thì đi lại cũng rất khó khăn”. Ông Lê Hoàng Dự, Trưởng phòng GD-ĐT H.Thới Bình, Cà Mau, thông tin cả huyện có 25 trường nhưng chỉ mới một trường HS học 2 buổi/ngày.

Chính vì vậy, gọi mô hình VNEN là mô hình trường học mơ ước, phương pháp giáo dục phù hợp với lứa tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang lại cho rằng vấn đề đặt ra là kinh phí để thực hiện. Bà Giang nhận định: Ngân sách đầu tư cho giáo dục có hạn trong khi đó lại có rất nhiều nhiệm vụ đặt ra. Khi tập trung cho học 2 buổi/ngày, cho xây trường chuẩn quốc gia thì sẽ không đảm bảo điều kiện tối thiểu cho các điểm lẻ. Trong khi đó, với đặc thù của Kiên Giang, một điểm trường chính có khi có tới 6-7 điểm lẻ. Toàn tỉnh có 624 trường học thì có tới 1.831 điểm trường. Nếu dồn sức cho điểm trường chính được học 2 buổi/ngày, xây trường chuẩn thì sẽ thiệt thòi cho điểm lẻ.

Ông Châu Văn Tín, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thới Bình C, H.Thới Bình, Cà Mau cũng cho rằng, khó khăn nhất là cơ sở vật chất, bàn ghế cũ, chưa có góc học tập. “Khi đi tập huấn, Bộ GD-ĐT nói sẽ có máy in, máy photo cho các trường thực hiện thí điểm, nhưng năm học mới vẫn chưa thấy có. Trong khi đó, mô hình này yêu cầu phải photo rất nhiều phiếu bài tập. Trong 3 tháng mà trường tôi đã phải chi tới hơn 20 triệu đồng cho việc photo tài liệu học tập, phiếu khảo sát HS”, ông Tín nói.

Ngoài ra, theo bà Trần Thị Liên, cái khó còn chính là từ giáo viên. Bà Liên cho biết: “Có thực tế là HS quen rồi nhưng giáo viên lại chưa quen được với mô hình mới, cách thức dạy học mới. Bao nhiêu năm thực hiện theo cách: cô nói, trò nghe. Giờ có khi HS lại nói nhiều hơn cô và cô phải nghe để cùng trao đổi nên một số giáo viên còn bỡ ngỡ”.

Năm học tới sẽ áp dụng ở cấp trung học

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Bộ khuyến khích các trường nếu không có điều kiện triển khai toàn bộ mô hình trường học mới thì có thể triển khai từng phần. Ví dụ, những góc học tập chưa xây dựng được thì vẫn có thể cho HS tự học từng phần bằng sách của mô hình này. Bộ GD-ĐT cũng đang nghiên cứu để áp dụng thực hiện thí điểm mô hình này với cấp trung học từ năm học tới.
Tuệ Nguyễn

3Học kiểu mới Empty Re: Học kiểu mới 27/10/2013, 7:48 pm

Phượng hồng

Phượng hồng
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Một điều dễ thấy, các mô hình hoặc chương trình học mới đang áp dụng ở các trường đều sử dụng "sách giáo khoa" riêng ngoài bộ giáo khoa chính thống.

Học kiểu mới Tai-li11
Học sinh Trường THCS Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM) học môn vật lý với bộ tài liệu do giáo viên của TP.HCM biên soạn
Người trực tiếp giảng dạy biên soạn tài liệu

Từ năm học 2011 - 2012, Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai thí điểm bộ tài liệu dạy học môn vật lý lớp 6 đến lớp 8 trong một vài trường THCS. Đến nay có khoảng 21 quận huyện đã sử dụng bộ tài liệu này.

Giải thích lý do thực hiện tài liệu này, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Do sách giáo khoa (SGK) hiện nay còn nhiều kiến thức hàn lâm và chỉ một nhóm chuyên gia thực hiện nên Sở biên soạn một bộ tài liệu hỗ trợ giúp giáo viên cũng như học sinh dễ hiểu, dễ sử dụng”. Cũng theo ông Chương, sản phẩm này được chính giáo viên trực tiếp giảng dạy thực hiện nên sẽ phù hợp với thực tế và yêu cầu của cuộc sống.

Từ năm 2009, Sở có chủ trương biên soạn bộ tài liệu hỗ trợ cho việc giảng dạy ở các trường THCS. Sở đã triệu tập hội đồng bộ môn gần 200 giáo viên tiến hành viết tất cả các môn học từ lớp 6 đến lớp 9. Mỗi bộ môn có khoảng 10 giáo viên có kinh nghiệm, vững kiến thức chuyên môn cùng bàn bạc, thảo luận với lãnh đạo Sở về chương trình, đưa ý kiến xây dựng, cấu trúc lại nội dung… Mục tiêu là tài liệu phải hay, dễ sử dụng để nâng cao chất lượng. Khi thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ nội dung, chương trình, chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ nhưng thay đổi về cách tiếp cận. Chẳng hạn, cũng là kiến thức lý thuyết nhưng khi đưa vào tài liệu phải gần gũi với đời sống học sinh.

Hiện nay tất cả các bộ môn đã có tài liệu dưới dạng bản thảo, tuy nhiên Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ mới đưa bộ tài liệu môn vật lý ra thí điểm. Giải thích lý do, ông Chương cho biết: “Khi SGK là pháp lệnh thì tất cả các tài liệu liên quan chỉ dừng lại ở mức độ tham khảo. Ngoài ra, vật lý là môn khoa học thực nghiệm nên giáo viên cũng như học sinh sẽ nhận thấy rõ sự khác biệt”.

Giáo viên hài lòng, học sinh hứng thú

Là người trực tiếp sử dụng bộ tài liệu này, bà Phan Thanh Thùy Linh, nhóm trưởng nhóm vật lý lớp 7 Trường THCS Hồng Bàng (Q.5), nhận định: “Điều đầu tiên khi tiếp cận với bộ tài liệu của Sở biên soạn là hình ảnh rất đa dạng nên tạo sự thích thú cho học sinh. Nội dung trong tài liệu vẫn bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng nhưng có tính ứng dụng, liên hệ thực tế khá cao, hướng dẫn thí nghiệm dễ hiểu, có tính lồng ghép, tích hợp”.

Cùng nhận định, bà Hồ Thị Tuyết Tơ, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết: “Tài liệu hay. Học sinh dễ hiểu, giáo viên truyền tải đến người học hiệu quả hơn. Nội dung trong bài cũng ngắn gọn. Đặc biệt có kênh hình đẹp, thực tế”. Ông Nguyễn Trung Anh Vũ, tổ trưởng bộ môn vật lý trường này, nói rõ thêm: “Điều đặc biệt của tài liệu là có nhiều ví dụ, hình ảnh đa dạng và in màu. Nhiều hình ảnh chụp thực tế, gần gũi với học sinh…”. Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Khi biên soạn tài liệu này, tôi và những anh em cộng sự cũng dày công chụp ảnh thực tế, sao cho vừa gần gũi với học sinh, vừa phù hợp với nội dung bài giảng”.

Hầu hết các học sinh mà chúng tôi tiếp xúc đều bày tỏ sự thích thú với bộ tài liệu trên. Trần Bội Trân, học sinh lớp 7 Trường THCS Hồng Bàng (Q.5), cho biết: “Tài liệu có phần luyện tập, học sinh có thể áp dụng ngay nên dễ nhớ, hiểu sâu về lý thuyết. Ngoài ra, nếu những kiến thức liên hệ thực tế của SGK rất chung chung thì trong tài liệu rất cụ thể”. Một học sinh của Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) nêu ví dụ: “Ở mục thế giới quanh ta, khi học đến kiến thức gương cầu lõm, trong tài liệu có đưa ra các ứng dụng của gương khi chế tạo bếp mặt trời. Khi học đến tác dụng của đèn led, chúng em còn biết phải tiết kiệm điện và đảm bảo an toàn điện khi sử dụng”.

Tuy nhận được nhiều phản hồi tích cực nhưng Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn còn rất dè dặt. Ông Chương cho hay: “Sở mới chỉ có kế hoạch thí điểm trên tinh thần tự nguyện để rút kinh nghiệm. Nếu trong thời gian tới nhà nước tiến hành thay đổi chương trình, SGK thì Sở sẽ tiếp tục huy động nguồn lực trong ngành, căn cứ vào chuẩn kiến thức để biên soạn lại các bộ tài liệu khác”.

Những bộ sách ngoài sách giáo khoa
- Bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại: Năm 2008 đánh dấu sự trở lại của bộ sách này khi Lào Cai xin thí điểm và sử dụng sách Tiếng Việt 1. Sau đó, Bộ GD-ĐT đã cho phép các địa phương khác nếu có nhu cầu thí điểm với số lượng tăng dần theo từng năm. Đến năm học này, có 37 tỉnh thành trong cả nước chính thức áp dụng bộ sách cho khoảng 200.000 học sinh lớp 1 và Bộ cũng chính thức tuyên bố việc sử dụng bộ sách này không còn là thí điểm nữa.

- Bộ tài liệu dành cho mô hình trường học mới (VNEN): Những địa phương áp dụng mô hình VNEN không sử dụng bộ SGK hiện hành mà bộ tài liệu biên soạn lại trên cơ sở chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình. Cả nước có khoảng hơn 1.600 trường tiểu học áp dụng mô hình VNEN.

- Bộ sách của nhóm Cánh Buồm: Do nhà giáo Phạm Toàn chủ trì, ra mắt vào cuối tháng 9.2010 gồm: Văn, Tiếng Việt, Lối sống, Tiếng Anh và Khoa học - công nghệ lớp 1. Hiện nay, nhóm tiếp tục giới thiệu và phát hành bộ sách của các lớp tiếp theo ở cấp tiểu học.

Tuệ Nguyễn

Phải có một chương trình thật chuẩn xác trước
Học kiểu mới Ong-da10Ảnh: Ngọc Thắng
Trao đổi với Thanh Niên, GS Đào Trọng Thi (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, khẳng định: “Chỉ có thể thực hiện được nếu xây dựng và ban hành được một chương trình chuẩn đủ chi tiết. Còn chương trình hiện nay thì không đáp ứng được yêu cầu đó”.

* Ông nghĩ sao trước thực tế có những bộ sách đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và cho phép thực hiện trong nhà trường một cách chính thức chứ không phải là sách tham khảo?

- Nếu chương trình như hiện nay mà có nhiều bộ SGK thì chuẩn kiến thức của các bộ SGK ấy sẽ khác nhau và học sinh có những nền tảng kiến thức khác nhau. Như vậy thì không đúng tinh thần một chương trình, nhiều bộ SGK. Phải có một chương trình đủ chi tiết để có thể biên soạn nhiều bộ SGK đảm bảo học sinh học bộ nào đều có một chuẩn kiến thức thống nhất để đi thi.

* Dù vậy nhưng việc các trường đang sử dụng những bộ sách khác ngoài bộ SGK hiện hành cũng cho thấy nhu cầu bức thiết về việc cần có nhiều bộ SGK. Theo ông, Bộ GD-ĐT có nên đề nghị sửa luật để được phép có nhiều bộ SGK hay không?

- Tinh thần là việc đổi mới chương trình - SGK sau 2015 phải được thực hiện một cách bài bản, tức là phải ban hành một chương trình chuẩn thật chuẩn xác, thật chi tiết đảm bảo cho phép biên soạn nhiều bộ SGK trên cơ sở chương trình đó. Chỉ khác nhau ở chỗ nhà nước không thể đầu tư cho nhiều bộ SGK vì nó quá tốn kém, bởi vậy nhà nước sẽ đầu tư cho một bộ SGK chuẩn. Còn các địa phương, các tổ chức, các cá nhân nếu có điều kiện, có ý tưởng thì có thể biên soạn nhiều bộ SGK khác. Nếu những bộ SGK đó thuyết phục được thầy giáo, học sinh thì người ta mua. Còn nhà nước thì không thể đầu tư được nhiều bộ SGK, chỉ có thể làm một bộ thôi.

* Theo ông, để thực hiện được mô hình một chương trình, nhiều bộ SGK thì điều kiện thiết yếu là gì?

- Nhiều bộ sách phù hợp với nhiều đối tượng, địa phương là tốt nhưng nó phải được tổ chức xây dựng một cách khoa học. Nghĩa là phải tổ chức ban hành bộ chương trình chuẩn một cách tương đối chi tiết và các bộ SGK nếu được đưa vào nhà trường thì cũng phải đảm bảo phản ánh đúng chương trình đó. Để an toàn nhất cho học sinh thì phải có cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cho phép.

Chúng ta cũng phải làm đúng quy trình, phải có chương trình trước và chương trình đủ chi tiết. Các trường lựa chọn một trong những bộ sách đó trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và khả năng của học sinh, địa phương.

* Qua đợt giám sát của Thường vụ Quốc hội về chất lượng giáo dục phổ thông thời gian qua, ông nhận thấy nhu cầu về nhiều bộ SGK của các địa phương có lớn không, thưa ông?

- Có rất nhiều nơi nêu nguyện vọng cần có nhiều bộ SGK khác nhau. Nhưng các địa phương cũng cho rằng điều đó chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta đảm bảo đủ những điều kiện như đã nói ở trên.

Tuệ Nguyễn (thực hiện)
Nguồn: Thanh niên

Sponsored content


Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Học kiểu mới Flags_1