Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Chuyện người thách đấu Công tử Bạc Liêu đốt tiền Laodon10
George Phước vào thập niên 1940
Vào các thập niên 1920 – 1930, Lê Công Phước (SN 1901) được giới ăn chơi khắp Nam, Trung, Bắc tôn sùng là “Ông hoàng Xứ Gan” (Prince de Galles) vì phong cách ăn chơi rất phong lưu mang dáng dấp của giới quý tộc phương Tây.

Danh xưng này ra đời ở ngay tại Paris tráng lệ, nơi Lê Công Phước luôn xuất hiện ở những nơi ăn chơi nổi tiếng dành cho giới quý tộc, thượng lưu, bên tay luôn kè kè một cô gái Nga xinh đẹp dòng dõi Sa hoàng…

Theo mốt du học

Lê Công Phước là con trai thứ tư của Đốc phủ Lê Công Sủng, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang.

Lê Công Sủng là người gốc Bình Định, được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Quận trưởng quận Châu Thành (tỉnh Mỹ Tho) vào đầu thập niên 1880.

Ông có nhiều vợ, trong đó có bà Đào Thị Linh là người Mỹ Tho, quốc tịch Pháp, họ có 1 đứa con chung là George Phước. Bà Linh bị bệnh lao chết khi còn trẻ, để lại cho cha con ông Sủng gia tài đồ sộ là của hồi môn khi bà lấy chồng.

Là người có máu làm ăn, biết tận dụng vị thế của mình, chẳng bao lâu Đốc phủ Sủng trở nên giàu có nhất nhì vùng Gò Công - Mỹ Tho, ruộng đất “cò bay thẳng cánh”.

Theo mốt thời thượng, Đốc phủ Sủng cũng cho con đi du học bên Tây. Do sớm xa gia đình, lại sẵn tiền bạc gia đình cung phụng vô điều kiện, Lê Công Phước sớm học đòi thói ăn chơi giữa chốn Paris tráng lệ, còn học hành chỉ cho có lệ.

Vốn mê cải lương từ nhỏ, George Phước dành thời gian học hàm thụ về sân khấu, thường xuyên la cà ở các nhà hát nổi tiếng ở Paris.

Sau nhiều năm “học tập”, George Phước về nước mà không đỗ đạt được bằng cấp gì. Sau khi đón rước rình rang đứa con đi học bên Pháp về, Đốc phủ Sủng mới biết con mình không học hành nên trò trống gì. Ông giận tới mức bắt phạt cậu “quý tử” gánh hồ phục vụ thợ xây khi ông cất ngôi nhà mới ở thành phố Mỹ Tho.

Biết lỗi của mình, George Phước đã chịu làm phụ hồ mấy tháng, nhờ đó mà ông Đốc phủ Sủng nguôi giận. Nếu như ông Đốc phủ Sủng không qua đời sớm vào năm 1927, khi mà George Phước còn quá trẻ, thì có lẽ sản nghiệp của Đốc phủ Sủng để lại không sớm tiêu tan vì đứa con yêu quý của ông sa vào con đường ăn chơi trụy lạc, chết không có đất để chôn.

Ăn chơi như quý tộc phương Tây

Sau khi Đốc phủ Sủng mất, được toàn quyền thừa hưởng gia sản kếch sù của cha mẹ để lại, Goerge Phước bắt đầu con đường ăn chơi vô độ của mình. Ông cùng một người bạn thành lập đoàn hát cải lương đặt tên Phước Cương.

Không chỉ ăn chơi trong nước, George Phước còn tính chuyện quay lại Paris tráng lệ để thỏa chí chơi bời.

Dịp đi Pháp đã tới, khi đoàn Phước Cương được mời qua Pháp biểu diễn năm 1931. Trong khi đoàn hát chỉ diễn chưa tới 10 suất, khoảng 1 tháng thì về nước, thì George Phước ở lại Paris những 2 năm.

Từng ở Paris nhiều năm, khi trở lại với rủng rỉnh tiền bạc, Lê Công Phước ăn chơi đúng kiểu quý tộc Châu Âu.

Trong gần suốt 2 năm 1931 – 1932 “đập phá” trên đất Pháp, không biết Lê Công Phước đã tiêu tốn bao nhiêu tiền, không biết bao nhiêu mẫu ruộng ở Mỹ Tho - Gò Công mà ông Đốc phủ Sủng dày công gầy dựng, đã đội nón ra đi.

Sau chuyến đi ấy, George Phước trở về nước với biệt danh “Ông hoàng Xứ Gan”.

Tại Paris, George Phước đã “sắm” cho mình một người tình quý tộc thuộc dòng dõi Nga hoàng Nicolai II, một cô gái Nga tuyệt đẹp tên là Princesse Olga.

Thời gian ở Paris, mỗi ngày George Phước đều mặc một bộ đồ khác nhau kiểu Habit hay Smoking, đầu đội nón Flécher, miệng ngậm xìgà, tay cầm baton bằng gỗ mun bịt vàng.

George Phước thuê hẳn phòng đặc biệt tại 1 khách sạn ở trung tâm Paris để ở dài hạn. Hàng ngày ông ăn nhậu ở nhà hàng danh tiếng Table des Mandarins, tối khoác tay người tình Princesse Olga tại các hộp đêm ở khu Champs Élysée....

Vào mùa hè, ông cùng các bạn tự lái xe xuống phía Nam, hưởng không khí trong lành tại các thành phố biển nổi tiếng của Pháp nằm bên bờ Địa Trung Hải như Cannes, Nice... Ban ngày họ tắm biển, thuê du thuyền đi ra biển câu cá, có khi ngủ đêm trên biển.

Để tăng thêm cảm giác, George Phước còn cùng Princesse Olga vượt rặng núi Pyrénées qua Tây Ban Nha xem đấu bò hoặc khiêu vũ cùng những võ sĩ bò tót.

Đến mùa đông, George Phước thích cùng Olga hưởng riêng lễ Giáng sinh tại Paris, sau đó hai người đi trượt tuyết ở núi Alpes hoặc các khu du lịch, thể thao mùa đông nổi tiếng khác.

Người Việt Nam đầu tiên đóng du thuyền

Sau gần 2 năm ăn chơi trên khắp nước Pháp, Lê Công Phước trở về nước. Thời đó việc đi lại ở miền Tây chủ yếu bằng đường sông. Các đại điền chủ ở miền Tây thường đi lại bằng ghe bầu, ai sang lắm thì sắm canô.

Nhờ học lỏm ở bên Pháp, George Phước đã cho đóng một chiếc du thuyền sang trọng để đi lại trên sông, thường đậu trên sông Bảo Định trước chợ Mỹ Tho. Đó là chiếc ghe bầu loại lớn, cao 2 tầng, trang bị đầy đủ các tiện nghi giống như du thuyền, có cả phòng ngủ riêng từng người, nhà vệ sinh, chỗ ăn uống, nơi ngồi câu cá giải trí…

Du thuyền di chuyển bằng động cơ nhập từ Pháp về, chứ không giống như hầu hết ghe bầu trên sông rạch miền Tây lúc bấy giờ di chuyển còn bằng chèo tay. Khỏi phải nói, những chiếc “du thuyền” có cả đèn điện đi tới đâu là gây xôn xao đến đó, người dân cứ trầm trồ về chiếc “ghe bầu nhà lầu” của George Phước.

Cũng chính Lê Công Phước đã đi đầu khi “sắm” cho mình 2 võ sĩ bảo vệ người Phi lai Pháp tên Puncher và Kid Demsey. Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy sau đó cũng bắt chước “sắm” 1 vệ sĩ là lính Tây của trung đoàn thuộc địa đóng ở Cần Thơ.

Một lần, vào năm 1933, Goerge Phước đưa gánh hát Huỳnh Kỳ từ Mỹ Tho đi lưu diễn các tỉnh miền Tây, ghé lại diễn ở nhà lồng chợ Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng ngày nay). George Phước luôn được người vệ sĩ Phi lai Pháp theo sát. Ngoài dáng vóc cao lớn, người vệ sĩ còn rất oai vệ với khẩu súng lục hiệu Browning 6mm 35 luôn kè kè bên hông.

Một bữa sáng, George Phước tự cầm lái chiếc xe thể thao hiệu Fiat đi ăn sáng tại một nhà hàng trên đường Đại Ngải – Sóc Trăng. Chiếc Fiat đậu không sát lề, bị một cảnh sát công lộ địa phương tới đòi xử phạt.

George Phước nhìn nhận mình có lỗi và móc tiền đóng phạt, nhưng người vệ sĩ người Pháp lai nổi nóng bật tiếng chửi thề. Viên cảnh sát cũng không vừa, hất hàm thách đố người vệ sĩ: “Mày ỷ có súng, nhưng dám bắn tao không?”.

Người vệ sĩ phân trần bằng tiếng Việt trước hàng trăm người dân bu quanh: “Bà con cô bác làm chứng giùm, tôi không chọc ghẹo anh ta, nhưng nếu anh ta thách tôi, tôi bắn ráng chịu”. Rồi một tiếng nổ chát chúa vang lên, viên cảnh sát ngã quỵ trên vũng máu trước sự kinh hãi của mọi người. George Phước chở viên cảnh sát đi bệnh viện và chở người cận vệ đến sở cảnh sát nộp mình.

Thời đó, xâm hại đến cảnh sát là tội rất nặng, nhưng chỉ một thời gian sau, nhờ George Phước lo lót, người vệ sĩ được ra tù, tiếp tục làm vệ sĩ cho ông đến năm 1945.

Khi Pháp trở lại chiếm Nam Kỳ, người vệ sĩ ấy trở thành cảnh sát trưởng một quận ở tỉnh Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang).

Thời ấy, cải lương là bộ môn nghệ thuật giải trí phổ biến, nếu không nói là duy nhất, ở miền Tây. George Phước đã tậu về cả một gánh hát cải lương và đặt tên là Huỳnh Kỳ (cờ màu vàng, tượng trưng cho vua chúa).

Càng nổi bật hơn khi George Phước đã biến một đoàn cải lương vốn ăn ở tạm bợ thành một đoàn hát chính quy, sang trọng, được tổ chức chặt chẽ, đầu tư các phương tiện kỹ thuật tiên tiến nhất bên Pháp vào thời đó.

Ngoài chiếc du thuyền dành cho riêng mình, George Phước còn cho đóng thêm 3 chiếc du thuyền khác dành cho đào kép, thầy đờn và cả một đội bóng đá đi theo đoàn hát. Mỗi khi đoàn du thuyền chở gánh hát của George Phước ghé vào một bến chợ biểu diễn, đó thật sự là sự kiện trong vùng, tiếng tăm của George Phước nhờ vậy mà nổi như cồn.

Cũng từ đoàn hát Huỳnh Kỳ, George Phước đã gặp cô đào Phùng Há (sau này là NSND Phùng Há) và kết duyên chồng vợ. Cũng do đoàn hát Huỳnh Kỳ mà George Phước và Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy đã gặp nhau và làm nên giai thoại bất hủ “đốt tiền nấu chè đậu xanh”.

Nguồn: Lao động

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Chuyện người thách đấu Công tử Bạc Liêu đốt tiền Laodon11
NSND Phùng Há trên sân khấu Huỳnh Kỳ
Là người giàu có, ăn chơi phóng túng, lại mê sân khấu cải lương, nên khi gặp cô đào hát vang danh thời đó là “cô Bảy Phùng Há” (NSND Phùng Há sau này), George Phước đã quyết chinh phục cho bằng được. Họ thành vợ chồng và trong thời gian 7 năm có với nhau 2 đứa con. Họ đã có công làm cho nghệ thuật cải lương thăng hoa vào thập niên 1930. Nhưng chính thói ăn chơi vô độ của Goerge Phước đã làm cho cuộc hôn nhân tan rã, “cô Bảy” rơi xuống tận cùng bất hạnh.

Ông hoàng cải lương


Vào cuối thập niên 1920, sân khấu cải lương ở Nam Bộ như sôi động hơn với sự xuất hiện của một ngôi sao trẻ có tên “cô Bảy Phùng Há” ở gánh hát Trần Đắc. Năm 1929, gánh hát Trần Ðắc về trình diễn ở TP.Mỹ Tho gần nhà George Phước.

Vốn mê sân khấu cải lương, George Phước cũng có mặt trong đêm diễn đầu. Khi vãn hát, cô Bảy Phùng Há đi ra cửa sau thì thấy George Phước đã đứng đợi.

Tiếp theo, đêm nào George Phước cũng ngồi ở hàng ghế đầu để xem cô Bảy Phùng Há ca diễn. Để chinh phục cô Bảy Phùng Há, George Phước quyết định chọn cách đầu tư vào sân khấu cải lương.

Gánh hát Phước Cương do George Phước cùng người bạn thành lập quy tụ được rất nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ và nhanh chóng nổi tiếng. Cũng chính Phước Cương là đoàn lần đầu tiên đem cải lương ra Bắc và được đánh giá là 1 trong 3 sự kiện văn hóa-xã hội nổi bật trong năm 1932 trên đất Bắc (2 sự kiện còn lại là Hội chợ Kẹch Mếch và Chợ phiên trong vườn Bách thảo).

Ra Hà Nội cùng với đoàn Phước Cương, George Phước được Câu lạc bộ 15 (hầu hết là những người quen từ bên Pháp) đón tiếp đặc biệt trọng thể. Khách sạn Métropole còn dành cho George Phước một căn phòng danh dự mà không lấy tiền trong suốt thời gian lưu lại trên đất Bắc.

Đáp lại, cậu George Phước sẵn sàng đưa những cô đào lừng danh trong làng kịch nghệ phương Nam phục vụ mọi lúc mọi nơi theo yêu cầu của nhóm Câu lạc bộ 15.

Nhờ tiếng tăm “ông hoàng George Phước” và nhờ sự lăngxê của Câu lạc bộ 15, đoàn Phước Cương đã gây tiếng vang trên đất Bắc. Sự kiện này đã khơi mào cho những đợt sóng cải lương đi lưu diễn miền Bắc trong những thập niên sau đó.

Trở về từ chuyến lưu diễn đất Bắc, George Phước kết hôn cùng cô Bảy Phùng Há và thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ để bà Phùng Há làm “bầu”. Gánh hát Huỳnh Kỳ quy tụ nhiều tài danh thời đó và trở thành gánh cải lương có quy mô lớn nhất ở vùng lục tỉnh Nam Kỳ.

Dưới sự điều hành của cô Bảy Phùng Há, tiền bạc và kiến thức sân khấu Tây học của George Phước, gánh Huỳnh Kỳ được trang bị hiện đại, cách tân mạnh mẽ và trở thành hiện tượng của cải lương thời bấy giờ.

Gánh hát Huỳnh Kỳ với thực lực hùng hậu, lưu diễn miền Tây, đến tỉnh nào cũng đông đảo khán giả coi hát bằng xuồng đậu chật bến. George Phước còn cho xây dựng rạp hát hiện đại cùng tên Huỳnh Kỳ bên cạnh ngôi nhà đồ sộ của ông tại TP.Mỹ Tho.

Rạp Huỳnh Kỳ suốt thời gian dài là “thánh đường” của sân khấu cải lương, góp phần giúp môn nghệ thuật cải lương nói chung và gánh hát Huỳnh Kỳ nói riêng đạt đến “thời hoàng kim” trong thập niên 1930.

Về chuyện tình giữa mình và George Phước, sau này bà Phùng Há thừa nhận, ngay từ khi mới biết nhau, George Phước đã đeo đuổi bà như hình với bóng.

Là một ngôi sao đã sớm thành danh, cô Bảy Phùng Há không phải dễ xiêu lòng trước sự giàu sang phú quý. Nhưng chính sự quý trọng bà với tư cách là một nghệ sĩ, quý trọng nghiệp ca hát và cả những hiểu biết, ý tưởng mới lạ về nghệ thuật sân khấu của George Phước đã làm cho bà xiêu lòng.

Trong thời gian 7 năm chung sống, cô Bảy hạ sinh 2 người con, con trai đầu đặt tên Paul Lộc, con gái kế tên Suzane.

Thế nhưng, cùng với thành công trong sân khấu cải lương, thói ăn chơi hoang phí vốn có của George Phước càng có điều kiện bộc phát dữ dội hơn. Ông dồn hết thời gian, tiền của vào rượu chè, bài bạc, gái tơ, chẳng thèm ngó ngàng gì đến gánh hát.

Cô Bảy vừa lo con nhỏ vừa lo hoạt động nghệ thuật, không có thời gian cho việc điều hành quản lý, gánh hát Huỳnh Kỳ suy sụp, đào kép lần lượt bỏ đi. Cô Bảy đau khổ ôm 2 đứa con bị bệnh đi tìm chồng và bắt gặp George Phước đang sống với một cô gái trẻ đẹp tên là Marie Anne Nhị ở khách sạn Minh Tân. George Phước trách mắng vợ thiếu lịch sự, rồi xua đuổi 3 mẹ con cô Bảy.

Trở về, do không tiền chạy chữa, thuốc thang, hai đứa con lần lượt chết trên tay cô. Chôn cất con xong, cô Bảy làm thủ tục xin ly hôn chồng. Cô gắng gượng đứng dậy, làm lại từ đầu và chẳng bao lâu sau tiếng tăm cô đào Phùng Há lại nổi như cồn.

Chuyện người thách đấu Công tử Bạc Liêu đốt tiền Phung210
Giai thoại đốt tiền
Chính trong những ngày cùng cô Bảy Phùng Há và đoàn cải lương Huỳnh Kỳ đi lưu diễn đó đây, George Phước đã gặp Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (Ba Huy). Số phận run rủi hai người đàn ông ăn chơi nổi tiếng nhất nhì Nam Kỳ thời đó gặp nhau và để lại giai thoại bất hủ về chuyện đốt tiền.

Lần đó, gánh hát Huỳnh Kỳ do George Phước mới thành lập về hát ở Bạc Liêu, ngay sát nhà của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.

Lúc đó cả 2 người đều đang muốn chinh phục cô Bảy Phùng Há. Georege Phước đã mời Ba Huy đến xem tuồng hát, ngầm khoe việc mình tậu được đoàn hát nổi tiếng. Họ ngồi gần nhau trên hàng ghế đầu, xung quanh là nhiều quan chức tỉnh Bạc Liêu.

Lúc đó, cô Bảy Phùng Há đang diễn trên sân khấu trong rạp lờ mờ ánh sáng, khi rút thuốc hút từ trong túi, George Phước làm rơi tờ giấy bạc “bộ lư” (mệnh giá 5 đồng Đông Dương) xuống nền. Người chủ gánh hát cúi xuống tìm nhặt tờ giấy bạc, nhưng trong rạp tối mờ, nên tìm không ra.

Ba Huy hỏi: “Toa làm gì đó?”. George Phước thật thà đáp: “Moa làm rớt tờ giấy bạc “bộ lư”.

Không nói không rằng, Công tử Bạc Liêu móc túi lấy tờ giấy bạc “con công” (mệnh giá 100 đồng Đông Dương, tương đương khoảng 10 triệu đồng hiện nay) rồi lạnh lùng bật hộp quẹt đốt để làm “đuốc” soi cho George Phước tìm tờ giấy bạc bị rớt mất. Vụ việc ấy diễn ra trước mắt nhiều người, sau đó họ đồn thổi thành câu chuyện ly kỳ giữa Công tử Bạc Liêu và George Phước.

George Phước bị Ba Huy chơi một vố nặng, quá mất mặt trước mọi người và trước cô đào Phùng Há nên rắp tâm nghiên cứu cách trả đũa lại Ba Huy. Ông thách đấu mỗi người dùng giấy bạc, đốt từng tờ nấu nồi chè 1kg đậu xanh, ai nấu nồi chè sôi trước người ấy thắng.

Giai thoại kể rằng Ba Huy đã nhận lời thách đấu, địa điểm được tổ chức là trước sảnh nhà của Ba Huy. Kết quả là George Phước thắng, còn Trần Trinh Huy thì nói: “Chú em nhỏ tuổi nên háu thắng, qua nhường cho chú em thắng đó”.

Sau này có dịp ngồi nhậu với anh Trần Trinh Đức, con trai của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, anh Đức kể lại rằng: Lúc sinh thời, anh có hỏi cha về giai thoại đốt tiền. Ba Huy nói chuyện đốt tiền làm đuốc là có, còn chuyện thi đốt tiền nấu chè thì không. Ông nói với con: “Để tiền chơi gái cho sướng chứ mắc gì đem đi đốt”.

Chuyện tình trăm năm

Cách đây gần 15 năm, NSND Phùng Há, khi ấy đã gần 90 tuổi, đã có chuyến đi về huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Những người có trách nhiệm ở Phòng VHTT huyện Chợ Gạo đã đưa bà đến xã An Thạnh Thuỷ, vào ấp Thạnh Kiết.

Đến 1 ngôi nhà lá được cất sơ sài, trên cửa ghi “137 - tổ 3 - ấp Thạnh Kiết”, họ dừng lại. Xung quanh ngôi nhà là khu vườn rộng, nhưng ít được chăm sóc, nên cảnh vườn hoang tàn, cỏ dại mọc trên cả lối đi. Ông Nguyễn Hoàng Luỹ, lúc ấy 73 tuổi (nay đã mất), người chủ khu vườn, đã ân cần đón tiếp bà Phùng Há.

Ông Luỹ là con của ông Nguyễn Hoàng Phi vốn là người giàu có bậc nhất vùng đất Chợ Gạo vào giữa thế kỷ trước. Ông Nguyễn Hoàng Phi từng là bạn thân của George Phước. Ông Lũy là người gìn giữ ngôi mộ của George Phước suốt 50 năm qua sau khi ông này chết vì nghèo khó không có đất để chôn.

Chính ông Phi đã đưa thi thể George Phước về chôn trên đất nhà mình. Sau cuộc trò chuyện ngắn, ông Lũy đã đưa bà Phùng Há và những người khách ra phía sau vườn, nơi có một nghĩa địa nhỏ gồm hơn 10 ngôi mộ, xây bằng ximăng có, làm bằng đá ong xưa có và mộ đất cũng có. Mộ George Phước bằng đất, chỉ một nấm nhỏ, không bia.

Ngôi mộ đất nằm trong góc khu vườn vắng ấy không thay đổi hiện trạng trong suốt gần 50 năm. Sau một cuộc đời gần trăm năm với nhiều vinh quang, khổ nhục, NSND Phùng Há đã đi tìm nấm đất chôn một con người từng đưa bà lên đỉnh cao vinh quang nghệ thuật và cũng chính là người đẩy bà xuống tận cùng khổ nhục. Bà muốn làm theo ý Phật làm cuộc hỉ xả mọi ưu phiền trong đời nên tìm đến nơi chôn cất George Phước để xây lại ngôi mộ đàng hoàng cho ông ta.

Nguồn: Lao động

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Chuyện người thách đấu Công tử Bạc Liêu đốt tiền Laodon12
Mộ George Phước (màu sậm) được bà Phùng Há làm lại năm 1999
Chia tay bà Phùng Há, cuộc sống của George Phước chỉ còn là những chuỗi ngày ăn chơi vô độ. Số ruộng đất, tài sản còn lại vì vậy mà nhanh chóng tiêu tan. Ngôi nhà đồ sộ ở thành phố Mỹ Tho, rồi rạp hát Huỳnh Kỳ lớn nhất miền Tây cũng bị bán cho người khác. Hết tiền, bị cơn nghiện hành hạ, George Phước sống lang thang như kẻ ăn mày, rồi gục chết mà không có đất chôn.

Không kịp thực hiện lời nguyền


Sau khi chia tay bà Phùng Há, George Phước càng ăn chơi vô tội vạ và bắt đầu lao vào nghiện ngập. George Phước dẹp gánh hát Huỳnh Kỳ, bán nốt mấy chiếc ghe bầu để lấy tiền ăn chơi tiếp. Rồi nhà cửa, ruộng đất ở Mỹ Tho, Chợ Gạo cũng lần lượt bị ông ký bán. Khi không còn gì để bán, không có tiền thuê nhà, ông ra đường và sống lang thang trong vườn Ông Thượng (công viên Văn Hóa TPHCM ngày nay) cùng với những người ăn xin khác.

Trong cả cuộc đời ăn chơi vô độ và hào phóng, George Phước có nhiều bạn bè, nhiều người thọ ơn ông. Ông hoàn toàn có thể nhờ cậy một chỗ tá túc, thậm chí cả chuyện ăn uống, chữa trị bệnh tật. Thế nhưng, ông không làm thế do lỡ mắc một “lời nguyền”.

Ngày còn ngồi trên cả đống tiền của, có kẻ hầu người hạ, trong những cuộc ăn chơi vô độ, George Phước thường tuyên bố trước bạn bè rằng, nếu sau này ông sạt nghiệp, trở nên nghèo khó, ông sẽ tự tay lái chiếc xe hơi chạy ra Cấp (Vũng Tàu) và đâm đầu xuống biển để chết theo xe, chứ nhất định không nhờ vả vào ai.

Cái nghèo đã ập đến quá nhanh, khi giật mình nhận ra mình đã “sạt nghiệp” thì George Phước cũng chẳng còn chiếc xe hơi nào.

Giữ đúng “lời nguyền” ngày trước, ông nhất định không nhờ vả ai. Hết tiền ăn chơi, nhà cửa không còn, lại nghiện nặng, thân tàn ma dại, ông sống cảnh lang thang rày đây mai đó ở Sài Gòn và trải qua những ngày tháng cuối đời như kẻ vô hồn trong vườn Ông Thượng.

Vườn Ông Thượng, một khu vườn rộng nằm ở trung tâm TPHCM hiện nay có tên là Công viên Văn Hóa TPHCM (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1).

Từ năm 1950 đến cuối thập niên 1970 khu vườn có tên là Vườn Tao Ðàn. Trước đó nữa khu vườn này có tên là “vườn Ông Thượng”.

Khoảng đầu thế kỷ 19, Tổng trấn Gia Ðịnh là Lê Văn Duyệt đã lập ra tại đây một vườn cây cảnh để thỉnh thoảng ông cưỡi ngựa đến thưởng lãm, từ đó dân gian quen gọi nơi này là “vườn Ông Thượng”. Khi Pháp xâm chiếm nước ta, khu đất này trở thành khuôn viên Dinh Toàn quyền Pháp ở Đông Dương.

Năm 1869, người Pháp cho xây con đường Miss Clavell tách khu vườn khỏi dinh, đặt tên khu vườn là "Jardin de la Ville", nhưng người Sài Gòn vẫn gọi đó là "vườn Ông Thượng".

Đến thập niên 1940, vườn Ông Thượng trở thành công viên chính của Sài Gòn với hàng ngàn cây xanh cổ thụ. Khu vườn là nơi vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao của người dân thành phố. Đây cũng là chốn nương thân của trẻ em lang thang, những người cơ nhỡ, những băng nhóm bụi đời.

Chết trong nghèo khổ, cô độc

George Phước đã sống nghèo khổ, bệnh tật lay lắt nhiều tháng trời trong vườn Ông Thượng. Cho tới 1 ngày ông không thể ngồi dậy để đi xin thuốc, ông chỉ còn nằm chờ chết.

Tình cờ một người bạn đồng hương Mỹ Tho của ông tên là Nguyễn Hoàng Phi (cha của ông Phi trước là huyện Chung từng là bạn thân của Đốc phủ Sủng - cha của George Phước) phát hiện George Phước đang nằm chờ chết trong vườn Ông Thượng. Ông Phi đã đưa người bạn nghiện ngập, nghèo khó về quê nhà Chợ Gạo (Mỹ Tho) để chăm sóc, chữa bệnh.

Có người cho rằng, việc đưa George Phước về nhà ông Phi ở Chợ Gạo là do sự sắp xếp của bà Phùng Há, vì lúc đó dù bà đã có chồng khác, nhưng vẫn theo dõi chuyện suy sụp, nghèo khổ của người chồng cũ và tìm cách giúp đỡ.

Bà không thể trực tiếp lo cho người chồng cũ, nên đã nhờ ông Phi (từng là bạn của bà và George Phước) đứng ra lo cho “ông hoàng” đã sa cơ. Có thể, nếu còn tỉnh táo thì George Phước đã từ chối sự giúp đỡ của ông Phi, thà nằm chết ngoài đường còn hơn nuốt “lời nguyền” nhờ vả người khác, dù đó là bạn thân.

Một chiều cuối năm 1949, trên chuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho, George Phước đã trở về cố hương Mỹ Tho sau nhiều năm xa cách.

Ngày rời khỏi Mỹ Tho ông là một “ông hoàng” ruộng đất cò bay thẳng cánh, nhà cao cửa rộng. Giờ ông trở về cố hương trong nghèo khó, bệnh tật, ông buộc phải sử dụng xe lửa – một phương tiện bình dân mà ngày xưa ông không thèm bước chân lên.

George Phước được ông Nguyễn Hoàng Phi đưa về nuôi nấng, chữa trị trong ngôi nhà ở thị trấn Chợ Gạo (nay là trụ sở của một cơ quan huyện Chợ Gạo), lúc ấy ông chỉ còn da bọc xương.

Nếu với tâm lý thoải mái, còn yêu thương cuộc sống, còn khao khát ở lại với đời, có thể George Phước đã vượt qua hoàn cảnh trong sự giúp đỡ tận tình của người bạn tên Phi.

Thế nhưng, khi tỉnh táo nhận ra mình phải nuốt lời nguyền, sống nhờ vào người khác, George Phước đã bị giày vò, cùng với những cơn đói thuốc triền miên, rồi bệnh tật kéo dài, ông đã chết sau đó mấy tháng, vào khoảng giữa năm 1950, khi mới 49 tuổi.

George Phước qua đời không có người thân nào bên cạnh, ngoài người bạn tên Phi. Bên quan tài không một chiếc khăn tang, lúc động quan không có tiếng khóc của người ở lại.

Hầu hết người ông quen biết đều sống ở Sài Gòn, thời ấy thông tin liên lạc khó khăn, giao thông cách trở, vì vậy mà không ai có thể từ Sài Gòn vượt gần 100 cây số đến Chợ Gạo tiễn đưa một “ông hoàng” đã sa cơ.

Ông Phi mua cho người bạn vắn số chiếc áo quan bằng gỗ tốt, thi hài được quàn tại nhà 1 ngày đêm, trước khi được xe thổ mộ chở về ấp Thạnh Khiết, xã An Thạnh Thủy cách đó chừng 5 cây số để chôn.

Chiếc xe thổ mộ chạy trên con đường đá lởm chởm, hai bên đường là những thửa ruộng một thời thuộc sở hữu của Đốc phủ Sủng, về sau được George Phước thừa kế.

Những cánh đồng cò bay thẳng cánh ấy giờ đã thuộc về người khác, nên xe phải chở quan tài đi thật xa mới có chỗ để chôn, trên phần đất nằm trong góc khuất của gia đình ông Phi. Một nấm đất nhỏ được đắp lên vội vã để chôn vùi một con người từng ăn chơi khét tiếng vùng đất Nam Bộ, bên trên không có tấm bia mộ nào.

Ngôi mộ đất “vô chủ” ấy nằm trong góc khu vườn vắng không thay đổi hiện trạng trong suốt gần 50 năm. Cho đến một ngày cuối năm 1999 khi bà Phùng Há tìm đến.

Trước khi tuân theo mệnh trời đi về cõi vĩnh hằng, bà Phùng Há đã tới nơi chôn cất người chồng cũ để xây lại cho ông một ngôi mộ đàng hoàng.

Nguồn: Lao động

Sponsored content


Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Chuyện người thách đấu Công tử Bạc Liêu đốt tiền Flags_1