Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Dấu tích trung tâm tỉnh lỵ xưa Dau20t10
Rạch Tây Ninh trước Toà Bố cũ
Giả dụ rằng năm 2016 sẽ có đại lễ kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Tây Ninh (1936 - 2016). Khi ấy sẽ có người quan tâm đến lịch sử hình thành đô thị. Và họ sẽ hỏi về những dấu tích của Tây Ninh thời quân chủ và thời thuộc Pháp. Chẳng lẽ người Tây Ninh ta lúc ấy lại chỉ cho khách xem mỗi một cái cầu Quan? Mà xem lướt thì còn được! Chứ xem kỹ thì chẳng nên, vì cái cầu Quan thật sự xây năm 1924 đã mất rồi. Cầu Quan mới chẳng qua chỉ là nhắc lại một hình hài xưa cũ. Xương thịt cầu mới bây giờ đã là những dầm đúc sẵn mịn màng bền chắc của bê tông Châu Thới và rộng gấp đôi cầu ngày trước. Ngay cả những chân cầu cũng đã khác xưa. Thay cho kiểu giàn với những thanh xiên, trụ đứng gầy gò là những trụ bê tông đặc tròn quây lực lưỡng.

Công trình duy nhất có từ thời Pháp thuộc vẫn hiện diện trên phố phường Tây Ninh giờ đây có lẽ chỉ còn ngôi khám đường, nằm ở đầu đường Trần Quốc Toản, sát bên toà báo tỉnh. Cũng chỉ còn lại vài dãy nhà nhỏ có tường gạch lở lói và mái ngói, hoặc tôn rỉ sét. Nghe đâu nó cùng thời với ngôi toà án trước kia nằm bên phần đất nay là Công viên 30.4 Thị xã- khoảng những năm đầu thế kỷ 20. Chính là ở khám đường này, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh Hoàng Lê Kha đã bị giam cầm trước khi lên máy chém bởi Luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhưng khám đường đã có từ rất lâu trước đó. Bao nhiêu thế hệ tù nhân đã bị đoạ đày?

Ngày thứ hai, 20.5.2013 di tích khám đường nói trên được khởi công trùng tu tôn tạo. Thật là may, vì đó là dấu tích kiến trúc hầu như duy nhất ở thị xã Tây Ninh ta thời Pháp thuộc. Thật ra, vẫn còn một vài ngôi kiến trúc khác nhưng nó lại nằm ở những nơi quá “kín cổng cao tường” nên rất ít người biết tới. Xin trở lại những công trình ấy ở cuối bài.

Nói đến di tích vật thể xưa, cũng cần và nên nhớ lại những kiến trúc trung tâm đã bị “khai tử” trong gần 20 năm qua. Hạt nhân của quy hoạch ấy, chắc chắn là toà Bố- trụ sở của quan Tham biện (tức quan đầu tỉnh) người Pháp ngày xưa. Toà Bố hai tầng, mái ngói. Ai muốn xem lại hình ảnh cũ, thì phải tới Bảo tàng. Toà Bố sau là toà hành chánh tỉnh (chế độ cũ). Sau 1975, nó được cải tạo lại làm trụ sở UBND tỉnh. Nhưng do quy mô quá nhỏ và quá cũ nên cuối cùng người ta cũng phải phá đi để xây mới hoàn toàn. Nhà vẫn ngự trên nền xưa, trên một ngọn đồi thấp quay về phía Tây nhìn xuống rạch Tây Ninh và những khu phố cũ.

Cũng trên bình độ ấy, bên phía Bắc đường Cách Mạng Tháng Tám lệch Đông một chút là thành Săng-đá, nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Săng-đá là thành do Pháp xây sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông năm 1862. Cũng tại vị trí này, trước đó là thành phủ Tây Ninh, mà theo “Đại Nam Nhất thống chí”, nó được xây từ năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Chỉ tồn tại có 2 con giáp (24 năm) nhưng bờ thành đắp đất đã được kiên cố hoá bằng những bụi tre gai. Các cụ kể, khi Pháp phá thành đất đi để xây thành Săng-đá bằng gạch đá thì đã tốn bao công sức, kể cả mẹo vặt như tung vài đồng bạc trắng vào giữa bụi tre để… dụ dân chặt phá tre mà tìm bạc.

Còn ở mé Nam trụ sở UBND tỉnh hiện nay, qua con đường Trần Quốc Toản chính là khu vực của Ty Cảnh sát thời Pháp thuộc. Nay khu ấy thuộc quyền quản lý của Công an tỉnh, nơi là phòng làm việc, chỗ là nhà khách. Một bộ phận quan trọng phục vụ cho các viên chức thuộc địa nữa, là bệnh viện. Trước kia bệnh viện nằm ở Công viên 30.4 hiện nay, cùng với các quan Toà. Bên “khu đất vàng” phía đối diện đang dở dang công trình xây siêu thị Bourbon cũng là một điểm y tế dành cho quân đội Pháp, đến thời Mỹ Diệm trở thành Quân y viện. Giá như Bourbon nhận đất sớm hơn, chắc đã không phá đi cái đài nước, chính là tháp nước cung cấp cho toàn bộ máy quan quân thời thuộc địa. Còn nhớ hôm thợ đánh thuốc nổ để phá các chân trụ tháp, cả khối tháp tròn to như cái lô cốt rớt cái đùng, gây rung như động đất. Vậy mà cả khối tháp ấy vẫn vẹn nguyên, chẳng sứt mẻ miếng vữa nào. Những người thợ phải hì hục đập búa tạ cả mấy tuần mới phá xong. Giờ giá như còn, hẳn các công ty lớn phải tranh nhau đấu thầu để gắn biển quảng cáo.

Giờ xin trở lại chuyện công trình kiến trúc còn lại từ thời Pháp thuộc. Ngoài trại giam kia ở ngay trước mắt bàn dân thiên hạ, thì vẫn còn trong khu Tỉnh đội hai toà nhà có kiến trúc rất đặc trưng của thời thuộc địa. Một ngôi trệt có mặt bằng vuông cạnh khoảng 19 mét. Ngôi kia một trệt, một lầu, mặt bằng chữ nhật khoảng 16 x 24 mét. Nhà nào cũng có hành lang rộng rãi vòng quanh. Ngoài cùng là các cột gạch xây có mũ cột và liên kết nhau bằng các vòm cong xây gạch. Chẳng biết công trình xây khi nào nhưng chắc chắn lúc đó còn chưa có xi măng, nên sàn, mái đều được làm bằng vòm gạch xây bắc qua các cây đà thép. Chắc chắn đây là các ngôi nhà có tuổi đời cao nhất ở tỉnh ta. Ở về phía Tây, lẩn khuất giữa các ngôi nhà mới xây vài chục năm qua, cũng còn nguyên một cái cổng thành Săng-đá với 2 trụ cổng kích thước 70 x 140cm. Tường hai bên trụ xây gạch dày 4 tấc. Thành ra có thể nói, muốn tìm di tích thời thuộc địa tốt nhất là vào Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh mà thôi.

Nguồn: Tây Ninh

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Dấu tích trung tâm tỉnh lỵ xưa Flags_1