Trong tháng 4/2013, đội khám phá sao Hoả của NASA sẽ có một số ngày nghỉ “bắt buộc” trong khoảng 17 đến 21 ngày. Nguyên nhân không phải là do cắt giảm ngân sách mà là vì sao Hoả sẽ ở vào vị trí giao hội với Mặt trời, lúc đó các liên lạc với tàu thăm dò sẽ rất khó thực hiện, thậm chí là không thể. Trong thời gian này, bộ phận kiểm soát sứ mệnh sẽ hạn chế hoạt động của các tàu vũ trụ không người lái thăm dò sao Hoả và sẽ không gửi bất cứ tín hiệu lệnh nào mới.
Vào tháng Tư, sao Hoả và Trái đất sẽ nằm ở 2 phía đối lập nhau qua Mặt trời. Vì tốc độ quay khác nhau của 2 hành tinh nên hiện tượng này sẽ xảy ra vào mỗi 26 tháng và vì sao Hoả ở gần vị trí phát xạ mạnh của Mặt trời nên có thể làm gián đoạn việc thông tin liên lạc với các tàu thăm dò bay quanh sao Hoả hay đang làm việc trên bề mặt hành tinh đỏ. Hiện tượng này sẽ trở nên rõ ràng trong năm nay khi sao Hoả sẽ bay ngang qua đĩa Mặt trời ở một góc chỉ 0,4 độ vào ngày 17/04/2013.
Thêm vào đó, đây là thời gian đỉnh điểm của hoạt động mặt trời theo chu kỳ 22 năm. Mặc dù Mặt trời sẽ không quá xáo động so với bình thường, nhưng hoạt động của nó cũng đủ xoá sạch hoặc gây nhiễu các tín hiệu liên lạc. Hiện tượng này không chỉ khiến việc truyền dữ liệu từ các tàu vũ trụ về Trái đất bị gián đoạn và cần phải gửi lại sau đó, mà còn ảnh hưởng tới các tín hiệu gửi đi từ Trái đất, vốn có thể gây hư hại cho các tàu thăm dò. Để hạn chế ảnh hưởng, bộ phận kiểm soát sứ mệnh ở phòng thí nghiệm tên lửa đẩy (Jet Propulsion Laboratory) ở Pasadena, California sẽ tập trung vào các công việc trên Trái đất và sẽ có một khoảng thời gian nghỉ.
Việc truyền dữ liệu đến các tàu Mars Reconnaissance Orbiter (MRO) và Mars Odyssey sẽ bị gián đoạn từ ngày 09/4 đến 26/4/2013. Mặc dù tàu Odyssey vẫn sẽ tiếp tục quan sát và gửi tín hiệu về Trái đất trong khoảng thời gian này, tuy nhiên các kỹ sư dự kiến dữ liệu của tàu Odyssey sẽ vẫn phải cần được gửi lại sau đó. Trong khi đó, tàu MRO sẽ chỉ hoạt động ở chế độ chỉ-ghi và thu nhận khoảng 60 gigabit dữ liệu từ các thiết bị của nó cộng với 12 gigabit tải lên từ tàu tự hành Curiosity đang hoạt động trên bề mặt sao Hoả. Trong thời gian xảy ra hiện tượng giao hội, tàu Curiosity vẫn sẽ cố gắng giữ liên lạc với bộ phận kiểm soát dưới Trái đất và cập nhật thông tin về tình hình của nó. Cùng lúc đó trên bề mặt sao Hoả, tàu thăm dò Mars Exploration Rover Opportunity sẽ tiếp tục công việc theo lịch đã lên trước đó.
Tàu khám phá sao Hoả Mars Express của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng giao hội giữa sao Hoả và Mặt trời, nhưng hiện tại thì ESA chưa đưa ra thông báo nào.
Các bạn có thể xem video dưới đây để biết thêm về cách NASA xử lý vấn đề giao hội giữa sao Hoả và Mặt trời:
Nguồn: Gizmag