Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1Chuyện lì xì Tết cho trẻ Empty Chuyện lì xì Tết cho trẻ 22/2/2015, 11:24 am

Phượng hồng

Phượng hồng
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Lì xì là một tập quán không thể thiếu trong ngày Tết của người dân Việt Nam và đã trở thành phong tục lâu đời.

Đó là việc bỏ một khoản tiền nhỏ tượng trưng vào phong bì màu đỏ có in những hình trang trí bên ngoài để mừng tuổi các em nhỏ nhằm mang đến sự may mắn, sức khỏe và những điều tốt đẹp trong năm mới. Hành động này cũng thể hiện tình yêu, sự gia phúc cho con trẻ.

Không chỉ trẻ nhỏ mà người già cũng được nhận “phong bao đỏ” từ con cháu, gọi là "mừng tuổi" với mong muốn được trường thọ.

Tuy nhiên, những ý nghĩa đó nay đã dần mai một.

Chuyện lì xì Tết cho trẻ Li_xi_10
Lì xì là một điều không thể thiếu trong những ngày Tết của người dân Việt Nam và đã trở thành phong tục lâu đời

Vui buồn chuyện lì xì Tết cho trẻ

Chị Phan Nguyễn Anh Thư (38 tuổi, quê Hậu Giang, kinh doanh buôn bán nhỏ tại TP.HCM) chia sẻ, 2 năm liền chị không về quê đón tết, năm nay quyết định về quê ăn Tết, thăm bà con, họ hàng. Trước khi về chị đã cẩn thận nhờ người đổi giúp 1 triệu tiền mới mệnh giá 20.000 đồng bỏ bao đỏ để lì xì các cháu. Tối 30 chị mang ra lì xì các cháu. Các bé rất mừng và cảm ơn rối rít. Tuy nhiên, sau khi mở phong bì lì xì, một cháu nhỏ của chị (mới 8 tuổi), buông một câu gọn ơ: "Tưởng gì, có 20 chục ngàn mà dì Ba cũng lì xì nữa".

Chị Thư chia sẻ: “Lâu ngày không về quê, cứ nghĩ con nít không biết xài tiền, lì xì để lấy hên đầu năm thôi. Ai ngờ cháu nó buột miệng chê ít. Cả bố mẹ của cháu lẫn chị đều cảm thấy khó xử trước câu nói của bé".

Đó là những trường hợp không phải là hiếm, tạo tình huống ngại ngùng cho cả phía phụ huynh lẫn khách đến chơi. Có trẻ thì chê ít, có trẻ lại nhắc khách là: “Cô/chú chưa xì lì cho cháu”, thậm chí có nơi phụ huynh còn nhắc khéo...

Anh Phan Thanh Bình (ngụ Q.3, TP.HCM) bộc bạch: “Năm nào mình cũng chuẩn bị rất nhiều tiền mới, cứ đến thăm xuân nhà ai có trẻ nhỏ là mình cũng lì xì, nhưng phải chăng vì thế mà tạo thói quen cho chúng. Bởi nhiều nhà, trẻ con cứ thấy người lớn tới chơi là lại chạy lên… đợi. Có khi mải nói chuyện quên không lì xì, ra cửa về chúng nhắc thẳng: "Chú chưa lì xì cho cháu". Cũng có khi chính phụ huynh lại nhắc: "Con ra khoanh tay ạ chú mừng tuổi đi con". Mình vội vã móc ví, vừa ngượng với chủ nhà vừa cảm thấy buồn. Nhiều lúc tôi cảm thấy sợ khi Tết đến”.

Giúp trẻ biết cách nhận và sử dụng tiền lì xì

Ngày nay, bắt nguồn từ tác động của kinh tế thị trường, khó tránh khỏi chuyện trẻ em coi trọng mệnh giá tiền lì xì. Có khi phong tục lì xì biến thành món hàng hóa trao đổi. Người lớn lì xì thật nhiều tiền cho con sếp để lấy lòng cha mẹ chúng; tục lì xì thành văn hóa “phong bì”.

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, ngày nay việc lì xì còn mang nhiều nghĩa khác trong những mối quan hệ xã hội dần hình thành thói quen sử dụng tiền có mệnh giá cao… Cho nên số tiền lì xì không còn là một khoảng tiền nhỏ tượng trưng, mà là một con số lớn, nhiều trẻ em Việt Nam sau mỗi tết có từ một đến vài triệu đồng là điều bình thường. Vì vậy, hướng dẫn trẻ cách nhận tiền lì xì nói riêng, quà cáp nói chung là một điều cần thiết trong mọi tuổi, với mục đích cho trẻ hiểu ý nghĩa của tiền lì xì, lễ nghĩa và học tính tiết kiệm.

Thực tế, cách ứng xử của con trẻ với chuyện lì xì từ lâu cũng đã được bàn tới nhưng có lẽ do nhiều phụ huynh lơ là, hay viện cớ “con nít” nên cứ thả con tự nhiên hành xử. Nhưng thực chất đấy là vấn đề rất đáng quan tâm. Bởi nó không chỉ thể hiện cách ứng xử của con trẻ mà còn là cách dạy dỗ, chỉ bảo của người lớn.

Lì xì là một trong những góc nhìn được bàn luận sôi nổi tại chương trình Lắng nghe và Trao đổi với chính quyền TP.HCM diễn ra hồi đầu tháng 2-2015. Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý ngày Tết, nếu để các cháu nhỏ chỉ nghĩ đến chuyện được lì xì thì sẽ không ổn.

Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, nhà nghiên cứu văn hóa: Truyền thống Việt Nam không bao giờ coi trọng quá đáng vật chất, không bao giờ coi trọng mệnh giá tiền lì xì. Song, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, nhiều người đã coi trọng mệnh giá đồng tiền, làm hỏng trẻ em, khiến các cháu cũng coi trọng đồng tiền. Ứng xử như vậy là hại chính mình, con cháu sẽ có thái độ coi trọng đồng tiền mà xem nhẹ tình cảm với cha mẹ, ông bà.

Chuyện lì xì Tết cho trẻ Li_xi_11
Văn hóa mừng tuổi trẻ em ngày Tết đã trở thành nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam

Chị Trần Hoài Thương (giáo viên mầm non tại TP.HCM) tình thiệt chia sẻ: “Gia đình tôi rất nhiều cháu. Khi người ta đến chúc tết, tôi thường nói các cháu lánh mặt. Tôi muốn các cháu không nên trông chờ những đồng tiền xì lì từ người khác cũng như tạo gánh nặng cho người khác. Nếu người lớn gieo cho trẻ 'kinh doanh' sớm quá, hậu quả về sau sẽ rất lớn. Trẻ con lớn lên từ đồng tiền thì sau này cũng sẽ nặng tiền hơn tình. Thời ấu thơ, tôi thường được người lớn lì xì bằng cái bánh cái kẹo, bằng cái xoa đầu, nụ hôn trên má đầy tình yêu thương. Chỉ cần như thế cũng đủ để con trẻ cảm nhận niềm hạnh phúc của ngày Tết”.

Giờ đây, những cái xoa đầu, những cái hôn lên má, những lời yêu thương chân thành từ người lớn dành cho con trẻ thật là hiếm hoi. Dẫu biết rằng mỗi thời mỗi khác, nhưng thời đại nào đi chăng nữa thì hãy đặt tình cảm lên hàng đầu.

Văn hóa mừng tuổi trẻ em ngày Tết đã trở thành nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam. Nhưng cần dạy cho trẻ nghĩa tình ngay từ nhỏ chứ đừng dạy trẻ tình cảm qua việc lì xì nhiều hay ít.

Phụ huynh cần giáo dục trẻ về "văn hóa lì xì" để biết được ý nghĩa của việc mừng tuổi, giúp trẻ nhận thấy giá trị tinh thần đẹp đẽ trong việc làm này, không làm nảy sinh tư tưởng so sánh giá trị số tiền. Ngoài ra, cần hình thành cho trẻ cách ứng xử tinh tế, khéo léo khi bày tỏ sự cảm ơn đối với người đã lì xì. Trân trọng và biết ơn giá trị của tiền mừng tuổi, bên cạnh đó cũng cần định hướng cho trẻ cách chi tiêu hợp lý, tránh lãng phí, đồng thời cũng tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra khi để trẻ tiêu tiền tùy tiện quá sớm.

Nguồn: CAO

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Lì xì đầu Xuân: Xin đừng biến trẻ con thành…người lớn!

Lì xì là một nét đẹp truyền thống, khi người lớn mừng những đồng tiền “lấy may” kèm lời chúc ý nghĩa dành cho con trẻ. Thế nhưng, theo thời gian, nét đẹp này dần bị biến tướng thành một “trò chơi” vật chất, cuốn cả người lớn và con trẻ vào chuyện tính toán, so bì phong bao lì xì “nặng – nhẹ”.

Hầu như ông bố, bà mẹ nào cũng đặt nhiệm vụ giáo dục con cái lên trên đầu, với những lời dạy dỗ, chỉ bảo trong mọi việc hàng ngày. Nhưng lạ thay, vào dịp Tết đến Xuân về, khi trẻ nhỏ được tiếp xúc với những phong tục ý nghĩa truyền thống, thì không ít vị phụ huynh lại “hồn nhiên” truyền bá suy nghĩ nặng vật chất cho con mình, thông qua những phong bao lì xì có giá trị từ vài trăm nghìn đồng tới cả triệu bạc.

Cầm trên tay những phong bao “nặng đô” đó, nhiều em đã bắt đầu có suy nghĩ so sánh thiệt hơn, khi sau đó, các em được nhận lì xì từ người thân hay hàng xóm, với giá trị chỉ bằng 1/10, thậm chí 1/100 so với món tiền mà cha mẹ mừng tuổi.

Rồi kéo theo đó, những lời chúc dù tốt đẹp tới mấy cũng nhanh chóng bị cho vào lãng quên, nếu như phong bao lì xì có số tiền mừng tuổi khiêm tốn.

“Ôi, chỉ có mỗi thế này thôi á?” – Câu nói không hiếm gặp này của con trẻ khi mở một phong bao lì xì “nhẹ tiền” có bao giờ khiến những bậc làm cha, làm mẹ phải suy nghĩ hay không? Rất sẵn lòng mừng tuổi con trẻ bằng một số tiền lớn, nhưng nhiều phụ huynh lại “kiệm lời” khi chẳng giảng giải hay chia sẻ với con về ý nghĩa của tục lì xì truyền thống, khiến những cái đầu non nớt chỉ biết… đếm tiền mừng.

Chuyện lì xì Tết cho trẻ Xfihtr10
Lời chúc tốt đẹp dành cho con trẻ đang bị đặt thấp hơn... giá trị phong bao lì xì?

Và tệ hơn nữa, khi không ít vị phụ huynh còn kém nhạy cảm tới mức đem chuyện lì xì qua lại ra bàn ngay trước mặt các em.

“Nhà ấy mừng tuổi mày bao nhiêu? Chỉ thế thôi á? Được rồi, biết thế để còn mừng lại!” hay “Bác ấy mừng nhiều thế cơ à? Thế thì được rồi, biết để còn mừng trả lễ!”

Rồi lì xì còn bị nhiều người đem vào kế hoạch “nịnh sếp” của mình, hoặc “thể hiện đẳng cấp gia đình”. Trẻ nhỏ thì không biết tới những điều đó, chúng chỉ rõ là được nhận một số tiền lớn, rất lớn, và nếu ai mừng ít tiền hơn thì tức là “không bằng chú ấy/bác ấy/cô ấy”. Từ lúc nào, “bài học” vật chất và so sánh thiệt hơn được ngấm nhanh tới vậy vào suy nghĩ của con trẻ?

Thậm chí, lối tư duy vật chất trong lì xì còn thể hiện rõ hơn trong môi trường các em học sinh cấp 2, cấp 3. Mặc dù chưa đi làm ra tiền, có những anh chàng “sĩ diện” vẫn nằng nặc nhờ bố mẹ đổi hộ tiền mới để… mừng tuổi bạn bè trong buổi học đầu năm, và ai mừng càng nhiều thì càng… “hot”.

Câu chuyện “mừng tuổi qua, mừng tuổi lại” chỉ kết thúc khi Tết qua đi, trẻ con vui sướng ngồi đếm tiền mừng tuổi xem ai “nhiều triệu” hơn ai, còn người lớn thì đau đầu nhẩm tính đã chi tiêu bao nhiêu cho việc lì xì đầu năm. Rõ ràng, chính người lớn đã tự khiến mình phải “mệt óc” với một nét đẹp truyền thống tưởng như hết sức giản đơn với dăm ba đồng lẻ kèm một cái xoa đầu chân thành và lời chúc ý nghĩa.

Trong dịp đầu Xuân này, bức tranh lì xì còn bị bôi một nét vẽ tối màu khi một tờ báo mạng đăng bài “ý kiến cá nhân” nói về chuyện chê bai, khích bác những ai mừng tuổi…ít tiền. Không bàn tới động cơ của việc đăng một nội dung gây tranh cãi như vậy, song hẳn nhiều người muốn giữ nét đẹp truyền thống sẽ cảm thấy buồn vì một chuyện tưởng như rất tế nhị lại bị diễn đạt hết sức thô thiển đến vậy. Lẽ dĩ nhiên, đứng trước sự phản ứng của dư luận hướng tới giá trị tích cực, bài viết đầy ngớ ngẩn “mang tiền ra đo lòng thành” đã bị rút xuống, song dư âm chắc vẫn còn làm không ít người phiền lòng.

Một phong bao lì xì có 5.000 đồng – 10.000 đồng, hay thay vì phong bao tiền là một cuốn sách nhỏ kèm lời chúc ý nghĩa đang là lựa chọn của những người lớn không muốn kéo con trẻ vào “cuộc chơi tiền nong” đầu Xuân.

Nếu ai cũng nghĩ như thế, thì làm sao người lớn phải đau đầu với việc chi tiêu lì xì, và trẻ con cũng chẳng phải “học” thói băn khoăn mừng ít, mừng nhiều.

Tiếc thay, không ít người lớn hiện nay vẫn đang muốn biến con trẻ… vụt lớn như mình, nhưng theo ngã rẽ đầy tiêu cực, thông qua việc trao những phong bao đầy vật chất vào dịp đầu Xuân!

Nguồn: ANTĐ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Chuyện lì xì Tết cho trẻ Flags_1