Bây giờ thì hầu như người Tây Ninh, nhất là những ai quan tâm đến lịch sử miền đất quê hương có lẽ đều đã biết việc thành lập phủ Tây Ninh (cũng là lần đầu tiên xuất hiện địa danh Tây Ninh) đã xảy ra vào năm 1836, dưới triều vua Minh Mệnh năm thứ 17.
Thành phủ Tây Ninh nay chỉ còn dấu tích thời Pháp chiếm là thành Săng-đáĐó là kết quả của cuộc hội thảo khoa học do Tỉnh uỷ Tây Ninh và Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức đầu năm 2012, mà lúc ấy mới chỉ xác định được là vào mùa thu năm 1836. Giờ lại có cơ quan chức năng đặt vấn đề- cần biết rõ hơn việc đó xảy ra vào tháng nào? Đành phải lục tìm lại những trang sách xưa, đọc kỹ hơn để tìm dấu vết về năm tháng. May mà tôi tìm được cuốn sách ghi chép việc điều hành bộ máy cai trị đất nước của triều Nguyễn, sau khi được các bạn ở Thư viện Tây Ninh nhiệt tình giúp đỡ, lục tìm trong kho sách cũ. Đó là cuốn “Đại Nam thực lục tập XVIII chính biên đệ nhị kỷ XIV, Minh Mệnh năm thứ 17” do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1967.
Đọc kỹ lại tập XVIII ấy, mới thấy tập sách mô tả chi tiết từng việc làm của triều đình và các quan địa phương tỉnh, thành xảy ra trong năm Minh Mệnh thứ 17 (1836). Sách được phân ra từng chương, gọi là một quyển, mỗi quyển ghi chép việc xảy ra trong một tháng. Vậy tập XVIII này có 12 quyển. Trong một quyển mang ký hiệu là CLXVI ở trang 18 có ghi chép sự kiện vào tháng 2 âm lịch (năm 1836) như sau: “Sai quan đi kinh lý sáu tỉnh Nam kỳ. Dùng Binh bộ thượng thư Cơ mật đại thần Trương Đăng Quế và Lại bộ thượng thư Nguyễn Kim Bảng sung làm Kinh lược đại sứ; thự Lễ bộ thị lang Tôn Thất Bạch và thự thông chính sứ Nguyễn Đắc Trung sung làm phó sứ: nhằm giờ lành ngày 18, mang cờ và bài đem theo các viên dịch tuỳ biện, do đường thuỷ đi…”. Như vậy là đoàn kinh lý do hai vị “Bộ trưởng” bộ Binh và bộ Lại chỉ huy. Cùng đi còn có 64 người làm các nhiệm vụ khác nhau, từ chủ sự, thư lại… tới binh lính tháp tùng và người hầu. Tổng cộng là 68 người (cộng thêm 2 trưởng và 2 phó đoàn kinh lý). Vua còn có chỉ dụ cho thành Gia Định: “Chọn phái một quản cơ, 4 suất đội, 200 biền binh, chờ khi sứ thần đến cửa biển thuộc tỉnh hạt, lập tức nghênh tiếp, làm thuộc hạ để sai phái…”. Sự kiện thành lập phủ Tây Ninh, chính là kết quả của chuyến đi kinh lý sáu tỉnh Nam kỳ, do các quan đại thần phụ trách được nhà vua cử đi. Cái mà nay ta gọi là “công tác phí” cũng đã sẵn sàng theo quy định vua ban- lúc ấy gọi là tiền thưởng: “Lại thưởng cho đại sứ mỗi người 400 quan tiền, phó sứ mỗi người 200 quan tiền; các tuỳ phái, thuộc binh và những người theo hầu đều thưởng cấp có thứ bậc khác nhau…”. Nhiệm vụ giao cho đoàn kinh lý cũng hết sức rõ ràng bằng một bản chỉ dụ của vua. Một là để chấn chỉnh lại “Việc nhân sĩ dần dần kiêu căng xa xỉ. Tệ hại dồn chứa, lâu ngày quen nếp, gây nên tai hoạ biến hoạ…”.
Nhiệm vụ thứ hai, có lẽ còn quan trọng hơn nữa là việc đo đạc, thống kê, lập địa bạ ruộng đất ở sáu tỉnh Nam kỳ, như chỉ dụ đã nêu: “Mà việc ranh giới ruộng đất lại càng trọng yếu. Xưa nay ruộng đất đều có ghi rõ mẫu, sào, thước, tấc, đó là phép thường, không thay đổi. Các tỉnh trong khắp nước đều như thế cả, há có lý nào sáu tỉnh Nam kỳ lại khác, riêng theo nếp cũ hay sao? Trong sổ ruộng ít thấy ghi rõ mẫu, sào và tầng bậc đẳng điền, mà cứ tính là một dây, một thửa, có đến 8-9 phần 10. Như vậy không những hầu như quê mùa, không phải quy chế thống nhất, mà ranh giới không rõ ràng, lại dễ sinh ra mối tệ. Nếu xử án kiện tranh giành thì đông tây tứ chí lờ mờ, không lấy đâu làm chứng cứ; quan lại giải quyết, cường hào điêu toa càng dễ xoay xoả, thì lấy gì mà xử án dứt khoát và dập tắt tranh giành?...”.
Đến đây, có thể đã có bạn đọc đã sốt ruột, giống như cơ quan chức năng đã đặt câu hỏi về ngày tháng khai sinh miền đất mới có tên gọi mới Tây Ninh. Vậy xin bỏ qua diễn biến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đoàn kinh lý. Nghĩa là xin lướt qua các quyển từ tháng 3 đến tháng 6 của sách “Đại Nam thực lục”.
Xin mở ngay quyển 7 ghi chép những việc lớn của đất nước diễn ra trong tháng 7 ở trang 211, (Sđd) có đoạn: “Việc đạc ruộng ở Lục tỉnh Nam kỳ đã xong. Bọn Kinh lược sứ Trương Đăng Quế, Tôn Thất Bạch, Nguyễn Đắc Trí làm sớ báo rằng đến ngày 18, 19 tháng này chia ra từng đợt đi đường trạm về kinh phục mệnh”.
Trong 12 ngày còn lại của tháng 7 âm lịch, đoàn kinh lý đã đi đường bộ về kinh, rồi lập tức dâng sớ tâu trình xin lập phủ Tây Ninh và nhà vua đã có chỉ dụ: “Nay đặt đồn Xỉ Khê làm huyện Tân Ninh, đạo Quang Hoá làm huyện Quang Hoá, gọi thành Quang Hoá làm huyện thành (ở Cẩm Giang hiện nay- TV). Lại đặt phủ Tây Ninh kiêm lý huyện Tân Ninh. Nhân cái đồn bảo cũ, chữa cao rộng thêm để làm phủ thành (trang 222) (nơi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hiện giờ). Lại có cả những quy định chi tiết hơn như: “Phủ thành Tây Ninh, thông thuỷ rộng 32 trượng (155,8 m), thân thành dầy một trượng (4,86 m), cao 7 thước 02 tấc, có ba cửa…” (trang 223).
Thật là một tốc độ giải quyết công việc hành chính đáng ngạc nhiên, nhất là trong thời buổi đường thuỷ toàn thuyền chèo tay và đường bộ thì phải đi ngựa. Tính ra theo dương lịch thì 12 ngày cuối tháng 7 âm lịch năm Minh Mệnh thứ 17 rơi vào các ngày từ 29.8 đến 10.9.1836.
Cũng vào thời điểm ấy, 109 năm sau (tức là vào năm 1945) có 2 sự kiện lớn lao của Tây Ninh và cả nước. Đó là ngày 25.8, nhân dân Tây Ninh đã kết thúc thắng lợi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp trong suốt 80 năm qua. Đó là ngày 2.9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Có phải là một sự trùng hợp lý thú?
Thành phủ Tây Ninh nay chỉ còn dấu tích thời Pháp chiếm là thành Săng-đá
Đọc kỹ lại tập XVIII ấy, mới thấy tập sách mô tả chi tiết từng việc làm của triều đình và các quan địa phương tỉnh, thành xảy ra trong năm Minh Mệnh thứ 17 (1836). Sách được phân ra từng chương, gọi là một quyển, mỗi quyển ghi chép việc xảy ra trong một tháng. Vậy tập XVIII này có 12 quyển. Trong một quyển mang ký hiệu là CLXVI ở trang 18 có ghi chép sự kiện vào tháng 2 âm lịch (năm 1836) như sau: “Sai quan đi kinh lý sáu tỉnh Nam kỳ. Dùng Binh bộ thượng thư Cơ mật đại thần Trương Đăng Quế và Lại bộ thượng thư Nguyễn Kim Bảng sung làm Kinh lược đại sứ; thự Lễ bộ thị lang Tôn Thất Bạch và thự thông chính sứ Nguyễn Đắc Trung sung làm phó sứ: nhằm giờ lành ngày 18, mang cờ và bài đem theo các viên dịch tuỳ biện, do đường thuỷ đi…”. Như vậy là đoàn kinh lý do hai vị “Bộ trưởng” bộ Binh và bộ Lại chỉ huy. Cùng đi còn có 64 người làm các nhiệm vụ khác nhau, từ chủ sự, thư lại… tới binh lính tháp tùng và người hầu. Tổng cộng là 68 người (cộng thêm 2 trưởng và 2 phó đoàn kinh lý). Vua còn có chỉ dụ cho thành Gia Định: “Chọn phái một quản cơ, 4 suất đội, 200 biền binh, chờ khi sứ thần đến cửa biển thuộc tỉnh hạt, lập tức nghênh tiếp, làm thuộc hạ để sai phái…”. Sự kiện thành lập phủ Tây Ninh, chính là kết quả của chuyến đi kinh lý sáu tỉnh Nam kỳ, do các quan đại thần phụ trách được nhà vua cử đi. Cái mà nay ta gọi là “công tác phí” cũng đã sẵn sàng theo quy định vua ban- lúc ấy gọi là tiền thưởng: “Lại thưởng cho đại sứ mỗi người 400 quan tiền, phó sứ mỗi người 200 quan tiền; các tuỳ phái, thuộc binh và những người theo hầu đều thưởng cấp có thứ bậc khác nhau…”. Nhiệm vụ giao cho đoàn kinh lý cũng hết sức rõ ràng bằng một bản chỉ dụ của vua. Một là để chấn chỉnh lại “Việc nhân sĩ dần dần kiêu căng xa xỉ. Tệ hại dồn chứa, lâu ngày quen nếp, gây nên tai hoạ biến hoạ…”.
Nhiệm vụ thứ hai, có lẽ còn quan trọng hơn nữa là việc đo đạc, thống kê, lập địa bạ ruộng đất ở sáu tỉnh Nam kỳ, như chỉ dụ đã nêu: “Mà việc ranh giới ruộng đất lại càng trọng yếu. Xưa nay ruộng đất đều có ghi rõ mẫu, sào, thước, tấc, đó là phép thường, không thay đổi. Các tỉnh trong khắp nước đều như thế cả, há có lý nào sáu tỉnh Nam kỳ lại khác, riêng theo nếp cũ hay sao? Trong sổ ruộng ít thấy ghi rõ mẫu, sào và tầng bậc đẳng điền, mà cứ tính là một dây, một thửa, có đến 8-9 phần 10. Như vậy không những hầu như quê mùa, không phải quy chế thống nhất, mà ranh giới không rõ ràng, lại dễ sinh ra mối tệ. Nếu xử án kiện tranh giành thì đông tây tứ chí lờ mờ, không lấy đâu làm chứng cứ; quan lại giải quyết, cường hào điêu toa càng dễ xoay xoả, thì lấy gì mà xử án dứt khoát và dập tắt tranh giành?...”.
Đến đây, có thể đã có bạn đọc đã sốt ruột, giống như cơ quan chức năng đã đặt câu hỏi về ngày tháng khai sinh miền đất mới có tên gọi mới Tây Ninh. Vậy xin bỏ qua diễn biến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đoàn kinh lý. Nghĩa là xin lướt qua các quyển từ tháng 3 đến tháng 6 của sách “Đại Nam thực lục”.
Xin mở ngay quyển 7 ghi chép những việc lớn của đất nước diễn ra trong tháng 7 ở trang 211, (Sđd) có đoạn: “Việc đạc ruộng ở Lục tỉnh Nam kỳ đã xong. Bọn Kinh lược sứ Trương Đăng Quế, Tôn Thất Bạch, Nguyễn Đắc Trí làm sớ báo rằng đến ngày 18, 19 tháng này chia ra từng đợt đi đường trạm về kinh phục mệnh”.
Trong 12 ngày còn lại của tháng 7 âm lịch, đoàn kinh lý đã đi đường bộ về kinh, rồi lập tức dâng sớ tâu trình xin lập phủ Tây Ninh và nhà vua đã có chỉ dụ: “Nay đặt đồn Xỉ Khê làm huyện Tân Ninh, đạo Quang Hoá làm huyện Quang Hoá, gọi thành Quang Hoá làm huyện thành (ở Cẩm Giang hiện nay- TV). Lại đặt phủ Tây Ninh kiêm lý huyện Tân Ninh. Nhân cái đồn bảo cũ, chữa cao rộng thêm để làm phủ thành (trang 222) (nơi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hiện giờ). Lại có cả những quy định chi tiết hơn như: “Phủ thành Tây Ninh, thông thuỷ rộng 32 trượng (155,8 m), thân thành dầy một trượng (4,86 m), cao 7 thước 02 tấc, có ba cửa…” (trang 223).
Thật là một tốc độ giải quyết công việc hành chính đáng ngạc nhiên, nhất là trong thời buổi đường thuỷ toàn thuyền chèo tay và đường bộ thì phải đi ngựa. Tính ra theo dương lịch thì 12 ngày cuối tháng 7 âm lịch năm Minh Mệnh thứ 17 rơi vào các ngày từ 29.8 đến 10.9.1836.
Cũng vào thời điểm ấy, 109 năm sau (tức là vào năm 1945) có 2 sự kiện lớn lao của Tây Ninh và cả nước. Đó là ngày 25.8, nhân dân Tây Ninh đã kết thúc thắng lợi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp trong suốt 80 năm qua. Đó là ngày 2.9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Có phải là một sự trùng hợp lý thú?
TRẦN VŨ