Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
[tr][tr]
Đầu vào lớp 10 ngày càng tệ Thi-lo10Ở TP.HCM, những trường thi tuyển vào lớp 10 có thể yên tâm phần nào về chất lượng, các trường xét tuyển rất lo âu về vấn đề này
(TN) - Chất lượng đầu vào lớp 10 đang là nỗi lo khi mà ở những trường xét tuyển, học sinh ngày càng yếu, còn những nơi thi tuyển có khi 1,25 điểm/3 môn cũng trúng tuyển.

Bỏ học vì đuối sức

Bắt đầu từ năm học 2006 - 2007, TP.HCM thực hiện việc tuyển sinh lớp 10 theo hình thức kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Các quận, huyện xét tuyển là: H.Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Q. Thủ Đức, Bình Tân, 2, 9, 6. Đến nay, gần như toàn bộ lãnh đạo các trường THPT ở khu vực nói trên đều đề nghị cần tổ chức thi tuyển để nâng cao chất lượng đầu vào.


"Kể từ khi các trường áp dụng xét tuyển, HS lớp 9 không chịu học vì các em mang tâm lý đường nào cũng vào được lớp 10. Giáo viên lớp 9 cũng vậy, do biết là không thi tuyển nên chỉ dạy cầm chừng"

Bùi Hùng Chiến
Hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây, H.Củ Chi, TP.HCM

Ngay sau năm đầu tiên thực hiện, một số hiệu trưởng trường THPT đã báo động chất lượng đầu vào và ý thức học tập của học sinh (HS) đầu cấp. Sau 8 năm áp dụng mô hình xét tuyển, ban giám hiệu các trường đã than phiền rằng, chất lượng HS bậc này đi xuống, tỷ lệ HS bỏ học ngày càng tăng.

Trong những năm đầu xét tuyển, Trường THPT Bình Khánh (H.Cần Giờ) liên tiếp xảy ra tình trạng HS bỏ học vì không thể theo kịp chương trình. Đến năm học vừa qua, trường có hơn 40 HS lớp 10 bỏ học và gần 30 HS lưu ban. “Lượng HS lớp 10 bỏ học hằng năm chiếm khoảng 70% số HS bỏ học của toàn trường”, bà Phan Thị Mỹ Linh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Lý giải về nguyên nhân này, bà Linh cho rằng: “HS khi được xét tuyển vào lớp 10 có quá nhiều em học yếu, không theo kịp chương trình. Nhà trường rất nhiều lần vận động các em đến trường. Nhưng sau khi trở lại lớp, học vài bữa, các em cũng không theo kịp rồi tiếp tục bỏ học”.

Một lãnh đạo của Trường THPT Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh) tỏ ra xót xa về thực trạng này. Ông cho biết: “Mấy năm trước, huyện còn ít trường nên điểm xét tuyển thường trên 30 nhưng sau có thì giảm dần. Năm nay huyện đưa vào sử dụng mới 2 trường, mở rộng đối tượng xét tuyển nên điểm chuẩn giờ chỉ còn chưa tới 25”. Tính ra mỗi năm ở bậc THCS, HS chỉ cần đạt hạnh kiểm khá, học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình, học lực khá (tương đương 6 điểm) là đã trúng tuyển vào lớp 10 công lập.

Vào tháng 7 vừa qua, tại hội thảo “Phân luồng học sinh sau trung học tại TP.HCM”, bà Nguyễn Thị Ngọc Vũ, giáo viên Trung tâm kỹ thuật - hướng nghiệp Q.2, cho biết: “Tuy không có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng tại Q.2, ở hầu hết các trường THPT đều có nhiều HS bỏ học vì không thể theo nổi chương trình”.


Điểm chuẩn rất thấp

Năm nay, rất nhiều tỉnh thành có điểm chuẩn vào lớp 10 rất thấp. Tại Thừa Thiên-Huế, ngoài hai trường THPT Hai Bà Trưng và Nguyễn Huệ có điểm chuẩn là 23 và 20,5, hầu hết các trường còn lại đều có điểm chuẩn rất thấp như Nguyễn Trường Tộ: 13,5; Cao Thắng: 10,5; Gia Hội: 10; Bùi Thị Xuân: 7. Thậm chí Trường Đặng Trần Côn chỉ có 1,25 điểm/3 môn thi.

Điểm chuẩn vào Trường THPT số 2 Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) chỉ 5,8. Theo Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, với điểm chuẩn như trên nếu được cộng thêm điểm khuyến khích học nghề loại giỏi thì các thí sinh thi vào Trường THPT số 2 Nghĩa Hành chỉ cần 4,3 điểm; thậm chí trong 3 môn thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ không bị điểm liệt thì cũng vào lớp 10.

Chất lượng giảm sút

Những trường có bề dày thành tích đào tạo HS giỏi cũng đành ngậm ngùi vì chất lượng HS ngày càng giảm sút.

Đơn cử như Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, một trường có chất lượng tốt nhất trong 6 trường THPT hiện nay tại H.Hóc Môn. Trước đây, trường luôn nằm trong tốp 100 trường THPT của cả nước về tỷ lệ HS có điểm bình quân thi ĐH cao nhất. Nhưng ngay sau lứa HS vào trường theo hình thức xét tuyển đi thi ĐH, trường chỉ còn lọt vào trong tốp 200. Tương tự, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6). Ông Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Trước đây, số HS lớp 10 thi lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà 2 năm vừa qua, mỗi năm có gần 100 trường hợp HS thi lại, phân nửa trong số đó lưu ban”. Ông Kiên chân tình cho biết: “Nói thật là giáo viên đã cố gắng hết sức nhưng trình độ HS chỉ đến vậy, không thể cải thiện hơn nữa”. Vì thế, ông Kiên lo ngại: “Sang năm, lứa HS xét tuyển sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ, tôi e rằng trường sẽ không còn nằm trong tốp 200 trường THPT trên cả nước nữa”.

Chính các phụ huynh cũng thừa nhận điều này. Một phụ huynh ở Q.6 cho biết nhờ có xét tuyển, con của bà mới được vào học ở Trường THPT Mạc Đĩnh Chi chứ bà biết sức học của con không thể theo kịp các HS khác!

Đường nào cũng vào được trường công!

Ông Trần Trung Kiên cho biết: “Hằng năm mỗi quận đều đưa ra tỷ lệ HS vào công lập, có khi năm sau còn cao hơn năm trước nên chả tội gì các trường THCS lại siết chặt để tỷ lệ HS trường mình vào công lập ít đi”. Thực tế này khiến ông Kiên quả quyết: “Khi đã không còn động lực thì chắc rằng việc học của HS có nhiều hạn chế”.

Cùng chung băn khoăn này, ông Bùi Hùng Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây (H.Củ Chi), nhận định: “Kể từ khi các trường áp dụng xét tuyển, HS lớp 9 không chịu học vì các em mang tâm lý đường nào cũng vào được lớp 10. Giáo viên lớp 9 cũng vậy, do biết là không thi tuyển nên chỉ dạy cầm chừng”. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi), nói: “Phải thi tuyển thì HS mới có động lực học tốt, giáo viên cũng trong tinh thần dạy tốt. Từ lớp 1 đến lớp 9 không có một kỳ thi nào mang tính quyết định thì chắc chắn HS không có động cơ học tập”.

Không chỉ vậy, với hình thức xét tuyển hiện nay (chủ yếu là xét theo địa bàn cư trú và kết quả học tập ở 4 năm học THCS), rất dễ dẫn đến tình trạng “chạy” hộ khẩu. Còn nhớ, trong năm học trước, H.Hóc Môn đã điều chỉnh phân tuyến về nơi cư trú, nhằm giảm tải cho Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu. Chính điều này, khiến nhiều phụ huynh “vỡ mộng” vì đã chuyển hộ khẩu cho con về khu vực gần trường để hy vọng một suất vào trường này.

Thực trạng này đã khiến lãnh đạo nhiều trường THPT đã đồng loạt lên tiếng phản ánh hình thức xét tuyển vào lớp 10 tại Hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học 2013 - 2014 của ngành giáo dục TP.HCM diễn ra vào đầu tháng 8. Những vị này thẳng thắn đề nghị thành phố cần bỏ xét tuyển, chuyển sang thi tuyển, nhằm tăng chất lượng đào tạo HS.


Ý kiến
Phân luồng học sinh sau THCS


“Nếu tổ chức thi tuyển, các em không vào lớp 10 được thì có thể chuyển sang học nghề hoặc học GDTX”.

Phan Thị Mỹ Linh
Hiệu trưởng Trường THPT Bình Khánh, H.Cần Giờ

Học sinh yếu kém sẽ vào học nghề

“Việc thi tuyển có ưu điểm là sẽ giúp phân loại hiệu quả học lực của HS đồng thời giúp công tác phân luồng HS tốt hơn. Những HS yếu kém sẽ vào học nghề hoặc sang học ở hệ GDTX. Nếu xét tuyển, các em vào hết trường công lập, nhưng sau đó theo không nổi chương trình, dẫn tới bỏ học là rất đáng tiếc”.

Trần Minh Triết
Trưởng phòng Giáo dục H.Hóc Môn

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Đừng để học sinh "ngồi nhầm chỗ"
(TN) - Phân luồng học sinh theo khả năng để có hướng vào đời phù hợp, tránh lãng phí là một trong những giải pháp vừa đảm bảo chỗ học cho học sinh vừa tránh giảm sút chất lượng phổ thông.

Hệ quả của đầu vào thấp

Theo học một chương trình không phù hợp không những gây tâm lý nặng nề cho HS, lãng phí thời gian, công sức mà còn gây hậu quả nghiêm trọng khi HS bước vào đời
Đa số giáo viên lớp 10 ở TP.HCM đều khẳng định đã có sự buông lỏng ở bậc học dưới do xét tuyển vào lớp 10. Một thời gian dài học sinh (HS) có tâm lý ỷ lại “kiểu gì cũng đậu” nên ý thức học tập rất kém, dẫn đến hổng kiến thức.

Bà Trần Liên Hoa, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, minh chứng: “Cho HS đọc bài thơ diễn cảm cũng khó khăn. Yêu cầu các em viết một đoạn văn nói về câu nói của người nổi tiếng, tôi đã không ngạc nhiên khi hầu như các em không thể hiện được sự hiểu biết cũng như không biết cách sử dụng kỹ năng trong làm văn”. Giáo viên tiếng Anh của một trường THPT xét tuyển chia sẻ: “Hai năm trở lại đây, có khi cả lớp HS không đạt yêu cầu tối thiểu của chuẩn kiến thức kỹ năng”.

Ông Bùi Trí Hiệp, Phó hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, thống kê: “Mỗi năm trường tuyển 24 lớp 10 thì 1/3 số lớp HS có kết quả học tập trung bình”. Vì thế, nhiều năm nay, ở trường này cứ hết học kỳ 1 nhiều phụ huynh xin ban giám hiệu nhà trường cho con em chuyển sang học ở trung tâm giáo dục thường xuyên vì không thể theo nổi.

Theo học một chương trình không phù hợp không những gây tâm lý nặng nề cho HS, lãng phí thời gian, công sức mà còn gây hậu quả nghiêm trọng khi HS bước vào đời. Với thực trạng dạy - học và thi cử như hiện nay, các HS này không mấy khó khăn vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khi không trúng tuyển ĐH-CĐ, cũng không theo đuổi hướng nghề nghiệp ngay từ đầu, những thanh niên này sẽ mất định hướng, loay hoay tìm đường lập nghiệp.

Thống kê kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ liên tục những năm gần đây của Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT cho thấy mỗi năm đều có hàng trăm ngàn thí sinh đi thi nhưng không đạt nổi... 1 điểm/môn. Trong một lần trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cho rằng: “Kết quả đó phản ánh một thực tế là hằng năm có hàng trăm ngàn HS đã “ngồi nhầm chỗ” ở bậc THPT. Đáng lẽ những HS đó cần phải đi theo một con đường khác ngay sau khi tốt nghiệp THCS”.

Đầu vào lớp 10 ngày càng tệ Hocngh10
Học sinh đang theo học tại một trường trung cấp nghề ở TP.HCM. Những trường này đều tuyển HS học hết lớp 9
Phân luồng ngay khi kết thúc THCS

Để HS không “ngồi nhầm chỗ”, tìm hướng đi thích hợp với năng lực bản thân, theo nhiều chuyên gia, điều cần thiết là phải đẩy mạnh và làm tốt công tác phân luồng ngay khi kết thúc bậc THCS.

Ông Tạ Tân, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, TP.HCM, nhấn mạnh: “Phân luồng không chỉ dành cho HS yếu mà đây là công tác giúp HS lựa chọn mô hình học tập phù hợp với khả năng và điều kiện, hoàn cảnh gia đình”. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, công tác phân luồng HS, nhất là bậc THCS tại TP.HCM gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là từ phụ huynh và HS khi đa phần đều cố vào trường công lập cho bằng được. Mặt khác, công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông hiện nay chưa thật sự sâu sắc, chưa thu hút được sự quan tâm của các em.

Để công tác phân luồng đạt hiệu quả, theo ông Lưu Đức Tiến, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và đại học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp phụ huynh, HS thay đổi suy nghĩ, tư duy về vấn đề học nghề. Còn ông Tạ Tân cho biết mỗi tháng các trường THCS nên chủ động xây dựng tiết học hướng nghiệp qua việc giới thiệu các mô hình học tập, cơ hội nghề nghiệp…

Đề cập đến vấn đề này, ông Cao Huy Thảo, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Úc, đề nghị cần có sự tái cấu trúc mô hình giáo dục. Ông Thảo phân tích: “Chẳng hạn cùng là bậc học THPT nhưng có 2 hướng đi: Hướng thứ nhất là HS sẽ thi ĐH, hướng thứ hai là trung học nghề đào tạo HS thiên về thực hành. Bên cạnh đó nhà nước cần bỏ mô hình trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc để các trung tâm này hoạt động theo đúng chức năng của nó - bổ túc văn hóa cho học viên không có điều kiện về thời gian, có thể vừa đi học vừa đi làm và học viên quá tuổi so với quy định của HS phổ thông”. Đồng tình với quan điểm này, bà Hoàng Thị Hồng Hải, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, TP.HCM, cho rằng thời gian gần đây do mô hình giáo dục thường xuyên hoạt động sai chức năng, dành cho HS phổ thông, nên đây cũng là nguyên nhân khiến xã hội chưa mặn mà với việc phân luồng.

Các mô hình phân luồng
Trong một lần trao đổi với Báo Thanh Niên, GS Hoàng Tụy đưa ra giải pháp: “Hằng năm chỉ nên có một tỷ lệ nhỏ (1/5) HS vào THPT như hiện nay, còn lại vào trung học nghề. Cả 2 loại hình này đều học trong thời gian 3 năm. Mỗi loại hình, HS đều được học một trình độ học vấn cao hơn THCS, đủ để có thể làm nghề hay học tiếp ĐH, CĐ”.

Cũng đồng quan điểm này, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), đề xuất: “Nên thiết kế sao cho sau khi tốt nghiệp THCS, có khoảng 30% HS chuyển sang học nghề. Sau khi tốt nghiệp THPT có khoảng 30-40% HS vào các trường CĐ dạy nghề. Có những quy định một cách hợp lý để những ai có đủ điều kiện mới được dự thi vào ĐH”.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin: “Sở đang xây dựng đề án và xin thí điểm mô hình 9+5 trong trường CĐ. Đây là một mô hình đã được triển khai và mang lại hiệu quả phân luồng rất lớn ở Nhật Bản. Sự thành công của mô hình 9+5 không chỉ thỏa mãn tâm lý được học lên cao của phụ huynh và HS mà còn có tính tiếp nối, định hướng nghề nghiệp tốt”. Theo mô hình này, HS lớp 9 sau khi theo học 2 năm nếu không thể học lên tiếp sẽ có một chứng chỉ nghề; sau 3 năm rưỡi có thể lấy bằng TCCN, TC nghề; sau 5 năm có bằng CĐ. Trong quá trình học, nếu HS có nguyện vọng học tiếp vẫn sẽ được học thêm văn hóa, song song với việc học nghề để thi tốt nghiệp THPT.

T.Nguyễn - B.Thanh

15-30% HS sẽ vào giáo dục nghề nghiệp
Trong giai đoạn 2013 - 2015, TP.HCM dự kiến mỗi năm có 75.000 HS lớp 9, trong đó 85% HS vào THPT và giáo dục thường xuyên, 15% vào giáo dục nghề nghiệp (trong đó TCCN chiếm 10%). Giai đoạn 2016 - 2020 mỗi năm có khoảng 80.000 HS, tỷ lệ vào THPT và giáo dục thường xuyên là 70%, giáo dục nghề nghiệp 30% (trong đó TCCN là 20%).

Minh Luân

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Đầu vào lớp 10 ngày càng tệ Flags_1