Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Nỗi ám ảnh mang tên “tiền trường” Dau20d10
(BTN) - Thực tế cho thấy, các bậc phụ huynh có con em vào lớp 1 đang phải còng lưng gánh chịu nhiều khoản đóng góp, đặc biệt là ở những trường tiểu học có tổ chức lớp bán trú.

Năm học 2013 - 2014 vừa bắt đầu được vài ngày. Trên lý thuyết, học sinh tiểu học không phải đóng học phí. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các bậc phụ huynh có con em vào lớp 1 đang phải còng lưng gánh chịu nhiều khoản đóng góp, đặc biệt là ở những trường tiểu học có tổ chức lớp bán trú. Ngoài các khoản đóng góp để được học bán trú, các bậc cha mẹ còn phải chạy đôn chạy đáo mua sắm đủ thứ cho con vào lớp 1.

Năm nay chị Oanh có con vào lớp 1. Căn cứ nguyên tắc tuyển sinh theo địa bàn, con của chị được nhận vào học tại một trường tiểu học ở phường 1, Thị xã. Hôm đến trường nghe thông báo các khoản phải đóng, chị Oanh- dù đã lường trước tình hình cũng không khỏi “xanh mặt” khi nhà trường kê khai chi tiết các khoản tiền phải nộp, tổng cộng 4 triệu đồng- tức gần bằng hai tháng lương của một công chức trẻ như chị.

Nếu cộng với khoản chi sách vở, quần áo cho bé chừng hơn 2 triệu đồng nữa, tính ra số tiền phải tốn ban đầu chiếm khoảng hơn 6 triệu đồng. Nhưng đâu phải nhà chỉ có một đứa con! “Đứa lớn vào lớp 1, đứa bé vào mẫu giáo, mới đầu năm học đã tốn gần chục triệu rồi”- chị Oanh cho biết.

Chị Oanh đang hưởng lương bậc 1, sau khi trừ các khoản đóng góp theo nghĩa vụ, hằng tháng, chị chỉ còn thực lãnh hơn 2 triệu đồng. Chồng chị Oanh không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh. Vì thế: “Để có tiền lo cho con vào lớp 1, tôi phải rất tiết kiệm và vay mượn thêm. Người có thu nhập cao, ổn định thì còn đỡ chứ những người làm nông không biết phải xoay xở thế nào”- chị nói vẻ băn khoăn.

Cũng như chị Oanh, chị Bảy (một công chức ở Thị xã) có cô con gái vào lớp 1. Con chị được vào học đúng tuyến tại. Số tiền phải đóng cũng gần 4 triệu đồng, gồm các khoản: phí bán trú, tiền ăn của tháng 9, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, xã hội hoá, mua đồng phục, phí phụ thu và một số “linh tinh phí” khác. Tất cả số tiền trên, nhà trường quy định đóng trọn gói một lần. Và ngoài các khoản tiền phải đóng như vừa nêu, chị Bảy còn phải bỏ tiền ra chừng 2 triệu đồng nữa để sắm sửa quần áo, sách vở, giày dép, mũ bảo hiểm... cho con đến trường.

Lo cho đứa nhỏ vào lớp 1, chị còn phải lo cho đứa lớn đang học lớp 3- đầu năm học này cũng phải đóng một khoản tiền hơn 2 triệu đồng. Tính ra, chị Bảy cũng phải tốn gần chục triệu đồng cho hai đứa con nhập học trong khi tiền lương thực lãnh của chị chỉ 2 triệu rưỡi. Chị nói: “Có con vào lớp 1, lòng mình vui buồn lẫn lộn. Vui vì thấy con được cắp sách đến trường. Song cũng không khỏi âu lo vì các khoản đóng góp quá nhiều. Cũng phải mướt mồ hôi tôi mới lo nổi cho hai đứa con học tiểu học”.

Ông Võ Hồng Châu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng cho biết: năm nay nhà trường tuyển 7 lớp 1 với tổng cộng 245 học sinh. Trong số này có khoảng 20% là học sinh diện trái tuyến. “Phụ huynh có con em học trái tuyến phải đóng tối thiểu 10 triệu đồng tiền xã hội hoá. Theo chủ trương của UBND Thị xã, nhà trường chỉ giữ lại 30% để phục vụ cho chính các em học sinh, 70% còn lại sẽ được địa phương đầu tư mở rộng các lớp, trường bán trú trên địa bàn”- ông Châu cho biết.

Theo tìm hiểu, tổng số tiền phải đóng ban đầu (chưa kể tiền ăn hằng tháng) cho mỗi trường hợp học trái tuyến tại Trường tiểu học Kim Đồng là hơn 14 triệu đồng. Bù lại việc phải đóng tiền với mức cao như vậy, học sinh trường này cũng được hưởng điều kiện học tập rất tốt. Đây là trường bán trú duy nhất đến thời điểm này có giường ngủ cho học sinh.

Trong 3 năm, từ 2010 đến 2013, UBND Thị xã đã dùng khoản tiền thu xã hội hoá để xây nhà ăn cho học sinh tại Trường tiểu học Duy Tân và Trường tiểu học Nguyễn Du. Năm học 2012 - 2013, cũng từ nguồn thu xã hội hoá, Thị xã đã xây nhà ăn cho học sinh Trường tiểu học Bùi Thị Xuân. Năm học 2013 - 2014, Thị xã có 6 trường tổ chức lớp bán trú. Tổng số học sinh đang học trong 6 trường này là gần 900 em.

Có thể thấy, chủ trương dùng nguồn tiền xã hội hoá để đầu tư, mở rộng loại hình trường bán trú đã và đang đem lại những lợi ích xã hội không thể phủ nhận được. Nguồn tiền thu được từ phụ huynh học sinh được sử dụng để phục vụ trở lại cho chính bản thân các em. Tuy nhiên vấn đề đáng phải băn khoăn là ở chỗ: Trong xã hội hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp, kể cả cán bộ công chức có đồng lương ổn định thì việc lo cho một, hai đứa con đến trường cũng là một gánh nặng; vậy mức thu “xã hội hoá” như kể trên liệu có là quá cao?

Để có một chỗ ngồi cho con vào lớp 1 (trái tuyến), phụ huynh phải nộp một lúc cả chục triệu đồng thì quả là điều không đơn giản, số tiền này không hề nhỏ đối với đại bộ phận người lao động. Ngay cả với đối tượng học sinh đúng tuyến- mức thu xã hội hoá tuy có thấp hơn nhiều so với các em diện trái tuyến nhưng cũng chưa phải là “dễ chịu” lắm cho những gia đình nghèo.

Vẫn biết cho con học trái tuyến là nhu cầu tự thân của phụ huynh, song xét cho cùng đó cũng là nhu cầu chính đáng mà thôi. Mặt khác, nếu nhất thiết phải thu với số tiền không nhỏ như nói trên, thiết nghĩ cũng nên tính toán lại cách thu sao cho phù hợp. Nên chăng thu làm nhiều lần để đỡ bớt gánh nặng cho phụ huynh học sinh thay vì cứ phải thu một lần trọn gói, trong khi số tiền phải thu ấy tương đương 3 - 4 tháng lương của một công chức mới ra trường.

Ai cũng biết hiện nay, tình hình kinh tế xã hội đang gặp khó khăn, vật giá đang leo thang, cơ hội tìm việc làm và tăng thu nhập của đại bộ phận người dân đang giảm. Vì vậy, tiền trường cho con- thật sự là nỗi ám ảnh của nhiều bậc cha mẹ.

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Nỗi ám ảnh mang tên “tiền trường” Flags_1