Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

thaodo

thaodo
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú
Ngày 08/8/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 5478/BGDĐT-GDTH về việc Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2013-2014.

Các bạn có thể tải Công văn số 5478/BGDĐT-GDTH tại đây.

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Bỏ chấm điểm học sinh lớp 1, cần hướng dẫn kỹ giáo viên

Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2013-2014 65049310Các học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM
Sáng 14-8-2013, phát biểu chỉ đạo tại Lễ tổng kết năm học cũ và triển khai phương hướng năm học mới 2013-2014 của ngành GD-ĐT quận 1, ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhấn mạnh theo hướng dẫn tại Công văn số 5478/BGDĐT-GDTH của Bộ GD-ĐT, năm nay các trường tiểu học sẽ không cho điểm đối với học sinh lớp 1.

Theo ông, đây là tín hiệu đáng mừng vì sẽ làm giảm bớt tình trạng học chữ trước lớp 1.

"Tuy nhiên, tôi yêu cầu phòng GD-ĐT và ban giám hiệu các trường cần hướng dẫn cụ thể cho giáo viên lớp 1 về phương pháp đánh giá học lực của học sinh. Vì lâu nay giáo viên đã quen với cách cho điểm, nay không cho điểm nữa thì phải thay thế bằng nhận xét. Nếu làm không tốt e rằng sẽ gây tác dụng ngược”, ông khẳng định.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, khi đánh giá học lực của học sinh bằng nhận xét (lời phê), giáo viên phải hết sức cẩn thận. Lời nhận xét của giáo viên phải có tính hướng dẫn, động viên và thể hiện sự yêu thương dành cho học sinh.

Ví dụ về mặt kiến thức em đã đạt đến mức nào, về mặt kỹ năng em cần rèn luyện thêm những mặt nào…

Nguồn: Tuổi trẻ

muctim

muctim
Thành viên tích cực
Thành viên tích cực
Sẽ có lộ trình thực hiện không chấm điểm học sinh lớp 1

Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của giáo dục tiểu học năm học 2013 - 2014 gửi các sở GD-ĐT. Trong đó nêu rõ: “Đặc biệt, đối với việc đánh giá học sinh lớp 1, ngoài bài kiểm tra vào cuối năm học, giáo viên tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học. Giáo viên không được có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Hướng dẫn này của Bộ GD-ĐT là nội dung rất mới, thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh cũng như gây nhiều băn khoăn khi triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, ngày 11-8-2013, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, sau khi xem xét kỹ Bộ GD-ĐT nhận thấy hướng dẫn này chưa phù hợp với Thông tư 32 của bộ (quy định kết hợp đánh giá điểm số và đánh giá nhận xét). Vì vậy, Bộ GD-ĐT sẽ phải hướng dẫn lại. “Quan điểm của bộ là khuyến khích việc không chấm điểm đối với học sinh lớp 1, tuy nhiên nếu giáo viên chấm điểm theo thông tư thì vẫn cứ chấm. Nhưng dần dần sẽ tiến tới việc không cho điểm học sinh lớp 1” - ông Hiển nói.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, trong mô hình trường học mới cũng không chấm điểm học sinh lớp 1, ngoại trừ chấm điểm bài kiểm tra cuối năm học để kiểm tra kiến thức tổng hợp. “Theo tôi, lớp 1 không cần chấm điểm, vì hết lớp 1 chỉ yêu cầu học sinh biết đọc, biết viết. Điều cần thiết đối với lớp 1 là giáo viên theo sát học sinh, hướng dẫn, nhận xét các em. Còn 7, 8 hay 9, 10 điểm thì các em đều được lên lớp, vì vậy chỉ cần nhận xét thôi, không cần chấm điểm” - ông Hiển nêu quan điểm. Vì vậy, trước mắt trong năm học mới, Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn khuyến khích không chấm điểm, sau đó sẽ có lộ trình tiến tới việc không chấm điểm học sinh lớp 1.

Việc không chấm điểm học sinh lớp 1 lần đầu tiên được áp dụng trong năm học này là sự tiếp thu của Bộ GD-ĐT sau khi có nhiều ý kiến cho rằng, vì giáo viên chấm điểm học sinh ngay khi vào lớp 1, so sánh giữa các học sinh biết đọc, biết viết trước với những học sinh chưa biết đọc, biết viết khiến phụ huynh bị tạo áp lực, phải cho con đi học trước.

Hướng dẫn không chấm điểm học sinh lớp 1 đang được nhiều phụ huynh tiếp nhận với tâm trạng khác nhau. Không ít ý kiến lo lắng nếu không chấm điểm thì phụ huynh học sinh biết con em mình học thế nào?

“Giáo viên thay chấm điểm bằng nhận xét, nghĩa là mỗi học sinh phải có một quyển sổ thật dày để hàng ngày giáo viên ghi nhận xét, giáo viên sẽ phải dành nhiều thời gian cho việc này thay vì dành thời gian để dạy” - chị Trần Thị Giang, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai (Hà Nội) có con năm nay vào lớp 1 băn khoăn.

Không ít phụ huynh nghi ngờ, hướng dẫn chỉ là hướng dẫn, còn thực tế sẽ khác. Vì tương tự như hướng dẫn cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, nhiều phụ huynh cho biết học sinh lớp 1 hiện vẫn phải đi học thêm cô chủ nhiệm.

Một phụ huynh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Sáng học ở lớp, chiều cô dẫn về lớp học thêm cô thuê ở gần trường, học đến 18h, bố mẹ đến đón. Hầu như bé nào cũng học. Không học thì cô chê lên chê xuống, thậm chí đánh vào tay nếu bé viết chậm, viết xấu”.

Dù vậy, nhiều người ủng hộ phương pháp mới này vì sẽ giám áp lực học hành đối với học sinh lớp 1. Quan trọng hơn, phương pháp mới này sẽ bắt buộc các phụ huynh phải quan tâm nhiều hơn tới con em mình để biết các cháu đang “đứng ở đâu”.

Nguồn: SGGP

muctim

muctim
Thành viên tích cực
Thành viên tích cực
Yêu cầu thầy cô giáo dành nhiều lời khen cho học sinh lớp 1
Ngày 12/9/2013, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã ban hành Công văn số 3045/GDĐT-TH về hướng dẫn tạm thời việc đánh giá không cho điểm đối với học sinh lớp 1 năm học 2013-2014.

Các bạn có thể tải Công văn số 3045/GDĐT-TH tại đây.

Phượng hồng

Phượng hồng
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Rắc rối việc nhận xét thay cho điểm
Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2013-2014 Hshn-610Điểm số được cho là nguyên nhân gây áp lực lớn tới tâm lý trẻ vào lớp 1
ANTĐ - Do học sinh lớp 1 chưa biết đọc nên những lời nhận xét của cô chỉ để mang về nhà cho bố mẹ đọc cho các con nghe. Còn nếu cho điểm thì các con sẽ có phản ứng tức thì, lớp học mà có nhiều điểm 10, không khí sôi động hơn nhiều…

Thích được chấm điểm

“Bố mẹ con về nhà vẫn hỏi xem hôm nay con được mấy điểm và bảo rằng nếu được 10 điểm sẽ thưởng món quà con thích. Nhưng từ hôm đi học tới giờ con vẫn chưa có điểm 10 nào” - em Nguyễn Bông Mai, học sinh Trường Tiểu học Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết. Điều này cũng được giáo viên giải thích, thực hiện quy định của Bộ GD-ĐT không chấm điểm đối với học sinh lớp 1 nên nhà trường triển khai việc nhận xét từ đầu năm học 2013-2014. Tuy nhiên, thực tế cho thấy học sinh vẫn thích cô chấm điểm để dễ “quy đổi” thành những phần thưởng. Cô Nguyễn Minh Tâm, giáo viên tiểu học quận Hoàng Mai cho biết, năm học trước, giáo viên vẫn thực hiện việc cho điểm đối với học sinh lớp 1. Nếu được 9, 10 điểm, các em sẽ rất phấn khởi, tiết học cũng vui vẻ, sôi động hơn. Còn với lời nhận xét như cách làm hiện nay, các con chỉ nghe chứ chưa đọc và hiểu hết nên không cảm nhận ngay được niềm vui được khen hay phải sửa đổi khi cô chưa khen.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Mỹ Hạnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Định Của, TP Hồ Chí Minh, một trong những người đầu tiên đề xuất việc nhận xét thay vì cho điểm học sinh lớp 1 cho rằng, đánh giá năng lực học tập bằng điểm số làm cho giáo viên, phụ huynh và ngay cả bản thân trẻ không thấy năng lực thật sự của mình. “Phụ thuộc vào điểm số, nhiều lúc người thầy chủ yếu dạy để lấy điểm mà quên đi nhiệm vụ của mình là hướng dẫn học sinh tìm hiểu kiến thức và nhiều điều mới mẻ từ cuộc sống, con người...” - bà Vũ Thị Mỹ Hạnh phân tích - “Điều đáng buồn nhất là “điểm số” làm cho mọi người cùng ngộ nhận và phán xét sai lầm về nhau, đưa đến những cách quản lý và giáo dục áp đặt: Thầy cố gắng dạy thực chất, theo năng lực học sinh, lớp không nhiều điểm 10 thì cho là dạy “Yếu”, trẻ không đạt điểm 10 như bạn thì là trẻ “chậm, lười”, phụ huynh thấy con không đạt điểm 10 thì cho là cô “ghét con”, “cô gợi ý đi học thêm, tặng quà cáp...”.

Khó vì học sinh lớp 1 chưa biết đọc nhận xét

Một trong những vấn đề nảy sinh khi giáo viên nhận xét thay vì cho điểm học sinh lớp 1 là việc chuyển tải thông tin cho học sinh gặp khó khăn khi các em chưa biết đọc. Kinh nghiệm của bà Vũ Thị Mỹ Hạnh áp dụng ở trường mình là trong học kỳ I, thay phần nhận xét - cho điểm bằng hình thức qui ước với học sinh và phụ huynh: Ghi nhận học tập học sinh theo 3 mức: Hoàn thành kết quả tốt được tặng 1 sao đỏ, hoàn thành kết quả còn thiếu sót được tặng 1 sao xanh, chưa hoàn thành, còn thiếu sót nhiều được tặng 1 sao vàng (giáo viên dán vào vở bài tập học sinh).

Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở đang yêu cầu các trường tổ chức chuyên đề giáo dục về vấn đề này. “Chúng tôi đang nghiên cứu để đưa ra hướng dẫn tốt nhất về cách đánh giá học sinh. Do các em học sinh lớp 1 chưa biết đọc nên hiện tại nhiều trường đã chủ động tìm ra những phương pháp đánh giá khá thú vị, phù hợp với tâm lý học sinh lớp 1 như sử dụng các hình mặt cười, mặt mếu để biểu thị một cách nhẹ nhàng đánh giá tốt hay chưa tốt đối với câu trả lời của học sinh” - ông Phạm Xuân Tiến chia sẻ. Theo ông Phạm Xuân Tiến, việc nhận xét học sinh rất đa dạng, phụ thuộc vào từng trình độ học sinh, từng môn học, bài học nên chưa nên đặt ra những khuôn phép mà phải tìm hiểu kỹ thực tế để tìm ra những sáng kiến, kinh nghiệm hay.

Một vấn đề nữa được TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đặt ra là: “Thông thường giáo viên cho điểm thì dễ hơn nhận xét. Ngoài ra, nếu như chỉ có cô giáo thực hiện hình thức nhận xét thay vì cho điểm mà không tuyên truyền tác dụng của biện pháp này với phụ huynh thì tiến trình này sẽ gặp phải không ít khó khă trong quá trình thực hiện” - TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết. Sẽ xảy ra tình huống phụ huynh không đánh giá được kết quả học tập của con mình vốn vẫn được thể hiện rõ ràng bằng điểm số và gây áp lực ngược lại với giáo viên. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, dù thay thế việc chấm điểm bằng nhận xét có tác dụng tốt tới tâm lý học sinh và phụ huynh nhưng cần được hướng dẫn rõ ràng để cả 2 phía nhà trường và gia đình đều quen với phương pháp đánh giá mới này.

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Đánh giá học sinh không bằng điểm số
Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2013-2014 Hoctap10Giáo viên Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) đóng hình ngôi sao lên tập học sinh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
TNO - Với chủ trương không cho điểm học sinh lớp 1, nhiều trường tiểu học tại TP.HCM đang áp dụng hình thức đánh giá mới bằng biểu tượng hình ảnh, lời nhận xét vừa giúp học sinh biết được năng lực vừa tạo tình cảm thân thương cô trò.

Từ những ngôi sao…


Ba năm trước, tại Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM), ngay học kỳ 1 xảy ra việc giáo viên có nhận xét quá dài trong bài kiểm tra của học sinh lớp 1 khiến phụ huynh không hài lòng. Bởi học kỳ đầu, học sinh còn viết bằng bút chì, ráp vần chưa chuẩn, thì không đọc được lời phê của giáo viên. Từ đó, Ban giám hiệu trường đã đề ra hình thức đánh giá mới.

Theo ông Từ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng trường này, 3 năm qua trường đã đánh giá học sinh lớp 1 theo biểu tượng hình ngôi sao. “Trường đặt làm cho mỗi giáo viên 3 con dấu, với 3 màu tương ứng. Ngôi sao màu đỏ, biểu trưng cho việc học sinh làm bài tốt, màu xanh hoàn thành bài làm, màu vàng cần cố gắng hơn. Đồng thời, đối với ngôi sao màu vàng, giáo viên sẽ sửa lỗi cho học sinh ngay chỗ sai”, ông Tuấn nói.

Tương tự, trong năm học này, Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1 bắt đầu đánh giá học sinh lớp 1 bằng biểu tượng bông hoa theo các cấp độ: đỏ, vàng, xanh (tương ứng với các thang: giỏi, khá và cần cố gắng). “Theo tôi, việc đánh giá bằng biểu tượng trong học kỳ 1 của học sinh lớp 1 là hợp lý. Vì trong giai đoạn này các em chưa đọc chữ được, nên biểu tượng là cách để các em biết được bài làm của mình đạt loại nào”, ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường Hòa Bình nói.

Theo ông Cao Xuân Hùng, chuyên viên Phòng Giáo dục Q.3, đã có 18 trường tiểu học (trong đó có 2 trường ngoài công lập) thực hiện theo cách đánh giá này trong nhiều năm nay. “Ngoài đánh giá bằng các biểu tượng, phòng cũng yêu cầu giáo viên có những nhận xét bằng lời, để học sinh cảm thấy bài làm của mình được thầy cô giáo quan tâm, trân trọng”, ông Hùng nói.

Đến lời nhận xét ấn tượng

Ở tất cả các trường tiểu học, ngoại trừ học sinh lớp 1 ở học kỳ đầu được đánh giá bằng biểu tượng, ở các khối lớp còn lại giáo viên nhận xét học sinh bằng lời phê. Theo nhiều giáo viên, lời phê, cách nhận xét của giáo viên có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực vào tâm lý và cả quá trình học tập của học sinh. Thông thường, những giáo viên có tâm sẽ chịu khó viết lời phê theo năng lực học tập, ưu điểm và khuyết điểm của học sinh.

Cô Nguyễn Thị Hồng Ngọc, giáo viên lớp 5/6, Trường tiểu học Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM, cho biết: “Lời nhận xét của giáo viên cần có chủ ngữ, vị ngữ. Và thường tôi áp dụng cách phê có kèm theo các từ ngữ thân thiện, như: em cần cố gắng hơn nhé, em còn tính nhầm phép tính nhân, lần sau em cẩn trọng hơn em nhé… Những từ thân thương đó, xét về tâm lý ai đọc vào cũng cảm thấy gần gũi. Và nếu mình có sai, thì đọc các nhận xét như vậy cũng không có tâm lý nặng nề”. Ông Từ Quốc Tuấn nhìn nhận: “Sự chê bai thẳng thừng bao giờ cũng ảnh hưởng ghê gớm đến tâm lý học sinh”. Chính vì vậy ông Tuấn cho rằng: “Tôi thường khuyên giáo viên hạn chế nhận xét học sinh theo kiểu vô cảm, như: giỏi, tốt khá, bài văn hay, bài làm dở… Thay vào đó, giáo viên có thể dùng những câu nhận xét như: Cô rất thích bài văn của con vì có nhiều ý hay, nên chia sẻ với các bạn con nhé; Con làm bài tốt, cô khen ngợi con...”.

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Không chấm điểm 0 với học sinh lớp 1
Ngày 22/10/2013, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành Công văn số 9715/SGD&ĐT-GDTH: Hướng dẫn tạm thời việc đánh giá đối với học sinh lớp 1 năm học 2013-2014.

Các bạn có thể tải Công văn số 9715/SGD&ĐT-GDTH tại đây.

Phượng hồng

Phượng hồng
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Không chấm điểm học sinh lớp 1
Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2013-2014 T2-lop10Giờ tập viết của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Sông Hiến I, thành phố Cao Bằng. Ảnh: Minh Quyết
Tin tức -Sau gần 2 tháng bắt đầu năm học mới 2013 - 2014, dư luận đặc biệt quan tâm tới chủ trương của Bộ GD - ĐT về việc khuyến khích các trường tiểu học không chấm điểm với học sinh lớp 1 mà chỉ đánh giá các em theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ.

Một trong những xuất phát điểm của chủ trương này, là thực tế nhiều gia đình cho con trẻ học trước chương trình lớp 1, khiến việc chấm điểm trở nên thiếu công bằng giữa học sinh và còn có tác động không tốt tới tâm lý của trẻ.

Giúp trẻ tự tin

Thay đổi phương pháp đánh giá học sinh lớp 1, từ chấm điểm sang đánh giá, là một trong những nhiệm vụ năm học này của bậc tiểu học đã được Bộ GD - ĐT quyết định.

Theo Bộ GD - ĐT, việc thay đổi này bao gồm: Thực hiện đánh giá học sinh theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hàng ngày của từng học sinh, giúp học sinh cảm thấy tự tin và vui thích với các hoạt động học tập. Tăng cường đánh giá thường xuyên bằng nhận xét. Trong đó chú trọng nhận xét cụ thể của giáo viên (GV) về những nội dung HS đã thực hiện được và những nội dung chưa thực hiện được để có kế hoạch động viên, giúp đỡ HS kịp thời.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Vinh Hiển, cho biết: Ở bậc mầm non, nhiệm vụ chủ đạo là giúp trẻ vui chơi, nhận biết thế giới xung quanh, nhận dạng chữ cái, làm quen với hướng đọc, hướng viết... Việc dạy chữ là của chương trình lớp 1. Do đó, phụ huynh không nên cho con học trước các kỹ năng tập đọc, tập viết và làm Toán với hy vọng con sẽ có kết quả tốt hơn những em chưa hề học trước.

Trong thực tế, theo như một lãnh đạo bậc GD tiểu học của Hà Nội, các trẻ lớp 1 được học trước chương trình, chỉ hết học kỳ 1 là “hết vốn”. Điều bất lợi cho các học sinh là không cảm thấy hứng thú với chương trình đầu năm, từ đó kéo theo sức ỳ của các kỳ học sau. Còn các học sinh chưa được học chương trình lớp 1, nếu được đánh giá bằng điểm số thì sẽ kém tự tin, chán nản.

Cha mẹ băn khoăn

Một phụ huynh có con vừa vào lớp 1 Trường tiểu học Thanh Đa (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn: “Không cho điểm thì phụ huynh sao biết kết quả học tập của con em thế nào để rèn tiếp”? Phụ huynh khác có con học tại một trường tiểu học của quận 3 thì cho rằng: “Những phụ huynh bận rộn, trước kia xem qua điểm còn biết con đứng thứ mấy trong lớp, học kém môn nào, bây giờ sẽ không biết được cụ thể kết quả trong quá trình học”.

Nhiều giáo viên, phụ huynh cũng cho rằng, việc không cho điểm học sinh có thể tạo tâm lý lười biếng cho các em.

Những lo lắng này được lãnh đạo ngành GD - ĐT TP Hồ Chí Minh hóa giải. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, những lời nhận xét sẽ tương đương với điểm số. Ví dụ, nếu học sinh hoàn thành tốt chương trình học thì giáo viên sẽ đánh giá: “Bài làm tốt, đáng khen”; “Thầy/cô rất hài lòng về bài làm của em. Tiếp tục như thế em nhé”. Còn nếu học sinh chưa hoàn thành tốt thì có thể nhận xét: “Em cần nỗ lực nhiều hơn, về… Thầy/cô tin chắc em sẽ có kết quả tốt hơn”; hay: “Em đã cố gắng thực hiện bài làm. Nếu lưu ý những điểm như…, em sẽ có kết quả cao hơn”...

Trong giai đoạn học sinh chưa đọc được lời nhận xét trong vở, giáo viên dùng những hình thức động viên kèm theo lời trực tiếp. Hằng tháng, giáo viên nhận xét vào sổ liên lạc những điều cần đặc biệt lưu ý.

Thầy cô tận lực

Bên cạnh việc giúp trẻ tự tin, tạo công bằng trong học tập, thì việc thay đổi phương pháp đánh giá cũng nhằm giúp hoạt động giáo dục của các thầy cô và nhà trường thuận lợi hơn.
Theo nhận định của Sở GD - ĐT Nghệ An, một trong những mục tiêu của việc đánh giá nhằm khuyến khích học sinh ham học và tham gia các hoạt động giáo dục; giúp giáo viên điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với mỗi học sinh; tăng cường hơn sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh.

Việc “không chấm điểm” cũng sẽ khiến giáo viên vất vả hơn. Các giáo viên phải tăng cường đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, trong đó chú trọng nhận xét cụ thể về sự tiến bộ của học sinh hoặc những điểm học sinh cần cố gắng để có kế hoạch động viên, giúp đỡ các em kịp thời. Giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

"Giáo viên phải tâm niệm rằng đánh giá học sinh vì sự tiến bộ của các em, không tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh. Vì vậy cần coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện, đảm bảo tính công bằng, khách quan và toàn diện", Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói.

Trong quá trình đánh giá thường xuyên, giáo viên ghi vào Nhật ký đánh giá của mình những điều cần đặc biệt lưu ý, giúp ích cho quá trình theo dõi, giáo dục. Bên cạnh đó, mỗi học sinh có nhật kí tự đánh giá, ghi lại những gì đã làm được, chưa làm được, những mong muốn của bản thân trong quá trình học tập, sinh hoạt và rèn luyện, những điều muốn nói với các bạn, thầy cô giáo, cha mẹ và người thân.

"Việc đánh giá định kỳ kết quả học tập của học sinh được tiến hành vào cuối học kỳ I và cuối năm học bằng bài kiểm tra định kỳ", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

Sponsored content


Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2013-2014 Flags_1