Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Cùng con vượt qua cú sốc thi rớt 64705210Phụ huynh chờ đợi con em mình trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2013
TT - Khi kết quả thi đại học được công bố cũng là lúc nhiều thí sinh rơi vào trạng thái buồn chán, bi quan... Từng có con trải qua tâm trạng này, 1 bà mẹ đã chia sẻ kinh nghiệm cùng con vượt qua cú sốc thi rớt.

Năm ấy, con gái của chúng tôi thi trượt đại học ở cả hai khối. Cháu và chúng tôi đều rất buồn bởi học lực của cháu khá tốt và trường cháu thi không phải ở tốp đầu, nghĩa là vừa sức cháu. Nhưng không thể để cháu chìm đắm trong nỗi buồn rồi nảy sinh những ý nghĩ tiêu cực, chúng tôi tìm cách nâng đỡ cháu.

Kỳ thi kết thúc, cháu nói làm bài không tốt lắm. Đã phán đoán được phần nào kết quả nhưng chúng tôi vẫn cho cháu đi du lịch cùng cơ quan tôi và động viên cháu cứ giữ vững tinh thần. Đến khi có điểm chính thức, biết rớt cả hai khối, cháu xấu hổ không dám ra đường, né tránh mọi người, không giao tiếp với bạn bè, khách đến nhà cháu ở lì trong phòng. Ngay cả đối với cha mẹ, cháu cũng mang mặc cảm có lỗi, đã phụ công chăm sóc, tin tưởng cháu bấy lâu. Nhìn cháu buồn bã, hốc hác, phờ phạc, lòng tôi quặn thắt. Đau vì cháu thi rớt thì ít mà đau vì cháu tiều tụy như không còn sức sống thì nhiều. Chúng tôi xác định sức khỏe của con (đặc biệt sức khỏe tâm thần) là quan trọng nhất. Mình buồn một, con buồn mười. Con còn non nớt, bồng bột, nông nổi, tính tự ái cao, hay suy diễn, thổi phồng nỗi đau của mình nên dễ gục ngã trước những thất bại đầu đời, thậm chí dễ có những hành động dại dột. Vả lại, trong chuyện này cũng có lỗi của chúng tôi phần nào.

Một tối, tôi rủ cháu đi dạo công viên. Lúc ngồi ghế đá nghỉ ngơi, mẹ con trò chuyện. Tôi nói với cháu khá nhiều. Nào là về ý nghĩa thật sự của cuộc sống; nào là chuyện “có chí thì nên”, chẳng vì không đậu đại học mà tương lai khép lại. Tôi kể chính mẹ cũng phải “đi đường vòng”, tốt nghiệp hệ cao đẳng, ra trường 10 năm mới thi tiếp lên đại học, quãng thời gian 13 năm trước khi vào đại học với mẹ hoàn toàn không vô ích. Nào là thất bại này có những sai lầm của cả con và cha mẹ trong chuyện lựa chọn trường, khối thi và cách học... Con thì không xác định rõ sở trường của mình, không ham thích đặc biệt môn nào hoặc ngành nghề nào cả, nên theo các bạn con thi vào hai khối A, B (cho chắc). Vì không xác định khối thi ngay từ đầu cấp, thậm chí đầu lớp 12 nên con học đều các môn, không học thêm bất cứ môn nào nhằm hướng tới kỳ thi tuyển sinh đại học. Tôi cũng nhận lỗi của mình là chưa thật sự hiểu con, chưa tư vấn cho con thấu đáo và chưa giúp con tập trung trí lực vào trọng tâm. Thi cùng lúc hai khối là quá vất vả cho con. Để con “tự bơi” mà cứ tưởng như thế là tôn trọng nguyện vọng của con...

Sau buổi tối đó, cháu đã tươi tỉnh hơn. Những ngày kế tiếp, chúng tôi đối xử với cháu bình thường, không tỏ ra xót thương, buồn bã hay tức bực. Nhiều “giấy gọi” của các trường dân lập gửi đến nhưng cháu không muốn vào trường nào mà xin được thi lại. Để chuẩn bị cho kỳ thi năm sau, chúng tôi đã cùng cháu suy nghĩ, bàn bạc nghiêm túc về ngành nghề tương lai, sao cho vừa phù hợp sở thích, năng lực của cháu vừa với khả năng tài chính của cha mẹ và nhu cầu, xu hướng của xã hội. Cháu chọn một trường khối D. Năm đó cháu đậu, vượt điểm chuẩn 4-5 điểm.

Từ đó, chúng tôi rút ra cho mình bài học: tôn trọng ý kiến của con nhưng cần biết tính cách con để can thiệp đúng lúc, đúng mức. Đồng thời cần giáo dục con biết bình tĩnh trước những thất bại, suy xét nguyên nhân và tìm hướng giải quyết để con chủ động trước mọi tình huống của cuộc sống hơn là khi con thất vọng mới “làm tư tưởng”. Tôi cũng nghĩ rằng có lẽ cha mẹ nên bắt đầu suy nghĩ đến việc hướng nghiệp cho con từ những năm trung học cơ sở - điều mà nhiều nước tiên tiến thực hiện từ đầu cấp (cuối cấp tiểu học đã chuẩn bị). Căn cứ vào sức học, thể lực, sở thích của con, cộng thêm hoàn cảnh kinh tế của gia đình, cha mẹ có thể bàn tính với con là tiếp tục học trung học phổ thông hoặc theo học một nghề nào đó cho phù hợp.

Phượng hồng

Phượng hồng
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Rớt đại học - Bạn bè khinh thường, hàng xóm dè bỉu

ione - Thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã có những chia sẻ chân thành đến những sĩ tử trượt kì thi năm nay.

Cùng con vượt qua cú sốc thi rớt Chia-s10
Note của thầy Khắc Hiếu đang rất được tán thưởng.  Ảnh chụp từ màn hình
Theo thầy, tâm trạng của những bạn thi rớt thường rất xấu hổ, cảm thấy nhục nhã với gia đình, bạn bè, mất hết niềm tin vào tương lai, đó là chưa kể đến trường hợp những bạn có thành tích tốt mà trượt đại học thì càng thấy ê chề hơn.

Bằng cái nhìn thấu đáo, khách quan,  thầy Hiếu đã chỉ cho sĩ tử cách vực dậy bằng những suy nghĩ tích cực và hành động thiết thực. "Tôi sẽ không vì một lần vấp ngã mà bỏ cả con đường", chính là lời nhắn nhủ chân thành nhất mà thầy giáo tâm lý muốn gửi gắm tới những ai thiếu may mắn. Con đường phía trước còn rất rộng mở để đón chờ các bạn, đại học không phải là con đường dẫn tới thành công duy nhất.

Đoạn note của thầy đang nhận được sự đồng cảm của nhiều bạn trẻ. Những bạn không may mắn trong khì thi năm nay như được tiếp thêm sức mạnh. Những dòng bình luận tích cực cũng xuất hiện liên tục trong note của thầy, như: "Cảm ơn về nhưng lời chia sẻ của thầy, em đã vỡ lẽ được rất nhiều điều" hay "Lời khuyên của thầy có thể cứu sống nhiều người".


Tôi trượt đại học
1.Thi rớt, quá nhục?

Hàng năm, lượng thí sinh trượt còn nhiều hơn cả đậu. Cứ nhìn tỉ lệ chọi thì biết.

Chẳng phải một mình mình tôi trượt. Đó là tình hình chung. Với lại, tôi không sinh ra trên mặt đất này vì sĩ diện.

2. Thi rớt, bạn bè khinh thường, hàng xóm dè bĩu?

Ta không sống vì hàng xóm.

Còn những đứa bạn thay vì động viên lại đi khinh thường người khác thì cũng chẳng đáng để chơi.

3. Thi rớt, cha mẹ sẽ vô cùng thất vọng?

Có thể! Nhưng sự buồn bã của cha mẹ chỉ tạm thời mà thôi.

Cha mẹ đã nuôi tôi 18 năm trời, mớm tôi ăn từng muỗng cơm, tập cho tôi đi từng bước một. Tôi tin: chẳng vì chuyện này mà họ lại vứt bỏ con mình.

4.Thi rớt, mất hết cơ hội?

Ai nói! Trên đời này không chỉ có trường đại học đào tạo con người. Trường đời mới là ngôi trường lớn nhất, thực tế nhất, nhiều cơ hội nhất.

Tôi chẳng cần phải nói, ai cũng biết là cả khối tỉ phú từng trượt đại học đến mấy lần.

Tôi chỉ mất hết cơ hội nếu tôi chán nản ngồi im và tự giam mình. Tôi không thay đổi được quá khứ nên tôi sẽ hành động để thay đổi tương lai!

Tôi tin vào câu nói: “Thành công đến muộn nhưng sẽ ngọt ngào gấp đôi!”

5. Thi rớt, ám ảnh này sẽ không bao giờ buông tha tôi?

Thực ra tôi không sợ thi rớt. Tôi chỉ sợ cái Tôi của chính mình, sợ niềm Kiêu Hãnh của bản thân.

Tôi sẽ càng thất vọng về mình, người ta sẽ càng khinh thường hơn nếu tôi chỉ biết nằm khóc mà chẳng biết đứng dậy làm cái chi có ích.

Không! Tôi sẽ đứng dậy tìm một con đường để đi. Cuộc đời này đâu phải chỉ có một con đường đại học???

Tôi còn không yêu chính bản thân mình thì ai sẽ yêu mình?

Tôi còn không có niềm hy vọng vào mình thì ai dám hy vọng vào tôi?

Tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy rằng: Trượt đại học nhưng tôi sẽ vẫn có thể nuôi sống bản thân và báo hiếu cha mẹ bằng cách của mình!

Tôi sẽ không vì một lần vấp ngã mà bỏ cả con đường.

ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
(Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP HCM)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Cùng con vượt qua cú sốc thi rớt Flags_1