Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Trợ giáo

Trợ giáo
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Thời gian quy định làm bài với kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn là 150 phút. Theo đó, mỗi đề thi đều có hai phần: phần chung (bao gồm một câu hỏi yêu cầu tái hiện kiến thức (2 điểm) và một câu yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận xã hội ngắn (3 điểm). Phần riêng (yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học 5 điểm).

Trước hết học sinh phải nắm chắc cấu trúc đề thi vì cấu trúc đề thi không chỉ thể hiện rõ dạng thức đề thi mà còn bao gồm phạm vi kiến thức cụ thể cần ôn tập.

Kỹ năng làm bài cho câu hỏi tái hiện kiến thức

Học sinh cần chú ý các phần kiến thức giao nhau của hai chương trình (cơ bản và nâng cao). Đối với câu hỏi yêu cầu tái hiện kiến thức, phải nắm chắc những kiến thức khái quát về giai đoạn, tác giả văn học cũng như những kiến thức cụ thể trong những bài học về tác phẩm văn học Việt Nam (hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm hoặc đoạn trích...).

Chương trình Ngữ văn lớp 12 hiện nay có nhiều đổi mới. Một số bài được lược bỏ như Bên kia sông Đuống, Mùa lạc, Tiếng hát con tàu, Các vị La Hán chùa Tây Phương… Thay vào đó là các tác phẩm mới: Chiếc thuyền ngoài xa, Ai đã đặt tên cho dòng sông? Nguyễn Đình Chiểu - ngôi sao sáng trong nền văn nghệ dân tộc… Để nắm vững kiến thức, trước hết học sinh phải hệ thống lại những tác phẩm văn học Việt Nam đã học. Hệ thống hóa kiến thức có thể theo nhiều cách, và dựa vào tiêu chí khác nhau. Phân theo thể loại gồm có: thơ (bài thơ Tây Tiến, Việt Bắc, Đất nước…), văn xuôi (truyện ngắn Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ, tùy bút Người lái đò sông Đà…) và kịch (trích đoạn vở kịch nói của Lưu Quang Vũ: Hồn Trương Ba, da hàng thịt). Phân theo chủ đề như: tác phẩm chủ nghĩa anh hùng cách mạng (Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình…) và chủ nghĩa nhân đạo (Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa…). Phân theo thời gian gồm giai đoạn kháng chiến chống Pháp, giai đoạn chống Mỹ cứu nước và thời kỳ đổi mới… Không chỉ hiểu tác phẩm mà các em phải nắm vững thông tin về tác giả, nhớ đặc điểm chính của nhà văn, nhà thơ như biến cố cuộc đời, phong cách sáng tác. Về hoàn cảnh sáng tác, học sinh phải nắm bắt được bối cảnh lịch sử ra đời của tác phẩm (như truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân gắn với nạn đói năm 1945). Ngoài ra, học sinh không thể bỏ qua chủ đề của tác phẩm vì đó là căn cứ quan trọng để phân tích giá trị tác phẩm, thái độ và cách giải quyết đề tài của nhà văn.

Một nhược điểm của học sinh là ít đọc tác giả, tác phẩm hay nói đúng hơn là không biết đọc tác phẩm mà chỉ chăm chăm nghĩ đến... bài mẫu trong khi không phải bài văn mẫu nào cũng tốt cả. Đây là cách học ngọn, chưa tự sống và cảm thụ tác phẩm nên chỉ tiếp thu một cách bị động. Học văn phải cảm thụ ngay từ trong cách hiểu của mình thì mới có khả năng tự phân tích bài viết.

Đọc và hiểu tác phẩm như thế nào cho hiệu quả nhất? Phải nắm được hoàn cảnh ra đời của tác phẩm đó, tâm trạng, tâm thế , ý đồ của tác giả. Phải nắm được mạch của tác phẩm và hình tượng trung tâm. Đặc biệt là thuộc những hình ảnh hay.

Trong văn xuôi: Phải nắm được cốt chuyện và tình huống. Đặc biệt là phải nắm nhân vật để phân tích. Vì “đơn vị” cơ bản nhất của văn xuôi tự sự là nhân vật. Nhà văn bao giờ cũng truyền tải nội dung, chủ đề quan niệm nhân sinh qua hệ thống nhân vật, tương quan giữa các nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính. Phải biết nắm được đặc điểm này thì mới có một dàn bài chi tiết làm bài. Ngoại hình, đặc tả, ngôn ngữ nhân vật, đời sống nội tâm nhân vật, hành động cử chỉ gây ấn tượng của nhân vật... Nhớ cốt chuyện, tình huống, nhân vật trung tâm, những bước ngoặt của dòng cốt truyện, quan trọng nhất là nắm nhân vật, quan hệ của nhân vật, chính, phụ, phản diện, chính diện, ngôn ngữ, cử chỉ nhân vật. Phân tích nhân vật phải nắm tính cách, số phận của nhân vật. Học sinh phải nhớ chi tiết cụ thể để có chất liệu làm bài. Phải có ý thức đọc để làm bài, đọc phải nhớ, phải có định hướng.

Riêng phần kiến thức về ba tác giả, tác phẩm văn học nước ngoài ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh cần nắm được những nét chính về tiểu sử, sự nghiệp sáng tác, phong cách sáng tác của tác giả (vì đề thi thường kiểm tra phần này) và những kiến thức về tác phẩm (tóm tắt tác phẩm, đoạn trích, giá trị nội dung - nghệ thuật, các chi tiết tiêu biểu...).

Thông thường học sinh sợ nhất là câu tái hiện kiến thức vì phải học và ghi nhớ nhiều kiến thức. Tuy nhiên, nếu không làm được câu này thì rất có thể bài văn không đạt điểm trung bình. Sẽ không quá nặng nề nếu học sinh nắm được phương pháp và cách thức làm bài.

Câu trả lời tái hiện kiến thức cần được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, có thể gạch đầu dòng chứ không nhất thiết phải trình bày thành một đoạn văn.

2. Kỹ năng làm bài văn nghị luận xã hội

Đối với câu yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận xã hội ngắn, cần chú ý dung lượng (khoảng 400 từ). Thực tế cho thấy, đây là một loại bài khó đối với học sinh, nhiều học sinh còn khá lúng túng đối với dạng đề này. Học sinh cần xác định ngay từ đầu những bước (thao tác) cơ bản của dạng đề nghị luận xã hội. Đầu tiên cần làm rõ vấn đề nghị luận (qua giải thích, phân tích, chứng minh) rồi mới bàn luận (khẳng định ý kiến, bàn luận mở rộng, liên hệ thực tế...). Dẫn chứng thực tế cho dạng đề này là cần thiết nhưng không nên lạm dụng, tránh tình trạng dài dòng, lan man.

Bài nghị luận xã hội có hai dạng: Nghị luận (bàn bạc) về một tư tưởng, đạo lý. Nghĩa là trao đổi, thảo luận về một ý kiến, một quan điểm. Ví dụ: Suy nghĩ về quan điểm “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hay “Học thầy không tày học bạn” hoặc “Hạnh phúc là đấu tranh”... Dạng thứ hai là nghị luận về một hiện tượng đời sống. Yêu cầu người viết trình bày nhận thức, quan điểm về những hiện tượng đáng lưu ý, “có vấn đề” trong đời sống. Ví dụ suy nghĩ về hiện tượng học sinh nữ đánh nhau; suy nghĩ về hiện tượng nhiều bạn trẻ đi học ở nước ngoài không trở về Việt Nam làm việc; về hiện tượng game online trong giới trẻ…

Dạng thứ nhất: Nghị luận về tư tưởng, đạo lý, cấu trúc bài làm luôn có ba phần:

Giải thích, chứng minh vấn đề cần nghị luận

Bàn luận: ý nghĩa, mặt đúng, mặc tích cực; mặt tiêu cực, cần bổ sung…

Bài học nhận thức và hành động: Nên suy nghĩ thế nào, hành động ra sao, liên hệ bản thân.

Dạng thứ hai: Nghị luận về hiện tượng đời sống, cấu trúc cũng có ba phần:

Nêu thực trạng của hiện tượng: Hiện tượng đó phản ánh điều gì.

Giải thích nguyên nhân hiện tượng.

Đề xuất giải pháp, phương hướng khắc phục, cách ứng xử.

Nhiều học sinh mất điểm vì viết lan man, bài dài nhưng không có ý. Nếu trình bày đúng cấu trúc như trên sẽ không bị chệch hướng và dễ đạt điểm cao. Bài nghị luận xã hội người viết có quyền trình bày quan điểm, tư tưởng, kinh nghiệm sống riêng, song để thuyết phục được người đọc thì bài văn bao giờ cũng phải đi theo một mạch tư duy sáng rõ, mạch lạc.

Muốn làm tốt kiểu bài nghị luận xã hội, học sinh nên quan tâm đến những vấn đề xã hội, những quan niệm về tư tưởng, hạnh phúc, tình yêu, tình bạn…và tạo cơ hội tranh luận đúng sai, giải thích nguyên nhân, nêu quan điểm, giải pháp. Lâu dần sẽ rèn luyện khả năng nhận thức vấn đề nhanh, tranh biện sắc sảo, thuyết phục.

Đối với bài văn nghị luận xã hội, ngoài việc phải thu thập thông tin, đọc nhiều để có kiến thức xã hội, học sinh cần phải nhớ bố cục của từng dạng bài nghị luận (về một tư tưởng đạo lý hay một hiện tượng đời sống). Khi đọc đề, phải xác định ngay đề thuộc dạng nghị luận nào. Từ đó viết dàn ý sơ lược theo bố cục của dạng đề đó ra giấy nháp, cân nhắc kỹ để chắc chắn không lạc đề, không sai bố cục, triển khai đúng yêu cầu rồi mới viết. Những lỗi học sinh thường mắc phải là không triển khai bài văn đúng, đủ thao tác do không lập dàn ý trước dẫn đến bài văn sơ sài, thiếu ý, bố cục lộn xộn.

3. Kỹ năng làm bài văn nghị luận văn học

Học sinh chú ý các dạng đề nghị luận văn học (về tác phẩm - đoạn trích thơ, văn xuôi; nghị luận về một ý kiến bàn về văn học). Cần thể hiện trong bài làm những hiểu biết khái quát về tác giả, tác phẩm (nên để ở phần đầu của bài viết) cũng như đánh giá, nhận xét, nâng cao vấn đề (nên để ở cuối bài viết).

Điều học sinh phải chú ý là đề thi sẽ không hỏi một vấn đề lớn trong một văn bản mà có thể chỉ hỏi một ý nào đó nhưng đòi hỏi học sinh vẫn phải nắm chắc văn bản mới làm được ý nhỏ trong văn bản đó. Ví dụ, trước kia đề thi có thể hỏi: Phân tích nhân vật Mỵ hay yêu cầu thể hiện giá trị hiện thực, nhân đạo của tác phẩm nhưng nay có thể chỉ hỏi một ý nhỏ như phân tích tâm trạng của nhân vật Mỵ khi cởi dây trói cho A Phủ hay trong đêm tình mùa xuân. Xin nhắc lại: việc đọc kỹ văn bản rất quan trọng.

Ở bài nghị luận văn học, phải thật sự hiểu và cảm được văn bản tác phẩm. Làm văn là trình bày những hiểu biết của mình về những vấn đề của tác phẩm, làm sao cho người đọc thấy được cái hay, cái đẹp và những vấn đề tư tưởng mà thông qua tác phẩm nhà văn, nhà thơ muốn đề cập. Vì thế, phải đọc kỹ văn bản văn xuôi, ghi nhớ những dẫn chứng cần thiết; thơ thì phải thuộc nằm lòng, không thuộc không thể cảm được thơ.

Học tốt môn văn không thể một sớm một chiều mà phải có quá trình và ôn luyện thường xuyên. Nắm vững từng vấn đề tác phẩm, hiểu được tư tưởng mà tác giả đề cập... Tuyệt đối không học thuộc lòng bài văn mẫu. Bởi lẽ “mẫu” không phải là “mẫu mực” và cũng không thể nhớ hết. Một điểm nữa học sinh cần lưu ý là tất cả các hệ thống bài văn mẫu bán rộng rãi trên thị trường thường phân tích từ đầu đến cuối một tác phẩm nhưng khi đi thi đề thi chỉ hỏi một ý. Hơn nữa đề thường rất đa dạng, đòi hỏi học sinh phải tư duy, phải biết lập dàn ý sao cho phù hợp. Chỉ nên đọc văn mẫu trên tinh thần tham khảo để có thêm tư liệu, học cách triển khai, diễn đạt và làm giàu cho vốn ngôn ngữ của mình. Và chỉ đọc sau khi đã nắm kỹ nội dung kiến thức cơ bản mà mình được học, tránh sa đà, học theo sự cảm nhận của người khác.

Trước khi bắt tay vào làm bài văn, nhất thiết phải lập dàn ý đại cương đề hình dung hệ thống lập luận (luận điểm, luận cứ, trình tự sắp xếp các ý...).

Để đáp ứng được yêu cầu của đề thi, khi làm bài, cần vận dụng kiến thức văn học sử, lý luận văn học vì đây là kiến thức công cụ giúp học sinh kiến giải, vận dụng... khi đứng trước một hiện tượng văn học.

Kiến thức hỏi trong bài thi có thể không khó nhưng kỹ năng khó hơn vì vậy nếu không rèn luyện để viết bài ngắn và xúc tích nhưng đủ ý thì học sinh sẽ không thể đạt được điểm cao.

Phải biết bố trí hợp lý thời gian hoàn thành cho từng câu. Bố trí thời gian và lượng viết cho cân đối. Không nên quá sa đà vào từng câu, phải biết mức độ yêu cầu từng câu.

Đặng Quang Sơn (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Ninh Thuận)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Phương pháp rèn luyện kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn Flags_1