Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

muctim

muctim
Thành viên tích cực
Thành viên tích cực
Những điều cần biết khi ôn tập và làm bài thi môn Ngữ văn B8729010

Mỗi môn học có những đặc điểm khác nhau, do vậy phương pháp ôn tập thi tốt nghiệp cũng có sự khác nhau, đòi hỏi người dạy, người ôn phải tìm ra được phương pháp ôn tập hiệu quả nhất.

Với môn Ngữ văn, để ôn luyện một lượng kiến thức không phải là nhỏ, đòi hỏi mỗi học sinh phải có một phương pháp ôn tập hợp lý, khoa học.

Cũng như những môn học khác, môn Ngữ văn đòi hỏi người học có cả quá trình dày công tìm tòi, bồi đắp. Vì văn học là nhân học, là đời sống tâm hồn, là kinh nghiệm của học sinh. Kinh nghiệm này không phải qua tuổi đời mà có được mà phải qua văn hóa đọc, qua sự quan tâm các vấn đề chung quanh. Chính vì vậy, hiểu biết của học sinh về cuộc sống, đời sống tinh thần, tâm hồn trong sáng của học sinh là những điều kiện tốt để các em có được bài viết hay và thuyết phục. Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy và phải chịu trách nhiệm về thi cử của học sinh, tôi và các đồng nghiệp luôn tìm ra những phương pháp để hướng dẫn, gợi mở cho học sinh cách ôn tập môn Ngữ văn đạt hiệu quả cao nhất.

Ðầu tiên, học sinh cần tích lũy kiến thức, học phần nào chắc phần đấy, có như vậy khi làm bài sẽ tránh nhầm lẫn, mơ hồ trong trình bày kiến thức. Bên cạnh đó, chương trình là "đồng tâm", học sinh phải thấy "rừng" trước rồi mới đi vào "từng cây" cụ thể sau. Chính vì vậy, tôi thường hướng dẫn học sinh phải tìm hiểu kiến thức khái quát. Trong chương trình mấy bài khái quát về thời kỳ văn học, giáo viên luôn định hướng cho học sinh cần nhớ những gì để làm kim chỉ nam soi chiếu những phần kiến thức cụ thể về sau. Thí dụ như kiến thức về giai đoạn văn học, thời kỳ văn học, khuynh hướng sáng tác, trào lưu sáng tác, bộ phận sáng tác hoặc đặc điểm văn phong... Tất cả những điều đó học sinh phải nắm được trước khi đi vào tác phẩm cụ thể. Thí dụ đề cụ thể ở lớp 12, để viết bài luận về anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầu tiên học sinh phải nắm được kiến thức chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam là gì hoặc là nắm được giai đoạn văn học kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa anh hùng như thế nào, phục vụ kháng chiến ra sao... Sau đó là nắm kiến thức văn bản cụ thể, nắm kiến thức về chính nhân vật văn học cụ thể.

Kiến thức trong chương trình là vô cùng rộng, chủ yếu thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) là lấy kiến thức trong lớp 12, nhưng kiến thức ở các lớp dưới vẫn là nền tảng. Hiện nay, với phương tiện thông tin đại chúng ngày càng phổ biến, nếu học sinh chịu khó tìm hiểu sẽ có kiến thức nhưng nếu như không có kỹ năng làm bài thì học sinh sẽ không thành công. Ðầu tiên học sinh cần chú trọng kỹ năng giải quyết từng câu hỏi và từng dạng đề. Kỹ năng đòi hỏi học sinh phải tích lũy chứ không chỉ ngày một, ngày hai mà có được. Song với những học sinh thông minh, chịu khó, dù trong khoảng thời gian không dài vẫn có thể nắm được những yêu cầu cơ bản về kỹ năng.

Thông thường, một đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn có kết cấu ba phần - ba câu hỏi. Trong đó, câu thứ nhất (thuộc phần chung cho mọi thí sinh) chiếm hai điểm. Thường câu này yêu cầu tái hiện kiến thức như về văn học nước ngoài hoặc Việt Nam. Bộ Giáo dục và Ðào tạo có xu hướng ra đề hỏi về chi tiết, đòi hỏi học sinh phải nắm được thế mạnh của văn bản, đòi hỏi học sinh phải phát hiện được chỗ hay của văn bản, giáo viên, học sinh không được bỏ qua bất cứ văn bản nào. Tuy nhiên câu hỏi tái hiện kiến thức không dừng lại ở việc yêu cầu học sinh phải thuộc lòng mà người ta có tính đến khả năng cảm thụ, khả năng lý giải của học sinh mặc dù không được trình bày dài.

Ngoài những kiến thức cơ bản, học sinh phải biết sáng tạo, biết đưa ý kiến cá nhân của mình vào những nội dung câu hỏi yêu cầu để giải quyết vấn đề. Câu thứ hai (ba điểm) yêu cầu viết bài văn nghị luận xã hội khoảng 400 chữ. Với câu này, học sinh không phải học nhiều mà lại dễ dành điểm, nhưng phải có kỹ năng làm. Trước hết học sinh phải phân biệt được ba dạng nghị luận, nghị luận về hiện tượng đời sống, về tư tưởng đạo lý, về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học... bên cạnh đó, học sinh phải biết phân tích đề. Bài viết chỉ có 400 chữ nhưng lại yêu cầu học sinh phải trình bày thấu đáo theo ba phần. Phần thân bài cần có các mục giải thích vấn đề, phân tích đúng sai, hay dở, chứng minh thực tế và mở rộng bàn bạc. Học sinh lớp 12 mới chỉ bắt đầu bước qua tuổi 18, thời gian để các em nhận thức các vấn đề xã hội còn hạn chế. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này, học sinh đều có thể phân biệt được đúng sai về các hiện tượng đời sống, học sinh tập trung ôn theo các chủ đề như: đạo đức, lối sống, lý tưởng, các hiện tượng xã hội gây chú ý ảnh hưởng tới lối sống của thế hệ trẻ. Câu hỏi này chính là phần gỡ điểm tốt và nếu học sinh để tâm thì hoàn toàn có thể giải quyết được câu hỏi này. Phần tự chọn (dành cho học sinh học chương trình cơ bản hoặc chương trình nâng cao) chiếm năm điểm, đây là phần nghị luận tác phẩm văn học. Kiến thức là toàn bộ chương trình đã học, chính vì vậy học sinh không được học tủ, học lệch, không được nghe tin đồn trước thời gian thi. Muốn có một bài văn nghị luận được đánh giá cao, việc trước tiên, thí sinh phải xác định yêu cầu của đề bài, trên cơ sở đó các em sẽ chọn đúng hình thức diễn đạt sao cho phù hợp.

Trước khi bắt đầu làm bài thi, thí sinh nhất thiết phải đọc kỹ tác phẩm, đoạn trích, sau đó lập dàn ý sơ lược cho khung bài viết của mình, trình bày đúng bố cục mở bài, thân bài, kết bài. Học sinh phải biết đề hỏi gì để lập dàn ý trúng, đúng. Như vậy, có thể nói, nếu học sinh nắm vững kiến thức về văn học sử, từng thời kỳ văn học, trào lưu văn học, nhất là kiến thức về văn bản văn học thì học sinh hoàn toàn có thể tự tin lập dàn ý được để giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, học sinh còn phải sáng tạo, vận dụng cảm xúc của mình vào bài viết. Nắm vững chủ đề tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm, khi viết bài cần có kết cấu rõ ràng, tách ý, bài văn mạch lạc, khúc chiết, cần có câu chủ đề và dẫn chứng ở mỗi thân bài, dẫn chứng phải tiêu biểu, cụ thể, chính xác, cần có độ khái quát chỉ chắt lọc những điều cơ bản nhất. Ðặc biệt, những bài văn được thầy giáo, cô giáo đánh giá cao khi học sinh biết sáng tạo trong các bài làm, nhưng những phát hiện ấy phải có cơ sở, lập luận chặt chẽ. Hơn nữa, khi trình bày một bài văn, học sinh nên viết theo nhiều cách khác nhau, trình bày một cách rõ ràng mạch lạc, có như vậy mới tạo cho bài viết của mình phong phú đa dạng, thuyết phục được người đọc.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là các em học sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, giải pháp ôn tập hiệu quả nhất là tích lũy dần kiến thức, điều này không bao giờ là muộn. Ngoài ra, các em phải rèn luyện thêm kỹ năng giải quyết đề, kỹ năng làm các dạng đề. Ðề thi tốt nghiệp không bao giờ quá khó. Nhưng nội dung của bài thi có nhiều mức độ khác nhau về nhận thức. Vì vậy, học sinh phải biết nhận biết được vấn đề, thông hiểu được câu hỏi của đề, vận dụng kiến thức, phải làm bật được điểm mạnh của mình trong bài thi. Chúc các em bình tĩnh, tự tin và đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

TRỊNH THỊ NGỌC THÚY (Giáo viên Trường THPT Phan Ðình Phùng, Hà Nội)

Lỗi thí sinh thường gặp trong khi làm bài là lối diễn đạt như sai từ, sai câu, sai cú pháp. Ðể khắc phục lỗi này, học sinh chỉ dùng từ khi nắm vững nghĩa của từ, nắm chắc ngữ pháp và nghĩa của câu. Ngoài ra, học sinh hay mắc phải lỗi lập luận, lỗi lan man, lạc đề... Ðể tránh những lỗi trên, học sinh phải lập dàn ý chi tiết để thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các luận điểm, luận chứng. Bên cạnh đó, học sinh phải phân tích được đề, sau đó phải xác định được đúng vấn đề cần nghị luận là gì, lựa chọn được đúng phần kiến thức để đưa vào giải quyết vấn đề.

Nguồn: Nhân dân

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Những điều cần biết khi ôn tập và làm bài thi môn Ngữ văn Flags_1