Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

muctim

muctim
Thành viên tích cực
Thành viên tích cực
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết Bộ đang tìm biện pháp mạnh hơn để trẻ mẫu giáo không chịu những áp lực tiêu cực từ việc học trước lớp 1.

Trong khi các bậc phụ huynh có con vào lớp 1 năm học 2013-2014 đang “sục sôi” bàn tán và tìm chỗ cho con học trước thì cuối giờ chiều nay (25.3), Bộ GD-DT đã có trao đổi với báo giới xung quanh tác hại của việc dạy trước lớp 1 cũng như biện pháp nhằm ngăn chặn “cơn lũ” này.

Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT chia sẻ: Tôi là người từng dạy tiểu học, thấy rằng nếu những cháu nào bị sai từ lớp 1 là rất khó sửa. Cha mẹ có con chuẩn bị vào lớp 1 phải rất lưu ý điều này, nếu vì sốt sắng cho con học trước mà hướng dẫn sai thì hậu quả sau này rất nặng nề. Tuy nhiên, kể cả khi cô giáo dạy trước theo đúng chuẩn mực thì việc đi học đó cũng là “chín ép”. Ép sớm thì ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của trẻ, về khoa học giáo dục, đủ chín thì mới bước sang được giai đoạn khác. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đưa ra quy định lứa tuổi nào thì học mầm non, lứa tuổi nào thì học tiểu học…

Chính vì vậy, theo ông Định, nếu nhà trường, cá nhân nào dạy trước lớp 1 là có tội với trẻ em.

Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh, phải chăng do chương trình quá nặng nên nếu trẻ học trước sẽ không theo kịp? ông Định khẳng định: Chương trình tiểu học không hề nặng, không có gì đòi hỏi vượt sức của trẻ. Kết thúc lớp 1 mới yêu cầu trẻ biết đọc, biết viết, biết làm tính chứ không phải là trước khi vào lớp 1 như phụ huynh lo lắng.

Hơn nữa, theo ông Định, học sinh tiểu học phần lớp được học 2 buổi/ngày, giáo viên hoàn toàn có thể giãn thời gian để kèm cặp học sinh, hướng dẫn phụ huynh cùng phối hợp.

Quan trọng nhất là các cháu đạt chuẩn kiến thức kỹ năng và các năng lực cần thiết của tiểu học: biết hợp tác với bạn, giao tiếp với bạn, với cô giáo, biết thực hiện các nề nếp…

Còn bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non thì nói: Các nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng, bắt trẻ cầm bút ngồi tập trung, cầm bút trong thời gian dài thì ảnh hưởng tới cơ xương của trẻ, dễ vẹo cột sống, khớp cổ tay, gây chứng mệt mỏi, cận thị, loạn thị…

Tuệ Nguyễn

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Hoặc là ông Vụ trưởng nói một đàng làm một nẻo nhưng cũng có thể ông làm công tác quản lý giáo dục nhưng chưa từng đứng lớp nên không biết áp lực đè lên vai học sinh, giáo viên và phụ huynh như thế nào(?):

Vấn đề học trước lớp 1 của trẻ 27032010
Đề thi môn Toán lớp 1 giữa học kỳ 2 của Trường Tiểu học Kim Đồng (Tây Ninh)

Hồng Miêu

Hồng Miêu
Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Bài kiểm tra định kỳ giữa học kỳ 2 (lớp 1) môn toán năm học 2012-2013 của học sinh lớp 1 tên Vũ Bảo Ngọc sau khi được người nhà đưa lên mạng xã hội Facebook (ngày 03/4/2013) đã đặc biệt gây chú ý trong dư luận.

Theo đó, nhiều cuộc tranh luận xảy ra trên mạng, và đa phần các bình luận đều tỏ vẻ bất bình trước cách chấm điểm cũng như ra đề của giáo viên.

Vấn đề học trước lớp 1 của trẻ Toan_110
Ảnh từ facebook

Điểm đáng chú ý là ở câu hỏi 1D phần trắc nghiệm toán, học sinh điền số 61 vào ô trống, nhưng người chấm cho đó là kết quả sai. Và kết quả đúng theo giáo viên này phải là 70.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Cao Xuân Hùng - chuyên viên Phòng Giáo dục Q.3, TP.HCM - cho biết: “Người ra đề đã sai kiến thức tại câu 1d. Bởi số 61 và 70 đều lớn hơn số 60 và nhỏ hơn 80”.

“Do vậy, giáo viên phải chấm đúng câu này cho học sinh. Ở đây, khi nào, trong câu lệnh của đề bài có nêu “số thích hợp điền vào ô trống phải là số tròn chục”, thì khi đó, đáp án mới là số 70”, ông Hùng nói thêm.

Cũng nói về vấn đề ra đề thi, kiểm tra, ông Hùng cho biết: “Tùy từng nơi mà ngành giáo dục phân cấp ra đề khác nhau. Đơn cử như ở Q.3, thì giao về cho các trường tiểu học. Và hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất”.

Nguồn: Thanh niên

Phượng hồng

Phượng hồng
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
BIẾT CHỮ TRƯỚC KHI VÀO LỚP 1: Bộ bảo không cần, phụ huynh vẫn… chạy đua!

Vấn đề học trước lớp 1 của trẻ Screen10
Sau khi hoàn thành chương trình lớp một học sinh mới cần đọc thông, viết thạo (Ảnh minh họa) - ảnh: Thanh Uyên

Đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, sớm thì ngay sau Tết Nguyên đán, muộn thì đầu hè, là các phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 lại nháo nhác tìm chỗ cho con đi học, bất chấp việc các chuyên gia lẫn lãnh đạo ngành giáo dục luôn khẳng định, nhấn mạnh rằng học trước là "phản khoa học"...

Mới đây, Bộ GDĐT lại phải tổ chức hẳn một cuộc họp báo để đưa ra quan điểm cũng như giải pháp trước tình trạng phụ huynh đang rầm rập cho con đi học các lớp chuẩn bị vào lớp 1. Mặc dù thông tin chính thống đã khẳng định là không cần đi học trước, nhưng những cảnh báo này được các phụ huynh tiếp nhận với thái độ “nghe cho biết”, chứ không phụ huynh nào chỉ vì Bộ nói không cần là dừng không cho con tiếp tục theo học “tiền lớp 1”.

Anh Hà Minh Sơn (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho rằng: “Bộ GDĐT toàn kêu gọi, sẽ nọ sẽ kia, trong khi thực tế chắc gì đã tốt đẹp như Bộ muốn. Tôi có một cháu năm nay lên lớp 3 rồi nên tôi biết, khi học lớp 1 ngoài giờ học trên lớp thì về nhà các con vẫn phải rèn chữ, làm toán nâng cao, học hết kỳ 1 phải đọc thông viết thạo để cô còn đọc chính tả. Đến đứa em này tôi vẫn phải cho học trước để… giảm tải cho cháu khi vào năm học chính thức. Nếu không, đến lúc đi học thật mới bắt đầu thì sẽ căng thẳng cho cả con lẫn bố mẹ”.

Chị Mai Hương, có con gái là “cựu học sinh” trường tiểu học Chu Văn An, kể lại câu chuyện “ly kỳ” mà chị từng chứng kiến: Ngày đưa con gái đến lớp 1, chị kinh ngạc khi thấy cô giáo hỏi có em nào đọc được tấm bảng viết “5 điều Bác Hồ dạy”. Và chị bàng hoàng hơn khi quá nửa số học sinh trong lớp giơ tay. Sau đó là chuỗi ngày chị “đánh vật” với cô con gái để có thể theo kịp các bạn: “Thế nên bây giờ ai hỏi kinh nghiệm chuẩn bị cho con vào lớp 1, thì chắc chắn là mình khuyên nên cho con ít ra biết đủ mặt chữ, mặt số”.

Không vì “nghe Bộ” mà cho con dừng tập luyện để vào lớp 1, chị Hải Hà (Ba Đình, Hà Nội) có mục tiêu để cả mẹ và con cùng phấn đấu: Cho con thi vào trường tiểu học Đoàn Thị Điểm. “Thi vào trường đấy căng thẳng lắm. Mình biết bây giờ cho con đi học là hơi muộn rồi nhưng phải cố gắng thôi. Không học thì làm sao mà thi nổi”.

Ở góc độ chuyên môn hơn và cũng là “người trong cuộc”, cô Nguyễn Thị Phương Khanh - GV trường tiểu học Phú Thạnh - TP Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Việc gì cũng có hai mặt của vấn đề. Nếu biết “điểm dừng” đúng thì sẽ phát huy được tác dụng, còn đi quá sẽ dẫn đến “lợi bất cập hại”.

Cụ thể, để chuẩn bị cho con trẻ tự tin bước vào lớp một và theo chung nhịp của đa số bạn bè cùng lứa thì phụ huynh cũng có thể cho bé làm quen trước với mặt chữ và con số. Có nghĩa là phụ huynh có thể tự dạy cho con trẻ thông qua những trò chơi với trẻ chứ không nhất thiết phải đến lớp học thêm. Qua đó, tập cho bé quen dần với 29 chữ cái. Và về số học thì bé có thể tập đếm đến 20, hơn chút nữa là bé có thể biết số nào lớn hơn số nào… Với lượng “kiến thức” như vậy là trẻ đã có thể vững bước vào lớp một. Kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề, tôi cho rằng những bé được “trang bị” như thế sẽ rất hứng thú khi vào lớp một bắt đầu được “rèn lại” một chút về chữ cái và tập ghép từ, đánh vần… Nếu bé được cho đi học sớm trước những gì trong nội dung chương trình lớp một thì khi vào học chính thức, bé sẽ rất dễ nản. Như vậy, “vô hình trung” bố mẹ đã làm “thui chột” tính sáng tạo, khả năng khám phá của trẻ... Từ đó, trẻ sẽ lười học và dẫn đến tình trạng học thua sút so với bạn bè - cô Phương Khanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có những trường hợp “trớ trêu” - “Đừng nói là cô giáo sẽ không chê bai trên lớp khi con chậm hơn các bạn nhé. Ngay lớp học thêm mà đã thế cơ mà. Hôm trước, con mình đi học thêm về cứ buồn mãi. Hỏi tại sao thì con kể hôm nay học chữ O, cô xem con viết rồi bảo “viết chữ như cục đá”. Đấy, không cho con võ vẽ biết trước một tí, đến khi đi học khéo con lại xấu hổ với bạn bè” - Chị Hà Anh bức xúc. Hay một phụ huynh khác có con năm nay dự kiến sẽ vào trường tiểu học thì cho rằng nếu như năm trước Bộ đã “cấm tiệt” học thêm ở tiểu học rồi thì năm nay đối với việc kiểm tra, kiểm soát vấn đề học trước - dạy trước chương trình lớp 1 cũng chỉ là một “hình thái” của vấn đề và xem ra chưa thật sự phát huy hiệu quả trong chuỗi quản lý của ngành…

Đề xuất hướng ra cho “vấn nạn” này, một vị phụ huynh kiến nghị: Trước khi chính thức bước vào năm học mới, nhà trường và các giáo viên lớp 1 nên có một buổi gặp gỡ với phụ huynh, học sinh. Trong cuộc gặp mặt này phía nhà trường, giáo viên cần khẳng định, cam đoan với phụ huynh rằng các con không cần biết chữ trước khi vào lớp một. Như thế thì có thể năm nay phụ huynh còn e ngại. Nhưng nếu Bộ vẫn “kiên định” với hướng đi này thì chắc chắn năm sau, năm sau nữa, phụ huynh sẽ yên tâm mà không bắt con cái phải chịu áp lực quá sớm” - Anh Minh sơn đề nghị.

Hay một giải pháp “tình huống” có thể thực hiện ngay, đó là: Tất cả các sở GDĐT tỉnh thành đều thiết lập và duy trì thật hiệu quả một đường dây nóng để phụ huynh có thể gọi đến phản ánh về những hành động, lời nói gây áp lực cho trẻ của giáo viên. Và địa phương cần nghiêm khắc xử lý những sai phạm dạng này. Nếu được như vậy, giáo viên sẽ cẩn trọng hơn trong lời ăn tiếng nói, không gây tổn thương cho trẻ - Chị Hà Anh đề xuất.


Kết quả khảo sát của một cổng điện tử, về việc nên hay không nên cho trẻ đi học trước khi vào lớp một, qua hơn 300 ý kiến đã cho kết quả:

* Không nên - vì sẽ làm trẻ chủ quan và ngày càng “đuối” khi đi học chính thức 12,91%

* Nên - vì sợ không theo kịp bạn đồng lứa: 38,74%

* Nên nhưng ở mức vừa phải - Chỉ cho trẻ quen với sách vở, chữ số chứ không ép học 45,36%

* Các ý kiến khác: xấp xỉ 3%

T.Uyên (tổng hợp)
Nguồn Lao động

Hòa bình

Hòa bình
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Trẻ học chữ trước khi vào lớp 1: Nỗi niềm của giáo viên

Học lực của học sinh phụ thuộc vào sự tiếp thu và việc chăm chỉ học hành của trẻ. Có thể thời gian đầu những trẻ đã biết chữ trước có khả năng học tập nhanh hơn nhưng điều đó không quyết định về sự khác biệt học lực vì còn phụ thuộc 2 yếu tố trên.

Vấn đề học trước lớp 1 của trẻ Daychu10
Học chữ khi chưa đảm bảo về tâm sinh lý, lại học sai cách rất nguy hiểm cho việc học sau này của trẻ

Đó là những chia sẻ của cô L.T.M - giáo viên (GV) Trường tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội), có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm ở lớp 1.

Theo cô M., việc biết chữ trước của học sinh (HS) chỉ là yếu tố tự phát, không thuộc về quy định và chuẩn mực và không bao gồm mọi kiến thức trong chương trình học lớp Một nên nếu trẻ không tập trung học và tiếp thu chậm thì sau một thời gian vốn kiến thức tự phát đó sẽ cạn và trẻ trở về đúng thực chất của mình. Những trẻ chưa biết chữ ngày nay hầu hết đã trải qua giai đoạn học mầm non nên cũng đã làm quen với một số chữ cái và con số, khi vào lớp 1, được GV hướng dẫn tiếp nối theo đúng thì không có trở ngại gì về việc học tập so với những trẻ đã biết chữ trước.


"Học trước sẽ làm trẻ mất tập trung khi vào học chính thức

Vào lớp 1 là bước ngoặt quan trọng đối với trẻ. Nhiều phụ huynh lo con mình không theo kịp các bạn nên đã cho con đi học sớm từ sau Tết. Hoặc còn có những phụ huynh cho con nghỉ học ở trường mẫu giáo để đi học chữ là không nên. Có thể giai đoạn đầu trẻ học chữ trước có thể bắt nhịp với chương trình nhanh hơn. Nhưng chưa chắc về mặt nhận thức sẽ nhanh hơn các em chưa được học chữ trước.

Trẻ học trước sẽ làm trẻ mất tập trung khi bước vào học chính thức, dễ gây tâm lý “biết rồi” dẫn đến chủ quan. Điều nguy hại hơn là trẻ không được dạy đúng quy chuẩn nên giáo viên dạy gặp nhiều khó khăn về tư thế ngồi, cách cầm bút. Theo tôi thì chúng ta nên tổ chức cho trẻ tham gia chương trình làm quen với lớp 1 khoảng 1 - 2 tuần trước khi học sinh đi học, nhằm làm giúp các em có điều kiện được làm quen với bàn ghế, chỗ ngồi với sách vở, tránh cho các em không quá bỡ ngỡ, để các em có một tâm thế tốt trước khi vào lớp 1.

Hiện nay, trình độ của trẻ khi bước vào lớp 1 là không đồng đều. Trong lớp một số em đã biết đọc, biết viết nhưng cũng có em lại chưa biết gì dẫn đến khó khăn cho giáo viên trong quá trình giảng dạy."
Cô Đặng Thị Phương Dung - Trường tiểu học Cát Linh (Q. Đống Đa, Hà Nội)

“Khi đứng lớp giảng dạy, GV luôn đối xử công bằng với tất cả các HS nên chúng tôi luôn thực hiện giảng dạy đồng đều với mọi đối tượng, dạy tất cả các cháu biết chữ và chưa biết chữ như nhau... (coi như HS cả lớp là chưa biết chữ). Vì như đã nêu ở trên, việc biết chữ của các cháu trước khi vào lớp 1 chỉ là tự phát và chưa toàn diện, chưa bao gồm mọi kiến thức của lớp 1 mà chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng kiến thức ban đầu của chương trình. Trong quá trình học, nếu HS biết chữ trước tỏ ra nhanh hơn các bạn hoặc có tâm lý chủ quan vì đã biết chữ rồi thì GV luôn có cách thu hút HS bằng những hình thức dạy học phong phú, phù hợp để kích thích sự chú ý và sáng tạo của trẻ” - cô M. nói.

Cô M. phân tích thêm, tất cả các hình thức dạy học phong phú trên áp dụng cho mọi học sinh trong lớp và chú trọng phát triển tư duy cho HS. Nếu HS biết chữ rồi nhưng tư duy chưa tốt thì chưa chắc đã học nhanh bằng những bạn chưa biết chữ nhưng có tư duy tốt và chịu khó lắng nghe. Mặt khác, quá trình học chữ của HS được kéo dài từ dễ đến khó, mỗi tiết học 40 phút, để học xong 1 bài cần 2 tiết (tương đương với 80 phút) giúp cho cả GV và HS có đủ lượng thời gian để dạy và học cho mọi đối tượng.

Đừng lo sĩ số lớp đông!

Hiện nay phần lớn phụ huynh lo lắng vì sợ lớp đông, cô giáo không quán xuyến hết tới mọi HS, sợ con mình học đuối hơn các bạn nên muốn cho con biết chữ trước.

Giải đáp về vấn đề này, cô M. chia sẻ thêm, ngày nay hầu hết các GV lớp 1 của các trường đều được chọn là những GV có kinh nghiệm dạy lớp 1 lâu năm. Đối với các GV, điều quan trọng để điều hành một lớp học và một giờ học là sự phối hợp nhịp nhàng giữa cô và trò.

Đối với lớp1, các con cần làm quen với nề nếp học và các quy định, quy ước của nhà trường của cô giáo để có phương pháp học tập thích hợp cho năm lớp 1 và những năm tiếp theo. Việc làm quen với các quy định, quy ước đó được nhà trường và GV tiến hành kỹ trong các tháng đầu năm học và kéo dài đến hết năm học.

Điều đó không phụ thuộc vào việc trẻ có biết chữ trước hay không mà phụ thuộc vào sức khỏe, tâm lý và sự tiếp thu của các con, đồng thời với sự phối kết hợp thường xuyên giữa nhà trường và các bậc phụ huynh HS để giúp đỡ trẻ hòa nhập với môi trường học mới.

Các GV lớp 1 luôn có sự tỉ mỉ, kinh nghiệm giảng dạy và sự nhiệt tình, yêu nghề mến trẻ và được tập huấn phương pháp dạy học tích cực thường xuyên nên việc quan tâm tới từng HS trong lớp luôn là trách nhiệm của các cô, bản thân các GV luôn có sự tìm tòi, điều chỉnh để sát sao tới từng cháu (ví dụ: hôm nay các cháu không thuộc chữ này thì ngày mai không thể học tiếp sang chữ mới được, nên sự kiểm tra luôn tới từng HS) nên mong các vị phụ huynh hãy gạt bỏ tâm lý lo lắng, tin tưởng vào đội ngũ các GV và sự giáo dục của nhà trường, tạo điều kiện tốt về tâm lý và sức khỏe cho các con em mình để các cháu có sức khỏe tốt và tâm lý tự tin, vui vẻ khi vào học lớp 1.


Chúng tôi muốn nhận trẻ vào lớp 1 như tờ giấy trắng

Việc cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 chủ yếu là do tâm lý của phụ huynh. Nhiều người xuất phát từ tâm lý đám đông lo ngại sĩ số lớp đông thì liệu con mình không biết chữ trước có theo kịp bạn bè hay không. Bên cạnh đó còn có một số tâm lý khác như phụ huynh muốn con biết chữ, viết đẹp và điểm cao ngay sau chỉ một vài tuần vào học.

Cá nhân tôi khi nhận lớp, nhiều bậc phụ huynh băn khoăn đến gặp và chia sẻ chưa cho con đi học chữ trước và cảm thấy rất là lo lắng. Tôi luôn nhấn mạnh với các bậc phụ huynh rằng, không có gì cần phải lo lắng cả bởi đây là nhiệm vụ của chúng tôi. Khi nhận học sinh, chúng tôi mong muốn được nhận các con như một tờ giấy trắng bởi vì có tình trạng trẻ đi học trước và khi chúng tôi rèn lại thì cực kì khổ. Chẳng hạn như, điểm đặt bút, cách cầm bút sai… Thậm chí là cả ghép âm, ghép vần và đánh vần sai bởi phụ huynh luôn có tâm lý con đi học lớp 1 phải biết đọc, biết viết được rồi.

Kinh nghiệm gần 10 năm giảng dạy lớp 1 của tôi cho thấy, chỉ cần sau nửa học kỳ thôi thì những cháu đi học và không đi học chữ trước đều bằng nhau. Nhưng cháu chưa đi học thì tôi có thể nhận thấy được sự tiến bộ hàng ngày, thậm chí từng tuần, từng giờ một

Điều quan trọng nhất đối với trẻ trước khi vào lớp 1 là chuẩn bị tâm lý cho các con. Hoạt động chủ đạo của các con ở bậc mầm non là vui chơi còn khi vào lớp 1 là học tập nên bao giờ cũng gây ra sự mệt mỏi. Chính vì thế mà các trường hiện nay đưa vào rất nhiều hoạt động vui chơi nghỉ giữa giờ, các hoạt động hoạt tập thông qua các trò chơi để giúp các con đỡ nhàm chán.

Sĩ số lớp đông nên phụ huynh lo lắng cho con mình là điều dễ hiểu. Tuy nhiên hiện nay các trường đều tổ chức phân hóa đối tượng ngay từ đầu năm học. Không phải chỉ phân hóa cháu biết trước hay chưa biết mà còn phân hóa cả những cháu có khả năng tiếp thu nhanh và tiếp thu chậm hơn. Thông qua đó thì ngoài việc đảm bảo dạy đúng chương trình đề ra thì vào buổi chiều, thầy cô sẽ quan tâm, bảo ban các con chưa tiếp thu kịp hoặc bị học đuối.

Cô Lê Thu Hà - giáo viên Trường tiểu học Thành Công B (Q. Ba Đình, Hà Nội
Nguồn Dân trí

Trợ giáo

Trợ giáo
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Đi học cũng dở, ở nhà không yên tâm

Tâm lý sợ con vào lớp 1 không biết chữ sẽ không theo kịp các bạn, nhiều phụ huynh cho con luyện chữ, học thêm từ lúc còn ở lứa tuổi mầm non. Từ nhu cầu của phụ huynh, những “lò luyện” chữ ở bậc mầm non xuất hiện ngày càng nhiều. Thậm chí có phụ huynh chỉ cho con đi học mẫu giáo ở lớp mầm, lớp chồi đến lớp lá thì cho nghỉ vì cho con tập trung luyện chữ ở các lớp dạy thêm.

Vấn đề học trước lớp 1 của trẻ Images10
Dạy chữ sớm cho trẻ không phải biện pháp hay mà cha mẹ dành cho trẻ

“Con trai sắp vào lớp 1, mình đang phân vân không biết có nên cho con đi học thêm trước không? Không học thì sợ vào không theo kịp bạn bè rồi cô giáo lại mắng, còn cho học thì cu cậu biết trước lại đâm ra không còn hứng thú nữa cũng mệt. Chọn cách nào đây ta?”. Đó là tâm sự của chị Tuyền ở quận 2 (TPHCM) và đây cũng có lẽ cũng là tâm sự chung của nhiều bậc cha mẹ khi có con đang trước ngưỡng cửa chuẩn bị vào lớp 1.

Mặc dù băn khoăn nhưng phần lớn phụ huynh đều chọn giải pháp cho con đi học thêm trước khi vào lớp 1. Gần 5 tháng chở con đi luyện chữ ở một địa chỉ gần nhà, chị T.Th, mẹ bé Hà kể những ngày đầu phải đến lớp luyện chữ, bé phản ứng rất dữ, khóc không chịu viết, phải mất mấy buổi làm quen. “Đến giờ thì cháu nó viết được chữ rồi, đọc chữ cái rất trôi. Sắp tới, cháu sẽ được học thêm môn Toán. Có vậy mình mới yên tâm cho cháu vào lớp 1”.

Còn chị Nga ở quận 8 thì đã hối hận vì không cho con đi luyện chữ trước khi vào lớp 1. “Mình cũng nghĩ cho con từ từ rồi học, vì vậy vô lớp 1 cu cậu bơi không kịp các bạn”.

Một số cô giáo nhận thấy việc dạy chữ cho trẻ ở lứa tuổi mầm non là không đúng nên đã tư vấn cho phụ huynh. Tuy nhiên, một thời gian sau các cô lại bị phụ huynh quay lại trách móc. Cô Phương ở trường mẫu giáo Tuổi Xanh 16 (quận 4, TPHCM) chia sẻ: “Tôi đã bị nhiều phụ huynh quay trở lại mắng vốn. Lý do là con họ khi vào lớp 1 học không theo kịp chương trình và không bằng các bạn trong lớp…”.

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn TPHCM cũng bắt đầu nở rộ các trung tâm dạy cho trẻ các kỹ năng tư duy, làm toán… theo độ tuổi từ 4 đến 12 tuổi. Tâm sự trên wesite của Trung tâm Toán Mathnasium, bà Phạm Ngọc Hạ Uyên - Phụ huynh của bé Mai Bảo Kha (5 tuổi) - bày tỏ: “Bé thích đi học, tự tin hơn vì đạt nhiều điểm A+, được cô khen thưởng và động viên. Khả năng về toán có tiến bộ hay áp dụng những kiến thức mới trên lớp vào thực tế ở nhà khi chơi trò chơi (tính nhẩm, chia phần). Chương trình học phù hợp với độ tuổi của bé, không quá nặng…”.

Việc cha mẹ đua nhau cho con đi luyện chữ, học thêm các chương trình đào tạo khác để được an tâm khi con vào lớp 1 đã gây lo lắng cho ngành Giáo dục nói chung và tính khoa học của vấn đề cũng là chuyện các bậc phụ huynh cần suy nghĩ. Gần 20 năm dạy cấp 1, cô B.V ở Trường TH Kim Đồng (Q.6, TPHCM), cho biết: “Nhiều học sinh lớp 1 do đã được học chữ với cô giáo dạy mẫu giáo từ rất sớm (trước khi vào lớp 1) nhưng do học không đúng cách đánh vần, phát âm và phần lớn đều không biết cách cầm bút, tư thế ngồi viết..., viết chữ sai về qui tắc, kích thước... nên khi vào lớp 1 sửa rất khó. Có em viết chữ số 8 bằng cách hai chữ O ghép lại. Chưa kể một số em còn ỷ lại “biết hết rồi” không chịu nghe giảng nữa”.


"Điều cần thiết giai đoạn này là sự chuẩn bị toàn diện cho các em về sức khỏe, tâm lý, nhận thức… để các em có hứng thú và đảm bảo được việc học. Hãy tạo điều kiện tối đa để các em phát triển cơ tay nhỏ như để trẻ tự mặc và cởi được áo, có kỹ năng cắt, nặn, dán, xé và sử dụng được bút thành thạo. Đồng thời, giúp trẻ nhận thức bản thân, tự tin vào khả năng của mình để vững vàng khi rời bố mẹ."
Cô Thanh Phương – Hiệu phó trường mẫu giáo Tuổi Xanh 16 (Q.4, TPHCM)

Chia sẻ gần đây trên một số phương tiện truyền thông, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, thực tế có một số phụ huynh chỉ cho con học lớp mầm, lớp chồi, còn sang lớp lá là cho nghỉ vì “bận” học thêm. Hoặc nhiều trẻ 5 tuổi chỉ đến lớp lá và kỳ 1, còn sang kỳ 2 lại nghỉ ở nhà học chữ để chuẩn bị vào lớp 1. Điều này rất phản khoa học vì lớp lá là một giai đoạn tạo nền tảng về nhân cách, sức khỏe, kỹ năng rất quan trọng cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Hiện nay, chương trình giáo dục mầm non mới trẻ được làm quen với chữ viết, con số... nhưng đúng chương trình, mức độ phù hợp với độ tuổi. Và theo chỉ đạo của Sở, GV lớp 1 phải dạy trên nền tảng ban đầu trẻ học chữ. GV không được "đốt cháy" giai đoạn.

Theo các nhà nghiên cứu lứa tuổi mầm non thì: “Trẻ học sớm rất dễ bị bệnh cận thị, cong vẹo cột sống, chán học (do các cơ tay còn vụng về, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa mắt và tay dẫn đến mệt mỏi). Tâm sinh lý, thể lực, trí lực của trẻ em 4-5 tuổi chỉ có thể học chương trình mẫu giáo”.

Một cán bộ Phòng Giáo dục quận 8 (TPHCM) cho biết: “Tâm lý cho con học chữ trước khi vào lớp 1 đã hình thành nhiều năm nay trong phụ huynh, cùng một lúc rất khó thay đổi. Các trường mầm non, tiểu học cần có các hoạt động tuyên truyền giúp phụ huynh thay đổi nhận thức…”.

Hoàng Công Chương

muctim

muctim
Thành viên tích cực
Thành viên tích cực
Khó ngăn trẻ học chữ sớm

Hiểu được tác hại của việc học chữ trước khi vào lớp 1, nhiều trường mầm non ở TPHCM tích cực trong việc “cản” trẻ học chữ trước. Tuy nhiên, việc này không hề dễ khi phụ huynh phải ép con học trước mới an lòng.

Đưa phụ huynh vào lớp học

Từ đầu năm học đến nay, nhiều phụ huynh có con học lớp Lá tại trường mầm non Trí Đức (Q. Tân Phú, TPHCM) được nhà trường mời đến lớp dự giờ học làm quen với chữ viết, con số của trẻ theo chương trình giáo dục mầm non. Tại đây, họ trực tiếp thấy con được làm quen với chữ thông qua các mô hình, trò chơi phù hợp với lứa tuổi.

Tháng tư vừa rồi, hàng trăm phụ huynh của trường tham gia chương trình “Tiếp bước cho con vào lớp 1”, hỏi đáp trực tiếp với bác sĩ và chuyên gia tâm lý về những sự chuẩn bị cần thiết giúp trẻ vào lớp 1. Đầu năm học, trường cũng đã tổ chức nhiều chương trình như vậy để phụ huynh hiểu không cần phải cho con học chữ trước khi vào lớp 1.

Vấn đề học trước lớp 1 của trẻ Mamnon10
Chương trình mầm non tạo một nền tảng vững chắc giúp trẻ chuẩn bị cho việc học

Bà Nguyễn Kim Cúc, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, một trong những cách để phụ huynh không bắt trẻ học chữ trước là phải giúp họ hiểu được vai trò của chương trình giáo dục mầm non hiện nay là chuẩn bị về ngôn ngữ, thể chất, tâm lý... để trẻ bắt đầu việc học.

“Cách đây vài năm, thường xuyên có cảnh phụ huynh xin đón con sớm về học chữ hoặc nghỉ học lớp Lá. Nhưng một hai năm gần đây thì tình trạng này giảm đi rất rõ. Phụ huynh phần nào yên tâm với sự chuẩn bị của lớp Lá, và khi được tư vấn thêm thì họ sẽ cân nhắc việc ép con học chữ trước”, bà Cúc cho hay.

Nhiều trường mầm non ở Q.5 cũng tích cực mời phụ huynh đến dự tiết học của con để nắm rõ hơn về chương trình giáo dục 5 tuổi. Nhờ trực tiếp tham gia những giờ học như vậy, nhiều phụ huynh đã từ bỏ ý định đón con về sớm đi học chữ, yên tâm để trẻ hoàn thành chương trình lớp Lá.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Phòng Giáo dục Q.5 cho hay để “ngăn” việc học chữ của trẻ, phải thực hiện cùng lúc rất nhiều việc. Không chỉ tuyên truyền mà phải giúp phụ huynh thật sự yên tâm con mình được chuẩn bị tốt để vào lớp 1. Vì thế, quận còn tổ chức cho trẻ mầm non đi tham quan các trường tiểu học, xem anh chị lớp 1 học bài.

Nhiều trường còn mời GV tiểu học xuống trường mầm non dự giờ, các cô hiểu rõ hơn về khả năng, hoạt động của trẻ để có phương pháp, cách tiếp nhận trẻ vào lớp 1 phù hợp.

Khó kiểm soát học ngoài giờ

Những năm gần đây ngành giáo dục rất tích cực trong việc ngăn trẻ học chữ trước khi vào lớp 1. Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi khẳng định vai trò quan trọng của bậc học này trong hệ thống giáo dục. Trẻ đến trường mầm non không đơn thuần chỉ để chăm sóc, ăn ngủ vui chơi như quan niệm lâu nay mà đây là bậc học hình thành các phẩm chất về sức khỏe, trí tuệ, ngôn ngữ, tình cảm và quan hệ xã hội theo bộ chuẩn 5 tuổi, tạo tiền đề để vào lớp 1.

Mới đây, thông tin từ Bộ GD-ĐT cũng cho biết sắp ban hành văn bản chấn chỉnh tình trạng dạy trước lớp 1. Theo đó, đối với học sinh lớp 1, GV tuyệt đối không cho điểm (ngoại trừ bài kiểm tra nghiệm thu chất lượng cuối năm).

Bộ cũng yêu cầu các sở GD-ĐT quy định rõ trách nhiệm của GV, hiệu trưởng, cán bộ quản lý GV liên quan đến việc dạy trước lớp 1, xử lý việc dạy trước lớp 1 như vi phạm quy định về dạy thêm học thêm.

Năm học trước, Sở GD-ĐT TPHCM đã yêu cầu các trường tuyệt đối không cho điểm học sinh vừa vào lớp 1 trong hai tuần đầu đến trường.

Cho dù nhiều cố gắng như vậy nhưng trên thực tế, tình trạng việc trẻ học chữ trước vẫn diễn ra một cách rầm rộ, nhất là ở các thành phố lớn. Việc học chữ trước khi vào lớp 1 diễn ra ở khắp nơi từ các trung tâm ôn luyện, đến các ngóc ngách có người luyện vào lớp 1 tại nhà hay việc phụ huynh mời người về nhà dạy chữ cho con.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Phòng Giáo dục Q.3, TPHCM cho hay với những trường hợp phụ huynh đón con sớm hoặc không cho trẻ ra lớp Lá để học chữ thì ban giám hiệu, GV có trách nhiệm tư vấn, vận động phụ huynh. Tình trạng này hiện nay không còn nhưng thực tế việc trẻ học bên ngoài, học tại nhà thì không thể kiểm soát được.

“Nhiều PH còn đề xuất trường mầm non dạy chữ nhưng chúng tôi khẳng định, GV mầm non không có chuyên môn trong việc này, đó là việc của GV lớp 1”, bà Nguyệt bày tỏ.

Cô Phạm Thị Kim Ngọc, GV Trường mầm non Trí Đức (Q. Tân Phú) cho hay, trách nhiệm của GV là tư vấn, trao đổi để phụ huynh hiểu việc học chữ trước không có lợi mà chỉ gây hại về sau cho trẻ. Nhưng quyết định vẫn là ở phụ huynh và thực tế theo cô Ngọc biết dù được trấn an thì vẫn còn nhiều phụ huynh ép con đi học chữ trước.

Cô giáo Ngọc bộc bạch: “Việc học thì học cả đời, chỉ có tuổi thơ của con mới không thể quay lại. Người lớn đừng lấy cắp tuổi thơ của các em mà hãy để các em được sống, được khám phá đúng với lứa tuổi”.

Nguồn: Dân trí

Hòa bình

Hòa bình
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Cho trẻ học gì trước khi vào lớp 1?

Ở bậc mầm non, trẻ 5 tuổi đã được nhận diện, làm quen với 29 chữ cái và các số tự nhiên từ 0 đến 10. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn không yên tâm, sợ con em vào lớp 1 không theo kịp bạn bè nên ép con học trước cả tiếng Việt và toán, thậm chí từ lớp chồi.

Lợi bất cập hại

Qua khảo sát của một số giáo viên lớp 1, gần như 100% trẻ đều biết viết, đánh vần trước khi vào học. Tuy nhiên, thực tế này lại trở thành khó khăn. Bà Võ Thị Thùy Linh, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết: “Cả lớp đều học trước, biết trước nhưng trình độ không đồng đều, tuy nhiên điều đó không nghiêm trọng bằng kiến thức, kỹ năng biết trước lại sai hoàn toàn so với quy định của chương trình giáo dục tiểu học hiện hành”.

Vấn đề học trước lớp 1 của trẻ Tomau10
Ở bậc mầm non trẻ đã được làm quen với kỹ năng tập tô, vẽ để chuẩn bị vào lớp 1 - Ảnh: Diệp Đức Minh

Bà Bùi Thị Kim Dung, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), chỉ ra những lỗi học sinh thường gặp như sau: “Hầu hết chữ của trẻ đều viết sai từ các nét cơ bản cho đến độ rộng, độ cao và khoảng cách. Thêm vào đó là cách đánh vần, trẻ học trước thường thực hiện theo kiểu cũ, chẳng hạn chữ “lan” phải đánh vần đúng là “lờ-an-lan” thì trẻ lại đánh vần thành “a-nờ-an-lờ-an-lan”. Ngoài ra, học sinh còn ngồi sai tư thế dẫn đến cách cầm bút, để vở theo thói quen xấu, khó sửa và dễ thành tật”...


30 phút mỗi ngày cho kiến thức cơ bản

Theo các giáo viên, nếu như không yên tâm vẫn muốn dạy trẻ trước, phụ huynh có thể mỗi ngày dành khoảng 30 phút để dạy cho con những kiến thức cơ bản. Ngoài những cuốn tập tô giúp tay trẻ cử động một cách mềm mại, uyển chuyển; phụ huynh còn có thể tìm những cuốn sách dành cho giáo viên lớp 1 để biết những hướng dẫn chính xác về từng nét chữ, cách ghép vần... Khi đã sử dụng bút viết nhuần nhuyễn thì cho trẻ sử dụng vở tập viết lớp 1, nhưng chú ý là vở dạng 4 ô li để quen với các nét chữ trong chương trình tiểu học.

Ngoài những điểm sai vừa nêu, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1), khẳng định: “Việc học trước sẽ lợi bất cập hại bởi do đã biết, khi vào lớp, cô giáo dạy lại từ đầu nên trẻ không tập trung, ít hăng hái học tập, thậm chí trẻ thấy mọi việc đơn giản nên không nỗ lực. Đặc biệt, điều mà phụ huynh lâu nay không để ý là nếu cầm bút quá sớm cơ tay, xương tay của trẻ bị ảnh hưởng và có thể bị móp vì phải gồng nhiều để giữ bút đi nét, đè ngòi bút mạnh khi viết. Từ đó làm cho con chữ của trẻ không được mềm mại”.

Đa số các giáo viên đều cho rằng do quá nôn nóng, nhiều cha mẹ không tìm đúng cô giáo đang dạy lớp 1 mà lại cho trẻ học với gia sư là sinh viên hoặc những giáo viên lớn tuổi, đã về hưu từ lâu không cập nhật những phương pháp đổi mới nên dẫn đến dạy trẻ sai.

Áp lực từ cha mẹ

Bà Kim Dung giảng giải: “Sự bỡ ngỡ khi thay đổi môi trường giữa hai bậc học sẽ làm cho một số trẻ sợ sệt, tâm lý bất ổn. Nhưng tuần đầu tiên cô với trò chủ yếu là làm quen, tạo mối quan hệ tin cậy sau đó mới đến những kiến thức định hình cơ bản, đơn giản về dòng li, đường kẻ, cách đặt bút… Tuy vậy, trẻ ở lứa tuổi này lại dễ bắt nhịp, làm quen được với cô, với bạn. Trong khi đó qua theo dõi, tôi thấy áp lực chủ yếu tập trung về phía người lớn”.

Bà Võ Thị Thùy Linh cũng quả quyết: “Những trẻ chưa biết gì, có thể trong 2 tháng đầu của học kỳ 1 tiếp thu kỹ năng, tốc độ viết hơi chậm so với những bạn đã học trước chứ hoàn toàn không phải học dở. Vì vậy, lúc này người lớn đừng tạo áp lực về điểm số làm cho trẻ thêm hoang mang, lo lắng về sự chậm chạp của mình. Thay vào đó phải lắng nghe, chia sẻ để trả lời những thắc mắc, tạo sự vững tin cho các con. Cha mẹ nên trao đổi kịp thời với giáo viên chủ nhiệm những thay đổi hoặc thông tin của trẻ”.

Nguồn: Thanh niên

Sponsored content


Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Vấn đề học trước lớp 1 của trẻ Flags_1