Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Trợ giáo

Trợ giáo
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Người nông dân tật nguyền nhưng có đôi mắt sáng quắc như ánh trăng 16 được bà con nhân dân nể phục và yêu mến bởi ông đã nuôi dạy được 3 người con vào Đại học, một chuyện rất hiếm ở cái vùng quê nghèo khó này. Mọi người ở đây thường gọi ông với cái tên rất trìu mến là ông Sáu.

Vào một ngày đầu tháng 8/2012, có dịp theo một người bạn về với vùng quê anh hùng - xã Hoả Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang chúng tôi đã được gặp và làm quen với một người đàn ông thật đặc biệt: ông Dương Văn Nhơn (SN: 1952), ngụ ấp Thạnh Quới 2.

Đi lên từ nghị lực

Hít một hơi thuốc thật sâu, ông Sáu chậm rãi kể lại cuộc đời lắm gian truân nhưng cũng nhiều hạnh phúc của đời mình: Hồi nhỏ ông cũng bình thường như bao người khác cho đến năm 18 tuổi thì tai ương bất ngờ ập xuống đầu ông.

Sau một cơn bạo bệnh, ông bị tật ở một chân (teo quắp) nên đi lại rất khó khăn chứ chưa nói đến việc làm lụng, đặc biệt là những công việc nặng nhọc cần nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, bằng ý chí và nghị lực phi thường ông đã vượt lên số phận để xây dựng tương lai bằng chính bàn tay, khối óc của mình.

Năm ông vừa tròn đôi mươi, thấy ông dù tật nguyền nhưng hiền lành, chăm chỉ lại có ý chí vươn lên, một người con gái cùng xã đã đem lòng cảm mến và bằng lòng “kết tóc se duyên” với ông.

Lấy vợ được một thời gian, do gia đình đông con nên cha mẹ cho vợ chồng ông ra ở riêng. Thương các con vất vả nhưng hoàn cảnh khó khăn nên dù rất cố gắng cha mẹ hai bên cũng chỉ cho được tổng cộng 02 công đất (khoảng 2.000m2) để lập nghiệp coi như là “của hồi môn”.

Ông lão tật nguyền "dẫn" ba người con vào Đại học Images20
Ông Dương Văn Nhơn bên ruộng lúa nhà mình

Dành một khoảng để dựng tạm căn nhà tre vách lá, phần đất còn lại ông dùng để trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, do vùng đất này đều bị nhiễm phèn nặng nên không phải cây gì cũng sống được.

Chỉ có cây Khóm (Dứa) là hợp nhất với thổ nhưỡng tại nơi này nên “nhà nhà, người người” đều trồng Khóm và đã tạo nên thương hiệu “Khóm cầu Đúc nổi tiếng ngọt ngay” (một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của tỉnh Hậu Giang nói riêng và cả Miền Tây nói chung hiện nay).

Tuy nhiên cái vòng quay luẩn quẩn“Mất mùa thì giá cao, được mùa lại mất giá” khiến gia đình ông cũng như nhiều gia đình nông dân khác ở cái vùng này luôn lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn.

Vậy nhưng với tâm lí chung của người Việt thời đó là luôn mong muốn có “con đàn cháu đống” thì nhà mới có phúc, “trời sinh voi trời ắt sinh cỏ” mà dân Miền Tây lúc đó lại luôn vỗ ngực tự hào “chim đầy trời, cá đầy dưới sông” nên chẳng bao giờ có thể chết đói.

Vì vậy, ông cũng nhiệt tình hưởng ứng phong trào “đông con” và 4 đứa con (2 trai 2 gái) lần lượt ra đời trong mái nhà tranh chật hẹp. Ít đất sản xuất nên vợ chồng ông đã phải xoay sở và làm mọi việc để lo chuyện cái ăn, cái mặc và đặc biệt là chuyện học hành cho các con.

Có chữ mới có tương lai

“Lúc đó, vợ chồng tôi cùng thống nhất là dù có có nghèo, có khó khăn đến đâu cũng phải nuôi dạy các con đến nơi đến chốn.

Việc học hành của các các con phải được đặt lên hàng đầu bởi vợ chồng tôi cùng xác định ở cái vùng đất “khỉ ho cò gáy” như thế này nếu chỉ bám vào mấy công đất ruộng dù có suốt ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” thì cùng lắm cũng chỉ có thể đủ ăn những khi mưa thuận gió hòa, chứ rất khó để có thể vươn lên khá giả.

Do đó học vấn là con đường tốt nhất để thoát khỏi con đường mòn mà cha ông chúng đã đi qua…”, ông Sáu trầm ngâm nhớ lại về những tháng ngày gian nan.

Để có thể thực hiện được mong muốn của mình, vợ chồng ông đã phải lao vào làm việc cực nhọc bằng hơn 100% sức lực của mình. Ông đã phải liên tục thử nghiệm và chuyển đổi giống cây trồng cho phù hợp với vùng đất nhưng phải có giá trị cao.

Ông cải tạo đất và chuyển từ trồng Khóm sang trồng lúa, hoa màu như: dưa, bắp… Đồng thời tích cực chăn nuôi heo, gà, vịt… vừa để cải thiện bữa ăn hàng ngày lại có thể tăng thêm thu nhập.

Thường ngày, cứ sớm tinh mơ là người ta đã thấy ông lỉnh kỉnh mang cuốc, xẻng ra đồng đến khi mặt trời đứng bóng mới về ăn cơm. Tranh thủ nghỉ ngơi trong chốc lát, ông lại tiếp tục cuộc “hành trình mưu sinh” của mình cho đến khi hoàng hôn buông xuống.

Một ngày lao động miệt mài của ông chỉ thực sự kết thúc khi bầy gia súc gia cầm của gia đình ngủ yên sau khi đã được no bụng. Quanh năm “đầu tắt mặt tối”, ít khi người ta thấy ông Sáu dành thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc cho bản thân mình nên nhìn vẻ bề ngoài ông gầy và già hơn nhiều so với lứa tuổi.

Trong khi đó, vợ ông cũng hết lòng phụ chồng nuôi con. Ngoài việc chăm sóc, giáo dục và quản lý các con, bà cũng tranh thủ đi buôn bán vặt (rau, củ, quả…) để kiếm đồng ra đồng vô. Thông thường, chỉ có bữa cơm tối muộn là lúc gia đình sum hợp đông đủ nhất.

Một đĩa rau đồng luộc, một vài con cá kho khô mà ông bắt được ngoài ruộng là những bữa ăn ấm cúng, tràn đầy tiếng cười hạnh phúc của cả gia đình. Lao động cực nhọc nhưng sống rất giản dị, tiết kiệm với tiêu chí “tất cả dành cho việc học hành của con cái” cho dù có lúc gia đình ông lâm vào tình cảnh “cháo cũng không có mà ăn”.

Thấu hiểu nổi vất vả của cha mẹ, các con ông đều rất hiếu thảo, ngoan hiền, học giỏi. Đó là động lực rất lớn để vợ chồng ông tiếp tục hi sinh vì tương lai của các con.

Trong 4 người con của ông thì có 3 người đã lần lượt vào học Đại học rồi có công ăn việc làm ổn định: anh con trai lớn làm trong ngành Công an, anh thứ ba thì công tác trong một ngành bảo vệ pháp luật của tỉnh, cô em út thì làm giáo viên dạy cho một trường chuyên.

Đây là một thành tích rất hiếm ở cái xã nghèo khó và chưa có nhiều gia đình thực sự quan tâm và có sự đầu tư cho việc học của con cái. Sau khi đi làm một thời gian, các con của ông cũng đã lần lượt lập gia đình với những đồng nghiệp của mình nên cuộc sống cũng rất ổn định.

Trong 4 người con, chỉ có cô con gái thứ hai là có chút vất vả, mặc dù lực học cũng rất khá nhưng sau khi học xong lớp 12, thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên cô đã gác lại ước mơ đèn sách để nhường cơ hội cho anh và 2 đứa em của mình.

Cô đã đi học nghề may để phụ giúp cha mẹ và sau đó cũng đã lập gia đình với một người làm cùng nghề. Hiện tại cuộc sống của vợ chồng chị cũng rất ổn định.

Nghĩ lại những tháng ngày gian khổ khi chấp nhận cảnh khổ cực, thiếu thốn để nuôi các con ăn học, ông Sáu chia sẻ: “Trong tâm trí tôi lúc đó chỉ nghĩ, do mình ít học nên cái nghèo luôn đeo đuổi tôi cũng như bao gia đình khác ở cái vùng quê nghèo khó này.

Do đó bằng mọi cách phải quyết tâm cho các con ăn học đến nơi đến chốn mới mong chúng có một tương lai tốt đẹp. Đời mình đã cực khổ, vất vả nên không muốn chứng kiến các con lại đi vào vết xe đổ của mình”.

Sau phút trầm ngâm, ông tiếp tục bộc bạch: “Đôi lúc vợ chồng tôi cũng thấy mệt mỏi nhưng vì tương lai các con nên chúng tôi lại động viên nhau phải tiếp tục cố gắng, không thể buông xuôi.

Bây giờ nhìn các con khôn lớn, yên bề gia thất, có công việc ổn định, tôi nghĩ ông trời đã ban phước lành cho gia đình chúng tôi. Tôi nghĩ mình đang là người “giàu” nhất nhì nơi đây vậy”. Nói dứt câu, đôi mắt người đàn ông gầy gò có nước da sạm lại vì dầm mưa dãi nắng sáng lên rực rỡ, đầy hạnh phúc.

Về phần ông bà, sau khi làm lụng vất vả và tích cóp nhiều năm cũng đã mua thêm được vài công đất và vẫn chưa chịu ngơi nghỉ. Khi chúng tôi đặt câu hỏi “Bây giờ các con đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, gia đình đề huề, sao hai bác còn chưa nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già sau nhiều năm vất vả?”.

Ông Sáu cười hiền đáp: “Mấy đứa con tôi cũng đã nhiều lần tha thiết khuyên vợ chồng tôi nên nghỉ ngơi vì tuổi đã cao, sức đã yếu. Chúng sẽ cùng nhau phụng dưỡng cha mẹ chu đáo nhưng vợ chồng tôi lao động nhiều năm đã quen rồi, giờ nghỉ một ngày là cứ thấy sao sao ấy, không quen.

Vì vậy tôi cũng có nói với chúng cứ để ba mẹ thủng thẳng làm cho vui, khi nào sức yếu thì ba mẹ sẽ nghỉ ngơi các con đừng có lo”.

Theo những người dân địa phương, dù khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả hay đến nay đã tương đối an nhàn thì ông Sáu vẫn luôn lạc quan yêu đời. Không chỉ giỏi “tay cuốc” mà ông còn giỏi “tay đàn” và là một “cây” văn nghệ “cứng cựa” tại địa phương.

Trong mỗi đám tiệc vui hay khi có chương trình văn nghệ quần chúng thì mọi người lại được thưởng thức giọng ca ngọt ngào đậm chất Nam Bộ của ông Sáu với những bản ca cổ trữ tình như: Bông Điệp Sài Gòn, Tình anh bán chiếu…

Không chỉ chăm lo tốt cho gia đình, ông Sáu còn tích cực tham các công tác xã hội đặc biệt là các hoạt động từ thiện. Ông là thành viên của Câu lạc bộ khuyến nông, là nơi mọi người trao đổi kinh nghiệm và hổ trợ vốn sản xuất, cải thiện đời sống.

Đa nhiều năm liền ông được công nhận là “Nông dân sản xuất giỏi” của địa phương. Ông còn vận động gia đình luôn gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong những năm qua, gia đình ông luôn được công nhận là“Gia đình văn hóa tiêu biểu”. Đặc biệt, năm 2010 ông được UBND tỉnh Hậu Giang tặng Bằng khen vì “Có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện chiến dịch giao thông thuỷ lợi mùa khô và chỉnh trang đô thị ở địa phương”.

Hiện nay, ngoài việc tiếp tục lao động ông bà còn “xí phần” chăm sóc, nuôi dạy những đứa cháu nội, ngoại để các con có thể an tâm công tác. Tình thương con cháu của vợ chồng ông Sáu thật bao la như trời biển. Trước lúc chia tay ông Sáu, tôi bất chợt nhớ đến câu ca dao mà ông cha ta từng răn dạy:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Sao Mai

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Ông lão tật nguyền "dẫn" ba người con vào Đại học Flags_1