Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

muctim

muctim
Thành viên tích cực
Thành viên tích cực
Đề: Nhà văn Victor Huy-gô đã từng nói: “Con người được sáng tạo ra không phải để mang xiềng xích mà để tung cánh bay lượn trên bầu trời”? Anh (chị) nghĩ sao về điều này?

Đời không cho đôi cánh nhưng bạn cần biết bay… Doican11
Hình ảnh bài viết của bạn Mạnh Nhi

Bài làm

Người ta là gì giữa cuộc đời đầy hoa nhưng cũng đầy gai này? Là sóng, là gió, là lửa, là thác đổ miễn không là bình thản, không đứng yên, không cuộn tròn để bị cuộc sống bào mòn đi. Mỗi sáng thức dậy, con người phải đi về phía bình minh, đón ánh mặt trời lên từ biển, chứ không ở trong phòng để chờ tới hoàng hôn buông. Phải chăng như nhà văn Victor Huy-gô đã nói: “Con người được sáng tạo ra không phải để mang xiềng xích mà để tung cánh bay lượn trên bầu trời”?

Một con chim non mới sinh ra đã ý thức được cuộc sống của mình là trên bầu trời, là học bay để tung cánh cùng mây cao, trời rộng chứ không phải sống ở nơi lồng son, quẩn quanh trong cuộc sống đủ đầy no nê. Một con hổ sẽ trở nên hiền lành nếu sống trong sở thú. Con vật đã vậy, huống chi là con người. Con người được thượng đế sáng tạo ra để làm chủ thế giới, làm chủ muôn loài, “là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài” (Shakespear), là sáng tạo vĩ đại của tạo hóa. Cho nên, họ phải sống sao cho xứng đáng với điều ấy. Cuộc đời có rất nhiều xiềng xích bủa vây con người. Đấy là những khuôn khổ, khuôn phép chật hẹp, con người mang xiềng xích tức là sống cuộc sống nhỏ bé, ép mình vào những khuôn khổ trẻ nhạt, tù túng. Sống nhỏ bé là sống phụ thuộc, dựa dẫm vào những cái có sẵn hay của người khác. Con người sinh ra để “tung cánh bay lượn trên bầu trời”, tức là sống cuộc đời tự do, tự tại, sống kiêu hãnh, ngẩng cao đầu nhìn ra thế giới, sống trọn vẹn, tận hiến cho cuộc đời.

Câu nói của Victor Huy-gô đã khẳng định lối sống tích cực, sống bằng hết sức sống, “toàn tâm, toàn ý, thức trọn mọi giác quan”. Tôi còn nhớ câu chuyện về một anh thanh niên và một nhà hiền triết, anh thanh niên luôn sợ sệt không dám bày tỏ những ý kiến của mình, anh ta sống một cuộc đời tẻ nhạt và lên lịch đầy đủ từng ngày, từng tháng, và làm theo công việc trong đó như một cái máy. Anh sợ sệt tất cả những biến động và lảng tránh tất cả. Nhà hiền triết đã nói với anh: “Anh thật sự đang không sống”. Người thanh niên gợi tôi nhớ tới nhân vật Bêlicốp trong tác phẩm “Người trong bao” của Sêkhốp, sống trong bao, làm gì cũng trong bao và chết cũng trong bao. Tất cả họ đang sống cuộc đời tẻ nhạt, quẩn quanh, tự tạo cho mình một nhà tù không gông cùm để tự tống giam mình và “sống mòn” trong đó. Nếu sống như thế con người sẽ không bao giờ cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống, họ sống mà không biết đang chết trong khi sống, họ sống mà không tìm được lý do tồn tại của mình.

Trong cuộc đời này, bao nhiêu người đã cố gắng tháo gỡ xiềng xích để tung cánh tự do. Các nhà thơ mới đã không chấp nhận những phép gò bó của thi pháp văn chương trung đại. Họ tạo nên một cuộc cách mạng đổi mới thơ ca, tự do đưa bản ngã vào thơ. Và Xuân Diệu là đại diện xuất sắc, ông đã sống tận hiến, tận hưởng đến tận cùng.

Xin hãy cho tôi được giã từ

Vẫy chào cõi thực để vào hư

Trong hơi thở cuối dâng trời đất

Cũng vẫn si tình đến ngất ngư


Hay như người nghệ sĩ Lorca, dẫu “đi lang thang trên miền đơn độc” vẫn suốt đời đấu tranh cho tự do và cái đẹp. Những con người ấy, xứng đáng là “kiểu mẫu và kích thước để đo lường vạn vật”, là những bông hoa nở đúng giờ, đúng khắc của cuộc sống trần thế.

“Con người được sáng tạo ra không phải để mang xiềng xích mà để tung cánh bay lượn trên bầu trời”. Nhưng trong cuộc sống, còn biết bao nhiêu thứ xiềng xích bó buộc con người và vượt qua là điều không phải dễ dàng. Nhưng con người cần biết sống “tung cánh bay lượn trên bầu trời” bằng tâm hồn và từ ngay nhận thức trước khi đến hành động và hình thành lối sống.

Nhưng nói sống tự do, sống hết kích thước của cuộc sống, phóng khoáng chứ không phải bỏ qua hết những quy tắc thuần túy của cuộc sống, sống theo ý mình, chỉ biết đến bản thân. Ở mỗi con người luôn luôn nên dung hòa giữa các khuôn khổ và sự phóng túng, tự do để hình thành lối sống đầy bản lĩnh và khôn ngoan.

Con người sinh ra dành cho bầu trời, tạo hóa ban cho mỗi con người cơ hội và thời gian. Hãy sống cho thời gian trôi đi còn chút gì để lại, cơ hội đến và sẽ chẳng vô nghĩa vụt đi.

Ở thời đại của một thế giới phẳng, không ai có thể sống mà không thể hiện cái tôi, không ai có thể gò mình vào xiềng gông của sự tẻ nhạt, phụ thuộc, nhỏ bé, vì như thế sẽ bị tụt hậu so với thời đại, chỉ có thể mơ những giấc mơ con trong ngôi nhà chật hẹp của khuôn phép mà thôi.

Mỗi cuộc đời là một điều kỳ diệu, mỗi số phận đều là một phần góp nên tòa lâu đài cuộc sống. Nếu Bêlicốp thử một lần bỏ đi cái bao, nếu anh thanh niên trong câu chuyện kia thử sống phá bỏ lịch trình của mình theo chu kỳ thì cuộc sống sẽ thêm màu thêm sắc. Đừng tự tạo cho mình xiềng xích, vì chỗ đứng của chúng ta luôn là bầu trời đầy nắng và gió kia. Cuộc đời không cho con người đôi cánh nhưng mỗi người phải biết bay theo cách của mình.

Nhận xét của giáo viên chấm bài, ThS Hồ Tấn Nguyên Minh, Giáo viên trường chuyên Lương Văn Chánh.

Đời không cho đôi cánh nhưng bạn cần biết bay… Doican10

Bài viết khá tốt, hiểu đề sâu sắc. Văn viết mạch lạc, chặt chẽ, logic. Có chất văn, có cách viết sáng tạo. Cần phát huy ưu điểm của mình để làm tốt hơn nữa. Bài viết đạt điểm 9.

NGUYỄN MẠNH NHI (lớp 11 văn, THPT Chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Đời không cho đôi cánh nhưng bạn cần biết bay… Flags_1