Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

thaodo

thaodo
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú
Ngày 28/8/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT: Ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học.

Theo đó, đánh giá học sinh tiểu học được hiểu là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.

Các bạn có thể tải Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT tại đây hoặc đây.

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Không tổ chức thi, chỉ kiểm tra định kì với HS tiểu học

Bài kiểm tra định kì không dùng để xếp loại hay để so sánh HS này với HS khác mà để giáo viên, cha mẹ HS kiểm chứng lại việc nhận xét, đánh giá thường xuyên trong học kì, trong năm học.

Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo M1utv810
Các học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM

Trước lúng túng của nhiều giáo viên vào thời điểm kiểm tra định kì học sinh theo quy định của Thông tư 30 về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, ngày 25-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục có Công văn số 7475/BGDĐT-GDTH: Chỉ đạo đánh giá định kỳ theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số việc như sau:

1. Chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường tiểu học ở địa phương tiếp tục đổi mới công tác quản lý, giảm các thủ tục, hồ sơ hành chính, tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn để tạo điều kiện cho giáo viên tập trung vào công việc chuyên môn, tiếp tục quen dần với việc đổi mới, chia sẻ cách nhận xét, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện. Giới thiệu để giáo viên, cán bộ quản lý tham khảo kinh nghiệm về thực hiện TT 30/2014 trên báo Giáo dục và Thời đại.

2. Chỉ đạo các phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường tiểu học tổ chức kiểm tra định kì theo TT 30/2014. Việc kiểm tra định kì được tổ chức theo thời khóa biểu vào buổi học chính khoá, không gây áp lực, lo lắng, băn khoăn cho học sinh và cha mẹ học sinh.

Tuyên truyền, giải thích để giáo viên, cha mẹ học sinh hiểu và nhận thức đúng về việc kiểm tra định kì: Bài kiểm tra định kì được giáo viên sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm, góp ý những hạn chế của học sinh và được chấm điểm. Điểm của bài kiểm tra định kì không dùng để xếp loại học sinh hay để so sánh học sinh này với học sinh khác mà chủ yếu để giáo viên, cha mẹ học sinh kiểm chứng lại việc nhận xét, đánh giá thường xuyên quá trình học tập của học sinh trong học kì, trong năm học. Nếu kết quả bài kiểm tra định kỳ chưa phù hợp với các nhận xét, đánh giá thường xuyên, giáo viên cần xem xét, tìm hiểu nguyên nhân để có thể điều chỉnh cách dạy, cách hướng dẫn, giúp đỡ học sinh; có thể cho học sinh làm lại bài kiểm tra khác để xác định thực chất năng lực học sinh hay hiệu quả của các giải pháp giáo dục đã được áp dụng. Mục đích cuối cùng vẫn là vì sự tiến bộ của học sinh, nhằm giúp học sinh học được và học tốt.

3. Để rút kinh nghiệm cho việc ra đề và hướng dẫn kiểm tra định kì vào cuối năm học 2014 – 2015 và những năm học tiếp theo, Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT chọn 05 đề kiểm tra định kì Học kì I / 01 môn học / 01 lớp của 05 trường tiểu học ở địa phương, gửi về Bộ GD&ĐT (Vụ Giáo dục Tiểu học) trong tháng 01/2015.

Các bạn có thể tải Công văn số 7475/BGDĐT-GDTH tại đây hoặc đây.

thaodo

thaodo
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú
Ngày 06/01/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Công văn số 39/BGDĐT-GDTH: Tổng hợp đănh giá và khen thưởng học sinh tiểu học theo thông tư 30/2014/TT-BGDĐT.

Nội dung của Công văn số 39/BGDĐT-GDTH:

Các bạn có thể tải Công văn số 39/BGDĐT-GDTH tại đây hoặc đây.

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
“Kêu không được thì vẫn phải làm”

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Phạm Xuân Tiến, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng “sổ sách” vẫn là băn khoăn lớn của nhiều giáo viên, trong việc nhận xét học sinh tiểu học. 

Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ncz8vt10
Hình ảnh ghi ở Trường tiểu học Tả Thanh Oai (Hà Nội), nơi áp dụng mô hình trường học mới, học sinh tự kiểm tra kết quả bài làm của bạn trước sự chứng kiến của cô giáo. Với mô hình này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng dễ dàng áp dụng cách đánh giá mới theo thông tư 30

Không phủ nhận những mặt tích cực của việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 30, nhưng nhiều nhà quản lý, giáo viên các trường tiểu học ở Hà Nội vẫn bày tỏ những khó khăn, bất cập được nhìn nhận qua một học kỳ.

“Nhiều giáo viên đang tự làm khổ mình. Khi đi kiểm tra, tôi cũng choáng khi thấy giáo viên ghi nhận xét chi tiết, dòng nào, mục nào cũng ghi đầy đủ. Như thế thì đâu còn thời gian để lo việc dạy học. Sở không bắt các thầy cô phải làm thế mà chỉ ghi những mặt hạn chế, điểm nổi bật của các em", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, sổ ghi chép cũng không cần làm theo đúng mẫu. Thậm chí thầy cô có thể ghi theo ký hiệu, quy ước để mình hiểu và giải thích cho hiệu trưởng. Ghi chép trong sổ đánh giá của giáo viên không nhằm mục đích để “trình diễn” cho đoàn kiểm tra hay phụ huynh, học sinh, mà ghi nhớ để tìm ra biện pháp hướng dẫn, uốn nắn học sinh kịp thời.

“Sổ sách” vẫn là vấn đề lớn

Tôi cũng có nghe thông tin về việc đâu đó giáo viên vẫn dùng bút chì cho điểm học sinh.

Sau khi học sinh mang vở về cho cha mẹ xem thì cô tẩy điểm số đó đi. Hoặc cũng có thông tin giáo viên và phụ huynh thống nhất cho con ra ngoài học thêm để “được cho điểm”.

Tôi khẳng định nếu việc này được xác định cụ thể ở trường nào, giáo viên nào thì cần phải xử lý kỷ luật nghiêm. Vì đây là việc vi phạm quy chế chuyên môn.

Xét ở góc độ giáo dục, việc làm này nguy hại cho học sinh, khiến con trẻ “làm quen” với hành vi gian dối, chạy theo cách dạy học không thực chất.

Ông PHẠM XUÂN TIẾN
(phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội)
Tuy nhiên, trên thực tế không phải trường tiểu học nào cũng được hiệu trưởng chỉ đạo linh hoạt trong việc này. Sự chuẩn chỉ về “sổ sách” vẫn là vấn đề khiến lãnh đạo nhiều trường cảm thấy “an toàn”.

Theo một lãnh đạo trường tiểu học ở quận Đống Đa (Hà Nội) thì “trong các cuộc họp, hội thảo, lãnh đạo các cấp vẫn hướng dẫn là có thể linh hoạt trong đánh giá, là không cần phải ghi chép theo mẫu, nhận xét 100% vào sổ.

Nhưng khi chỉ đạo chuyên môn, chúng tôi vẫn cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể. Cùng với việc chỉ đạo đổi mới đánh giá cũng phải rà lại các quy định khác để có tính nhất quán. Nếu không khi chúng tôi bị thanh tra gõ đầu thì ai cứu chúng tôi?”.

Một giáo viên Trường tiểu học Phương Mai (Hà Nội) băn khoăn: “Trong quá trình dạy học thì có thể đánh giá bằng lời nói. Nhưng cuối học kỳ, giáo viên chủ nhiệm vẫn phải nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng, sổ liên lạc. Giữa sổ chủ nhiệm và sổ theo dõi đánh giá có nhiều mục trùng lặp mà giáo viên phải chép lại. Không lẽ cuối kỳ chỉ chọn ra một số học sinh nhận xét, còn một số khác thì thôi?”.

Theo cô giáo này thì các thầy cô, nhất là giáo viên chuyên biệt, vẫn phải làm ngoài giờ để hoàn thành việc “nhận xét”.

Nhiều giáo viên tiểu học khi được hỏi về vấn đề thông tư 30 đã nói “kêu mãi, nhưng không thể khác được thì không kêu nữa, cố làm cho hết trách nhiệm thôi”.

Về điều này, cô Nguyễn Thúy Minh, hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An (Hà Nội), cũng chia sẻ: “Vất vả đối với giáo viên là việc không tránh khỏi”.

Cô Minh cho biết với trường mình, hiệu trưởng đã cho phép 100% giáo viên sử dụng sổ đánh giá điện tử. Có nghĩa giáo viên được nhận xét trên máy tính rồi in ra gửi cha mẹ học sinh và lưu vào hồ sơ học sinh. Những nội dung trùng lặp giữa sổ chủ nhiệm và sổ đánh giá cũng được hiệu trưởng cho phép lược bớt, tích hợp.

Dù vậy, công việc của giáo viên trường vào cuối học kỳ 1 cũng quá tải. 100% giáo viên phải làm việc ngoài giờ, tranh thủ giờ nghỉ giải lao để hoàn thành công việc theo đúng quy định mới.

“Tôi có thể hiểu vì sao nhiều hiệu trưởng điều hành giáo viên đánh giá học sinh một cách máy móc. Bởi họ lo lắng bị kiểm tra, xử lý theo các quy định hiện hành. Ví dụ như trong điều lệ trường tiểu học vẫn có những quy định cứng về hồ sơ, sổ sách với những đầu mục mang tính bắt buộc phải thực hiện. Nếu linh hoạt theo thông tư 30 thì có thể sẽ không đúng, không chuẩn chỉ với điều lệ và những quy định khác. Linh hoạt thì rất có thể sẽ bị thanh tra chuyên ngành phê. Đây là điều các cấp quản lý giáo dục cần phải biết để có cách tháo gỡ cho giáo viên bằng những quy định mang tính pháp lý mới phù hợp” - cô Minh nói.

Động lực học tập giảm?

Theo tổng kết của Sở GD-ĐT Hà Nội, kết quả đánh giá từng môn học ở bậc tiểu học học kỳ 1 không có đột biến tăng hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, một số hiệu trưởng tiểu học thì lo ngại “động lực học tập của học sinh có thể giảm”. Cô Nguyễn Thúy Minh nhận xét với việc đổi mới đánh giá, “áp lực đối với học sinh giảm, nhưng ý thức học tập lại kém hơn vì không có sự ganh đua, nỗ lực. Thực tế này cho thấy ý thức tự giác học tập của học sinh VN không tốt so với học sinh nước ngoài.

Bởi vậy, có những quy định ở nước ngoài áp dụng tốt, nhưng khi đưa vào thực tiễn dạy học ở VN lại có những điểm bất cập. Bên cạnh đó, phụ huynh không phải ai cũng quan tâm đúng mức đến con. Nhiều phụ huynh không nhận xét, thậm chí không ký vào phần giáo viên nhận xét về con mình được gửi về gia đình”.

Nhận xét của cô Minh cũng là ý kiến chung của một số giáo viên khác tại Hà Nội.

Tuy nhiên, trao đổi lại về điều này, ông Phạm Xuân Tiến cho biết Sở GD-ĐT Hà Nội đã đi kiểm tra tại 20 trường tiểu học. Ở mỗi trường, đoàn kiểm tra thu khoảng 20-30 cuốn vở/môn học để xem.

“Nhìn nội dung vở của học sinh, cả phần các em làm bài và phần giáo viên nhận xét, chúng tôi thấy không có chuyện “buông lỏng” chất lượng. Nếu trước kia giáo viên chỉ chấm điểm thì nay ghi thêm: “Nhận xét, chữa bài, đề nghị học sinh tự sửa bài làm sai vào vở”, như vậy tốt hơn chứ không thể khiến học sinh kém đi” - ông Tiến cho biết.

Rõ ràng, sự khác biệt về nhìn nhận việc thực hiện thông tư 30 ở trên cho thấy kết quả như thế nào lệ thuộc vào điều hành của mỗi trường, tâm huyết của thầy cô giáo.

Nhưng nếu như đối với giáo viên cần có sự kiểm soát, chế tài cho việc vi phạm thì với các nhà quản lý cần bình tĩnh, thấu đáo và có cái nhìn bao quát, nhiều chiều hơn để từng bước điều chỉnh các quy định, cởi bỏ những vướng mắc. Nếu không như vậy, thông tư 30 khó có thể đi vào đời sống giáo dục một cách thực chất.

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Quả thật chúng tôi sợ viết lắm rồi

Sau khi áp dụng thông tư 30, giáo viên (GV) chúng tôi cũng thấy có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên còn nhiều việc mà Bộ GD-ĐT cần phải lắng nghe những người trong cuộc   để hoàn thiện hơn. 

Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo MsAhe98
Tại một hội nghị giáo dục tiểu học, các đại biểu tham quan sách dành cho học sinh tiểu học

Sau đây là một số nhận định mà chúng tôi thấy sau khi áp dụng thông tư này:

1/ Đối với HS: giảm áp lực về điểm số, về thi cử, học gì thi đó, không phải nhồi nhét như trước vì GV chủ nhiệm trực tiếp ra đề, coi thi và chấm bài. Các em được khen ngợi nhiều hơn về những mặt mạnh của mình.

2/ Đối với GV: chủ động hơn khi được trực tiếp ra đề nên không phải dạy nhồi nhét kiến thức cho HS như trước nữa.

Tuy nhiên khi áp dụng thông tư này đối với GV tiểu học quá vất vả. Chúng tôi thường nói với nhau rằng ngoài dạy học, bây giờ chúng tôi có thêm nghề rèn chữ nữa. Chúng tôi có rất nhiều sổ sách, nào là sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm, sổ theo dõi, sổ học bạ...

Vì thứ nhất: việc đánh giá HS bằng nhận xét khiến chúng tôi phải ghi rất nhiều.

Mặc dù đã có chỉ thị là không cần thiết phải ghi nhận xét tất cả các em trong một ngày mà mỗi ngày chỉ nhận xét một số HS. Nhưng xin thưa rằng: đã không nhận xét thì thôi chứ nhận xét một số em thì làm sao bao quát hết được cả lớp, làm sao biết em đó làm bài như thế nào?

Thế nên không chỉ riêng tôi mà ai cũng cố gắng phải nhận xét đủ số bài của HS, việc này đã mất quá nhiều thời gian của GV rồi.

Thứ hai: sổ liên lạc bắt chúng tôi phải ghi quá nhiều ở trang 13 và trang 15. Chúng tôi thấy ghi như vậy là quá dư, lặp lại mà phụ huynh đọc cũng không hiểu gì vì ở trang 13 chúng tôi đã ghi đầy đủ nhận xét về học tập, năng lực, phẩm chất rồi, cớ sao trang số 15 bắt chúng tôi phải viết lại.

Sổ theo dõi HS (thay bằng sổ điểm) của năm trước lại bắt GV ghi lại một lần nữa về các mặt học tập, năng lực, phẩm chất của HS (giống hệt trang 13 của sổ liên lạc). Tôi xin hỏi là ghi để làm gì, và ai đọc? Chẳng lẽ chúng tôi tự ghi ra và tự đọc những nhận xét đó.

Thứ ba: sổ học bạ chúng tôi lại cũng nhận xét như vậy giống ở sổ liên lạc với từng em. Như vậy cùng một nhận xét chúng tôi phải ghi lại tới bốn lần.

Tôi đã đếm và thấy rằng cứ một HS, chúng tôi phải viết 10 trang (tính luôn cả học kỳ 2 của sổ học bạ). Sau đó hãy làm phép nhân: 10 trang x 50 HS = 500 trang giấy mà chúng tôi phải viết trên một năm, thử hỏi điều đó có cần thiết? Xin thưa, thời gian đó hãy để cho chúng tôi tìm tòi, phát huy, sáng tạo những kiến thức mới để dạy các em, đừng bắt chúng tôi rèn chữ nữa.

Thay vì sổ sách ngày càng gọn nhẹ, đơn giản hơn, nhưng tôi lại thấy mỗi năm sổ sách lại dày thêm, rườm rà, không đáng có. Khi chúng tôi gặp nhau, ai cũng than phiền vì phải viết quá nhiều nhưng đành chặc lưỡi, sổ in vậy rồi, không viết thì sao?

Và đúng là đến nay sắp hết tháng 1 mà chúng tôi vẫn chưa làm xong sổ sách nữa. Vào giờ ra chơi quả thật GV chúng tôi đã không còn được nghỉ ngơi mà trên tay ai cũng có “một chồng” - chồng vở, hay chồng sổ sách và cứ mỗi người lại ngồi một góc để viết.

Hãy lấy ý kiến của GV - những người đang trực tiếp thực hiện thông tư 30. Hãy đừng bắt GV phải làm những điều không cần làm như thế nữa. Hãy để thông tư 30 thật có ý nghĩa và ngày càng hoàn thiện!

NGÔ THỊ THANH THÚY (GV một trường tiểu học ở TP.HCM)

Phượng hồng

Phượng hồng
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Đánh giá học sinh tiểu học: Vì sao 700 hiệu trưởng im lặng khó hiểu?

Thay vì chấm điểm, việc đánh giá đạt/chưa đạt của giáo viên không tạo ra động lực để học sinh phấn đấu học tập. 

Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoc_si10
Bộ GD-ĐT áp dụng không chấm điểm học sinh cấp Tiểu học trong năm học 2014-2015

Việc hơn 700 hiệu trưởng các trường tiểu học ở Hà Nội đã không phát biểu ý kiến gì trong cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội là một chứng minh rõ nhất của việc Thông tư 30 của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã không đi vào cuộc sống, có thể nói thẳng là thất bại. Tuy nhiên mọi người chỉ thường nhắc đến sự khó khăn khi áp dụng Thông tư này vào thực tế ở việc giáo viên rất khó khăn để viết nhận xét cho từng học sinh vì quá vất vả, nhưng chưa thấy ai phân tích các lý do thực sự khác lý giải cho việc học sinh đã có chất lượng học đi xuống trong 1 học kỳ vừa qua. Tôi xin viết một phân tích ngắn:

1. Trước tiên cần nhắc lại: Thông tư 30 là công văn chỉ đạo trực tiếp khâu kiểm tra đánh giá học sinh cấp Tiểu học. Trong giáo dục, kiểm tra, đánh giá là 1 trong 2 nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi nhà trường. Thông tư 30 sẽ đóng vai trò nền tảng cho toàn bộ khâu đánh giá chất lượng giáo dục trực tiếp trong nhà trường Tiểu học.

2. Mô hình đánh giá học sinh trước Thông tư 30 là: hầu hết các môn học bậc tiểu học đều kiểm tra bằng các nhận xét, đánh giá theo đạt/chưa đạt. Riêng đối với các môn học chính như Toán, Tiếng Việt thì kiểm tra đánh giá theo điểm số (thang 10) và đánh giá theo các mức Giỏi/Khá/TB/Yếu. Lấy lý do việc cho điểm sẽ gây áp lực, cạnh tranh không lành mạnh và điểm số khô khan, đánh giá chung theo các mức Giỏi/Khá/TB/Yếu cũng gây áp lực, nên Thông tư 30 đã hủy bỏ tất cả các qui tắc trên và thay vào đó bằng cách yêu cầu giáo viên đánh giá bằng nhận xét rất chi tiết, cấm chấm điểm, và đánh giá chung cho các môn học và chung cho toàn bộ cấp Tiểu học chỉ theo 2 mức đạt/chưa đạt.

3. Trong giáo dục, đào tạo, bên cạnh quá trình học tập, huấn luyện, giảng dạy, khâu kiểm tra, đánh giá luôn đóng vai trò rất quan trọng. Mục đích chính của khâu này là cơ quan giáo dục, cụ thể ở đây là các giáo viên, thông qua quá trình dạy, kiểm tra phải đánh giá được chính xác từng học sinh, theo từng môn học và đánh giá chung. Phải đánh giá đúng thì quá trình giáo dục mới có ý nghĩa thực sự. Để đánh giá đúng phải có các khâu kiểm tra liên tục, định kỳ, kỹ lưỡng. Việc kiểm tra này sẽ thường thông qua 2 dạng: (1) thông qua trao đổi, theo dõi hàng ngày và (2) thông qua các kỳ kiểm tra chính thức có đánh giá (bằng điểm số hoặc điểm bằng chữ). Với chỉ 1 giá trị điểm số (ví dụ thang điểm 10 vẫn có) thì chúng ta đã biết là vẫn chưa đủ “độ” để đánh giá. Do vậy từ lâu nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi và đưa vào khâu đánh giá nhiều mức đánh giá khác nhau. Tất nhiên khi đưa vào nhiều mức, chỉ tiêu đánh giá nhiều chiều thì giáo viên phải làm việc vất vả hơn, bài kiểm tra phải được xây dựng công phu hơn để đáp ứng được các yêu cầu bổ sung đó. Công việc chuyển đổi tăng dần các mức, chiều đánh giá như vậy cần phải làm dần dần. Hiện nay Bộ Giáo dục – Đào tạo đang có đề án cải cách đổi mới việc nâng cao kiến thức sang rèn luyện năng lực của học sinh, đây chính là việc nâng cấp nhiều chiều của công việc đánh giá mà tôi nói ở trên.

4. Như vậy theo mô hình đánh giá theo nhiều chiều mới thì 1 bài kiểm tra trên lớp giáo viên không những vẫn phải cho điểm, mà thậm chí phải cho nhiều điểm. Thử lấy ví dụ 1 bài kiểm tra làm văn môn Tiếng Việt, giáo viên sẽ phải cho nhiều hệ điểm: điểm về cách viết câu lưu loát, chính xác về chính tả, ngữ nghĩa; điểm về ý tưởng của bài viết; điểm về cách trình bày...

5. Bên cạnh việc đánh giá thường xuyên đa dạng như trên thì đánh giá chung cũng cần có theo các mức khác nhau. Thông qua các đánh giá chung này mà giáo viên các lớp tiếp theo sẽ có những điều chỉnh ngay từ đầu các lớp học. Một ý nghĩa quan trọng nữa của việc đánh giá chính xác nhiều mức là cha mẹ học sinh cần biết rõ học lực của con cái mình.

6. Có một thực tế ở Việt Nam trước đây là điểm số hàng ngày, đánh giá học lực học sinh thường công khai, và điều này là không hợp lý, gây ra áp lực, ganh đua không lành mạnh đúng như xuất phát điểm mà chắc Thông tư 30 đã tính đến. Cách giải quyết đáng lẽ ra là không công khai điểm số, học lực của học sinh, tất cả các đánh giá này giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ giao riêng cho từng cha mẹ học sinh. Nhưng cách làm của Thông tư 30 là xóa bỏ toàn bộ, điều này chính là một sai lầm đáng tiếc.

7. Quay lại Thông tư 30, điểm thay đổi chính là không chấm điểm, chỉ ghi nhận xét của giáo viên và đánh giá chung theo đạt/chưa đạt. Điểm sai cơ bản là:

- Nhận xét của giáo viên không phải là ĐÁNH GIÁ, do vậy tất cả các nhận xét của giáo viên được chỉ đạo trong Thông tư 30 sẽ không có tác dụng đánh giá chính thức, sẽ làm cho không những học sinh mà cả phụ huynh học sinh sẽ không hiểu được đúng tình trạng học tập của con em mình. Việc đánh giá không chính xác này sẽ không tạo ra động lực hay động viên học sinh chăm học hay có ý thức học tốt lên.

- Đánh giá chung “đạt/chưa đạt” là kiểu đánh giá “dở nhất” trong tất cả các kiểu đánh giá. Nó sẽ đánh đồng tất cả học sinh vào 1 loại, không những làm cho phụ huynh học sinh mà ngay cả giáo viên cũng sẽ thấy rất khó theo được kiểu đánh giá này.

Đấy là chưa kể Thông tư 30 sẽ tạo ra áp lực vô cùng lớn lên giáo viên, bắt họ viết đánh giá cho tất cả học sinh, tất cả các môn học và các bài kiểm tra chính thức, áp lực này lớn đến mức gây phản tác dụng lên chính các giáo viên này khi giảng dạy.

8. Qua một số phân tích trên chúng ta đã thấy rõ những sai lầm và bất cập của Thông tư 30 ngay từ cái lõi “quản lý” của mình. Rõ ràng Bộ Giáo dục – Đào tạo cần thay đổi lại, quay trở lại cách đánh giá đúng của nó, ít ra là từ cái mốc cũ. Từ cái cũ cần có những thay đổi phù hợp hơn, ví dụ như sau:

- Thang điểm có thể thay đổi không theo điểm 10, có thể thang 5 cho dễ hơn.

- Yêu cầu giáo viên thường xuyên bổ sung nhận xét bằng lời khi cho điểm.

- Theo quá trình đổi mới, có thể bổ sung dần các kiểu đánh giá khác nhau để nhận xét, đánh giá học sinh chuẩn xác hơn. Ví dụ môn Toán có thể mở rộng thành 2-3 loại điểm, môn Tiếng Việt sẽ mở rộng 2-4 loại điểm. Các điểm khác nhau không nhất thiết theo thang điểm 10.

- Đánh giá chung cho từng môn hoặc tổng hợp nên giữ lại mô hình cũ hoặc sửa đổi: Giỏi/Khá/Đạt/Chưa đạt hoặc ngắn hơn: Khá/Đạt/Chưa đạt. Hoàn toàn không nên để 2 mức như hiện nay.

- Điểm số và đánh giá học lực không công khai, không xếp loại học sinh trong lớp. Điểm số, đánh giá của học sinh được nhà trường gửi tận tay phụ huynh học sinh 3 hoặc 6 tháng 1 lần. Nhà trường có thể tuyên dương học sinh giỏi theo các tiêu chí riêng, độc lập với học bạ chính thức được cấp cho từng học sinh.

Bùi Việt Hà

Phượng hồng

Phượng hồng
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Thông tư 30 về đánh giá HS tiểu học: lãng phí, đối phó và hình thức

Thế là học kỳ I đã kết thúc, thông tư 30 đã được áp dụng trên toàn quốc, học sinh có phần nào giảm áp lực về điểm số hàng tháng nhưng hiệu quả về mặt giáo dục nhân cách, về tính khuyến khích… không đạt bao nhiêu vì thông tư này còn nhiều bất hợp lý khi đi vào thực tế .

Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nhanti10
Ảnh: Nhân Tiến

Thứ nhất, tại sao đã phê hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng vào bài làm cho học sinh, lại còn kiểm tra đánh giá bằng điểm số cuối kỳ? Đúng ra, cuối kỳ cho các em làm bài xong, cũng phải đánh giá bằng nhận xét luôn thì mới đồng bộ chứ? Điều này chứng tỏ lập luận Bộ đưa ra là “giảm áp lực cho học sinh tiểu học” chỉ là khẩu hiệu.

Thứ hai, trên lý thuyết, hàng ngày học sinh không bị áp lực điểm số nhưng phần lớn tại các trung tâm thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội…vẫn đến nhà cô học thêm và cô giáo vẫn cho điểm các cháu khi đi học thêm. Thật tội cho đứa bé, sáng trên lớp cô phê vào vở: “Con rất ngoan, nhưng cần làm cẩn thận nhé”, tối đi học thêm thì cô cho 5 điểm.

Rõ ràng, học thêm ở tiểu học không thể cấm được, không thể dứt được sau khi thông tư 30 ra đời, chứng tỏ về mặt loại bỏ học thêm từ thông tư 30 là không hiệu quả. Dù Bộ ra lệnh cấm, Sở ra lệnh cấm giáo viên tiểu học dạy thêm nhưng lệnh cấm này không triệt để, có chỗ thì canh bắt giáo viên dạy thêm như tội phạm, có nơi vẫn thả lỏng. Vậy rõ ràng, một lần nữa, thông tư 30 cũng không giải quyết được tình trạng học thêm ở tiểu học.

Có giáo viên còn nói vui, “nhờ có thông tư 30, tôi còn dạy thêm được nhiều hơn vì phụ huynh không biết con họ học thế nào, thi cuối kỳ lại cho điểm, nên học sinh học thêm tăng vùn vụt”.

Thứ ba, giáo viên mất quá nhiều thời gian, công sức, bút bi để hoàn thành sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm, sổ điểm và học bạ. Lúc trước, chỉ cần hai buổi làm việc khoảng 8 tiếng đồng hồ là xong hồ sơ sổ sách, nay mỗi giáo viên phải làm bình quân từ hơn nửa tháng với điều kiện phải viết để phê liên tục đến 2 – 3 giờ sáng mới kịp tiến độ. Và phần lớn lời phê dành cho học sinh đều được tải trên mạng xuống, do một ai đó thương nỗi khổ giáo viên tiểu học soạn sẵn.

Phê theo kiểu soạn sẵn đó thì chỉ hoàn toàn đối phó chứ không mang tính động viên, khuyến khích gì. Mà giáo viên cũng không có tài nào nghĩ ra gần 400 câu để phê cho cả lớp (tính bình quân mỗi lớp 40 học sinh, một học sinh cần phê một câu cho một môn)….

Khi phát sổ liên lạc cho học sinh, phần lớn giáo viên cũng nhấn mạnh vào điểm thi, phụ huynh cũng nhìn vào điểm số vì ai cũng biết những dòng phê kia chỉ để người lớn làm vui lòng nhau.Vậy thử hỏi phê để làm chi?

Chưa kể, một số trường tiểu học còn bắt giáo viên nhập tất cả lời phê vào trang smas.edu.vn, khiến họ nhập ngày nhập đêm để hoàn thành hồ sơ sổ sách nhằm không bị trừ điểm thi đua.

Nếu thật sự nghiên cứu kỹ, có cái nhìn rộng và nghĩ đến sự vất vả cực nhọc của giáo viên tiểu học thì tôi nghĩ Bộ chỉ cần yêu cầu giáo viên làm một việc duy nhất, nhập lời phê, nhập điểm trên smas.edu.vn rồi in ra, dán vào sổ điểm, sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm….Thậm chí không cần lỉnh kỉnh sổ sách như hiện nay để quản lý khi công nghệ thông tin đã bước qua thời kỳ “công nghệ đám mây” có thể lưu trữ gần như vô tận.

Phải chăng, Bộ đưa ra nhiều sổ sách như thế nhằm tăng nguồn thu cho một nhóm lợi ích như nhà thiết kế, nhà in, nhà xuất bản, bộ phận biên soạn…?

Nếu cứ tính bình quân một học sinh tiểu học, một giáo viên tốn 40.000 đồng để trang bị sổ liên lạc, học bạ thì cả nước đã đi toi hàng ngàn tỉ đồng cho những lời nhận xét vô hồn, vô bổ, chỉ mang tính đối phó.

Điều cơ bản là tăng lương, trang bị cho giáo viên tiểu học những kỹ năng mà họ còn thiếu, tập những thói quen tốt cho học sinh tiểu học như xếp hàng, biết cảm ơn, biết tự phục vụ, biết yêu lao động, biết trải nghiệm thực tế, biết tôn trọng những người lao động chân chính… thì Bộ làm qua loa, hoặc không bao giờ làm.

Còn áp dụng theo nước ngoài thì Bộ có bao giờ tự hỏi nó có phù hợp với tình hình, có cần cải cách gì không? Hay khi có một quyết định nào mới thì cứ đổ bừa là “học tập nền giáo dục tiên tiến nước bạn” cho xong chuyện?

LA TỬ LAN (quận 8, TP.HCM)

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Duy-tr10

Ngày 12/8/2015, tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định trong năm học tới sẽ tiếp tục triển khai đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh và chỉ đạo đổi mới về kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30.

Dân trí

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Ngày 27/8/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Quy định đánh giá HS tiểu học (ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) để xin ý kiến góp ý của toàn xã hội. Bộ GD&ĐT cũng cho biết, sau khi tổng hợp các ý kiến góp ý, Bộ sẽ lắng nghe, chỉnh sửa cho thật phù hợp để bắt đầu thực hiện Thông tư ngay trong năm học mới 2016-2017.

Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 quy định đánh giá HS tiểu học (Thông tư 30) được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Qua 2 năm học triển khai thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học (ĐGHSTH) theo Thông tư 30, Bộ GD&ĐT đã tổng hợp báo cáo sơ kết hai năm thực hiện theo Thông tư 30 của 63 sở giáo dục và đào tạo và báo cáo của hai nhóm chuyên gia (khảo sát, đánh giá thực hiện Thông tư 30), chỉ ra một số ưu điểm, bất cập như sau:

Về ưu điểm: Việc đổi mới đánh giá HS theo Thông tư 30 phù hợp với xu thế đổi mới đánh giá giáo dục của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đó là đánh giá vì sự tiến bộ của HS, giúp HS học được, tự tin, thích học, học tốt, không so sánh HS này với HS khác, nhấn mạnh đánh giá quá trình.

Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, Thông tư 30 đang gặp phải một số bất cập, hạn chế:

Về nội dung Quy định ĐGHSTH theo Thông tư 30: Quy định nhận xét bằng lời và viết nhận xét trong thông tư chưa rõ, cứng nhắc nên giáo viên hiểu chủ yếu là ghi nhận xét, do vậy ghi nhận xét từng HS vào vở và sổ theo dõi chất lượng giáo dục làm nặng công việc của giáo viên; Quy định ghi sổ theo dõi chưa hợp lý; hồ sơ đánh giá HS còn áp lực cho GV; Cha mẹ học sinh chưa nắm bắt kịp thời mức độ học tập, rèn luyện của con em do chưa có lượng hóa đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh; Quy định việc khen thưởng chưa cụ thể nên giáo viên có nhiều lúng túng.

Về quá trình tổ chức triển khai thực hiện Thông tư 30: Chưa làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, giải thích để cha mẹ HS và xã hội hiểu đúng bản chất, mục đích, yêu cầu ĐGHSTH theo Thông tư 30; Công tác tập huấn bồi dưỡng GV, CBQLGDTH triển khai thực hiện Thông tư 30 chưa làm thường xuyên; Công tác quản lý các cấp còn máy móc, hành chính cũng gây nặng nề công việc cho giáo viên.

Trên tinh thần bổ sung và kế thừa những ưu điểm cũng như khắc phục những bất cập ở trên, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo sửa đổi Thông tư Thông tư 30 với những nội dung quan trọng sau:

Về đánh giá thường xuyên: giữ quy định đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không dùng điểm số nhưng Thông tư sửa đổi không quy định hàng tháng giáo viên phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Giáo viên được quyền chủ động khi nào nhận xét bằng lời, khi nào viết nhận xét vào vở hoặc sổ cá nhân cho phù hợp.

Về hồ sơ đánh giá: gồm Học bạ của học sinh và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp (thay sổ theo dõi chất lượng giáo dục).

Về việc giúp cha mẹ HS nắm bắt mức độ học tập rèn luyện của con em: Bổ sung, tổng hợp đánh giá thường xuyên bằng lượng hóa thành các mức A, B, C vào giữa và cuối mỗi học kì và riêng lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra đối với môn Toán, môn Tiếng Việt vào giữa học kì I và giữa học kì II.

Về khen thưởng: hướng dẫn rõ đối tượng HS được khen thưởng.

Toàn bộ Dự thảo Thông tư (file đính kèm)

Các ý kiến đóng góp xin được gửi về địa chỉ: Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, số 35 Đại Cồ Việt, Hà Nội.

Điện thoại: 0438682062;

Email: vugdth@moet.gov.vn
hmle@moet.edu.vn;
tnkhoa@moet.edu.vn;
ndmanh.gdth@moet.edu.vn.

* Nội dung chi tiết đề nghị xem tại tệp đính kèm.

Các bạn có thể tải Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Quy định đánh giá HS tiểu học tại đây hoặc đây.

thaodo

thaodo
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú
Ngày 22/9/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nội dung chính của Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT:

Các bạn có thể tải Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT tại đây hoặc đây.

thaodo

thaodo
Thành viên ưu tú
Thành viên ưu tú
Ngày 28/9/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Văn bản hợp nhất Thông tư 22 và Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học.

Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Vbhn2011Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Vbhn2010

Các bạn có thể tải Văn bản hợp nhất Thông tư 22 và Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học tại đây hoặc đây.

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình

Hỏi đáp về đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 22


1. Có phải Thông tư 22 ra đời sẽ thay thế Thông tư 30? Thông tư 22 được ban hành có gây xáo trộn gì trong các hoạt động dạy - học và đánh giá học sinh tiểu học ở các nhà trường hiện nay?

Trả lời: Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22 nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Thông tư 30 chứ không thay thế Thông tư 30. Do đó, khi Thông tư 22 có hiệu lực (từ ngày 06/11/2016), việc đánh giá học sinh tiểu học thực hiện theo các quy định của Thông tư 30 và những sửa đổi, bổ sung được quy định trong Thông tư 22, thể hiện trong văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 28/9/2016 Thông tư đánh giá học sinh tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thực tế chỉ có một số điểm được sửa đổi, bổ sung nhằm giúp cho giáo viên, nhà trường dễ dàng thực hiện hơn, khắc phục những khó khăn đã gặp phải khi thực hiện Thông tư 30 trong thời gian qua.

Các tư tưởng nhân văn: đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không so sánh học sinh này với học sinh khác, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh,… trong Thông tư 30 vẫn được kế thừa và phát triển trong Thông tư 22.

Trong thời gian Thông tư 22 chưa có hiệu lực, giáo viên vẫn đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30.

Thời điểm Thông tư 22 có hiệu lực (ngày 06/11/2016) cũng chính là thời điểm chuẩn bị cho việc đánh giá giữa học kì I theo kế hoạch thời gian năm học 2016-2017. Do đó, việc ban hành Thông tư 22 sẽ không gây xáo trộn gì trong các hoạt động dạy - học và đánh giá học sinh tiểu học ở các nhà trường.

2. Tại sao việc đánh giá định kỳ đối với từng môn học, hoạt động giáo dục và từng năng lực, phẩm chất lại theo ba mức?

Trả lời: Thông tư 30 quy định đánh giá học sinh về học tập theo hai mức: Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành. Qua thực tiễn cho thấy việc quy định như vậy phần nào chưa động viên được những học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, hoạt động giáo dục ở mức độ tốt, mức cao hơn so với yêu cầu chuẩn kiến thức, kĩ năng. Mặt khác, tâm lí cha mẹ học sinh vẫn còn băn khoăn con mình đã hoàn thành nhưng muốn biết hoàn thành ở mức nào.

Để khắc phục tình trạng trên, Thông tư 22 quy định việc đánh giá định kì đối với từng môn học, hoạt động giáo dục được lượng hoá thành ba mức Hoàn thành tốt, Hoàn thành, Chưa hoàn thành. Việc quy định như vậy nhằm xác định rõ mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh so với chuẩn kiến thức, kĩ năng để động viên học sinh phấn đấu trong học tập, để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động, phương pháp dạy và học, đồng thời giúp cha mẹ học sinh nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình và có biện pháp giúp đỡ để các em tiếp tục vươn lên.

Cùng với mục đích trên, Thông tư 22 quy định việc đánh giá từng năng lực, từng phẩm chất học sinh theo ba mức: Tốt, Đạt và Cần cố gắng thay cho hai mức quy định trong Thông tư 30 là Đạt, Chưa đạt.

Cũng tương tự như đánh giá từng môn học, hoạt động giáo dục, việc lượng hóa thành 3 mức như vậy sẽ giúp giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển từng năng lực, từng phẩm chất sau một giai đoạn rèn luyện, phấn đấu của học sinh. Từ đó giáo viên, nhà trường, cha mẹ học sinh có những biện pháp kịp thời giúp đỡ học sinh phát huy những điểm tích cực, khắc phục những hạn chế để ngày một tiến bộ hơn.

3. Vì sao phải thêm bài kiểm tra định kì giữa học kì đối với môn Tiếng Việt và môn Toán ở lớp 4, lớp 5?

Trả lời: Ở khối lớp 4, lớp 5 cần có thêm bài kiểm tra giữa học kì đối với môn Tiếng Việt và môn Toán vì:

- Lớp 4, lớp 5 là các lớp cuối cấp tiểu học. Các khối lớp này so với các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3 có yêu cầu kiến thức, kĩ năng cơ bản ở mức sâu hơn, khái quát hơn, tường minh hơn.

- Môn Tiếng Việt và môn Toán ở các khối lớp này là hai môn học công cụ, chiếm nhiều thời lượng hơn so với các môn học khác.

- Tạo điều kiện cho học sinh quen dần với cách kiểm tra đánh giá ở cấp trung học cơ sở và các cấp học cao hơn.

4. Quy định về hồ sơ đánh giá và việc ghi chép của giáo viên theo Thông tư 22 có gì thay đổi?

Trả lời:

a) Quy định về hồ sơ đánh giá theo Thông tư 22 có sự thay đổi đáng kể

- Thay vì có 5 loại như trước đây, nay gồm có: Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định mẫu “Học bạ” và “Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp” trước khi Thông tư 22 có hiệu lực.

- Đối với Học bạ học sinh đang dùng được tiếp tục sử dụng và có điều chỉnh cho phù hợp với nội dung theo Thông tư 22 (sẽ được hướng dẫn cụ thể trong khi tập huấn).

b) Việc ghi chép của giáo viên

- Trong đánh giá thường xuyên, để có thời gian nhiều hơn dành cho đổi mới phương pháp dạy học và quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ học sinh trong quá trình học, thay vì “hàng tháng, giáo viên ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục” như trước đây, nay ngoài việc dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa, khi cần thiết giáo viên viết nhận xét hay những lưu ý đối với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội trong học tập và rèn luyện.

- Tại thời điểm giữa và cuối mỗi học kì, giáo viên ghi kết quả đánh giá vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.

- Tại thời điểm cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả đánh giá học sinh vào Học bạ.

5. Việc khen thưởng học sinh theo Thông tư 22 có những điểm mới nào?

Trả lời: Thông tư 22 có những điều chỉnh trong nội dung khen thưởng cuối năm học.

Cụ thể như sau:

- Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên;

- Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận;

Như vậy, tinh thần đổi mới của Thông tư 30 vẫn được tiếp tục kế thừa trong các quy định về khen thưởng trong Thông tư 22 (khen thưởng các học sinh tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá). Song đã quy định rõ ràng hơn về tiêu chí để khen thưởng học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện.

Các quy định như vậy sẽ cụ thể hơn, giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi trong việc khen thưởng học sinh, đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, cha mẹ học sinh và khắc phục được bệnh thành tích trong giáo dục.

Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Sponsored content


Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Flags_1