Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Hồng Miêu

Hồng Miêu
Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Giáo sư Hồ Ngọc Đại được coi là chiến sĩ tiên phong trong cuộc trường chinh tìm chiếc chìa khoá cho cánh cửa đổi mới nền giáo dục nước nhà. Ở tuổi 78, ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết với "quốc sách hàng đầu” của dân tộc. Trao đổi với chúng tôi đúng Ngày Nhà giáo VN 20-11, ông nói: Quan trọng nhất với ông thầy là lương tâm. Anh có lương tâm thì anh có nghiệp vụ…

GS Hồ Ngọc Đại: Quan trọng nhất với ông thầy là lương tâm 2013_310
GS Hồ Ngọc Đại là tác giả của chương trình Công nghệ giáo dục cách đây 35 năm với triết lý "lấy trẻ làm chuẩn” dựa trên 3 nguyên tắc: Ai cũng học được; Học gì được nấy; Học đâu chắc đó. Dừng lại đột ngột vào năm 2000 rồi từ 2006 đến nay, bộ sách dạy tiếng Việt lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại hồi sinh mạnh mẽ, năm học này Bộ GD&ĐT triển khai tại gần 40 tỉnh, thành phố.

Dịp 20-11 năm nay dường như ghi dấu ấn sâu đậm hơn khi ngành GD&ĐT triển khai đề án Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT mà ở đó, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới là khâu then chốt. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, GS Hồ Ngọc Đại nói:

Theo tôi, giáo dục tính từ thời Khổng Tử. Là người đầu tiên mở trường, ông làm tất tật mọi chuyện, từ mở trường, viết giáo trình, viết sách giáo khoa đến lên lớp, chấm bài, thậm chí thu cả học phí. Ông đều tự làm lấy. Nhưng người thầy bây giờ phân hóa lớn lắm. Xã hội hiện đại là xã hội chuyên nghiệp, nên mỗi người làm giỏi nhất việc của mình, nghề của mình. Thầy giáo hiện đại phân hóa ra 3 lớp: Lớp những người thiết kế, lớp người chuyển giao, đào tạo và lớp thứ ba là thực thi. Thầy giáo đứng lớp hiện nay là những người thực thi, phải có nghề để thực thi. Cái đó cũng giống như sản xuất hiện đại. Anh thiết kế thì ra thiết kế, chuyển giao ra chuyển giao, mà thực thi phải đúng là thực thi. Tức là phải hiểu rõ, kĩ công việc của mình.

* Nhưng thực tế vẫn có những giáo viên lâu năm tiếp thu phương pháp giảng dạy mới rất chậm, họ dạy theo lối mòn, ăn sâu với quan niệm "người thầy là trung tâm”, quen chỉ đạo hơn khích lệ, đồng hành. Có giải pháp nào cho vấn đề này thưa GS?

- Bây giờ chúng tôi làm cách khác. Làm giáo dục nhưng có ý nghĩa nào đó như sản xuất công nghiệp vậy. Người giáo viên thực thi theo thiết kế, và vì thiết kế đó là chuẩn rồi thì cứ thế mà làm sẽ ra kết quả. Cần một bản thiết kế chuẩn ở cấp trung ương, do cấp trung ương làm rồi chuyển giao lại cho giáo viên ở địa phương. Những thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp phải hiểu được thiết kế đó, biết cách thực thi thiết kế đó và biết cách triển khai trong thực tiễn.

* Thưa GS, nhìn rộng ra các trường CĐ, ĐH sư phạm, quen gọi là những "cỗ máy cái” đào tạo và cung cấp nguồn giáo viên cho toàn bộ nền giáo dục, vẫn đang gặp những khó khăn riêng, chất lượng đầu vào thấp. Cần đổi mới "cỗ máy” này ra sao để có được thế hệ giáo viên mới thích ứng các yêu cầu đổi mới?

- Sự sống, lẽ sống của trường sư phạm là nghiệp vụ sư phạm. Trong khi nghiệp vụ sư phạm hiện nay tuyệt đại đa số quá lạc hậu, quá cũ. Cách đây mấy chục năm tôi nói rồi. Chừng nào thầy giáo không giảng bài và học sinh không cần cố gắng thì mới có một nền giáo dục xứng đáng. Anh cố gắng là anh đi bộ, anh chạy. Chứ còn người ta dùng phương tiện hiện đại như ô tô thì khác. Giáo dục cũng thế thôi. Anh giảng giải anh mới phải làm việc ấy. Còn chúng tôi không giảng. Theo thiết kế của chúng tôi, thầy giáo giao việc, còn học trò làm việc. Thì giao việc ấy là do thiết kế ở Trung ương đưa về rồi. Còn công việc ấy tự nó làm ra thôi. Cho nên tôi nói, trẻ con tự làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình. Bằng sản phẩm ấy mà nó thành chính mình, không phải ai khác.

* GS từng nói người thầy lí tưởng là người bao giờ cũng vì lợi ích học sinh. Lẽ sống của người thầy là học sinh. Sự sống, sức sống của thầy là học sinh. Nhưng liệu các thầy cô có giữ được lẽ sống ấy với đồng lương ít ỏi như bây giờ?

- Nhà nước ta bỏ ra 20% GDP cho giáo dục. Như thế là rất lớn. Do vậy, thực bụng yêu cầu Nhà nước đầu tư thêm nữa cũng khó. Thì tôi nghĩ thế này, bà con đi gửi xe máy mất 2 ngàn đồng, thế còn trẻ con, con của các vị đi học ở trường cả ngày thì các vị nên góp một ít tiền, một cách sòng phẳng, đàng hoàng để cô giáo tăng thêm thu nhập. Cô giáo tăng thêm thu nhập thì về nhà hay ra chợ cũng đàng hoàng hơn, đi đường hay đến trường cũng đàng hoàng hơn. Tất cả sự đàng hoàng ấy là con các vị hưởng. Vấn đề là phải sòng phẳng, minh bạch.

* Vâng, lại có một sự bất hợp lí khá rõ khi giáo dục phổ thông phân chia các môn chính - phụ, dựng nên những chênh lệch rõ rệt về thu nhập giữa các giáo viên. Ngay cả Đại học, khi dạy chính qui và dạy tại chức thì mức thù lao cũng chênh lệch lớn. Có thể san lấp, hóa giải những "bất công” đó?

- Bây giờ Nhà nước đứng ra e làm không nổi. Người ta hành xử như thế là vì lợi ích của người ta. Nhưng người ta ham cái chữ quá cho nên coi thường cuộc sống thực. Cuộc sống thực của trẻ con nó khác. Bây giờ phải quay trở lại tôn trọng đời sống thực của trẻ em để mà xử lí. Cứ ăn nhau toàn những cái ảo tưởng, thi cử, chứ cuộc sống hạnh phúc thực của trẻ em không có chính, có phụ, không quan trọng gì hết…

* Người thầy phải tìm thấy niềm vui trong giáo dục. Nhân nhắc tới truyền thông, lại nhớ câu chuyện ông từng chia sẻ trên báo. Có một cô giáo vừa nói vừa khóc rằng: "Thầy ơi, dạy như thế này thì được cái gì thầy nhỉ? Bắt người ta học như thế này thì được cái gì? Có những em học hai năm trời không biết đọc, không biết viết, học vu vơ những cái không biết để làm gì…”. GS đã chia sẻ điều gì với cô giáo ấy?

- Cô giáo này ở Đắc Lắc. Tôi nói, cái này không trách được ai cả, nếu như chúng ta không rõ ràng về cơ chế. Bởi cách dạy như cũ, nghiệp vụ sư phạm cũ không thoát ra được. Còn theo nghiệp vụ sư phạm mới của chúng tôi, trẻ em 6 tuổi bất cứ sinh ra ở vùng nào có thể không biết tiếng Kinh, bố mẹ các em không biết tiếng Kinh như ở Lào Cai chẳng hạn, sau 1 năm đi học sẽ đọc thông viết thạo, viết đúng chỉnh tả và không bao giờ tái mù. Cái đó do nghiệp vụ sư phạm khác. Cũng giống như thế này, tôi nói với anh xong, tôi bảo tôi có bài giảng trong Sài Gòn. Trước kia nói thế là nói khoác nhưng bây giờ hoàn toàn là phương tiện hiện đại. Cho nên chúng ta cứ nghĩ theo cách cũ, nghĩ theo điều kiện, phương tiện cũ trong khi đời sống hiện đại hoàn toàn khác.

* Để đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, chúng ta cần những người thầy mang tư duy đổi mới. Theo GS, tư duy làm thầy mới phải chọn khâu đột phá nào?

- Quan trọng nhất với ông thầy là lương tâm. Anh có lương tâm thì anh có nghiệp vụ. Mà anh có nghiệp vụ thì củng cố lương tâm của anh. Thế cho nên tôi giải quyết thế này. Trước hết phải cấp cho người ta nghiệp vụ đã. Khi người ta có nghiệp vụ, người ta làm có kết quả thì họ vui, dân cũng vui, trẻ con cũng vui. Cho nên thực tế nhất là thay nghiệp vụ sư phạm cũ đi bằng nghiệp vụ sư phạm mới. Có nghiệp vụ sư phạm mới, họ sẽ thấy hiệu quả được dân yêu mến, được tất cả mọi thứ thì người ta trở lại yêu nghề thôi. Cho nên lương tâm không vu vơ được, mà lương tâm phải làm ra hiệu quả thật, đem lại lợi ích thật và được kiểm nghiệm, công nhận thật thì mới có lương tâm.

* Xin cảm ơn GS Hồ Ngọc Đại về câu chuyện làm thầy hôm nay!

TN - Hải Anh (thực hiện)

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
GS Hồ Ngọc Đại: Quan trọng nhất với ông thầy là lương tâm Flags_1