Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Phụ huynh sợ đại diện phụ huynh Hoc-vt10Tiền mua sắm trang thiết bị cho lớp học là một trong những khoản nhiều phụ huynh bức xúc
TNO - Thay vì là một tổ chức để bảo vệ quyền lợi, chia sẻ, làm cầu nối giữa phụ huynh với nhà trường thì nay, với những gì diễn ra, ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường đang có những xung đột lợi ích với đông đảo phụ huynh.

Họp chỉ để thu tiền

Có con mới vào lớp 1, năm nay chị H. ở khu đô thị Đại Kim (Hà Nội) hồ hởi đi họp phụ huynh. Nhưng rồi chị thất vọng vì cuộc họp dường như đã theo một kịch bản soạn sẵn. Đến phần bầu ban đại diện cha mẹ học sinh, cô giáo chủ nhiệm gợi ý người này làm trưởng ban, người kia làm phó ban và đề nghị cả lớp biểu quyết. Con học đầu cấp, phụ huynh chưa ai biết ai nên khi nghe cô gợi ý thế thì đành giơ tay đồng ý. Lại có phụ huynh phản ánh, đi họp năm đầu tiên con học ở trường mà đã thấy có ban đại diện phụ huynh với đầy đủ thành phần, nhiều khoản đã chi từ trước như: quét sơn tường, sơn lại bảng, may rèm cửa... Họp phụ huynh chỉ để thông báo thu quỹ lớp.

Cứ đầu năm học, hàng loạt phụ huynh ngán ngẩm phản ảnh về các khoản tiền gọi là tự nguyện mà ban đại diện đề ra. Chẳng hạn, tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM), giáo viên chủ nhiệm thông báo và đứng ra thu hộ ban đại diện quỹ học đường 200.000 đồng/học kỳ/học sinh. Một phụ huynh của trường bức xúc: “Đây là khoản đóng góp tự nguyện mà trường cũng chưa tổ chức họp để bầu ra ban đại diện, chưa lấy ý kiến của phụ huynh sao có sự đồng thuận mà đã đứng ra thu quỹ?”.

Phụ huynh học sinh Trường tiểu học Lạc Long Quân (Q.Tân Bình) bức xúc về việc mỗi người phải đóng góp 80.000 đồng để mua máy vi tính. Phụ huynh Trường mầm non 11 (Q.3) không đồng tình về quỹ hội phụ huynh 50.000 đồng/tháng. Phụ huynh Trường THCS Colette (Q.3) kể ra hàng loạt tiền phải đóng: quỹ trường 500.000 đồng/học sinh, sửa chữa trường 300.000 đồng, lắp máy chiếu - điều hòa không khí từ 200.000 đến 600.000 đồng (tùy từng khối lớp)…

Giúp trường giải quyết những vấn đề “tế nhị”

Điều khiến nhiều phụ huynh bức xúc nhất là việc thu chi vô tội vạ, thiếu minh bạch của không ít người được giao trọng trách là đại diện cho quyền lợi của phụ huynh và học sinh. Trong khi đó, những phụ huynh được nhà trường và giáo viên lựa chọn thường là những người có điều kiện kinh tế hoặc có chức quyền để giúp nhà trường quyết định nhiều vấn đề “tế nhị”.

Giáo viên tổ chức dạy thêm trái quy định cũng do ban đại diện phụ huynh đứng ra chịu trách nhiệm, từ viết đơn đến thu tiền. Khi bị kiểm tra thì cả nhà trường và giáo viên nói rằng do phụ huynh tự nguyện…

Rất nhiều khoản thu được “núp bóng” hội phụ huynh. Khi giáo viên nói về tác dụng của máy chiếu thì lập tức ban đại diện sẽ đứng lên đề nghị thu tiền mua… máy chiếu cho lớp. Thậm chí có cả chuyện phụ huynh đứng ra đề nghị góp tiền để trả cước điện thoại hằng tháng cho cô giáo để tăng cường trao đổi giữa giáo viên và gia đình.

Phụ huynh có con học tại một trường dân lập ở Hà Nội bức xúc cho biết học phí mỗi tháng hơn 4 triệu đồng, mỗi đầu năm học đóng gần 3 triệu đồng tiền xây dựng cơ sở vật chất, tiền hoạt động ngoại khóa 1,8 triệu đồng, quỹ lớp mỗi năm 1,5 triệu đồng… Vậy mà ban đại diện của trường còn thu thêm mỗi phụ huynh 100.000 đồng cho quỹ phụ huynh. Thế nhưng ban phụ huynh của trường không công khai các khoản chi tiêu khi kết thúc năm học.

Sở GD-ĐT Hà Nội quy định không thu quỹ phụ huynh học sinh quá 300.000 đồng/năm học. Nhưng ban đại diện cũng có cách “lách luật” để thu cao hơn quy định. Một phụ huynh cho biết ban đại diện lập kế hoạch thu chi rất “đẹp”, mỗi phụ huynh chỉ đóng 200.000 đồng, trong đó diễn giải những khoản chi hỗ trợ hoạt động học tập của học sinh. Nhưng bản diễn giải này chỉ để báo cáo khi có đoàn kiểm tra. Còn thực tế, phụ huynh phải nộp thêm mỗi người 500.000 đồng nữa vào quỹ lớp, chủ yếu để tặng hoa, quà cho cô giáo và nhà trường mỗi dịp lễ tết.

Về các khoản thu, các trường thường có cách giải thích như cách của ông Lê Kim Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Colette: “Các khoản thu đều xuất phát từ nghị quyết của ban đại diện. Với quỹ trường, trong nghị quyết có chỉ rõ sử dụng vào các công trình như khen thưởng học sinh và giáo viên đạt thành tích (46%), hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, hiếu học (14%) và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học bao gồm nhà vệ sinh, chống dột, khu bán trú… Hiện nay, 90% bàn ghế của trường không đạt chuẩn nên cần hỗ trợ của phụ huynh để trang bị cuốn chiếu”.

Có ý kiến thì... chuyển trường

Sự phản kháng hiếm hoi của phụ huynh thường ít mang lại kết quả vì bị coi là thiểu số. Kết quả của cuộc “đấu tranh” thường là con cái họ bị kỳ thị khiến các em chịu áp lực nặng nề. Đã có những người không thể đấu tranh được với tiêu cực đành phải xin chuyển trường, chuyển lớp cho con.

Đầu năm học này, một phụ huynh của Trường tiểu học Bùi Văn Ngữ (xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, TP.HCM) nghẹn ngào điện thoại đến Báo Thanh Niên nhờ giúp đỡ. Phụ huynh này cho biết, khi phản ứng về việc thay mới đồng phục gây lãng phí, một người trong ban đại diện cha mẹ học sinh của trường này đề nghị phụ huynh chuyển con… sang trường khác học. Hiệu trưởng nhà trường cũng xác nhận với phóng viên có sự việc này.

Không ai phủ nhận tham gia vào ban đại diện là vất vả, chịu áp lực từ cả hai phía: nhà trường và phụ huynh. Nhưng vẫn có phụ huynh nghĩ một cách đơn giản và đầy vụ lợi: chịu khó làm để con được nâng đỡ, quan tâm hơn… Chính từ những suy nghĩ đó nên không ít đại diện cha mẹ học sinh chỉ hoạt động theo yêu cầu của nhà trường, chứ hoàn toàn không đúng chức năng của người đại diện cho tiếng nói phụ huynh.


Hoạt động sai chức năng
Năm 2011, Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong đó ghi rõ không được sử dụng quỹ cha mẹ học sinh vào những việc nằm ngoài hoạt động trực tiếp của ban đại diện như bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường; tiền an ninh; tiền vệ sinh, trông xe; khen thưởng cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị đồ dùng dạy học cho trường, lớp, cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên sử dụng; sửa chữa nâng cấp, xây dựng các công trình của nhà trường… Tuy nhiên, hiện tại việc thu chi từ quỹ phụ huynh hầu hết đều chỉ phục vụ cho các việc trên.

Trong khi đó, theo điều lệ, chức năng chính của ban đại diện là nhằm nâng cao chất lượng học tập, giám sát hoạt động của nhà trường. Thế nhưng những chức năng này lại hoàn toàn bị xem nhẹ. Ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ GD-ĐT, cho biết: “Với những quy định mà Bộ đã ban hành thì ban đại diện cha mẹ học sinh không có quyền và trách nhiệm thu tiền học, các khoản đóng góp cho nhà trường dưới bất kỳ hình thức nào. Các trường không được coi huy động đóng góp của phụ huynh là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục cũng như không quy định mức tài trợ cụ thể với từng phụ huynh”.

Tuệ Nguyễn

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Phụ huynh sợ đại diện phụ huynh Phuhuy10Phụ huynh mong muốn những buổi họp phụ huynh không đơn thuần chỉ là thông báo về các khoản tiền phải nộp
TNO - Việc Hà Nội sắp đưa vào thí điểm hoạt động hội đồng giám sát của cộng đồng ở trường học lại dấy lên một câu hỏi không mới: Phải chăng ban đại diện cha mẹ học sinh đã không còn tác dụng, không thể hiện đúng vai trò là người đại diện?

“Giống như hùn tiền đưa hối lộ!”

Mặc dù phụ huynh có ban đại diện của mình, các cấp quản lý đều có thanh tra hoạt động thu chi các trường khi cần thiết nhưng nhìn chung phụ huynh vẫn cảm thấy những bức xúc, phản ánh của mình không được ai nghe. PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng: "Hiện chúng ta có ban đại diện cha mẹ học sinh, thanh tra nhà trường, thanh tra phòng giáo dục rồi của ngành, HĐND các cấp… Những vấn đề thu chi của trường họ nắm được cả, chỉ có điều xử lý hay vì nhiều lý do mà nhắm mắt làm ngơ, bỏ qua cho nhau. Chỉ cần phát huy vai trò, trách nhiệm của những người này thì đã là một kênh giám sát rất hiệu quả rồi". Nhà giáo Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), nói: "Khi điều lệ cha mẹ học sinh ra đời, ai cũng thấy hay, nếu hoạt động được đúng như vậy là rất tốt rồi nhưng thực tế thì sau 2 năm ra đời, những bức xúc cũ vẫn lặp lại".

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc phụ huynh phải chạy theo một số nhóm và ban đại diện ở lớp để đóng các khoản thu đầu năm “cũng giống như tình trạng hùn tiền đưa hối lộ”. Ông Thuyết cho rằng, để chấm dứt tình trạng lạm thu thì chính cha mẹ học sinh là những người đóng vai trò hết sức quan trọng. "Điều cốt yếu để giúp phụ huynh tự tin nói lên những sai trái ở trường học là các cơ quan chức năng của địa phương, trước hết là ngành giáo dục, phải thấy lạm thu là vấn đề nhức nhối và phải đứng ra giải quyết, chấn chỉnh những vụ việc thu sai. Nếu không giải quyết được thì người dân chưa tin tưởng để cung cấp thông tin", ông Thuyết nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù văn bản nhà nước và các cơ quan chức năng đã lên tiếng chống lạm thu nhưng đó chỉ là việc “làm cho có” và còn mang nặng hình thức, nên người dân chưa tin tưởng tố cáo tiêu cực, gian dối trong giáo dục nói chung và lạm thu nói riêng.

Giám sát thu - chi và huy động sức dân

Trước thực trạng quyền lợi của ban đại diện chênh với phụ huynh và tổ chức này dường như là cánh tay “nối dài” của ban giám hiệu các trường, đề án hội đồng giám sát hoạt động của trường do Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội xây dựng đã ra đời. Trong tháng 10, hội đồng này sẽ thí điểm ở 5 trường học tại Hà Nội.

Đây là tổ chức xã hội, tự nguyện của cộng đồng cha mẹ học sinh và đại diện dân cư sinh sống trên địa bàn, được Mặt trận Tổ quốc địa phương công nhận, trên cơ sở kết quả bầu cử của ban đại diện cha mẹ học sinh, đoàn thể, tổ chức xã hội tại địa phương. Những người được lựa chọn vào hội đồng phải thực sự có tâm huyết, năng lực.

Giải thích cho việc xây dựng đề án hội đồng, ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng: “Mối quan hệ nhà trường - phụ huynh gắn với quyền lợi con em nên trường “núp” dưới bóng hội này và chỉ đạo thu chi dẫn tới tình trạng lạm thu, chi không đúng mục đích xảy ra khá thường xuyên ở nhiều nơi”. Theo ông Tùng Lâm, ban đầu dự kiến hội đồng có một “ghế” cho giáo viên nhưng sau khi xác định đối tượng giám sát là nhà trường nên không để vào.

Hội đồng hoạt động trên tinh thần tự nguyện với 2 nội dung giám sát: Đảm bảo quyền dân chủ của học sinh và phụ huynh; kinh phí của cha mẹ học sinh và địa phương cho nhà trường. Ông Lâm cho biết: “Không cấm các khoản thu từ phụ huynh, nhưng khi thu rồi hội đồng này sẽ thay mặt phụ huynh giám sát việc thu - chi. Nhà trường và hội đồng phải cùng ký để chịu trách nhiệm trong việc thu chi các khoản phụ huynh đóng”. Do vậy, hội đồng này không đối lập với nhà trường mà phải cùng chịu trách nhiệm với nhà trường trong việc giám sát thu - chi và huy động sức dân cho hợp lý. “Tôi hy vọng việc thí điểm sẽ phát huy hiệu quả để tiến tới thành phố có thể áp dụng hình thức hội đồng giám sát trường học trên tất cả 29 quận huyện, thị xã của Hà Nội”, ông Tùng Lâm nói.


Vì lợi ích của học sinh toàn trường
GS Nguyễn Lộc, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, cho biết ở những nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ và Anh thì sự đóng góp của cha mẹ cho các trường quy định theo hình thức: các loại đóng góp mang tính chất tài trợ chung, gia đình nào khá giả thì tài trợ một khoản lớn cho nhà trường, mục đích sử dụng là vì lợi ích chung của học sinh toàn trường chứ không riêng cá nhân hay một vài lớp nào; khoản đóng phí cho những môn học, khóa học tự chọn không có trong chương trình quốc gia. Sự đóng góp tự nguyện này phải dựa trên những nguyên tắc hết sức cơ bản: không bắt buộc, kinh phí đóng góp phục vụ chung cho hoạt động của nhà trường, cả học sinh có cha mẹ đóng góp lẫn không đóng góp đều được hưởng một mặt bằng giáo dục như nhau.


Bỏ thu quỹ hội phụ huynh
Tại TP.HCM, trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều trường không thu quỹ hội phụ huynh, nhằm giảm tải khó khăn cho những gia đình không có điều kiện. Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng Giáo dục Q.5, cho biết những trường như: mầm non Vàng Anh, Họa Mi 3, tiểu học Nguyễn Viết Xuân, Bàu Sen, Minh Đạo đã bỏ thu quỹ phụ huynh. Trường tiểu học Chính Nghĩa đã bỏ thu quỹ này cách đây gần chục năm. Bà Đinh Kim Phượng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi vận động những phụ huynh có điều kiện, tham gia đóng góp vào quỹ khuyến học của trường, thay vì phải vận động hết thảy phụ quynh đóng quỹ”. Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3 cũng bỏ thu khoản này từ năm học trước.

Bích Thanh - Minh Luân

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Phụ huynh sợ đại diện phụ huynh Flags_1