Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Đổi mới giáo dục: Đề án "rung chuyển" thầy - trò - phụ huynh Dsc_0010
Học sinh Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh trong Lễ khai giảng năm học 2013 - 2014
TTO - Chiều 19-9, Bộ Giáo dục - đào tạo đã trao đổi với báo chí về dự thảo đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Trong đó, cùng hướng đổi mới chương trình - sách giáo khoa, việc kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng thay đổi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ gọn nhẹ hơn và có thể lấy làm căn cứ để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh.

Dự thảo này chuẩn bị cho việc trình BCH Trung ương vào tháng 10-2013.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những điểm mới của đề án được chỉnh sửa, bổ sung (so với đề án trình Hội nghị Trung ương 6), ông Bùi Mạnh Nhị, vụ trưởng Vụ tổ chức, thường trực ban soạn thảo đề án, cho biết dự thảo lần này đã thẳng thắn và đúng mức hơn trong việc đánh giá thực trạng giáo dục, trong đó khẳng định rõ những nỗ lực và thành quả đã làm được, cũng như những bất cập, yếu kém. Những giải pháp đặt ra đều trên cơ sở tiếp thu những thành quả và khắc phục những yếu kém được chỉ ra một cách cụ thể.

Với đề xuất về cấu trúc hệ thống GD quốc dân 11 năm hay 12 năm, ông Bùi Mạnh Nhị cho biết ban soạn thảo đề án đã thống nhất kiến nghị duy trì hệ thống GD phổ thông 12 năm như trước. Trong đó tiểu học và THCS là giai đoạn GD cơ bản bắt buộc (9 năm), THPT là giai đoạn GD nâng cao, phân hóa, định hướng nghề nghiệp.

“Chúng tôi đã nghiên cứu hệ thống GD của nhiều nước, phần lớn cũng 12 năm. Theo khảo sát ở 21 nước, số giờ dạy học trung bình là 8.984 giờ, cao nhất là Hoa Kỳ 12.893 giờ. Trong khi ở Việt Nam, do chỉ dạy học 1 buổi/ngày (chính khóa) nên số giờ dạy học chỉ có 7.924 giờ. Nếu giảm xuống 11 năm, sẽ khó đảm bảo chất lượng. Những nghiên cứu khác cho thấy học sinh ở độ tuổi 17 chưa trưởng thành thực sự về tâm lý và nhân cách nếu như tốt nghiệp hệ phổ thông 11 năm” - ông Nhị lý giải quan điểm của ban soạn thảo.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, chương trình GD mới sẽ chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực người học, tập trung nâng cao chất lượng thay vào chỗ chú trọng phát triển số lượng như giai đoạn đã qua.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định tình trạng quá tải sẽ được cải thiện với định hướng thiết kế chương trình-SGK mới theo hướng tích hợp ở bậc học thấp và phân hóa mạnh mẽ ở bậc học cao (THPT), tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của người học, không truyền thụ kiến thức một chiều, áp đặt. Cùng với hướng đổi mới chương trình - SGK, việc kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng được thay đổi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ cải thiện gọn nhẹ hơn và có thể lấy làm căn cứ để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh (bên cạnh việc tổ chức các hình thức tuyển chọn riêng theo đặc thù mỗi trường).

Quan điểm đổi mới được trình bày trong đề án:

1. GD-ĐT là nhân tố giữ vai trò quyết định để thực hiện mục tiêu “Dân giàu - nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” nên cần được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư tài chính, nhân lực;

2. Chuyển mạnh quá trình GD từ chủ yếu trang bị kiến thức (nâng cao dân trí) sang tập trung phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học;

3. Chuyển phát triển GD chủ yếu mục tiêu, số lượng, sang phát triển theo mục tiêu nâng cao chất lượng;

4. Chuyển từ hệ thống GD cứng nhắc, thiếu liên thông sang hệ thống GD mở, hình thành cơ chế học tập suốt đời gắn với xây dựng xã hội học tập;

5. Phát triển GD phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa;

6. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển GD-ĐT.

muctim

muctim
Thành viên tích cực
Thành viên tích cực
Phát triển tiềm năng mỗi cá nhân
Đổi mới giáo dục: Đề án "rung chuyển" thầy - trò - phụ huynh Hs10Mục tiêu của đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” là phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế
TNO - Theo đại diện ban soạn thảo đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” của Bộ GD-ĐT, nét mới trong tư tưởng của đề án là nhấn mạnh vào việc giáo dục, đào tạo từng cá nhân. Dự kiến ngân sách cho giáo dục tăng đáng kể.

Hôm qua, ban soạn thảo đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” của Bộ đã chia sẻ với báo giới một số nội dung cơ bản của dự thảo. Kể từ sau Hội nghị T.Ư 6 (tháng 12.2012) đến nay, Bộ đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để lấy ý kiến hoàn thiện đề án. Mới đây, ngày 29.8, Bộ Chính trị đã nghe và cho ý kiến. Hiện dự thảo đề án đã hoàn thành và Ban Cán sự Đảng bộ đang chuẩn bị trình lên BCH T.Ư Đảng.

Đặt chất lượng lên hàng đầu


"Lần này đề án vừa nhấn mạnh mục tiêu đào tạo thế hệ vừa phát triển cá nhân con người, làm sao để mỗi cá nhân con người phát triển tốt nhất tiềm năng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước"
BÙI MẠNH NHỊ Phó bí thư thường trực Đảng ủy Bộ GD-ĐT

Mục tiêu tổng quát của đề án là tạo chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và hội nhập quốc tế. Theo đó, việc giáo dục con người được xác định là toàn diện, có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, có khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả - thực học, thực nghiệp. “Trước đây, trong mục tiêu đào tạo con người, chúng ta rất nhấn mạnh mục tiêu đào tạo thế hệ. Lần này đề án vừa nhấn mạnh mục tiêu đào tạo thế hệ, vừa phát triển cá nhân con người, làm sao để mỗi cá nhân con người phát triển tốt nhất tiềm năng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước”, ông Bùi Mạnh Nhị, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Bộ GD-ĐT chia sẻ.

Mục tiêu này phù hợp với quan điểm chỉ đạo là chuyển phát triển giáo dục chủ yếu theo mục tiêu số lượng sang vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, vừa đáp ứng yêu cầu số lượng theo nhu cầu nhân lực của xã hội. “Trước đây ta nghiêng về số lượng, bây giờ ta đặt chất lượng lên hàng đầu”, ông Nhị khẳng định.

Chi cho giáo dục tối thiểu đạt 20% tổng chi ngân sách

Một trong những giải pháp và nhiệm vụ quan trọng đề cập trong đề án là đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, tăng cường cơ sở vật chất, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục.

Theo đó, ngân sách chi cho giáo dục tối thiểu đạt 20% tổng chi ngân sách. Nhà nước bảo đảm đủ kinh phí đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục. Ngân sách nhà nước đóng vai trò quyết định cho giáo dục phổ cập. Tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, tỷ lệ chi cho lương và phụ cấp theo lương không quá 75% tổng kinh phí chi thường xuyên hằng năm.

Ở bậc ĐH, mức chi tất cả các nguồn cho một sinh viên/năm tiến tới tối thiểu bằng 1,2 lần thu nhập quốc dân bình quân đầu người/năm. Ông Nhị so sánh: Năm 2003, mức chi này so với mức thu nhập bình quân đầu người/năm ở khối các nước OECD là 1,6 - 1,7; Mỹ 2,9; Canada 2,4; Hàn Quốc 2,6; Đài Loan 2; Nhật 1,3, Trung Quốc 0,8. “Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia trong và ngoài nước đều khẳng định, mức chi tối thiểu cho một sinh viên đại học/năm bằng 1,2 lần thu nhập quốc dân bình quân đầu người/năm thì mới có chất lượng. Hiện nay, mức chi bình quân này ở Việt Nam mới chỉ đạt 0,5”, ông Nhị cho biết.

Xóa bỏ phòng học tạm, thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật giáo dục, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin cũng là một trong nhiều nhiệm vụ được đặt ra trong gói giải pháp này. Phải làm sao để đảm bảo đến năm 2020 số học sinh/lớp không vượt quá quy định của từng cấp học. Nhà nước phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ để có đủ "đất sạch" cho việc xây dựng trường, quản lý nghiêm nhặt không để đất quy hoạch cho xây trường sử dụng vào mục đích khác.

Thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm
Ở bậc mầm non, đề án xác định hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và thực hiện miễn học phí trước năm 2020 cho đối tượng này.

Với giáo dục phổ thông, ngành GD-ĐT sẽ xây dựng mới chương trình cho giai đoạn sau năm 2015, bảo đảm cho học sinh kết thúc lớp 9 phải có tri thức phổ thông nền tảng, cơ bản; học sinh THPT phải được tiếp cận nghề nghiệp và được chuẩn bị tốt cho giai đoạn học sau phổ thông. Đặc biệt, cả nước sẽ thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020, đồng thời nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, phấn đấu đến năm 2020 có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương.

Cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông vẫn giữ 12 năm như đang áp dụng. Hệ thống giáo dục phổ thông chủ yếu là loại hình trường công lập; đồng thời khuyến khích xã hội đầu tư phát triển các trường chất lượng cao. Trong giáo dục nghề nghiệp và ĐH sẽ phát triển song song loại hình trường công lập và ngoài công lập; tăng cường vai trò trường ngoài công lập, bao gồm cả các trường chất lượng cao. Sẽ có loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư.

Kết quả tốt nghiệp THPT làm căn cứ cho tuyển sinh ĐH
Theo ông Bùi Mạnh Nhị, trong 9 nhiệm vụ và giải pháp mà đề án đề xuất, có thể coi đổi mới tư duy giáo dục, quản lý giáo dục, trong đó có chính sách, cơ chế tài chính và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là các giải pháp then chốt; đổi mới kiểm tra, thi và đánh giá là khâu đột phá.

Cụ thể, phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, thiết thực, hiệu quả, tin cậy; sử dụng được kết quả công nhận tốt nghiệp THPT làm căn cứ cho tuyển sinh của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và ĐH. Còn phương thức tuyển sinh ĐH đổi mới theo hướng kết hợp kết quả giáo dục phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo.

Nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục sẽ phải chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng; hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc, “học tủ”.

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Đổi mới giáo dục: Đề án "rung chuyển" thầy - trò - phụ huynh Flags_1