Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Rời trường ở phố về học trường quê 65570210
TT - Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2013-2014 chỉ có 1/8 học sinh từ các tỉnh khác xin về TP.HCM học tập (so với năm học trước). Trong khi số học sinh học ở trường tư thục TP.HCM chuyển lại về tỉnh nhà gấp đôi số học sinh chuyển đến.

Sáng 4-9-2013, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Lành (phụ huynh học sinh Trường TH - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm, TP.HCM) ở Sở GD-ĐT TP.HCM.

Chị cho biết đi xin chuyển trường cho con về quê vì “học ở TP.HCM tốn kém quá”. Chị kể: “Nhà tôi ở xã Ea Kiết, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk.

Cách đây hai năm, khi con lớn vào lớp 10, chúng tôi xin cho cháu vào học nội trú ở Trường Ngô Thời Nhiệm vì nếu học trường công lập ở Đắk Lắk phải vượt qua đoạn đường 20km từ nhà đến trường, rất bất tiện. Mỗi năm gom góp cho con khoảng 100 triệu đồng để đóng học phí và tiền ăn ở.

Những năm trước tiết kiệm vẫn lo được. Cuộc sống ngày càng khó khăn, cả hai vợ chồng tôi cùng làm rẫy nên năm nay xin chuyển về, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy”.

Tiết kiệm chi phí

Theo lời chị Lành, năm nay Đắk Lắk cũng có trường tư thục mới mở, học phí chỉ bằng 2/3 so với trường ở TP.HCM. Chị tính toán: “Nghe nói trường tư thục ở quê là chi nhánh của một trường tư thục ở TP.HCM. Thế nên vợ chồng tôi hi vọng chất lượng giáo dục ở đây cũng không thua kém nhiều so với Trường Ngô Thời Nhiệm. Được cái trường chỉ cách nhà 40km. Cứ chủ nhật tôi lại đón cháu về nhà bằng xe máy. Trong khi đó, hai năm học ở TP.HCM, cháu chỉ được về thăm nhà 2-3 lần vào những dịp lễ tết, đi lại vất vả mà cũng rất tốn kém, vừa đi vừa về hết gần 1 triệu đồng”.

Tương tự, thầy Phạm Thanh Tâm - hiệu trưởng Trường THPT tư thục Hồng Đức - cho biết ông vừa giải quyết một trường hợp chuyển trường về Quảng Nam do phụ huynh gặp khó khăn tài chính: “Phụ huynh đưa con vào TP.HCM để cho con được học hành. Cha mẹ cũng vào TP.HCM theo con để lập nghiệp. Nhưng sau một thời gian, họ đã quyết định về quê”.

Cũng theo thầy Tâm, so với những năm trước thì năm nay số học sinh xin rút hồ sơ về tỉnh học do nguyên nhân khó khăn về kinh tế nhiều hơn. Có trường hợp nợ học phí mấy tháng, khi không thể kham nổi mới quyết định “rút” con về quê.

Ông nói: “Ở trường chúng tôi cũng có chế độ miễn giảm cho những học sinh khó khăn nhưng phải đạt học lực giỏi mới được. Cũng hai năm rồi, nhà trường không tăng học phí vì lý do cuộc sống ngày càng khó khăn”.

Chuyển biến bất ngờ

Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, hằng năm TP.HCM đón nhận 2.800-3.500 học sinh các tỉnh thành đến học tập (chỉ tính riêng bậc THCS và THPT).

Trong số đó có rất ít học sinh được vào học trường công lập (vì phải có cha mẹ là công chức nhà nước, chuyển công tác từ các tỉnh về TP.HCM), hầu hết học trường tư thục.

Thế nhưng năm học 2013-2014, con số này chỉ có 436 học sinh (tính đến ngày 30-8-2013), chỉ bằng 1/8 so với năm học trước (3.240 học sinh).

Cũng theo sở, năm học 2013-2014 có 980 học sinh các trường tư thục TP.HCM xin chuyển lại về tỉnh nhà. Ông Huỳnh Việt Hùng, chuyên viên phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin: “Việc chuyển trường của học sinh trường tư thục về lại nơi cư trú của các em có nhiều lý do: không theo kịp chương trình và tiến độ học tập, cha mẹ chuyển công tác, gia đình có biến cố, nhưng nguyên nhân chủ yếu trong thời gian gần đây là vì các gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Phụ huynh cho con em về quê học tập để tiết kiệm chi phí”.

Cô Trần Thị Kim Quy, phó hiệu trưởng Trường THPT dân lập Thanh Bình, cho biết trong số học sinh chuyển trường về tỉnh cũng có em không thích nghi được với môi trường học tập ở TP.HCM, không quen được với cuộc sống xa gia đình...

Bỏ trường tư, học giáo dục thường xuyên
Nhiều học sinh từ các trường phổ thông dân lập, tư thục tại TP.HCM đã phải chuyển sang học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên vì nhiều nguyên nhân khác nhau (bị kỷ luật, gia đình khó khăn, chuyển nơi ở, không hòa nhập với môi trường nội trú...). Tuy nhiên, trong hồ sơ chuyển trường, phần lớn lý do nêu ra đều là “do khó khăn về kinh tế, không đáp ứng được quy định học phí ở trường tư” (hiện nay mức học phí trung bình tại trường tư khoảng 5-7 triệu đồng/học sinh/tháng). Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tân Bình đã nhận 57 học sinh từ các trường dân lập, tư thục, chủ yếu ở các trường trên địa bàn như Thanh Bình, Trí Đức, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đông Du...

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Rời trường ở phố về học trường quê Flags_1