Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Sáng 26/6/2013, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT) đã ra mắt sách giáo khoa điện tử (classbook) đầu tiên.

“3 không”

Classbook cài đặt sẵn trọn bộ sách giáo khoa (SGK) và sách bổ trợ theo chương trình phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12, đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu về khung chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT.

Lần đầu tiên Việt Nam có sách giáo khoa điện tử Anh20310
Sách giáo khoa điện tử - Ảnh: Classbook.vn

Hiện tại, trong SGK điện tử này có 310 đầu SGK và sách bài tập từ lớp 1 đến lớp 12. Trong suốt thời gian sử dụng thiết bị, người dùng có thể cập nhật miễn phí mọi tái bản các cuốn sách này. Ngoài ra, classbook còn có hơn 20 ứng dụng bổ trợ cho nhiều môn học, thích ứng với các độ tuổi khác nhau.

Không chỉ dừng lại ở nội dung chuyển tải trong SGK truyền thống, SGK điện tử classbook còn hỗ trợ việc biên tập và gắn kết với những nội dung đa phương tiện mở rộng cho bài học và cung cấp những chức năng cho phép học sinh có thể tương tác với nội dung bài học.

Ví dụ, khi đọc sách tiếng Anh, học sinh có thể tra nghĩa của một từ bằng cách chạm từ đó trên màn hình, có thể sử dụng chức năng chạm để nghe phát âm chuẩn một câu, một đoạn văn hoặc cả bài học, có thể ghi âm lại giọng đọc của mình để đối chiếu với giọng bản ngữ hoặc xem các video bài giảng. Với môn âm nhạc, học sinh có thể nghe bài hát, xem biểu diễn bài hát đó hoặc hát theo nhạc đệm…

Theo ông Ngô Trần Ái, Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục, công cụ SGK điện tử sẽ là thiết thị hỗ trợ làm bài tập, tạo nên sự tương tác giữa người dùng và nâng cao sự hiểu biết cho người học.

Để phụ huynh không lo ngại khi học sinh dùng SGK điện tử để chơi game như các loại thiết bị tương tự khác, lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục nhấn mạnh: “3 không” trong SGK điện tử là không wifi, không game, không có chức năng tự do cài đặt các ứng dụng ngoài.

GS Ngô Bảo Châu lo học sinh nông thôn thiệt thòi

Có mặt tại buổi lễ ra mắt, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ bên lề với báo giới: ở nước ngoài nhiều nước cũng đã ứng dụng SGK điện tử vào trường học nhưng chưa có nước nào ứng dụng một cách tổng thể như ở Việt Nam.

Ở nước ngoài không có một sản phẩm chung cho toàn bộ cấp học. Tôi có thể nói, so với phương pháp truyền thống thì classbook có cải tiến hơn, và tôi rất thích thiết bị này. Tuy nhiên, cần tập trung vào một số tiện ích có lợi, hiệu quả cho học sinh, thầy cô giáo và sự theo dõi của phụ huynh”, GS Châu đề nghị.

GS Ngô Bảo Châu băn khoăn: giá của SGK điện tử không phải là rẻ (4,8 triệu đồng), đây là một cản trở với học sinh vùng khó khăn.

Theo ý của GS Châu cần phải tìm nhiều cách để học sinh các nơi được tiếp cận với sách điện tử, không thể để hai học sinh đi học, em thì mang sách giấy, em thì mang thiết bị điện tử.

Ông Vũ Như Ý, nguyên Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục, đề nghị: để đông đảo phụ huynh tiếp cận với SGK điện tử thì giá ra mắt sản phẩm này cần phải giảm so với giá trị thực.

Nguồn: Thanh niên

KHCN

KHCN
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Vài ngày trước thì NXB Giáo Dục đã chính thức giới thiệu sách điện tử Classbook cho phép tất cả các em học sinh sử dụng trên lớp. Thiết bị này sẽ góp phần giảm trọng lượng chiếc cặp sách mà các em đang sử dụng hằng ngày. Vậy Classbook có gì hay mà bạn phải trả gần 5 triệu đồng để sở hữu nó?


Thiết kế:

Điểm đáng chê nhất của Classbook là nó quá nặng so với kích cỡ màn hình 8" của nó. Với trọng lượng khoảng 500g thì đây chưa phải là sản phẩm thật sự phù hợp với các em học sinh lớp nhỏ, đặc biệt là cấp 1. Có thể nói đó gần như là điểm yếu duy nhất của máy, phần còn lại đáng khen về cả thiết kế và chất liệu sử dụng. Không như các tablet giá rẻ thường dùng nhựa hoàn toàn, Classbook sử dụng cả nhựa và kim loại ở mặt sau. Tuy các mối nối đôi khi còn khá thô nhưng nó vẫn có thể coi là một sản phẩm chất lượng tốt, chắc chắn và không hề lỏng lẻo.

Classbook không quá dày do nhà sản xuất đã khéo léo vuốt cong các mép sản phẩm chứ không dùng dạng khối hộp hình chữ nhật. Chính các mép cong này cũng góp phần giúp các em học sinh cầm thoải mái hơn, ít bị cấn tay. Phần viền màn hình cũng có độ dày hợp lý, không quá lớn nhưng cũng không quá nhỏ, hầu hết chúng ta đều có thể cắm nắm một cách dễ dàng.

Hiện tại Classbook chỉ có một phiên bản duy nhất, sẽ tốt hơn nếu họ làm các bản cho học sinh cấp 1 với màn hình nhỏ hơn và cấp 3 với màn hình lớn hơn bên cạnh phiên bản tiêu chuẩn này.

Màn hình:

Là một thiết bị đọc sách, màn hình là một trong những điểm cần quan tâm nhất khi mua Classbook. Thực tế cho thấy chất lượng hiển thị của màn hình IPS 8” này là khá tốt, màu sắc dễ chịu, góc nhìn rộng vừa phải. Điểm yếu lớn nhất là độ phân giải trung bình 1024x768 nên hình ảnh bị rỗ khá rõ. Dù vậy, bạn cũng không thể đòi hỏi hơn ở một chiếc máy giá 4 triệu đồng cho thị trường đại chúng được.

Sức mạnh:

Classbook sử dụng vi xử lý 2 nhân, có 1GB RAM và 16GB bộ nhớ trong kèm một khe cắm thẻ microSD bên ngoài. Với cấu hình này thì máy chạy khá tốt, độ trễ là có thể nhận thấy nhưng nó không quá tệ như một số máy tính bảng chung tầm giá của năm ngoái. Độ trễ lớn nhất là khi chúng ta phóng to bài giảng thì máy sẽ tốn khoảng 2 giây để dựng lại.

Thực chất thì các em học sinh cũng không quá khó tính nên việc giảm cấu hình để giữ giá thấp cũng là chuyện có thể chấp nhận được.

Nội dung:

Đây là lý do duy nhất để các bậc phụ huynh học sinh mua Classbook chứ không phải vì bất cứ lý nào nào khác. Sách trên Classbook là sách giáo khoa của chúng ta được số hoá với chất lượng rất cao, mình có thể zoom sâu nhưng vẫn sắc nét. Đây cũng là điều dễ hiểu vì đơn vị phát hành Classbook là Nhà xuất bản Giáo Dục, NXB độc quyền in sách giáo khoa ở Việt Nam. Tất cả các nội dung trên Classbook cũng sẽ độc quyền cho thiết bị này, bạn không thể đem chúng qua các máy khác vì đã được khoá DRM.

Ngoài sách giao khoa từ lớp 1-12 (tặng kèm khi mua máy), trên Classbook còn có một số sách nâng cao, sách tham khảo mà bạn có thể nạp tiền vào để mua. Hiện tại thì NXB Giáo Dục đang khuyến mãi cho chúng ta hơn 200.000đ để mua sách tham khảo khi mua Classbook.

Ở bản ROM hiện tại, Classbook chưa hỗ trợ tải sách trực tiếp từ máy thông qua WiFi mà bạn phải chờ đến tháng 9 để sử dụng tính năng này. Mọi thao tác chép sách vào máy đều phải thông qua máy tính dùng Windows ở thời điểm hiện tại. Sắp tới máy sẽ được bổ sung kết nối WiFi và chỉ cho phép truy cập những trang web đã được kiểm duyệt.

Thao tác sử dung:

Về mặt này thì những gì Classbook.vn làm có thể chấp nhận được, không xuất sắc nhưng không đáng bị chê.

Đầu tiên, chúng ta nói về trải nghiệm khi đọc sách. Để dễ hình dung bạn cứ tưởng tượng Classbook chia quyển sách làm 3 lớp khác nhau, lớp dưới cùng chứa các nội dung chuyên sâu, nội dung đa phương tiện (hãy cứ tạm bỏ qua nó ở đó), lớp thứ 2 là những gì chúng ta thấy khi đọc sách, tức là nội dung chính. Lớp thứ 3 chính là phần để ghi chú hay vẽ lên.

Một số công ty tích hợp 3 lớp làm một, bạn sẽ không hình dung về nó khi sử dụng nhưng Classbook cho thấy rõ điều đó. Sử dụng định dạng PDF chứ không phải các định dạng sau này nên bạn không thể tương tác trực tiếp với lớp nội dung thứ 2 mà họ phải chế tạo ra một lớp thứ 3 để chúng ta vẽ lên đó. Nếu bạn nào dùng phần mềm như Sketch Book thì sẽ hiểu điều này, khi bạn highlight nội dung là bạn vẽ lên bề mặt chúng không phải đánh dấu trực tiếp vào lớp thứ 2 như iBook, Kindle hay Alezaa.

Về lớp đầu tiên, tức các trường dữ liệu mở rộng thì đây mới chính là ưu điểm của sách điện tử so với sách thường. Hãy tưởng tượng thế này, khi bạn học đến một nhạc sĩ nào đó, ví dụ Lưu Hữu Phước thì bạn nghe cô giáo nói ông có rất nhiều bài hát hay nhưng cô cũng chẳng thể nào mở cho chúng ta nghe toàn bộ những bài đó. Với Classbook thì những dữ liệu đã được nhúng vào trong sách, khi học đến Đỗ Nhuận thì có hơn 10 bài hát nổi tiếng nhất của ông lưu sẵn để ta nghe, tương tự với Lưu Hữu Phước và các nhạc sĩ khác....

Đó là về Nhạc, còn về Anh văn, thì sao? Ở bất cứ từ nào trong bài, chỉ cần nhấn và giữ là nghĩa của nó sẽ hiện lên đồng thời một bảng mới mở ra để chúng ta có thể nghe cách phát âm của từ. Cá nhân mình đánh giá đây là một điểm rất tốt vì có khá nhiều cô giáo tiếng Anh phát âm không chuẩn, có thể làm hỏng giọng của học sinh khi còn bé.

Với mỗi môn khác nhau thì sách lại có cách tương tác khác nhau, ví dụ như môn hoá thì bạn sẽ xem được những phản ứng khi đổ các loại hoá chất vào nhau chứ không chỉ tự nghĩ trong đầu như hiện nay. Theo đại diện của NXB Giáo Dục thì họ sẽ tiếp tục cập nhật các tính năng cho sách, tính năng tra từ Anh Văn và Nhạc đã có, tính năng xem phản ứng hoá học sẽ xuấy hiện vào cuối năm nay.

Những lo ngại:

Ngoài những lo ngại về chi phí hay các yếu tố liên quan khác thì viêc học sinh có thể sự dụng Classbook làm những chuyện khác trong lớp cũng là một điều làm các bậc phụ huynh lo ngại. Hiện tại nhà sản xuất đã khoá toàn bộ các ứng dụng hay giao diện gốc của Android, thay vào đó là giao diện đọc sách ngay ngoài màn hình chính. Ngay cả kho ứng dụng Android Market cũng bị khoá không thể truy cập mà bạn chỉ có thể tải ứng dụng đã được chọn lọc thông qua phần mềm Classbook trên máy tính.

Chỉ khi nào root máy và cài rom khác, bạn mới được toàn quyền sử dụng máy như một tablet Android bình thường. Tuy nhiên, điều này là vô nghĩa vì khi này sách giao khoa sẽ không thể sử dụng được nữa.


Kết luận:

Classbook là một giải pháp khá tốt cho các em học sinh. Dù còn nhiều thiếu sót và cũng không phải là những gì tốt nhất nhưng cái gì cũng cần có sự khởi đầu và việc Bộ Giáo Dục cho phép mang máy vào lớp cũng là một tín hiệu đáng mừng. Hy vọng sau Classbook, NXB Giáo Dục sẽ thay đổi suy nghĩ và biến Classbook thành môt phần mềm đa thiết bị chứ không chỉ gói gọn trong máy của họ như hiện tại. Tất nhiên, với việc làm đó thì phụ huynh học sinh phải kích hoạt parental control chứ không phó mặc hoàn toàn cho nhà sản xuất như hiện tại. Dù vậy, việc làm phần mềm sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền mua máy đồng thời giúp chúng ta có trải nghiệm tốt hơn, mượt mà hơn thông qua các thiết bị mới nhất.

Nguồn: Tinh tế

3Lần đầu tiên Việt Nam có sách giáo khoa điện tử Empty Gói giáo dục giá rẻ? 6/7/2013, 4:31 pm

Hồng Miêu

Hồng Miêu
Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Lần đầu tiên Việt Nam có sách giáo khoa điện tử Edffb910
Classbook có vẻ như hiện đại. Nhưng đó là một gói giáo dục đông cứng
SGTT - Sự ra mắt của sách giáo khoa điện tử Classbook, sản phẩm của nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam tại Hà Nội cuối tháng 6 qua và được giới thiệu tại gần 400 trường học tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng trong giai đoạn thí điểm, ít nhiều gì cũng gây thú vị cho giới phụ huynh và học sinh.

Cảm giác đầu tiên là có một cái gì đó hiện đại hơn, mới mẻ hơn đang đến với nền giáo dục Việt Nam. Song song với sản phẩm mới này, có thể còn có những niềm hy vọng mơ hồ trỗi lên đâu đó.

Điều mà nhà phát hành Classbook nhấn mạnh, đó là việc toàn bộ các bản sách giáo khoa từ lớp 1 – 12 trong đó, cùng với chiếc máy tính bảng, được coi là một cuộc cách mạng về giá cả. Chỉ 4,8 triệu đồng, từ nay việc thiếu thốn sách giáo khoa ở các cấp sẽ không còn. Bên cạnh đó mới là tính hiện đại và tiện dụng.

Nhưng điều mà người ta không tìm thấy, đó là giá trị mở của hệ thống sách giáo dục điện tử này. Không phải hôm nay Classbook mới đem lại các eBook cho học sinh, mà việc tập hợp các bản sách giáo khoa đó vào một bộ khung với “giá rẻ”, có thể coi chỉ là một hình thái thương mại mới hơn đối với sách giáo dục và là một động thái mơ hồ chứng minh tính độc quyền của nhà phát hành.

Từ nhiều năm nay, bất cứ lúc nào, học sinh có sử dụng internet đều có thể tải về đủ loại sách ở các định dạng pdf, epub hay prc… thậm chí, thế giới sách bổ trợ tham khảo cho các môn học trên internet và các diễn đàn học sinh, sinh viên còn phong phú và cập nhật thường xuyên hơn cả trên các website giáo dục của bộ. Vậy việc phải mua trọn gói các sách giáo khoa, trong đó có thể có nhiều bộ đã học qua rồi, nhằm mục đích gì? Đặc biệt, cũng chưa có điều gì chứng minh rằng hệ thống sản xuất mang tính thương mại của nhà xuất bản sách điện tử Classbook, sẽ làm tốt việc cập nhật cũng như tặng thêm sách tham khảo cho người dùng qua thời gian.

Hơn nữa, đừng quên, sách giáo khoa là tài sản quốc gia, được sử dụng trong mục đích miễn phí bản quyền cho việc giáo dục quốc dân. Việc kinh doanh hoặc nhượng quyền kinh doanh trong một mô hình khác, thật sự là điều đáng nghĩ ngợi giữa thời buổi nháo nhào các giá trị hôm nay. Hãy thử đặt câu hỏi, tại sao nhà xuất bản lại không bán máy với giá rẻ, cho tải về các bản sách giáo khoa miễn phí, hoặc có giá hợp lý trong việc duy trì hệ thống? Chỉ duy việc kinh doanh các bản eBook sách tham khảo, sách bài tập thêm… của từng lớp, nếu biết khai thác cũng là nguồn thu đúng và dồi dào cho những nhà xuất bản có suy nghĩ về tương lai.

Trên website của máy Classbook quả là có phần cho phép tải các app (phần mềm ứng dụng) không thu phí, nhưng rõ là phần lớn, các app đó hầu hết đều lấy từ hệ thống của Android Store (mà cũng chưa biết là các bản app đó, nhà xuất bản Việt Nam đã ký với các tác giả lập trình để nhượng quyền cho lên hệ thống kinh doanh của mình hay không). Vậy thì các phụ huynh sẽ do dự gì khi mua cho con một máy tính bảng chính hiệu, mạnh mẽ và đủ quyền tải mọi thứ miễn phí với đủ các chọn lựa bình thường của một con người?

Classbook có vẻ như hiện đại. Nhưng đó là một gói giáo dục đông cứng. Mặt khác, việc chặn wifi của Classbook không thể download ngoài nguồn của nhà xuất bản, nghe chừng như bảo vệ học sinh không chơi game, không xao lãng việc học… nhưng đó cũng là việc tô vẽ cho cánh cửa đóng mang tính độc quyền các sản phẩm của mình. Hơn nữa, thật hồ đồ khi cho rằng game chỉ làm hư trẻ em. Thế giới game giáo dục, sách tham khảo bên ngoài là vô tận, khép lại với ngôn ngữ bảo vệ trẻ, chỉ là nguỵ biện.

Đó là chưa nói về mặt kỹ thuật, một eBook-reader như máy Classbook không có nghĩa đủ sức chạy nổi tất cả các loại game thông thường trên máy tính bảng hiện nay.

Tin tức của Classbook thật thú vị và đem lại nhiều suy nghĩ. Nhưng suy nghĩ vẫn day dứt là hôm nay, sau những chìm nổi của bộ sách giáo khoa – nền móng tri thức của các thế hệ Việt Nam – giờ thì ai cũng thấy mình được giới thiệu đến một gói giáo dục giá rẻ, thật sự rất rẻ.

Phượng hồng

Phượng hồng
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Lần đầu tiên Việt Nam có sách giáo khoa điện tử Images11
Báo chí nước ngoài đánh giá khá cao sản phẩm Classbook đầu tiên của Việt Nam
VTV - Mới chỉ ra mắt được hơn một tháng nhưng sản phẩm sách giáo khoa điện tử (Classbook) đầu tiên ở Việt Nam đã thu hút sự quan tâm chú ý của hàng loạt các trang tin nước ngoài, trong đó có cả những trang uy tín chuyên về công nghệ và giáo dục.

Chuyên trang công nghệ Tech In Asia trước khi giới thiệu chi tiết về sách giáo khoa điện tử đầu tiên ở Việt Nam đã khẳng định những lợi ích không thể phủ nhận của việc sử dụng công nghệ đối với giáo dục trẻ em. Tech In Asia nhận định: “Có thể nói, lợi ích từ những chiếc máy tính xách tay, máy tính bảng đối với việc giáo dục trẻ em là không thể phủ nhận, đặc biệt là trong khoảng thời gian hơn 10 năm trở lại đây, với một minh chứng cụ thể là chương trình “Mỗi trẻ em một laptop” của Nicholas Negroponte.

Theo thời gian, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, khi mà chi phí sản xuất phần cứng giảm dần một cách rõ rệt, phần mềm đang được tùy biến một cách dễ dàng (đặc biệt là đối với hệ điều hành Android), đã minh chứng cho bước đi này là một hướng đi đúng đắn. Thậm chí nó còn được dự báo sẽ trở thành xu hướng mới của lĩnh vực công nghệ thông tin: cung cấp các thiết bị và nội dung số có tính giáo dục dành cho trẻ em.

Ở Việt Nam, Classbook – chính là một thiết bị cũng nằm trong xu hướng phát triển đó, khi bắt đầu giới thiệu một sản phẩm dành riêng cho học tập từ tháng 2 năm 2013”.

Đánh giá cao về mặt kỹ thuật

Hầu hết các trang tin công nghệ và giáo dục có uy tín sau khi nhận định về những thông số cũng như các tính năng của sản phẩm đã bày tỏ những đánh giá cao về mặt kỹ thuật đối với Classbook. “Trọn bộ các đầu sách giáo khoa, sách bài tập 12 lớp (kể cả chương trình nâng cao) trên Classbook được số hóa và tích hợp các chức năng đa phương tiện và tương tác từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với chất lượng cao, đảm bảo về mặt bản quyền và chất lượng hiển thị. Với trọn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, Classbook thật sự tiện lợi, đặc biệt là đối với những gia đình không có nhiều thời gian trong việc chuẩn bị sách giáo khoa cho con em họ mỗi dịp năm học mới.

Lần đầu tiên Việt Nam có sách giáo khoa điện tử 1_1_110
Tech In Asia dành hẳn một trang viết về classbook
Không chỉ đơn thuần tạo ra một chiếc máy tính bảng 8 inch thông thường với giá 4,8 triệu đồng (tương đương 230$), đội ngũ chỉ khoảng 30 người phát triển Classbook còn xây dựng tùy chỉnh bản ROM cho phép cha mẹ kiểm soát các ứng dụng, thêm nội dung cài đặt sẵn, theo dõi hành vi trực tuyến của con em mình thông qua việc cập nhật nội dung qua máy tính dùng Windows”, trang Tech In Asia giới thiệu tới độc giả.

Cũng cùng nhận định trên, trang mạng chuyên về giáo dục Open Equal Free cho rằng “Classbook  với các chức năng tương tác hấp dẫn sẽ nâng cao trải nghiệm của người dùng khi sử dụng”, “Một tính năng ưu việt khác của sách giáo khoa điện tử là học sinh có thể làm các bài tập trắc nghiệm tương tác trên thiết bị Classbook dưới một trong hai chế độ kiểm tra hoặc luyện tập để có thể tự đánh giá mức độ hiểu bài của mình và phụ huynh cũng như giáo viên cũng có thể theo dõi kết quả bài tập trắc nghiệm này”.

Dự đoán về một xu thế tất yếu

Trên trang tiếng Việt của Đài phát thanh Úc Châu (ABC Radio Australia), Classbook được ví như một “cuộc cách mạng sách giáo khoa Việt Nam”. Tuy nhiên, tác giả bài viết cũng bày tỏ lo ngại về giá của thiết bị khi cho rằng “Hiện tại mức giá hơn 4 triệu cho 1 chiếc classbook có thể coi là rẻ nhưng với các gia đình ở nông thôn thì tôi nghĩ rằng họ vẫn chưa sẵn sàng”.

“Có lẽ, classbook ở Việt Nam vẫn còn là một điều mới mẻ nhiều phụ huynh chưa biết công năng. Trong khi trên thế giới nhiều quốc gia đã áp dụng classbook trong việc dạy học. Điều này cho thấy những người thực hiện chương trình này còn phải mất nhiều công trong việc truyền thông, quảng bá classbook đến cái vị phụ huynh. Đặc biệt là phụ huynh ở nông thôn, điều kiện dân trí chưa cao”.

Lần đầu tiên Việt Nam có sách giáo khoa điện tử 8-8-2010
Dự đoán về xu thế cho SGK điện tử
Mặc dù vậy, báo chí nước ngoài đều cùng có chung một dự đoán khi nói về tương lai cho sách giáo khoa điện tử ở Việt Nam: “Classbook với thương hiệu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, được phát triển như một giải pháp sách giáo khoa tiên tiến và phù hợp với lộ trình đổi mới sách giáo khoa vào năm 2015 tại Việt Nam. Nó được kỳ vọng nâng cao chất lượng dạy và học của các trường phổ thông trong tương lai” – Open Equal Free.

Còn chuyên trang công nghệ châu Á Tech In Asia thì trông đợi vào sự thay đổi nhận thức ở các bậc phụ huynh: “Dĩ nhiên, câu chuyện vẫn ở phía trước, mọi thứ dường như mới chỉ bắt đầu. Sản phẩm, hay thậm chí là đơn vị chủ quản tạo ra nó vẫn còn rất non trẻ, là đơn vị đi tiên phong. Thêm vào đó, nền giáo dục Việt Nam vẫn thường đi theo xu hướng “chậm mà chắc”.  Trong bối cảnh đó với một phạm vi hẹp, Classbook có thể coi là một giải pháp khôn ngoan cho những gia đình biết tính toán chi tiêu.

Nhìn rộng hơn, đây là một sản phẩm mang tính thay đổi, một giải pháp thúc đẩy nền giáo dục phát triển. Vấn đề cốt lõi ở đây là, liệu các phụ huynh và học sinh ở Việt Nam có nhận thức được lợi ích tiềm năng mà Classbook có thể mang lại cho con em họ không, chúng ta hãy cùng chờ xem”.

Sponsored content


Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Lần đầu tiên Việt Nam có sách giáo khoa điện tử Flags_1