Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1Bay đến ước mơ Empty Bay đến ước mơ 18/8/2013, 4:41 pm

Trợ giáo

Trợ giáo
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Kỳ 1: Học giỏi chưa đủ để thành công
Bay đến ước mơ Hocgio13Thu Vân cùng mẹ và em gái
(TNO) - Cuộc chuyện trò với cô thủ khoa Trần Thị Thu Vân (thủ khoa khối A1, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, cựu học sinh trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng) dẫn dắt PV đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Bất ngờ đầu tiên, đó là lời giới thiệu của tân thủ khoa. “Em không phải là học sinh vừa tốt nghiệp THPT năm nay (2013), em tốt nghiệp từ năm 2010 và đã từng thi đại học năm đó!”, Thu Vân mở đầu câu chuyện với sự tự nhiên hiếm thấy.

Nhưng không phải năm đó Vân thi rớt, mà Vân đỗ cao. Em đậu vào Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng với số điểm 27 (toán 9 điểm, lý 8,75 điểm và hóa 9 điểm) giành “ngôi” á khoa, chỉ sau thủ khoa của kỳ thi 0,5 điểm. Cũng trong năm này, Vân còn đỗ vào Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng với số điểm 21 điểm.

Với thành tích này, Thu Vân đã vinh dự được lựa chọn để nhận suất học bổng toàn phần học tại Anh quốc theo Đề án đào tạo nhân tài của TP.Đà Nẵng.

Và từ một học sinh chỉ học bình thường môn Anh văn, trong vòng 3-4 tháng tập trung luyện Anh văn để đạt yêu cầu, Vân đã đạt được IELTS 6.5 và lên đường sang Anh du học ngành Quy hoạch đô thị.

Thiếu kinh nghiệm, ít giao tiếp, em đã bị “stress”

“Trước khi chuẩn bị cho chuyến đi, các anh chị phụ trách đề án đã đề nghị em tham gia một lớp đào tạo về kỹ năng sống, nhưng em từ chối vì suy nghĩ chỉ cần học giỏi là có thể tồn tại ở bất cứ nơi đâu. Nhưng, em đã lầm!”, cô bạn thủ khoa trầm ngâm, nhớ lại.

Bay đến ước mơ Hocgio10
Những công việc như quét dọn nhà cửa cũng làm Vân thấy thú vị
Khoảng thời gian ở Anh, Vân không sắp xếp được thời gian cho mọi việc. “Em không làm chủ được quỹ thời gian, nên càng làm càng rối rắm, thấy mọi thứ cứ lung tung lên!”, Vân chia sẻ.

Vân chưa quen cuộc sống tự lập một mình, tự mình lo liệu tất cả mọi việc của bản thân như nấu ăn, giặt giũ, quét dọn…

“Những việc tưởng chừng quá đơn giản, em nghĩ mình sẽ làm tốt. Nhưng không phải vậy! Ở nhà, tuy nhà em không khá giả, nhưng hồi em học phổ thông, mẹ ở nhà nội trợ nên luôn lo liệu hết toàn bộ mọi việc trong nhà, em không phải động tay làm việc gì. Toàn bộ thời gian của em là chỉ học và học”, Vân kể.

Thêm nữa, đây là lần đầu tiên sống cuộc sống xa nhà, trong khi trước giờ được bảo bọc, được bố mẹ hết sức yêu thương, chiều chuộng, nên khi sang Anh, nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, các em làm cho em quay quắt không chịu nổi.

“Năm đầu tiên em đã có kết quả loại A, sang năm thứ hai em cũng học tập khá tốt nhưng tâm trạng cứ u uất không thể tả! Lúc ấy cũng có nhiều anh chị cũng là người Đà Nẵng đang học ở Anh đến chia sẻ với em, nhưng em gần như không mở lòng ra được. Em không có bạn mới, không có người mà em cảm thấy thân thuộc, nên cứ chênh vênh mãi, cứ đơn độc và thui thủi!”, Vân nghẹn lại khi nhớ lại quãng thời gian đó của mình.

Và em bị “stress” nặng. Chứng trầm cảm, u uất khiến em không thể làm tốt được việc gì. Em thường xuyên gọi điện về nhà khóc. Lúc này, bố mẹ đã động viên Vân bảo lưu kết quả và trở về nhà, sau khi được sự chấp thuận của ban lãnh đạo của Đề án đào tạo nhân tài của TP.Đà Nẵng.

Tìm lại được bản thân mình bằng những việc làm bình dị

Trở về nhà, sau 1 tháng nghỉ ngơi, Vân suy nghĩ và nghiệm ra rằng mình học giỏi, nhưng thiếu kỹ năng sống nên đã vấp ngã. Và em nhận ra những việc mình cần làm lúc ấy.

Bay đến ước mơ Hocgio11
Chơi đùa cùng mọi người giúp Vân mở lòng mình ra, và tự tin hơn
“Em ở nhà, chơi với các em, rồi giúp bố mẹ nấu ăn, rửa chén, quét dọn nhà cửa, giặt giũ... Em làm mọi chuyện để giúp bố mẹ. Mẹ bày em nấu những món ăn từ đơn giản đến phức tạp. Mỗi món ăn được nấu lên em thấy rất sung sướng, hạnh phúc!”, Vân hào hứng kể.

Không chỉ vậy, Vân học cách mở lòng ra. Vân tập cách làm quen, kết thân với mọi người trong khu nhà mình ở, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Vân kết giao với bạn bè nhiều hơn, dành thời gian để chia sẻ với bạn bè những suy nghĩ, những tâm sự của mình.

Mỗi buổi chiều, Vân tập hợp những đứa trẻ trong xóm học tiểu học lại, dạy kèm miễn phí cho các em môn toán và Anh văn. Bọn trẻ vô cùng thích thú khi được học với chị Vân. “Chị Vân dạy dễ hiểu lắm! Nhất là môn Anh văn, tụi con giờ học môn này hơi bị được đó nghe!”, bé Liễu, một em nhỏ được Vân dạy hồn nhiên nói.

Không chỉ dạy trẻ em trong xóm, Vân cũng quyết định nhận luyện thi đại học cho 3 em học sinh THPT. Kết quả sau hơn nửa năm giúp các em, 3 em của Vân luyện, 2 em đậu vào đại học, 1 em đạt 18 điểm, có thể tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào một trường ĐH công lập.

“Khi ôn luyện cho các em, em thấy kiến thức của mình cũng vững vàng. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng động viên em tìm một ngành học phù hợp để học tại TP để không phí thời gian, nên em quyết định nộp đơn thi vào ngành sư phạm toán của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Thật may mắn, em là thí sinh có số điểm cao nhất khối A1 của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng”, Vân cười hồn nhiên nói về việc tham gia kỳ thi đại học năm nay.

24,5 là số điểm mà Vân đạt được sau khi thi vào Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. “Em thấy nghề giáo viên khá phù hợp với bản thân mình, sau nhiều tháng dạy dỗ cho các em. Nhưng em đã suy nghĩ thật kỹ rồi, em không thể bỏ lỡ cơ hội du học ở Anh được. Em nghĩ không dễ để có được suất học bổng đó.

Bay đến ước mơ Hocgio12
Dạy dỗ, chuyện trò cùng các em nhỏ trong xóm là việc thường ngày của Vân khi trở về Việt Nam
Em cũng có nghĩ việc em dự thi vào ĐH Sư phạm là em sẽ làm mất đi cơ hội của các bạn khác. Nhưng em nghĩ thông thường các trường sẽ lấy nhiều hơn chỉ tiêu một chút, nên em sẽ không làm mất suất của bất cứ một bạn nào.

Thêm nữa, thực ra không phải vì em bị phụ thuộc vào đề án của TP.Đà Nẵng, mà bản thân em rất có mong muốn mình có thể học cao hơn, và trở về cống hiến trí tuệ để góp sức xây dựng thành phố - nơi em sinh ra và lớn lên!”, Vân bày tỏ khát vọng của mình.

“Tôi khuyên cháu thôi ở lại nhà, học tập rồi có cuộc sống yên ổn. Tôi không muốn cháu xa nhà. Xa mà xa quá, thấy nhớ cháu chịu không nổi. Lại lo cháu không thể xoay xở. Nhưng lần này, xem ra cháu đã quyết tâm, và trưởng thành hơn rất nhiều!”, mẹ của Vân tâm sự.

Khi được hỏi, lần trở lại này liệu Vân đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đối mặt với mọi thử thách hay chưa, thì nhận được nụ cười vô cùng tự tin của cô bạn cựu á khoa và tân thủ khoa. “Em đã học hỏi được rất nhiều điều, đã tìm được bản thân mình từ những điều rất bình dị. Em tin lần ra đi này mình đã trang bị rất kỹ, và nếu có khó khăn gì, em cũng sẵn sàng đối mặt và vượt qua!”, Vân nói một cách quyết tâm.

Nhìn vào ánh mắt, khuôn mặt sáng bừng tràn đầy năng lượng của Thu Vân, tin rằng em sẽ làm tốt những gì mình mong muốn.

2Bay đến ước mơ Empty Re: Bay đến ước mơ 19/8/2013, 2:36 pm

Trợ giáo

Trợ giáo
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Kỳ 2: Thủ khoa kép ở phố núi
Bay đến ước mơ Thukho10Thủ khoa phố núi Nguyễn Minh Văn
(TNO) - Nguyễn Minh Văn, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, H.Chư Sê (Gia Lai) là người đứng thứ 18/100 thủ khoa đại học - cao đẳng năm nay.

Trò nghèo thủ khoa

Tây nguyên nghèo khó chưa bao giờ được đánh giá cao so với mặt bằng chung của cả nước về đất học. Nhưng nhiều năm qua, nhiều học sinh ở vùng đất này đã đạt nhiều kết quả cao trong học tập cả ở trong lẫn ngoài nước. Đặc biệt hơn, nhiều trường huyện xa xôi vẫn có những học sinh xuất sắc dù không được học thêm, tiếp cận với nhiều thông tin như học sinh ở thành phố.

Nguyễn Minh Văn là một bằng chứng tiêu biểu trong số đó. Văn vừa có kết quả không thể tuyệt vời hơn khi đỗ thủ khoa Đại học Y dược - Đại học Huế với tổng số điểm ba môn thi là 29,5; đồng thời là thủ khoa ngành Công nghệ thông tin - Đại học Khoa học Huế với tổng điểm 24,5.

Không học thêm cả 2 năm lớp 11 và 12, tự học ở nhà, mua sách về nghiên cứu thêm và học qua internet, tận dụng thời gian rảnh để giải đề, bài nào khó thì nhờ thầy cô - đó là bí quyết học tập của Nguyễn Minh Văn.

Sau thời gian học trên lớp, mỗi ngày Văn đều dành thời gian ôn tập các môn thi đại học. Giải thích về lý do không đi học thêm, Văn cho biết: “Em thấy tự học ở nhà vẫn tốt”.

Song, có lẽ hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả cũng là một động lực buộc Văn phải tự học và học cho thật tốt.

Văn là con giữa trong một gia đình có 3 chị em, chị đầu là sinh viên đại học, em út đang học lớp 3. Ba Văn trước kia nhọc nhằn với nghề chạy xe ôm, sau đó chuyển sang làm thợ đập đá ở một mỏ đá, còn mẹ làm rẫy, vì thế việc chi tiêu cho gia đình và lo cho 3 chị em ăn học là chuyện không đơn giản.

“Thấy ba má khổ nên em nghĩ mình phải luôn cố gắng học tập” - Văn bày tỏ.

Ngoài sự thông minh, chăm chỉ, cậu học trò Minh Văn còn được thầy cô ưu ái vì gặt hái được khá nhiều thành tích nổi trội: Năm học lớp 11 được giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn sinh học, giải nhì cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay Casio cấp tỉnh; năm lớp 12 đạt giải nhất cấp tỉnh môn sinh học, giải nhất cuộc thi giải toán trên máy tính Casio cấp tỉnh.

Văn cho biết mình yêu thích môn sinh học bởi môn học này đưa cậu đến gần với nghề bác sĩ - nghề nghiệp Văn đã xác định cho tương lai.

“Ngôi trường lạ” ở phố núi

Tuy chỉ là trường huyện nhưng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Chư Sê lâu nay đã nổi tiếng là “trường điểm” của tỉnh Gia Lai về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao và nhiều học sinh giỏi.

Năm học 2010-2011, trường xếp thứ 2 toàn tỉnh về tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng, có 1 học sinh là á khoa Đại học Y dược TP.HCM với tổng điểm thi là 29 điểm; năm học 2011-2012 trường xếp thứ 4 toàn tỉnh, có 1 thủ khoa là em Lê Thị Ý Vi, thủ khoa Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM với tổng điểm là 27 điểm.

Năm nay, Văn là người tiếp tục phát huy thành tích của những khóa trước với số điểm vượt trội.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Những năm gần đây, số lượng học sinh khá giỏi của trường tăng đều qua từng năm. Năm học 2010-2011, số học sinh khá giỏi toàn trường chiếm 26,35%; năm học 2011-2012, con số này là 28,1% và năm học 2012-2013 là 35,78%. Năm học vừa qua, số lượng giải tăng lên với 16 giải Casio cấp tỉnh, 26 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 4 giải Casio cấp quốc gia, 3 giải cuộc thi giải toán trên toán internet cấp tỉnh và 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng cuộc thi giải toán trên internet cấp quốc gia.

“Có được thành tích này là nhờ sự nỗ lực của các em và một phần nhờ vào sự may mắn nữa” - ông Phúc khiêm tốn nói. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng, đằng sau thành công của từng lứa học sinh luôn là sự tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, là sự nỗ lực âm thầm, tận tâm, tận tụy của mỗi thầy cô giáo…

Nói về cậu học trò cưng của trường, ông Đào Thanh Toản - giáo viên bộ môn Hóa học, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 - vui mừng cho biết: Văn được nhiều bạn bè yêu quý bởi có năng khiếu kể chuyện khôi hài, tích cực tham gia các hoạt động phong trào của trường, của lớp. Trong học tập, Văn rất chuyên cần, vượt khó từ bài tập nhỏ đến bài tập lớn. Trong hoạt động phong trào em cũng rất tích cực. Tôi rất mừng cho kết quả và nỗ lực của bản thân em, đây sẽ là điểm nhấn, là tấm gương cho các khóa sau.

Nói về dự định trong những ngày chờ nhập học, cậu học trò đầy hoài bão này chia sẻ: “Em sẽ trau dồi thêm tiếng Anh để sau này có cơ hội đi du học ở nước ngoài, vì vốn tiếng Anh của em cũng chưa được tốt lắm”.

3Bay đến ước mơ Empty Re: Bay đến ước mơ 20/8/2013, 2:44 pm

Trợ giáo

Trợ giáo
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Kỳ 3: Thủ khoa trường kiến trúc thích làm... bác sĩ
Bay đến ước mơ Ho_gia10Phúc kèm các em nhỏ hàng xóm học tại nhà
(TNO) - Nghe tin con mình đỗ thủ khoa vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cha mẹ của Hồ Gia Phúc (học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Quy Nhơn, Bình Định) rất tự hào nhưng cũng lo lắng.

Căn nhà rộng chừng 24 m2 của gia đình của gia đình Phúc ở trong một hẻm nhỏ đường Đống Đa (P.Thị Nại, TP.Quy Nhơn, Bình Định). Sau nhiều năm không được sửa chữa, tường vôi loang lổ khắp nơi, ván lót sàn gác lửng cũng mục nát, ẩm thấp nhiều chỗ.

Dù vậy, gia đình của Phúc luôn được bà con trong xóm kính phục vì truyền thống hiếu học và nề nếp.

Cha của Phúc là ông Hồ Xuân Anh, đang dạy ngoại ngữ tại Trường THCS Diêu Trì (huyện Tuy Phước, Bình Định); mẹ của Phúc là bà Ngô Thị Mỹ Dung, giáo viên của Trường tiểu học Đống Đa (TP.Quy Nhơn).

Trong số 4 chị em của Phúc, người chị đầu là Hồ Thị Mỹ Ngân, hiện là sinh viên năm 4 Trường ĐH Y dược TP.HCM; chị thứ 2 là Hồ Thị Ngọc Châu, sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và một người em đang học lớp 8.

Mỗi khi đến kỳ nghỉ hè, chị em của Phúc thường dạy kèm cho các trẻ em hàng xóm mà không lấy học phí. Lớp học này thường xuyên có khoảng 10 em theo học.

Suốt những năm học phổ thông, trừ năm lớp 10, Phúc đều đạt thành tích học tập loại giỏi. Bí quyết học tập của Phúc là nắm vững kiến thức, bài tập trong chương trình sách giáo khoa và lên mạng tìm đề các môn để giải.

Bà Ngô Thị Mỹ Dung cho biết: “Cách đây 4 năm, thấy Phúc ham học nhưng lại không có máy tính nên một người chị họ đã cho Phúc máy tính cũ của mình. Gia đình dành cho Phúc phòng học biệt lập trong nhà cùng với chiếc máy tính có kết nối mạng internet để em chuyên tâm học tập. Ngoài thời gian học ở trường ban ngày, Phúc thường thức rất khuya để học bài, thậm chí có đêm em thức đến 0 giờ. Chiếc máy tính luôn là người bạn đồng hành của Phúc trong quá trình học tập”.

Trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, Phúc thi vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đạt 26,5 điểm (toán 9; lý 7,75 và hóa 9,5) và thi vào Trường Đại học Y dược TP.HCM đạt 27,5 điểm (toán 8; hóa 9,5; sinh 10).

Bay đến ước mơ Ho_gia12
Góc học tập của thủ khoa Hồ Gia Phúc
Phúc tâm sự: “Sau khi thi xong, đối chiếu với đáp án của Bộ GD-ĐT, em biết là mình thi đạt điểm cao và có khả năng đỗ đại học. Thật bất ngờ là một người bạn học gọi điện báo là em đỗ thủ khoa của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Em và các thành viên trong gia đình đều vỡ òa niềm vui. Hiện em đang phân vân không biết chọn theo học trường nào. Ước mơ của em là được làm bác sĩ”.

Bà Dung kể: “Hồi Phúc đang học lớp 5, trong một bữa ăn, cha mẹ có hỏi Phúc thích làm nghề gì. Em không trả lời mà chỉ hỏi lại làm bác sĩ học có lâu không mẹ. Bây giờ thì Trường ĐH Kiến trúc hay Đại học Y dược đều có chị của Phúc theo học nên em nó muốn chọn ngành nào cũng được”.

Tổng cộng 2 suất lương của ông Anh và bà Dung được khoảng 12 triệu đồng thì một nửa trong đó là để dành cho 2 người chị đang theo học tại TP.HCM, còn lại để nuôi gia đình. Trong năm học tới, Phúc cũng sẽ vào học tại TP.HCM nên bố mẹ rất lo lắng.

“Dù kinh tế gia đình rất eo hẹp nhưng 4 chị em của Phúc đều rất ham học, ý thức tự học cao nên vợ chồng tôi rất yên lòng. Dù có khó khăn đến mấy thì vợ chồng tôi cũng quyết nuôi các em học hành đàng hoàng. Nếu khó khăn, túng thiếu thì chúng tôi đi vay mượn tiền để lo cho các em”, bà Dung nói.

4Bay đến ước mơ Empty Re: Bay đến ước mơ 22/8/2013, 6:56 am

Trợ giáo

Trợ giáo
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Kỳ 4: Học bổ túc đỗ thủ khoa
Bay đến ước mơ Thukho11Từ nhỏ, Huyền đã mơ ước trở thành cô giáo
(TNO) - Mặc dù học hệ bổ túc nhưng Nguyễn Thị Lệ Huyền khiến nhiều người cảm phục khi là thủ khoa của ngành Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Huế, với điểm số ấn tượng (25 điểm).

Nghỉ học 5 năm đi làm công nhân

Sau 5 năm vào miền Nam làm công nhân, Huyền quyết định trở về quê tiếp tục con đường học vấn mà mình đã bỏ dở.

Ngôi nhà của Huyền nằm giữa động cát tại xóm Trằm, xã Vinh Hà (H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế). Ba của Huyền là thợ hồ, quanh năm đi theo công trình từ bắc đến nam. Mẹ của Huyền ở nhà chăm lo đồng áng và chăn nuôi lợn, gà.

“Vì hoàn cảnh nên cháu phải ra đời sớm để phụ giúp gia đình. Cháu là đứa biết lo và thương em út. Biết cháu đỗ đại học, tui mừng rơi nước mắt…”, bà Đặng Thị Vân, mẹ của Huyền cho biết.

Huyền kể, hồi em học hết cấp 2, mẹ bị u nang buồn trứng. Chị đầu của Huyền đang là sinh viên, ba người em của Huyền vẫn đang đi học. Huyền đành nghỉ học đi làm công nhân ở miền Nam. Sau khi chị gái Huyền ra trường và xin được công việc, Huyền trở về quê đăng ký học cấp 3 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Huế.

“5 năm đi làm công nhân, em luôn mong muốn có ngày mình sẽ đi học trở lại. Đời làm công nhân khổ lắm. Sáng đi tối về như một cái máy. Buồn nhất là mỗi khi nhớ nhà chỉ biết khóc. Việc trở lại học tập là dự định từ lâu của em. Ngày trở về Huế đăng ký học em run lắm. Nghỉ học đã lâu nên em sợ mình không bắt kịp”, Huyền chia sẻ.

Khát khao trở thành cô giáo

Huyền tâm sự: “Từ nhỏ, em đã mơ ước trở thành một cô giáo dạy tiểu học vì rất thích trẻ con. Giấc mơ ấy đành gác lại khi em không thể tiếp tục đến trường vì hoàn cảnh gia đình. Sau khi đi làm, em quyết định trở về quê để thực hiện giấc mơ dang dở của mình”.

Niềm vui như nhân đôi khi người em của Huyền cũng thi đậu Trường ĐH Nông lâm Huế ngành Khuyến nông.

“Gia đình em sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi hai đứa cùng đi học. Em tính sau khi nhập học, em sẽ đi làm gia sư để kiếm thêm tiền, đồng thời có thêm kinh nghiệm cho công việc của mình. Sau khi học xong, em muốn về quê dạy để được ở gần với ba mẹ”, Huyền nói.

Trần Thị Yến, bạn cùng lớp với Huyền, cho biết: “Ba năm học Huyền luôn đứng đầu lớp. Huyền học tốt cả những môn xã hội và tự nhiên. Với sức học của Huyền, lớp em ai cũng nghĩ bạn ấy sẽ đỗ đại học với điểm số cao”.

Chia sẻ về kinh nghiệm học tập, Huyền cho biết chương trình bổ túc có nhiều phần giảm tải. Vì thế, Huyền thường mượn sách vở của những bạn học phổ thông về tham khảo.

“Môn sử là môn học yêu thích của em. Để dễ nhớ ngày tháng, em thường vẽ sơ đồ và học theo sơ đồ đó, vừa học vừa ghi. Đối với môn địa, mỗi khi học em thường tưởng tượng về miền đất đó. Nhiều bạn thường nghĩ, học khối C chỉ cần học thuộc là được. Nhưng theo em, điều đó không đúng, nếu học thuộc một cách máy móc thì sẽ nhanh quên và không thể phân tích, đánh giá vấn đề được”, Huyền chia sẻ.

Cô Trương Thi Yến, giáo viên chủ nhiệm của Huyền, cho biết: “Huyền gần như là chị cả của lớp. Huyền là lớp phó học tập và học hành rất nghiêm túc. Việc Huyền là thủ khoa của một ngành học là một vinh dự của trung tâm vì học bổ túc thường ít khi đậu đại học với điểm số cao. Tôi tin Huyền sẽ trở thành một cô giáo giỏi trong tương lai”.

5Bay đến ước mơ Empty Re: Bay đến ước mơ 22/8/2013, 4:06 pm

Trợ giáo

Trợ giáo
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Kỳ 5: Từ cậu bé chăn bò đến thủ khoa đại học
Bay đến ước mơ Thu-kh11Thủ khoa Nguyễn Hữu Trí
(TNO) - Vượt qua hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nguyễn Hữu Trí, học sinh Trường THPT Phù Cát 3 (Bình Định), đã đỗ thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh vào Trường đại học Xây dựng Miền Trung.

Niềm tự hào của gia đình

Đường vào nhà Trí ngoằn ngoèo, chật hẹp ở cuối thôn Mỹ Long (xã Cát Hưng, huyện Phù Cát). Căn nhà cấp 4 cũ kỹ, đơn sơ chỉ rộng chừng 25 m2 là nơi sinh sống của 9 người trong gia đình Trí.

Nhà nghèo lại đông con đi học, mẹ của Trí phải lên các tỉnh Tây nguyên mua bán ve chai để kiếm tiền nuôi gia đình, vài tháng mới về thăm nhà một lần. Cha của Trí, ông Nguyễn Hữu Châu, ở nhà làm 6 sào ruộng lúa, nuôi bò và bảo ban các con học hành.

Trí là con thứ 5 trong gia đình có 7 anh chị em. Các anh, chị của Trí đều học giỏi, trong đó có 3 người đã tốt nghiệp đại học và 1 chị gái đang là sinh viên năm thứ 3 Trường đại học Quy Nhơn. Hai em trai của Trí đang học THCS và cũng đều là học sinh giỏi.

Ông Nguyễn Hữu Châu luôn tự hào về thành tích học tập của các con. Giấy khen về thành tích học tập của anh em Trí được ông cho vào cặp, cất giữ cẩn thận như là tài sản quý giá của mình.

“Gia đình tuy khó khăn nhưng các con tôi đứa nào cũng siêng năng, chăm chỉ và học giỏi nên tôi rất tự hào, công sức mà vợ chồng tôi bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. Các con học giỏi thì khổ mấy cha mẹ cũng chịu được”, ông Châu nói.

Không những người trong gia đình mà họ hàng, người dân thôn Mỹ Long cũng rất tự hào về thành tích học tập của các con ông Châu. Ở địa phương này, người thi đỗ đại học từ trước đến nay có rất nhiều nhưng một gia đình có đến 5 người con học đại học và đỗ thủ khoa như em Trí thì chưa có.

Tự học vẫn đỗ điểm cao

Nguyễn Hữu Trí thi tuyển sinh vào Trường đại học xây dựng Miền Trung được 24 điểm. Trong đó, toán 8,25, vật lý 7 và hóa học 8,5 điểm.
Không có điều kiện học như những gia đình khác, các anh em của Trí đều tự học là chính. Anh chị học xong, cất giữ sách giáo khoa cho các em học. Suốt quá trình học tập, Trí không học thêm, học kèm ở nhà các thầy cô hay đến trung tâm luyện thi đại học mà chỉ ôn tập ở các lớp do nhà trường tổ chức và tự học ở nhà là chính.

Tuy nhiên, thành tích học tập của Trí không hề thua kém các bạn. Trong 3 năm học THPT, điểm bình quân các môn học của Trí luôn đạt từ 7,5 đến 7,8. Riêng các môn mà Trí dự định thi đại học, môn nào cũng trên 8.

Thủ khoa Nguyễn Hữu Trí tâm sự: “Để có được thành tích như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu trong suốt 12 năm học, nhất là trong 3 năm THPT. Em tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi. Thậm chí, khi đi chăn bò giúp ba mẹ em cũng mang theo sách vở để học. Những điều không biết hoặc những bài toán khó thì em hỏi những bạn học khá hơn và các thầy cô. Các thầy cô trong trường rất thân thiện và gần gũi, nhờ vậy mà em được chỉ bảo, giúp đỡ rất tận tình”.

Không những học giỏi, Trí còn rất siêng năng, chăm chỉ giúp ba mẹ chăn bò, tham gia việc đồng áng, chỉ bảo các em học tập… Bà con hàng xóm, các thầy cô Trường THPT Phù Cát 3 cũng rất tự hào về Trí.

Thầy Hà Hữu Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phù Cát 3, cho biết: “Em Nguyễn Hữu Trí đỗ thủ khoa đại học không những đã mang lại niềm vui, niềm tự hào cho bản thân và gia đình mà còn cho cả nhà trường. Đối với những người làm nghề giáo chúng tôi, thành tích mà học trò đạt được chính là sự trả ơn xứng đáng nhất. Em Trí là một tấm gương về thành tích vượt khó học giỏi để các thế hệ học sinh trong trường noi theo.”

6Bay đến ước mơ Empty Re: Bay đến ước mơ 23/8/2013, 2:35 pm

Trợ giáo

Trợ giáo
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Kỳ 6: Thủ khoa thích làm nông
Bay đến ước mơ Thu_kh10Ngoài việc học, Oanh còn tranh thủ phụ giúp gia đình
(TNO) - Mặc dù gia đình và bạn bè không ủng hộ nhưng đam mê đã thôi thúc cô học trò nhỏ Trần Thị Kim Oanh vững tin theo đuổi ước mơ trở thành sinh viên của Trường ĐH Nông lâm Huế.

Mê nghiên cứu

Với tổng số điểm đạt được ấn tượng 27, Trần Thị Kim Oanh, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Đặng Huy Trứ (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế), không chỉ là thủ khoa ngành Công nghệ thực phẩm mà còn trở thành thủ khoa Trường ĐH Nông lâm Huế.

Chia sẻ về niềm vui này, Kim Oanh cho biết: “Em rất vui vì kết quả đạt được. Ước mơ từ thời phổ thông của em là được học tập và làm những việc gì liên quan đến nông lâm ngư nghiệp. Em mê nghiên cứu trong lĩnh vực này. Trở thành sinh viên Trường ĐH Nông lâm Huế là khởi đầu để em thực hiện đam mê đó”.

Oanh nói thêm, việc em thi vào Trường ĐH Nông lâm Huế khiến không ít người bất ngờ và không ủng hộ, đặc biệt là gia đình và bạn bè.

Nguyễn Thị Ái Trang, bạn thân học cùng trường của Oanh, kể: Khi làm hồ sơ thi đại học, nhiều bạn thắc mắc khi thấy Oanh chọn nông lâm, trong khi Oanh đủ sức thi y khoa hay sư phạm vì trong lớp Oanh học rất tốt. Oanh nói chọn trường theo sở thích, đam mê của mình vì nếu học cái gì mà mình không thích sẽ không có kết quả tốt và rất mệt cho bản thân.

Thầy Hoàng Phồn Hưng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Đặng Huy Trứ, cho biết: "Trước đó, với sức học của em, tôi tin em sẽ đậu kỳ thi đại học với điểm số cao. Tôi dạy Oanh môn sinh học nên tôi biết sức học của em ấy. Thực sự mà nói thì Oanh chọn học nông lâm là một bất ngờ, vì lớp của Oanh đa số đều thi y khoa và nhiều em đã thi đậu. Việc Oanh trở thành thủ khoa của một trường đại học vừa là vinh dự của em và vừa là vinh dự của trường”.

Lý giải điều này, Oanh nói: "Em thích rất nhiều ngành như nông học, khoa học cây trồng, công nghệ rau hoa quả và cảnh quan… Em thích làm nông, thích chế biến nông sản, thích được nghiên cứu về cây trồng, tìm ra những công thức, biện pháp trong việc chế biến thực phẩm... Cuối cùng, em chọn ngành công nghệ thực phẩm vì nó không chỉ là ngành em thích mà còn dễ kiếm việc làm và phù hợp với con gái".

Biết thủ khoa khi mẹ chuẩn bị vào phòng mổ

Oanh sinh ra và lớn lên tại làng Liễu Cốc Hạ, xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế). Ngôi nhà bao bọc bởi cánh đồng xanh mát. Cha mẹ đều là nông dân. Để trang trải chi phí học hành cho con, ngoài việc đồng áng, cha Oanh còn đi phụ hồ. Mẹ của Oanh, quanh năm suốt tháng đạp xe đạp từ vùng này sang vùng nọ, từ tinh sương đến tối mịt để mua phế liệu.

Ngoài việc học, Oanh phải tranh thủ làm việc nhà vì chị gái đã lấy chồng, anh trai và em trai bận đi học. “Em thường học vào ban đêm, vừa mát mẻ, vừa yên tĩnh. Em mong mình sẽ học tốt, nhanh chóng ra trường đi làm, phụ giúp ba mẹ. Mẹ sẽ không phải tảo tần đạp xe đi buôn nữa vì mẹ bị đau xương khớp, đi vậy, đêm về nhức lắm”, Oanh chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hai, mẹ của Oanh cho biết: “Ngày gia đình biết điểm thi đại học của cháu Oanh là khi tôi đang ở bệnh viện chuẩn bị vào phòng mổ. Tôi mổ bướu ở cổ. Biết cháu đậu đại học điểm cao, lại nghe nói là thủ khoa, tôi mừng lắm, quên cả đau đớn. Trước đó, gia đình thích cháu học sư phạm hay y dược vì sợ cháu học nông lâm cực. Với lại, mình là nông dân, cho con cái đi học để mong nó thoát khỏi nghề nông cực khổ. Nghe cháu nói thi trường này, mình thấy nó sao sao. Nhưng cháu quyết tâm và đưa ra nhiều dự định lắm nên gia đình chấp nhận và dần dần ủng hộ”.

Đang là vụ mùa thu hoạch lúa nên cô thủ khoa Kim Oanh phải phụ giúp cha mẹ phơi khô lúa trước khi chuẩn bị nhập học. Oanh cho biết gia đình mình thu nhập không ổn định nên vào đại học em sẽ cố gắng học thật tốt để có học bổng trang trải học phí.

Chia sẻ về bí quyết học tập, Oanh cho biết: “Oanh chẳng có bí quyết gì đặc biệt cả. Oanh chỉ học sách giáo khoa, chăm chú nghe thầy cô giảng bài. Về nhà làm bài tập đầy đủ và giải thêm đề. Bí quyết giúp Oanh học tốt chỉ là Oanh muốn học thật tốt để thực hiện nhiều dự định trong tương lai...”.

7Bay đến ước mơ Empty Re: Bay đến ước mơ 24/8/2013, 9:12 am

Trợ giáo

Trợ giáo
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Kỳ 7: Trở thành thủ khoa nhờ học thoải mái
Bay đến ước mơ Thukho12Công việc hằng ngày của Tài sau những giờ học
(TNO) - Trong thời gian ôn thi em luôn tạo cho mình tinh thần thoải mái nhất, em không bị cảm xúc đè nặng hay bị một áp lực nào cả, em chỉ thoải mái học để hoàn thành ước mơ đại học của mình. Đó là bí quyết học tập của Nguyễn Tấn Tài (ở xã Nhơn Lộc, TX.An Nhơn, Bình Định), thủ khoa Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.

Mặc dù ở cùng bố mẹ và em trai trong một căn nhà xiêu vẹo trên mảnh đất thuê, lọt thỏm giữa khoảng ruộng bao la, con đường đất dọc bờ mương để vào nhà ngoằn nghèo, những ngày mưa thì bùn lầy khó đi lại…, nhưng những điều đó không ngăn cản được ước mơ của Tài.

10 năm liền đạt học sinh giỏi, riêng 2 năm cuối cấp “em tập trung vào 4 môn mình thích cũng là thế mạnh để em thi đại học nên kết quả các môn khác không được đều lắm”, Tài bẽn lẽn.

Nói vậy nhưng không có nghĩa là Tài cả ngày chỉ biết chúi đầu học và học.

Tài cho biết thêm: “Lên lớp 12 ngoài hai buổi học ở trường, tối ở nhà em chỉ dành 2 giờ để làm bài, có hôm ít hơn, học xong rồi đi xem ti vi hoặc đi ngủ”.

Ngoài thành tích khối B đạt 28 điểm vào ngành công nghệ thực phẩm, trở thành thủ khoa của ĐH Công nghiệp TP.HCM, Tài còn thi được 25 điểm, ngành điện-điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Chia sẻ về kết quả thi đạt điểm cao, Tài bộc bạch: “Một phần do may mắn, một phần do em ôn kiến thức kỹ”.

Tân thủ khoa nói thêm: Ngay từ đầu em đã xác định mục tiêu như khối A sẽ đạt 22 điểm, khối B đạt 21 điểm, sau đó ôn bài để dần hoàn thành từng bước của mục tiêu đó. Trong thời gian ôn thi, em luôn tạo cho mình tinh thần thoải mái nhất, em không bị cảm xúc đè nặng hay bị một áp lực nào cả, em chỉ thoải mái học để hoàn thành ước mơ đại học của mình.

Nhớ lại sau 2 ngày thi đại học, các bạn trong lớp đã tính giúp Tài chắc khoảng được 27 điểm khối B, nhưng Tài vẫn không tin vì cậu cho rằng “viết chữ xấu quá sợ thầy cô đọc không ra”.

Nói về lựa chọn ngành đăng ký học, Tài tâm sự: “Ngay từ nhỏ em nghĩ lớn lên mình sẽ làm một nghề gì đó bên kỹ thuật và điện là lĩnh vực em rất thích. Còn công nghệ thực phẩm chỉ vài năm trở lại đây em mới tìm hiểu và thấy ngành này có tương lai, triển vọng. Em nghĩ mình sẽ làm được việc gì đó hữu ích nếu theo ngành này”.

Tài chia sẻ thêm: Bây giờ em nghe toàn tin tức thực phẩm bị nhiễm độc, tẩm hóa chất thấy nguy hiểm quá nên em nghĩ của tự trồng, tự nuôi ăn là ngon nhất, an toàn nhất. Nếu mình nhân rộng nhiều mô hình cửa hàng bán rau quả sạch, an toàn thì người dân sẽ yên tâm hơn.

Ông Lê Văn Tài, giáo viên chủ nhiệm 3 năm THPT của Tài và cũng là người đầu tiên gọi điện báo tin Tài đã đỗ thủ khoa, cho biết ở lớp Tài hòa đồng, vui tính, tuy không phải là học sinh học giỏi nhất, nhưng với các môn tự nhiên lực học của em khá chắc và nằm trong tốp đầu. "Với sức học của em và từng 2 năm liền là học sinh giỏi hóa cấp tỉnh, tôi tin em sẽ đạt điểm cao trong kỳ thi đại học, còn đỗ thủ khoa là việc hết sức bất ngờ và vui mừng", ông Tài vui vẻ nói.

Trước ngày con trai lên đường vào TP.HCM nhập học, ông Nguyễn Khắc Nhân, ba của Tài, nửa mừng nửa lo: Nhà chỉ có 3 sào ruộng, 2 đứa học phổ thông thì lo được, nay thằng lớn vào Sài Gòn thì sức vợ chồng tui hơi đuối. Cũng may nhờ có ông anh ở cùng thị xã biết hoàn cảnh khó khăn nên gọi tui đi làm thêm, chắc một tháng lương của tui cũng đủ để gửi vào cho con.

Vào mùa gặt, sau giờ học hay những ngày rảnh rỗi đợi giấy báo điểm, Tài cũng như bao thanh niên nông thôn khác, vẫn cùng bố mẹ lăn xả ra đồng, khiêng vác những bao lúa hàng chục kg, vất vả chất những đống rơm cao ngút.

Làm công việc gì thì nụ cười của chàng trai trẻ da đen nhẻm này vẫn không ngớt trên môi. Con đường lầy lội sắp ở lại phía sau Tài nhưng phía trước không chỉ là cổng trường đại học mà trong em còn ấp ủ một giấc mơ về một ngôi nhà đúng nghĩa của cả gia đình...

8Bay đến ước mơ Empty Re: Bay đến ước mơ 25/8/2013, 4:22 pm

Trợ giáo

Trợ giáo
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Kỳ 8: Cậu bé "ghiền" giải toán thành thủ khoa đại học
Bay đến ước mơ Thukho13Nguyễn Huy Quốc bên bàn học của mình
(TNO) - Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, cậu bé "ghiền" giải các đề toán trên mạng internet Nguyễn Huy Quốc (18 tuổi, quê TP.Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) đã làm rạng danh gia đình khi xuất sắc trở thành thủ khoa của Trường ĐH Ngoại thương Cơ sở 2 (TP.HCM) với 29 điểm.

Ba năm liền là học sinh giỏi cấp tỉnh

“Hai tuần nay, ngày nào cũng có người thân, anh em, bạn bè đến nhà thăm hỏi hoặc gọi điện chúc mừng kết quả thi đại học của cháu”, chị Nguyễn Thị Tuyết (43 tuổi, mẹ của Nguyễn Huy Quốc) chia sẻ trong niềm vui.

Chị Tuyết cho biết vợ chồng chị có ba người con, Quốc là con trai thứ hai trong gia đình. Anh trai của Quốc là Nguyễn Xuân Cường (20 tuổi), đang học đại học năm thứ ba ở TP.Vinh (Nghệ An).

“Từ lúc biết tin con đỗ thủ khoa đại học, đạt điểm tuyệt đối hai môn toán, hóa và 9 điểm môn lý, cả gia đình tôi vui mừng khôn xiết”, anh Nguyễn Xuân Vinh (50 tuổi, cha Quốc) chia sẻ.

Theo anh Vinh, vì quá bận kinh doanh buôn bán nên việc nhắc nhở các con học tập thường là do vợ của anh (chị Tuyết) “đảm nhận”, chỉ thỉnh thoảng anh mới trực tiếp lên góc học tập hoặc gọi điện động viên, chỉ bảo các con.

Nhờ sự động viên, dạy bảo của cha mẹ, thầy cô và tự ý thức cố gắng học tập mà ba người con của anh Vinh, chị Tuyết đều học giỏi, đặc biệt là Nguyễn Huy Quốc.

Liên tiếp trong ba năm lớp 10, 11, 12, Quốc đều đoạt danh hiệu học sinh giỏi của Trường THPT chuyên Hà Tĩnh; đoạt giải nhì môn toán cấp tỉnh (năm lớp 11); đoạt giải ba môn toán cấp tỉnh (năm lớp 10 và 12).

“Tuy vậy, việc Quốc đạt thủ khoa trong kỳ thi đại học với 29 điểm vẫn làm tôi rất bất ngờ, vỡ òa trong hạnh phúc”, anh Vinh nói.

Ước mơ được đi du học

Chia sẻ về kinh nghiệm học tập của bản thân, Nguyễn Huy Quốc dí dỏm: “Thật ra, cháu cũng giống như nhiều bạn khác cùng lớp thôi chú ạ. Buổi sáng đến lớp tập trung nghe thầy cô giảng bài, buổi chiều và tối thì ở nhà học tập, giúp đỡ ba mẹ những việc nhỏ. Nhưng có lẽ cái khác của cháu so với các bạn là ở chỗ hay trao đổi với các anh chị khóa trước, tìm kiếm các đề thi mà Bộ GD-ĐT đã ra các năm trước để tự giải. Ngoài ra cháu rất “ghiền” lên mạng internet để giải các bài toán, lý, hóa hay và khó”.

Theo Quốc, việc em đỗ thủ khoa đại học năm nay phần nhiều là do may mắn, nhưng việc sắp xếp “lịch học tập, cách học tập” sao cho khoa học là đặc biệt quan trọng và có thể quyết định đến kết quả kỳ thi đại học của mỗi thí sinh.

Quốc cho biết trong quá trình ôn luyện thi, phải tìm những đề hay, căn bản và những đề thi mà Bộ GD-ĐT đã ra ở các năm trước, sau đó sắp xếp thời gian cho hợp lý để tự giải đề. Mỗi tuần như vậy, thứ 2 em học toán, thứ 3 học lý, thứ 4 làm hóa, sau đó lặp lại ở các thứ 5, 6, 7. Riêng ngày chủ nhật, em giải trí bằng cách đánh cầu lông hoặc tập cử tạ, đánh điện tử”.

Nói về ước mơ và những dự định sắp tới của mình, Quốc cho biết vì mê kinh doanh từ nhỏ nên sắp tới em theo học nghành kinh tế đối ngoại của Trường ĐH Ngoại thương. Nhưng bắt đầu từ năm học đầu tiên, em sẽ nỗ lực nhiều để giành được học bổng, đi du học ở nước ngoài mà không phải tốn kém của gia đình.

9Bay đến ước mơ Empty Re: Bay đến ước mơ 26/8/2013, 10:35 am

Trợ giáo

Trợ giáo
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Kỳ 9: Cô thủ khoa yêu ngành quản lý nhân sự
Bay đến ước mơ Thukho14Thúy mong muốn trở thành nhà quản lý nhân sự giỏi
(TNO) - Vượt qua những thí sinh đến từ khắp mọi miền đất nước, Nguyễn Thị Kim Thúy (học sinh lớp 12C2, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) đã trở thành thủ khoa của Học viện Hành chính Quốc gia (cơ sở phía nam) với tổng điểm 3 môn là 24,5 điểm, trong đó môn sử đạt 9,75 điểm.

Bất ngờ với danh hiệu thủ khoa

“Lúc thi xong, em nghĩ mình làm bài tốt nhưng không dám nghĩ mình thủ khoa. Khi coi điểm, thấy mình đạt 24,5 điểm, lại là thủ khoa, em bất ngờ vô cùng”, Kim Thúy kể.

Được biết, Kim Thúy là học sinh giỏi, có thành tích đáng nể: giải nhì học sinh giỏi thành phố môn địa năm lớp 9; ba năm THPT đều đạt giải nhất hoặc nhì môn địa kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; năm lớp 10 đạt huy chương bạc và 11 huy chương đồng Olympic quốc gia môn địa; năm 12 đạt giải 3 quốc gia môn địa...

Kim Thúy nói về bí quyết học tập của mình: “Mặc dù học chuyên về xã hội, nhưng em không phải là người chăm học bài. Em thiên về học hiểu nhiều hơn. Phương châm của em là muốn học giỏi các môn xã hội, phải hiểu hơn là ngồi học gạo cho thuộc làu làu”.

Thúy kể, để tạo cảm hứng cho mình khi tham gia học những môn xã hội, Thúy luôn cố gắng nắm bắt những ý chính của bài học khi thầy cô giảng giải, không hiểu chỗ nào lập tức hỏi ngay thầy cô để nhớ bài cho kỹ.

Khi về nhà, Thúy triển khai lập dàn ý cho những bài học của mình. Các môn học Thúy đều tìm sự liên kết với những mối liên hệ xung quanh.

Chẳng hạn như với môn sử, Thúy luôn gắn những sự kiện lịch sử, ngày tháng xảy ra với ngày tháng năm sinh của bạn bè, hoặc những biến cố trong cuộc sống để có thể nhớ bài dễ dàng hơn.

“Một yếu tố sẽ tác động không nhỏ đến việc các bạn có yêu thích môn học hay không, đó là thầy cô giáo. Em may mắn được học với những thầy cô tâm huyết, luôn giảng dạy chúng em rất tận tình, nên việc học đối với em rất thoải mái và dễ chịu”, Thúy tự hào nói.

Cũng chính vì sự tự hào với thầy cô giáo, nên với giải ba quốc gia môn địa năm 12, Thúy có 1 suất tuyển thẳng và em không ngần ngại chọn vào học ngành sư phạm sử, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Mong ước trở thành nhà quản lý nhân sự

Được tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhưng Thúy vẫn quyết tâm nộp hồ sơ thi vào ngành quản lý nhà nước (chuyên ngành quản lý nhân sự), Học viện Hành chính Quốc gia, để thực hiện ước mơ trở thành một nhà quản lý nhân sự giỏi.

Lý giải về điều này, Thúy bộc bạch: “Đối với em, lựa chọn nghề giáo là em muốn truyền thụ những gì đã được học từ thầy cô, đến với các thế hệ sau, như một sự tri ân đến thầy cô. Nhưng bản thân em thì mong muốn trở thành một nhà quản lý nhân sự giỏi. Em thấy đây là một ngành học không nhiều người theo đuổi nên em rất muốn thử thách”.

Ngay cả việc đi học xa nhà trong khi ba mẹ rất lo lắng, nhưng Thúy vẫn quả quyết: “Em muốn được trải nghiệm cuộc sống, muốn tự lập. Bản thân em cũng trang bị cho mình rất nhiều để có thể tự mình xoay xở khi đi học xa nhà”.

Tâm nguyện lớn nhất của cô thủ khoa Học viện Hành chính Quốc gia, đó là sau khi học xong, có thể trở về Đà Nẵng để cống hiến tri thức của mình để xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp hơn.

“Ba mẹ em cũng cùng suy nghĩ với em, sau khi hoàn tất việc học, em sẽ quay về Đà Nẵng để làm việc”, Thúy chia sẻ.

10Bay đến ước mơ Empty Re: Bay đến ước mơ 27/8/2013, 3:09 pm

Trợ giáo

Trợ giáo
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Kỳ 10: Cô thủ khoa không sợ sóng gió
Bay đến ước mơ Uocmo210Chăm sóc đàn gà là công việc hằng ngày của Nga
(TNO) - Nguyễn Thị Nga, học sinh Trường THPT Vĩnh Bảo (Hải Phòng) yêu Sài Gòn ngay từ lần đầu 'gặp gỡ'. Và tình yêu này đã góp phần giúp Nga trở thành thủ khoa (25 điểm) của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM.

Trở về nhà sau lần vào Sài Gòn thăm người thân năm lớp 11, cô bé Nguyễn Thị Nga đổi ngay địa chỉ email của mình thành nguyennga.hcm...

Thêm lời giới thiệu của người chị họ về môi trường học tập, làm việc nơi đây, Nga quyết tâm thi vào chuyên ngành kinh tế vận tải biển của ĐH Giao thông vận tải TP.HCM để được “học tập, trải nghiệm năm tháng sinh viên ở một thành phố nổi tiếng trẻ trung, năng động...”.

Sợ nhìn thấy mồ hôi cha mẹ

Là chị cả trong một gia đình thuần nông ở thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh, H.Vĩnh Bảo (Hải Phòng), với Nga học thêm là một thứ xa xỉ. Nga chỉ học chính khóa trên lớp rồi về nhà học bài ngay cả trong lúc vãi thóc cho gà, xúc mạ trên đồng, cắt cỏ cho bò...

Bạn bè Nga quý mến em vì cô bạn nhỏ bé nhưng chịu khó, lại rất láu lỉnh và vui tính. Nga kết nối với các bạn quanh em bằng những câu chuyện gần gũi, dí dỏm em biết khi cùng làm đồng với mẹ. Nghe ca dao, tục ngữ của mẹ mà đoán ra thời tiết, nhìn ngọn lúa, cánh chuồn chuồn mà biết gió mưa, mùa vụ.

Nhà Nga có 4 sào ruộng, dưới Nga là một em trai đang học lớp 11. Để đủ tiền lo cho hai chị em Nga ăn học, bố mẹ em phải nuôi thêm gà, trồng thêm rau; nhận chăn, màn của những người trong thôn về giặt.

Cùng bố mẹ ra đồng, hình ảnh những giọt mồ hôi đã trở thành nỗi ám ảnh trong Nga. Nỗi ám ảnh ấy lâu dần đã hóa thành động lực giúp Nga cố gắng hơn trong học tập và cuộc sống.

“Em không dám nhìn bố mẹ lúc vừa đi làm đồng về. Nhìn thấy quần áo bố mẹ bê bết bùn đất, mặt nhễ nhại mồ hôi, dáng đi tất tả, em lại cay sống mũi. Em phải thi đậu đại học và thành công để mồ hôi của bố mẹ rơi không vô ích”, Nga nói rất khẽ.

Không sợ lênh đênh sóng gió

Nga thích đi du lịch, ước mơ nhen nhóm từ khi em bắt đầu nhận thức được thế giới xung quanh. Thành phố cảng Hải Phòng cho em cơ hội được nhìn ngắm biển nhiều lần, nhưng Nga mong muốn được nhìn thấy nhiều vùng biển ở nhiều vùng đất khác nhau.

“Con gái nhưng em không sợ lênh đênh sóng gió. Ngành kinh tế vận tải biển sẽ cho em cơ hội để theo đuổi một ngành kinh tế rất có tiềm năng của Việt Nam”, Nga chia sẻ.

Nga cho biết là mình may mắn khi được là học sinh của Trường THPT Vĩnh Bảo, vì thầy cô nơi đây luôn dành nhiều tình cảm, thời gian giảng dạy cho em và các bạn.

“Thầy cô sưu tầm đề thi các năm trước cho chúng em làm quen; nán lại cả giờ ra chơi hoặc về muộn 45-50 phút để giải đáp những thắc mắc của em và các bạn. Thầy cô cũng không lạ nhà bạn nào hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ vật chất, động viên tinh thần và thường xuyên có những buổi đến nhà các bạn đó để thăm hỏi”, Nga bộc bạch.

Sponsored content


Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Bay đến ước mơ Flags_1