Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

muctim

muctim
Thành viên tích cực
Thành viên tích cực
Kinh nghiệm làm bài thi môn Ðịa lý đạt điểm cao Eec37810

Thường thí sinh rất "ngán ngẩm" khi phải ôn thi các môn khối C bởi là môn học thuộc, dài, khó nhớ. Nhằm giúp các em nắm vững kiến thức khi ôn tập để làm bài thi đạt điểm cao, xin đưa ra một số kinh nghiệm dạy và học của một số giáo viên.

Thầy giáo Phạm Văn Chiến, giáo viên Trường THPT năng khiếu tỉnh Thái Nguyên, có nhiều học sinh (HS) đoạt giải quốc gia chia sẻ: Thí sinh thi tốt nghiệp THPT hay thi đại học môn Ðịa lý muốn làm bài thi trúng, đúng, đạt điểm cao cần phải đọc kỹ đề, lập dàn ý đề cương. Làm bài thi đến đâu điền đề cương chi tiết vào đến đó để tránh bỏ quên và phải làm theo dàn ý thầy giáo, cô giáo đã dạy ở trên lớp. Câu hỏi hỏi gì thì trả lời cái đó, tránh dài dòng, trả lời thừa.

Một lỗi mà thí sinh rất hay mắc phải trong bài thi đó là câu hỏi hỏi cả phần thuận lợi và khó khăn thì thí sinh làm sơ sài phần thuận lợi, quá chú trọng làm phần khó khăn bởi các em dễ làm, dễ liên hệ. Chính vì thế, muốn có điểm cao, các em làm phần thuận lợi mới là chủ yếu, cần nói nhiều, phân tích kỹ. Còn phần khó khăn có nói thì nói ít, không nói nhiều mà cần nói đủ ý.

Thầy giáo Bùi Tiến Sĩ, Trung tâm giáo dục thường xuyên Ðiện Biên, với 15 năm giảng dạy, đã có HS đạt điểm 9 môn Ðịa lý tốt nghiệp THPT: Bài thi bao gồm phần lý thuyết và kỹ năng. Vì vậy, với phần lý thuyết thí sinh cần phân bổ thời gian làm bài hợp lý, nên vạch ra sơ lược đề cương các ý chính, nêu được ý lớn trước rồi mới đến ý nhỏ, đi từ khái quát đến chi tiết, cụ thể. Bài làm cần viết rõ ràng, mạch lạc, có thể gạch đầu dòng các ý chi tiết hoặc phân ra các mục nhỏ. Về câu hỏi lý thuyết, nếu là dạng lý giải, thí sinh cần biết vận dụng lý thuyết để lý giải, đặc biệt chú ý tới mối liên hệ nhân quả. Nếu là dạng so sánh, thí sinh cần phân tích sự giống và khác nhau giữa hai hay nhiều hiện tượng địa lý. Nếu là dạng phân tích, chứng minh phải có số liệu thống kê tiêu biểu để làm bài theo yêu cầu. Dạng bài trình bày thí sinh cần tái hiện những kiến thức đã có rồi sắp xếp chúng theo trình tự nhất định, phù hợp với đề thi.

Về phần kỹ năng thông thường gồm hai phần bảng số liệu và vẽ biểu đồ. Việc xử lý số liệu thí sinh cần nắm vững một số công thức tính, có liên hệ bài học để hiểu rõ hơn số liệu và tính toán xử lý theo yêu cầu đề như: Mật độ dân số, bình quân diện tích, sản lượng, năng suất, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên, cơ học, v.v. Khi phân tích bảng số liệu thống kê thí sinh không được bỏ sót số liệu, cần tìm mối liên hệ giữa chúng. Phân tích số liệu có tầm khái quát cao đến số liệu thành phần, tìm giá trị lớn nhất, nhỏ nhất, trung bình, chú ý những số liệu mang tính đột biến (tăng hoặc giảm). Phần dân số nên tìm thời gian dân số tăng gấp đôi, mối quan hệ giữa số liệu hàng dọc, hàng ngang, giải thích nguyên nhân các diễn biến hoặc mối quan hệ.

Phần vẽ biểu đồ sẽ bao gồm các dạng sau:

- Biểu đồ tròn: Thường được dùng để thể hiện cơ cấu thành phần của một tổng thể. Vẽ biểu đồ tròn khi bảng số liệu tỷ lệ % cộng lại bằng 100%; bảng số liệu là số tuyệt đối nhưng trong câu hỏi có một trong các chữ: tỷ lệ, tỷ trọng, cơ cấu, kết cấu (phải xử lý bảng số liệu sang số liệu tương đối). Lưu ý: vẽ từ hai vòng tròn trở đi, bán kính các vòng tròn lớn nhỏ khác nhau khi tổng số lớn nhỏ khác nhau; các số liệu thể hiện cơ cấu kinh tế, dân số.

- Vẽ biểu đồ cột: Ðối với biểu đồ hình cột, có thể được sử dụng để biểu hiện động thái phát triển, so sánh tương quan về độ lớn giữa các đại lượng hoặc thể hiện cơ cấu thành phần của một tổng thể. Thường vẽ biểu đồ cột khi số liệu là số tuyệt đối; số liệu tỷ lệ % cộng lại không bằng 100%; số liệu tỷ lệ % cộng lại bằng 100% nhưng đề yêu cầu vẽ biểu đồ cột. Các kiểu biểu đồ cột gồm cột đơn, cột ghép, cột chồng, cột 100%, cột yếu tố này nằm trong yếu tố kia. Lưu ý bề ngang các cột phải bằng nhau. Vẽ đồ thị (đường biểu diễn): Thường được sử dụng để thể hiện tiến trình, động thái phát triển của một đối tượng qua thời gian. Lưu ý: Trục tung thể hiện độ lớn của đại lượng, trục hoành thể hiện thời gian; chia các khoảng cách thời gian đúng tỷ lệ; nếu biểu đồ có nhiều đường biểu diễn, cần chọn tỷ lệ hợp lý để các đường biểu diễn không trùng nhau hoặc sát nhau quá; mỗi đường biểu diễn được thể hiện bằng một ký hiệu riêng, cần giải thích các ký hiệu trên biểu đồ.

- Vẽ biểu đồ kết hợp: Thường gồm biểu đồ cột kết hợp với đồ thị.

- Vẽ biểu đồ miền: Ðược dùng để thể hiện động thái phát triển và cơ cấu của đối tượng. Lưu ý phần này đối với thí sinh là nếu đề thi cho số liệu tuyệt đối thì phải xử lý sang tỷ lệ tương đối.

Nguồn: Nhân dân

Trợ giáo

Trợ giáo
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Cô giáo Đinh Lê Thị Thiên Nga, giáo viên môn Địa, trường THPT Amsterdam, Hà Nội cho biết, 5 năm trở lại đây, đề thi môn Địa thường ra theo dạng “ma trận đề”, tức là kiến thức dàn trải cho nhiều phần nội dung trong sách giáo khoa. Học sinh khi gặp dạng đề này muốn mở sách cũng khó.

Cấu trúc đề thi thường có 2 phần:

- Phần 1, gồm có 3 câu (8 điểm): Câu 1 bao gồm kiến thức về địa lý tự nhiên và địa lý dân cư; câu 2 kiến thức của bài chuyển dịch cơ cấu kinh tế và địa lí các ngành kinh tế; câu 3 kiến thức của phần địa lí các vùng kinh tế và địa phương.

- Phần thứ 2 gồm có 2 câu hỏi (thí sinh chỉ được làm một trong hai câu), câu hỏi theo chương trình chuẩn và câu hỏi theo chương trình nâng cao. Phần nội dung này phần lớn là kiểm tra các kỹ năng về bản đồ, biểu đồ, bảng số liệu. Dạng đề thi này cũng không quá khó, đối với học sinh trung bình và dưới trung bình vẫn có thể làm được 5 điểm, trên trung bình có thể đạt điểm 6, 7.

Lưu ý phần giải thích bảng số liệu:

- Trong bảng số liệu dù học sinh nhận xét được tăng hay giảm nhưng lại vướng về nhận xét. Nhiều em học sinh thấy khó đã bỏ qua cả câu sẽ rất phí. Bởi vì khi chấm điểm, hội đồng chấm thi chấm theo ý. Học sinh không làm được phần nhận xét có thể để cách ra khi nào làm xong hết những câu khác có thể quay lại suy nghĩ làm tiếp.

- Ở phần vẽ biểu đồ, các em học sinh nên lưu ý sau khi vẽ biểu đồ xong phải nhớ ghi tên biểu đồ.

- Về phần sử dụng Atlat, học sinh cần phải học kỹ các ký hiệu vùng miền và có sự tổng hợp kiến thức khoa học. Học sinh có thể lấy số liệu của những năm trước chỉ cần ghi rõ năm lấy số liệu trong bài làm. Ví dụ như có bài về số liệu dân số, học sinh có thể lấy con số về dân số năm 2008 để minh họa cho bài viết, không nhất thiết phải lấy số liệu năm 2013.

- Học sinh không quá căng thẳng, áp lực ngày gần thi.

- Sau khi nhận bài thi hãy phát thảo đề thi để phân bổ thời gian hợp lý cho từng câu, tránh tình trạng học sinh chú trọng vào một câu đến khi làm sang câu khác không đủ thời gian.

- Học sinh nên chọn câu vẽ biểu đồ làm trước bởi dạng vẽ thường có 4 dạng cơ bản, các em học sinh đều thuộc hết các dạng này ở trên lớp. Học sinh nên nhận xét số liệu tăng giảm trong bài biểu đồ để ghi điểm còn phần giải thích nếu khó khăn để lại làm sau...

- Các em cũng nên lưu ý học kỹ phần kinh tế xã hội phần này thường chiếm nội dung lớn trong các đề thi.

- Cần nắm chắc các ký hiệu chung về khoáng sản, nông nghiệp, công nghiệp, lâm ngư nghiệp...Cần đọc thật kỹ đề để xác định xem câu hỏi đó thuộc dạng nào (trình bày, chứng minh, phân tích, so sánh hay giải thích).

Như vậy, việc làm bài thi môn Địa lý thực chất không quá khó nếu học sinh nắm vững một số nguyên tắc khi học và làm bài có thể dễ dàng đạt điểm trung bình.

Nguồn: 24 giờ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Kinh nghiệm làm bài thi môn Ðịa lý đạt điểm cao Flags_1