Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Trợ giáo

Trợ giáo
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Trong các cuộc hội thảo tâm lý, kỹ năng sống gần đây, một điểm chung chúng tôi nhận thấy là nhiều phụ huynh thường than con mình “chẳng biết làm gì” hoặc làm gì cũng “ngứa hết cả mắt”...

Bảo bọc con thành “gà công nghiệp” 63115610
Nguyễn Phú Tiến - học sinh lớp 4 Trường tiểu học Lê Đình Chinh, Q.Phú Nhuận - giúp cô dọn bữa cơm gia đình tối 3-5 - Ảnh: CHÂU ANH

13 tuổi nhưng em H. (TP.HCM) chỉ dành gần hết thời gian học và học. Thật ra, ngoài yêu cầu con mình học giỏi, ba mẹ H. không yêu cầu em điều gì khác.

Lo sợ, thiếu tin tưởng?

Vừa rồi, anh Tr. - ba của H. - rầy la em do em đòi mua xe đạp đi học. Đại loại cuộc đối thoại của hai cha con anh Tr. là “Xe với chả đạp, sao tự nhiên lại vẽ chuyện, học đòi”, “Tôi chở ông đi, đón ông về hằng ngày có phải sướng không?” (mỗi lần không hài lòng con điều gì anh Tr. hay gọi con là “ông” và xưng “tôi”). Trước tình thế bị ba lấn át như vậy, H. chỉ biết thanh minh yếu ớt: “Con chỉ muốn tự đạp xe đến trường như những bạn khác”, nhưng anh Tr. được thể lớn tiếng hơn: “Ông đi xe lỡ người ta đụng vào thì tôi còn khổ thêm”. Vậy là ý tưởng tự lực đến trường của H. bị dập tắt khi còn trong trứng nước. Đây không phải lần đầu tiên H. bị ba gạt phăng ý tưởng mới nhen nhóm của mình.

Mấy lần trước, đôi lúc ba mẹ H. kẹt công chuyện nên đến đón con trễ, H. đứng chờ lâu nên em muốn tự đi bộ về nhà nhưng ba không chịu. Thật ra, quãng đường từ nhà đến trường chưa đầy 1km không có gì đáng lo, nhưng nếu đi bộ phải băng qua đường nên anh chị sợ nguy hiểm cho con. Chưa hết, vị trí đứng đợi ba đến đón của H. cũng được anh Tr. “quy định” ngay trong sân trường vì theo anh, đi ra ngoài nguy hiểm, dễ bị xe cộ va quẹt hoặc “đại bàng” hay mấy tên “đầu gấu” bắt nạt.

Thật ra, tình trạng tương tự anh Tr. là nỗi niềm của nhiều phụ huynh có con đang học cấp I, II. Ban đầu lo lắng con gặp nguy hiểm, dần dần mối lo trở thành thói quen, hình thành lối nghĩ “những việc đó quá sức con mình” hoặc chính họ không tin “con mình có khả năng làm được điều đó”.

Nên giao việc cho con

Khi gặp nhau, phụ huynh thường “ca” điệp khúc là trẻ con ngày nay thiếu kỹ năng sống, hoặc “trẻ con ở thành phố như gà công nghiệp”, “vụng về”, “không biết lao động”... Những phàn nàn của phụ huynh không phải không có cơ sở. Bản thân tôi nhiều lần thấy cảnh em Ng. (Biên Hòa, Đồng Nai) ở gần nhà cứ “lơ ngơ như gà mắc tóc” mỗi khi em đụng vào việc gì đó. Là con gái, đã học lớp 9 nhưng ít khi Ng. phụ giúp ba mẹ rửa chén hay làm việc lặt vặt trong nhà. Nếu có thì cũng qua loa, đại khái, thậm chí còn làm “phát sinh” thêm việc cho ba mẹ phải tốn công dọn dẹp thêm. Chính vì vậy ba mẹ Ng. thấy “ngứa mắt”, không an tâm khi giao việc cho con.

“Ca”, “than” về con nhiều nhưng ít phụ huynh nhận thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do phụ huynh ngày nay “kiêm nhiệm” luôn việc phục vụ con cái, ít giao việc cho con. Tôi chứng kiến nhiều phụ huynh ở thành phố thán phục trước những việc làm nho nhỏ của trẻ em ở nông thôn khi họ có dịp chứng kiến. “Cháu giỏi thật”, “bạn/em ấy giỏi quá”... là những lời khen mỗi khi họ thấy cảnh cháu bé 3-4 tuổi tự biết xúc cơm ăn, 7-8 tuổi nấu cơm, rửa chén, biết chăn trâu, cắt cỏ và lớn hơn chút nữa thì biết làm những việc đồng áng... Dẫu biết rằng tất cả mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng phải thừa nhận trẻ em nông thôn có kỹ năng, thói quen lao động tốt hơn so với trẻ em thành phố. Các kỹ năng, thói quen làm việc, thậm chí làm việc một cách khéo léo là do chính môi trường, hoàn cảnh ở nông thôn hình thành nên.

Thật sai lầm khi nhiều phụ huynh cho rằng trẻ con ở thành phố ngoài việc học thì không có việc gì để làm. Chính vì vậy, nhiều người gửi con vào các lớp rèn luyện kỹ năng sống. Kết quả một số phụ huynh nhận được sau khi cho con tham gia một khóa rèn luyện kỹ năng sống là các cháu đã... biết gấp chăn màn sau khi ngủ dậy.

Không phương pháp, môi trường nào rèn luyện kỹ năng sống, thói quen lao động tốt hơn môi trường gia đình bởi cha mẹ chính là người gần gũi, hiểu con mình nhất, có khả năng trang bị các kỹ năng “ăn, nói, gói, mở” cho con một cách tốt nhất.

ThS tâm lý NGUYỄN QUẾ DIỆU

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Bảo bọc con thành “gà công nghiệp” Flags_1