Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Hòa bình

Hòa bình
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Năm 2007 - năm “heo vàng” - hàng loạt em bé ra đời khiến mùa khai giảng năm học mới 2013-2014, các trường tiểu học quá tải vì “heo vàng” vào lớp 1.

Lứa “heo vàng” đến tuổi vào lớp 1, các trường toát mồ hôi 62698210
Học sinh lớp lá Trường mầm non 4, quận 5. Tháng 9-2013, số trẻ này sẽ vào lớp 1 khiến các trường tiểu học ở quận 5 phải tăng sĩ số từ 35 lên 40 học sinh/lớp - Ảnh: Như Hùng

“Năm nào số trẻ vào lớp 1 trên địa bàn quận Tân Phú, TP.HCM cũng rất cao do người dân nhập cư rất đông. Năm nay, mới đầu tháng 4 mà con số vào lớp 1 đã hơn 7.500 em trong khi năm trước chỉ có 6.500 học sinh. Chúng tôi đang hồi hộp chờ vì thường những năm trước, khoảng tháng 4 đến cuối tháng 8 sẽ có thêm vài trăm hồ sơ nữa xin nhập học” - ông Tạ Tân, trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, cho biết.

Thêm 2 trường mới vẫn không đủ

Theo ông Tân, hiện sĩ số bình quân ở bậc tiểu học của Q.Tân Phú là 48 HS/lớp - khá cao so với sĩ số quy định 35 HS/lớp. Với số học sinh lớp 1 tăng cao như vậy chỉ còn cách giảm số lớp học 2 buổi/ngày, tăng lớp học 1 buổi. Quận cũng đã nỗ lực xây dựng thêm rất nhiều phòng học nhưng vẫn không đủ vì hằng năm dân nhập cư cứ "ào ạt đổ về".

Tương tự, ở quận Bình Tân, số trẻ vào lớp 1 năm nay tăng 5.000 em so với số học sinh lớp 5 sẽ ra trường năm 2013 (9.600 học sinh sẽ vào lớp 1 và 4.600 học sinh lớp 5 sẽ rời trường tiểu học). Như vậy, cần phải có thêm 5.000 chỗ học mới để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.

Ông Trần Hữu Vĩnh, trưởng Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, tính toán: “Chúng tôi đã thành lập và xây dựng mới thêm 2 trường tiểu học nữa để đón “heo vàng” nhưng cũng chỉ giải quyết được 4.000 chỗ với điều kiện các em chỉ học 1 buổi. 1.000 học sinh còn lại sẽ phân bổ về các trường với hai phương án: tăng sĩ số học sinh/lớp hoặc giảm tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày”.

Đó là chưa kể con số trẻ vào lớp 1 vẫn chưa dừng lại đó, vì cán bộ phụ trách giáo dục tại các phường, xã vẫn phải cập nhật thêm số trẻ từ nay cho đến đầu tháng 9 mới kết sổ.

Tình trạng trên cũng xảy ra với các quận vùng ven khác như Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình…

Nội thành: áp lực tại các trường lớn

“Tính đến thời điểm này, quận 1 có 2.600 trẻ sẽ vào lớp 1, so với năm trước chỉ tăng nhẹ. Về số chỗ học, chúng tôi không lo nhiều nhưng chỉ lo ở các trường nổi tiếng, phụ huynh “đổ” về nhiều quá. Từ đó, việc giảm sĩ số ở các trường này là rất khó khăn” - một cán bộ Phòng GD-ĐT Q.1 thông tin.

Trong khi đó, bà Võ Ngọc Thu, trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, thừa nhận: “Tuy số trẻ vào lớp 1 năm nay ở quận 5 chỉ tăng khoảng 250 em nhưng dự kiến chúng tôi phải tăng sĩ số từ 35 lên 40 học sinh/lớp mới đủ chỗ học”.

Để tránh áp lực tập trung vào một số trường, những năm gần đây quận 5 chỉ giải quyết cho các trường hợp học sinh có hộ khẩu và có cư trú trên địa bàn vào trường nổi tiếng. Trường hợp “chạy hộ khẩu”, học sinh vẫn được xếp chỗ học nhưng là trường khác, ít nổi tiếng hơn.

“Mục đích không đạt được nên tình trạng chạy hộ khẩu vào trường nổi tiếng năm nay đã giảm khá nhiều” - bà Thu khẳng định.

HOÀNG HƯƠNG


Mặc dù còn 3 tháng nữa mới tới thời điểm tuyển sinh lớp 1 nhưng vào thời điểm này nhiều bậc cha mẹ vẫn lo lắng, đôn đáo lo chuyện xin học cho con.

Anh Lê Văn Vinh, có hộ khẩu thường trú tại phường Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, lo lắng: "Mặc dù theo hộ khẩu thường trú, con tôi trong diện đúng tuyến vào học Trường tiểu học Dịch Vọng A. Nhưng được biết năm nay có thể học sinh trong diện đúng tuyến vào trường này sẽ vượt quá chỉ tiêu nên rất lo con tôi sẽ bị loại ra”.

Tương tự nhiều người mới chuyển tới khu cao tầng tại phường Láng Hạ có con tuổi “heo vàng” cũng đang trong tâm trạng lo lắng vì “đúng tuyến chưa chắc đã được nhập học”.

Năm học trước Trường tiểu học Nam Thành Công là một trong những “điểm nóng nhất” của Hà Nội do một số cao ốc mọc lên khiến học sinh ở phường tăng cơ học. Hai năm học qua trường này đã phải tận dụng diện tích để nới rộng phòng học, nhưng so với quy định sĩ số 35 học sinh/lớp thì chỉ tính riêng học sinh đúng tuyến cũng vượt xa quy định. Có năm 100% lớp 1 Trường tiểu học Nam Thành Công phải tuyển trên dưới 60 học sinh/lớp do áp lực tăng dân số.

Năm nay dự kiến học sinh đúng tuyến vào trường này vượt trội hơn hẳn những năm gần đây nên nhiều trường hợp đúng tuyến vẫn lo ngay ngáy.

Số liệu điều tra sơ bộ toàn thành phố Hà Nội năm nay sẽ có khoảng 125.000 trẻ vào lớp 1, tăng 11.000 so với năm 2012. Theo quy định, trẻ 6 tuổi theo đúng tuyến phải được nhập học. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn lo lắng khi nhiều điểm nóng sẽ phải phân tuyến lại. Có nghĩa quy định “đúng tuyến” sẽ không theo địa bàn phường mà có thể phân chia nhỏ hơn để giảm tải cho một số trường tiểu học.

Những phụ huynh có con học lớp 2, 3 cũng có chung mối lo “heo vàng” khi được thông báo có thể con họ sẽ không được bán trú trong trường do phải nhường chỗ cho các bé lớp 1.

Áp lực chỉ rơi vào... điểm nóng

Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Tiến, trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, áp lực sẽ chỉ rơi vào một số điểm nóng, còn nhìn trên tổng thể, tăng 11.000 không phải điều đáng ngại với Hà Nội. Vì Hà Nội có 29 quận, huyện, số học sinh gia tăng trải đều sẽ không phải con số quá lớn khiến phụ huynh hoang mang.

Về tinh thần chỉ đạo chung, ông Nguyễn Hữu Độ, giám đốc sở GD-ĐT, cho biết: “Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ có văn bản hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp, trong đó lưu ý về việc gia tăng học sinh vào lớp 1. Thời điểm hiện tại Sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng GD-ĐT phải phối hợp UBND quận, huyện rà soát kỹ trẻ trong độ tuổi và có phương án phân tuyến hợp lý. Nếu làm tốt công tác này thì về cơ bản sẽ giải quyết được áp lực tăng số lượng học sinh”.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, bên cạnh những trường có nguy cơ quá tải, vẫn có nhiều trường tiểu học chưa sử dụng hết công suất. Có trường năm học trước chỉ tuyển được trên dưới 50% chỉ tiêu như Trường tiểu học Thịnh Liệt, Q.Hoàng Mai tuyển 52% chỉ tiêu; Trường tiểu học Khương Mai, Q.Thanh Xuân tuyển 57% chỉ tiêu; Trường Hà Huy Tập, Q.Hai Bà Trưng tuyển 58% chỉ tiêu…

Hà Nội vẫn có một số phường chưa có trường tiểu học, nhưng vẫn có thể phân tuyến để đón học sinh vào các trường lân cận.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Phạm Xuân Tiến cho biết: Đối với những trường ở nội thành chịu áp lực do có các khu dân cư mới mọc lên trên địa bàn, hướng giải quyết sẽ là điều chỉnh phân tuyến, chia số học sinh trên địa bàn cho các trường lân cận. Bên cạnh đó, các trường có thể dồn các lớp trên trong phạm vi sĩ số cho phép để dành diện tích lớp cho lớp 1.

“Sẽ cố gắng để không có xáo trộn nhiều việc học 2 buổi/ngày của học sinh tiểu học” - ông Tiến khẳng định.

Một số hiệu trưởng các trường tiểu học cho biết không phải tới năm học mới mà nhiều năm qua, trường đã phải linh hoạt trong việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trong cảnh thiếu diện tích. Ví dụ quy định học sinh được nghỉ 1 buổi/tuần. Nhưng nhà trường không bố trí toàn trường nghỉ vào 1 ngày cố định mà luân phiên nghỉ trong tuần. Cũng theo đó, sẽ có một số lớp học được luân phiên sử dụng để dạy học buổi thứ 2/ngày.

Hiện tại Hà Nội vẫn còn một số lượng đáng kể học sinh tiểu học phải học buổi thứ 2 ở những lớp học đi thuê tại địa điểm bên ngoài trường, nhưng theo các hiệu trưởng, vì nhu cầu của cha mẹ học sinh và yêu cầu đảm bảo chất lượng chương trình nên vẫn phải thực hiện.

VĨNH HÀ

Hồng Miêu

Hồng Miêu
Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Xe hơi tấp nập đưa "heo vàng" đi thi lớp 1 trường Nguyễn Siêu

Sáng nay (19/4), hàng trăm phụ huynh đã lũ lượt đưa trẻ đi dự thi vào trường Nguyễn Siêu - một trong các ngôi trường nổi tiếng nhất Hà Nội về chất lượng đào tạo.

Dù hết mùa hè mới bước vào năm học mới nhưng nhiều trường tiểu học đã bắt đầu mở kỳ thi tuyển sinh vào lớp một sớm để các cháu có điều kiện dự thi nhiều trường.

Sáng nay (19/4), tại tường Tiểu học Nguyễn Siêu (Trung Kính, Cầu Giấy) hàng trăm phụ huynh đã đưa con tới dự thi tuyển sinh vào lớp một. Ngày thi vào trường đúng vào dịp nghỉ lễ giỗ tổ nên nhiều phụ huynh có thời gian đồng hành cùng con trong công cuộc "vượt vũ môn" đầu tiên của đời học sinh.

Trường Nguyễn Siêu nổi tiếng bởi chất lượng đào tạo tốt, tuy nhiên, học phí cũng không hề thấp. Vì thế, trong buổi sáng nay, đa số phụ huynh đều đưa con đi thi bằng xe hơi. Đoạn đường trước trường cũng vì thế mà rải dài những chiếc xe của phụ huynh. Trong số hàng trăm gia đình đưa trẻ đến trường sáng nay, chỉ khoảng vài chục chiếc xe máy, đa số là xe hơi.

Lứa “heo vàng” đến tuổi vào lớp 1, các trường toát mồ hôi Di-thi10
Học sinh vào lớp 1 năm nay thuộc thế hệ "heo vàng", với các bậc phụ huynh trẻ và thành đạt cho nên phương tiện di chuyển chủ yếu là xe hơi

Đợc biết, năm nay ban tuyển sinh Nguyễn Siêu dự tính tuyển gần 300 chỉ tiêu vào lớp 1 (tuyển 11 lớp, mỗi lớp với 24 học sinh) vào lớp 1. Lượng hồ sơ bán ra gần 1.000 bộ.

Trước đó, ban tuyển sinh đã thông báo bán hồ sơ sớm để phụ huynh có thời gian chuẩn bị cho con. Với số lượng đăng ký tuyển sinh lớn, nhà trường đã tổ chức thi vào 3 ngày liên tục.

Tham gia vào ngôi trường được nhiều phụ huynh ao ước, thí sinh nhí sẽ thi chia thành ba đợt, mỗi đợt thi chọn một ngày để hoàn thành tất cả các môn. Cụ thể, sĩ tử làm các bài trắc nghiệm 3 môn chính: Toán, Văn, tiếng Anh. Ngoài ra còn có một số môn phụ như thể dục, vẽ, tập tô...

Nhiều phụ huynh với tâm lý thỏa mái khi đăng ký cho các cháu làm quen với môi trường sớm. Anh Dũng (36 tuổi) ở Từ Liêm, Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đăng ký cho cháu thi thử để làm quen với các bài học. Tỷ lệ chọi vào Nguyễn Siêu cũng cao, vì thế nếu không đạt tôi sẽ đăng ký trường gần nhà để tiện việc đưa đón chứ không nhất thiết phải vào trường điểm".

Lứa “heo vàng” đến tuổi vào lớp 1, các trường toát mồ hôi Di-thi11
Không ít trẻ được cả bố và mẹ đưa đến trường trong cuộc "vượt vũ môn" đầu đời

Lứa “heo vàng” đến tuổi vào lớp 1, các trường toát mồ hôi Di-thi12
Nhiều nhà cũng dẫn cả chị, em của thí sinh đi cùng để động viên tinh thần sĩ tử

Lứa “heo vàng” đến tuổi vào lớp 1, các trường toát mồ hôi Di-thi13
Tinh thần của phụ huynh và thí sinh đều rất thoải mái. Nhiều người cho rằng họ đưa con đi thi để thử sức, vì thế không có áp lực tâm lý cho trẻ

Trong buổi sáng nay, dù 8h sáng mới bắt đầu cho thí sinh vào phòng thi nhưng phụ huynh đã đưa con đến trường khá sớm. Ban giám hiệu cũng mở cổng sớm để các bé được ổn định nhanh. Hầu hết bố mẹ đều đưa thí sinh vào tận phòng thi, con nhận số báo danh rồi mới ra về. Một số bậc cha mẹ ngồi chờ nhưng đa số đã ra về bởi sĩ tử nhí ở lại trường, 5h chiều mới kết thúc ngày thi.

Lứa “heo vàng” đến tuổi vào lớp 1, các trường toát mồ hôi Di-thi14
Trang phục đi thi cũng rất thoải mái

Đây là trường điểm đầu tiên tổ chức thi tuyển vào lớp 1 trong năm học này. Sắp tới, trẻ thuộc thế hệ sinh năm "heo vàng" sẽ có những cuộc "chinh chiến" vào một số trường khác như Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn...

Để dự thi vào những ngôi trường như thế này, nhiều trẻ phải đi "luyện thi" từ rất sớm. Các lớp học thường do trường hoặc một số cô giáo mở. Ở đó, bên cạnh việc học. Khi làm các bài kiểm tra trắc nghiệm, cô giáo sẽ đọc hướng dẫn để các em trả lời câu hỏi trong bài thi của mình. Đó là những đề mà người lớn nhìn vào cho rằng rất khó, tuy nhiên khi đã được ôn nhiều, không ít trẻ vẫn hoàn thành tốt.

Nguyễn Hoàn

Phượng hồng

Phượng hồng
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Thi vào lớp 1 như thi đại học!

Nhiều phụ huynh ở Hà Nội cho con thi vào lớp 1 ở 3-5 trường, thi hết trường này đến trường khác với tỉ lệ chọi lên tới 1/3-1/4. Cùng với sự gia tăng trẻ tuổi “heo vàng”, thi tuyển vào lớp 1 ở nhiều trường ngoài công lập của Hà Nội đã nóng hơn bao giờ hết.

Lứa “heo vàng” đến tuổi vào lớp 1, các trường toát mồ hôi 62916310
Hàng dài phụ huynh sốt ruột đợi con kín cổng trường ngay sau ngày thi đầu tiên vào lớp 1 tại Trường tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội - Ảnh: TIỂU MÃ

Nhiều bé đã hoàn tất việc thi tuyển vào một số trường và tiếp tục trường chinh chờ đợi những cuộc thi tiếp theo diễn ra vào tháng 5, tháng 6...

6-7 triệu đồng/đợt ôn thi

Sau khi Bộ GD-ĐT quy định “cấm tổ chức thi đọc, viết” đối với trẻ chuẩn bị vào lớp 1, một số trường tiểu học ngoài công lập ở Hà Nội đã tìm kiếm phương thức thi tuyển khác để “né” quy định, như kiểm tra năng lực nhận thức, năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng khiếu tiếng Anh và kiểm tra sức khỏe...


"Không nên kiểm tra chỉ số IQ

Việc kiểm tra chỉ số IQ đối với trẻ sắp bước vào lớp 1 là không nên, kể cả trường công và trường tư. Nó thể hiện quan điểm giáo dục lệch lạc, đi ngược lại với quyền được học tập của tất cả các cháu trong nền giáo dục hiện nay. Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội nên xem xét lại toàn bộ vấn đề này, không nên để sai lầm tiếp diễn. Chứ nếu tổ chức thi đầu vào như một số trường tiểu học ở Hà Nội là gây áp lực cho các cháu rất nhiều.

Hãy để các cháu được hưởng tuổi thơ vui tươi, nhẹ nhàng đúng nghĩa của nó. Cứ thử tưởng tượng xem: sự mặc cảm, áp lực tâm lý đối với những trẻ thi rớt sẽ như thế nào khi kỳ thi đầu đời thất bại?"
TS Mai Ngọc Luông (nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông, Viện Nghiên cứu giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM)

Và cùng với việc bắt trẻ tập đọc, tập viết, từ tháng 3, tháng 4 các bậc cha mẹ đã tìm thầy, tìm lớp để “luyện thi” cho con theo nội dung tương tự đề thi của các trường những năm trước. Giai đoạn “ôn thi nước rút”, nhiều bé vừa phải học ở các lớp “ôn thi” bên ngoài, vừa học riêng ở nhà cô, tối đến lại cùng bố mẹ đánh vật với đống bài “trắc nghiệm trí tuệ”. Theo tiết lộ của một phụ huynh, tiền ôn thi “nhẹ nhàng cũng tốn 6-7 triệu đồng”.

Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm được nhiều phụ huynh gửi gắm là nơi tổ chức “câu lạc bộ tuổi thơ” bài bản, nơi con em mình được “tập dượt” trước kỳ thi. Bà Quỳnh Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đã cho cô con gái sinh năm 2007 tham gia câu lạc bộ từ tháng 3. Đều đặn thứ bảy hằng tuần, bé được đưa đến trường, được cô hướng dẫn làm các bài tập kiểm tra logic, luyện tiếng Anh, hướng dẫn kể chuyện theo tranh, đúng như mô hình các bài thi nhiều năm của nhà trường.

Cẩn thận hơn, bà Quỳnh Anh còn cho con theo học riêng một cô giáo “luyện” thêm các bài tập toán logic, chuẩn bị cho cuộc thi cuối tháng 5. “Gia nhập câu lạc bộ của nhà trường, chi phí phải đóng cho cháu là 4 triệu đồng/12 buổi. Nếu kể cả tiền xe đưa đón thì chi phí luyện thi này hơn 6 triệu đồng” - bà Quỳnh Anh chia sẻ.

Với mỗi lớp học tổ chức dưới dạng câu lạc bộ khoảng 30 em, số lớp học này năm nay của Trường Đoàn Thị Điểm đã lên đến khoảng 30 lớp với tổng số bé tham gia lên đến gần 1.000.

“Thua keo này, bày luôn keo khác”

Bà Thùy (thường trú ở khu Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) nói: “Tôi đã nộp hồ sơ cho con thi ba trường để không đậu được trường này thì có thể đậu trường kia”. Theo bà kể lại, vì quá hồi hộp nên bài thi vào Trường tiểu học Nguyễn Siêu (vào ngày 19-4) con gái bà đã làm không tốt bài thi trắc nghiệm IQ, mặc dù phần hỏi đáp tiếng Anh làm rất tốt.

“Tôi chỉ nghe cháu kể lại nhưng thấy đề thi khó quá, mặc dù đã luyện cùng cháu mấy tháng nay nhưng với tâm lý căng thẳng thì không phải cháu nào cũng có thể làm được. Đã có cháu vì sợ hãi mà khóc không chịu rời bố mẹ khi vào trường thi” - bà Thùy cho biết.

Sau buổi thi vào Trường Nguyễn Siêu, bà Thùy tiếp tục cho con học tại câu lạc bộ của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm và nhờ một cô giáo của trường này dạy kèm để chuẩn bị dự thi tiếp vào tháng 5.

Trong khi đó ông Tuyến, bà Hạnh - một cặp vợ chồng khác cũng có con vừa dự thi vào Trường Nguyễn Siêu - lại tỏ ra cay cú vì “bình thường con rất thông minh, bố mẹ đã cho con làm thử cả trăm bài trắc nghiệm nhưng khi thi lại làm hỏng”. Thất vọng vì thất bại này, bà Hạnh cho biết sẽ cho con thi tiếp “vì không muốn cháu bị ám ảnh bởi thất bại” (!).

Cô Lý Thị Sơn, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn, một trường cũng tổ chức kiểm tra đầu vào lớp 1, kể: “Có những người quyết định cho con thi tới năm trường. Năm trước có cháu vừa thi xong trường này đã phải chạy sang trường khác thi tiếp do bị trùng lịch thi”. Còn cô Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, nhận xét: “Chính phụ huynh làm cho áp lực đối với các cháu căng thẳng hơn. Trường Đoàn Thị Điểm nhiều năm tổ chức kiểm tra đầu vào, nhưng không phải 100% trẻ thi đỗ đều nhập học ở trường này. Có cháu đỗ nhiều trường nên nhập học trường khác, cá biệt có những cháu được bố mẹ cho đi thi chỉ vì muốn “kiểm tra trí thông minh của con”.

“Chọi” căng hơn đại học!

Theo cô Nguyễn Thị Hiền, năm học trước Trường Đoàn Thị Điểm có tới 1.500 bé dự tuyển lớp 1, trong khi trường chỉ nhận trên 500 học sinh (khoảng 20 lớp). Năm nay dự đoán số lượng trẻ đăng ký sẽ đông hơn do tăng dân số cơ học, trong khi trường dự kiến chỉ tuyển 18 lớp. “Nếu áp lực quá mới nới thêm hai lớp” - cô Hiền cho biết. Như vậy tỉ lệ “chọi” vào trường này có thể tới 1/3- 1/4.

Tương tự, Trường tiểu học Lê Quý Đôn năm 2012 có 1.000 học sinh dự tuyển với chỉ tiêu 400. Theo cô Lý Thị Sơn, năm nay trường dự kiến tuyển 12-13 lớp (30 học sinh/lớp) trong khi số lượng đăng ký dự đoán đông hơn năm trước. Trường tiểu học Lý Thái Tổ nằm trong khu vực “trắng trường công” của Hà Nội (khu Trung Hòa, Nhân Chính) nên nhiều năm nay áp lực tuyển sinh lớp 1 cũng rất nặng nề.

Cô Mai Quỳnh Nga, cán bộ nhà trường, cho biết: “Chúng tôi chỉ giới hạn tuyển sinh đối với ba đối tượng là học sinh trong khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, học sinh có hộ khẩu thường trú tại P.Trung Hòa và học sinh được chuyển tiếp từ hai trường mầm non nằm trong hệ thống Trường Lý Thái Tổ. Tuy nhiên số lượng đăng ký đã vượt xa chỉ tiêu. Nhà trường cũng giới hạn số hồ sơ phát ra là 500 bộ, nhưng số thật chỉ là 170 cháu (5 lớp). “Dù không muốn từ chối một học sinh nào nhưng chúng tôi buộc phải tuyển chọn” - cô Nga cho biết.

Chính vì áp lực đầu vào quá lớn khiến một số trường tổ chức thi tuyển phải đau đầu để tính toán những đề thi “có tính sàng lọc”. Thay vì kiểm tra năng lực các cháu 20-30 phút/lượt như các trường khác, Trường tiểu học Nguyễn Siêu tổ chức chương trình kiểm tra toàn diện năng lực trong cả một ngày. Bé 6 tuổi sẽ được ở lại trường cả ngày, thực hiện các bài kiểm tra logic, tiếng Anh xen kẽ với các trò chơi vận động, thực hiện các bài tập nhảy, hát.

“Năm nay trường phát ra 1.000 bộ hồ sơ. Với phần kiểm tra “quét” toàn bộ kỹ năng của trẻ, trường phải tổ chức đến ba ngày, mỗi ngày kiểm tra 300 cháu. Cuộc đua giành một suất vào một trong 11 lớp 1, mỗi lớp chỉ có 24 học sinh như thông báo của nhà trường không dễ dàng” - ông Nguyễn Hùng, một phụ huynh có con thi vào trường này, chia sẻ.


Áp lực từ cha mẹ
Hệ thống trường tiểu học ở Hà Nội hiện vẫn đủ cho tất cả trẻ 6 tuổi vào học lớp 1, mặc dù năm nay trẻ vào lớp 1 của Hà Nội tăng 11.000 so với năm trước. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng sẽ có hướng dẫn đối với các phòng GD-ĐT quận huyện để phối hợp với chính quyền địa phương rà soát số trẻ vào lớp 1 và tổ chức phân tuyến hợp lý. Những nơi đông dân cư và thiếu trường có thể phân tuyến cho các khu vực lân cận.

Đối với một số trường ngoài công lập có uy tín, do số lượng đăng ký học gấp nhiều lần chỉ tiêu nên buộc các trường phải kiểm tra đầu vào. Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ không cho phép các trường tổ chức thi nội dung trong chương trình lớp 1. Các bậc phụ huynh có điều kiện có thể cho con dự tuyển vào những trường này, nhưng không nên gây áp lực căng thẳng cho trẻ khi bắt các cháu phải ôn luyện và thi quá nhiều trường.

Ông PHẠM XUÂN TIẾN (Trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội)

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

Sponsored content


Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Lứa “heo vàng” đến tuổi vào lớp 1, các trường toát mồ hôi Flags_1