Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

muctim

muctim
Thành viên tích cực
Thành viên tích cực
Chúng ta đòi hỏi học sinh đủ thứ nhưng chưa có nhiều người nói với các em phải biết tôn trọng và yêu quý chính bản thân mình.

Năm nào cũng thế, cứ đến ngày khai trường là cả xã hội dành những lời tốt đẹp nhất cho học sinh. Chúng ta kỳ vọng các em giỏi giang; mong các em thành kỹ sư, bác sỹ; muốn các em yêu thương kính trọng người trên, nhường nhịn kẻ dưới… Chúng ta đòi hỏi học sinh đủ thứ nhưng chưa có nhiều người nói với các em phải biết tôn trọng và yêu quý chính bản thân mình.

 Lời muộn cho năm học mới Hoc-si10
Chúng ta cần giáo dục thái độ thân thiện và hợp tác cho các em (ảnh minh hoạ)

Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865), người được cho là tác giả lá thư gửi thầy cô nổi tiếng nhân ngày khai trường, viết: Hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi. Hãy tạo cho cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, cho dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó là không đúng. Hãy dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất nhưng không bao giờ được để cho ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình…

Những mong mỏi của tác giả lá thư là biểu hiện cụ thể lòng tự tôn, tự yêu quý trân trọng bản thân của người học sinh.

Khi Trọng Cung (học trò của Khổng Tử) hỏi thế nào là NHÂN, Khổng Tử - cha đẻ của Nho giáo đã nói: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác, như thế có nghĩa là NHÂN).

NHÂN hiểu nôm là lòng yêu thương đồng loại. Song, trước hết con người phải biết quý trọng bản thân mình thì mới thấu cảm được cái “kỷ sở bất dục” kia mà không tác oai tác quái lên người khác. Ai đó không yêu bản thân mình thì đừng nói chuyện yêu thương người xung quanh. Mệnh đề “nếu không tôn trọng người khác thì người khác sẽ không tôn trọng mình” có một ý nghĩa khác: Không tôn trọng mình cũng tức là thiếu tôn trong người khác.

Một thiếu niên càn quấy phóng xe tốc độ cao, lượn lách nguy hiểm trên phố đông người thì rõ ràng anh ta chưa biết quý trọng mạng sống của chính mình nên đồng thời gây họa cho người khác. Chúng ta không thể nói hành động ấy (hay bất kỳ một hành vi nào khác) là vô tình bởi từng cá thể trong xã hội, dù muốn hay không, đều có mối liên hệ qua lại với nhau để tạo thành một xã hội với đủ sắc màu.

Liệu hành vi độc ác và lối sống chụp giật, hơn thua hiện nay có mối quan hệ với việc thiếu giáo dục trẻ em sự quý trọng bản thân trong suốt nhiều năm qua?

Đâu đó trong gia đình, nhà trường vẫn còn vang lên lời thuyết giảng: Bây giờ chúng bay sướng quá, thời thầy cô ba mẹ khổ như thế này như thế kia…, tại sao trò A làm được mà em không làm được…, bài này Ngô Bảo Châu giải được từ hồi học mẫu giáo.v.v… Lối giáo dục áp đặt như thế đã làm các em thiếu tự tin, mất tự trọng và rốt cuộc đánh mất tình yêu vào chính bản thân vì cảm thấy mình chẳng có chút giá trị nào.

Cuộc chiến lâu dài để giải phóng Tổ Quốc kiêu hùng và vinh quang nhưng nghiệt ngã và đầy hệ lụy đau thương. Chúng ta bắt các em phải biết “đấu tranh” trước khi biết thân thiện và tha thứ. Chúng ta yêu cầu các em hướng tới cái chung, vì tập thể mà buộc phải quên phắt đi cái bản ngã, cái tôi, cái của chính mình rất đáng trân trọng, yêu thương.

Cuộc sống hôm nay không phải “một mất một còn”, không phải “ta” thì nhất định là “địch”, không chơi với ta là kẻ thù của ta... Cuộc sống hôm nay là chung sống và cùng hưởng lợi. Học sinh phải biết điều này thì mới có thái độ thân thiện và hợp tác.

Phần Lan - một nước có nền giáo dục tiên tiến nhất nhì thế giới - đã dành toàn bộ bậc tiểu học và trung học cơ sở để ươm trồng tinh thần hợp tác và chung sống thân thiện trước khi bàn tới cạnh tranh và ganh đua. Họ không lo học sinh sau này sẽ cảm thấy sợ hãi khi bước vào xã hội cạnh tranh. Bởi vì hôm nay biết hợp tác thì ngày mai sẽ có năng lực cạnh tranh. Và, năng lực sáng tạo phát triển tốt nhất trong môi trường chan hòa tình người. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt người ta không muốn chia sẻ kinh nghiệm và cũng không muốn mạo hiểm, như vậy sao có thể có được sức sáng tạo?!/.

Ngô Thiệu Phong

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
 Lời muộn cho năm học mới Flags_1