Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Phượng hồng

Phượng hồng
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
Một buổi chiều đón con ở cổng trường, mặt cô bé ỉu xìu như ốm, không vui vẻ chạy đến mẹ như mọi hôm. Buổi tối khi ngồi vào bàn học của con, tôi chưa kịp hỏi gì thì con đã òa khóc nức nở…, rồi đưa tôi bài văn làm dở được cô chấm 2 điểm với lời nhận xét cụt lủn: “Không làm bài!”.

Từ lâu nay, chúng ta hầu hết coi nhẹ việc dạy và học văn ở cấp tiểu học. Riêng tôi lại thấy việc dạy văn ở cấp tiểu học rất khó khăn và quan trọng.

Khó khăn thứ nhất là vì các cháu quá nhỏ, chưa thể tự mình nói lên và bảo vệ cách nhìn sự vật, cuộc sống của các em nên cần giáo viên hướng dẫn.

Khó khăn thứ hai là, vì giáo viên tiểu học phải dạy tổng hợp các môn chứ không phải chỉ chuyên dạy văn. Rất quan trọng là vì chính tác phong, lối sống, cách ứng xử, cách quan tâm yêu thương, cách truyền bá kiến thức của giáo viên tiểu học đóng góp phần lớn vào việc định hình và xu hướng phát triển phong cách sống của trẻ sau này.

Tôi có một kỉ niệm sâu sắc mà mỗi khi cuộc sống chạm đến vấn đề dạy văn và học văn ở nhà trường tôi lại chợt mênh mang buồn. Khi con gái út của tôi học lớp 2, cuộc sống của tôi bộn bề với công việc, sự nghiệp, gia đình, con lớn, con bé… nên cũng sao sát việc bài vở của con. Một buổi chiều đón con ở cổng trường, mặt cô bé ỉu xìu như ốm, không vui vẻ chạy đến mẹ như mọi hôm, hỏi gì bé cũng không nói, lo con ốm tôi cũng không hỏi nhiều nữa. Buổi tối khi ngồi vào bàn học của con, tôi chưa kịp hỏi gì thì cô bé đã òa khóc nức nở nói trong nước mắt: “Con không biết viết tiếp thế nào vì cô giáo dạy con phải tả như các bạn: Mỗi gia đình hạnh phúc là phải có cha, mẹ, anh, chị, em”, rồi đưa tôi bài văn làm dở được cô chấm 2 điểm với lời nhận xét cụt lủn: “Không làm bài!”. Cầm bài văn của con lên xem, tôi thấy đề bài là: “Em hãy tả về gia đình hạnh phúc của mình”. Con gái tôi viết thế này:

“Gia đình em gồm có mẹ em là cán bộ đang đi làm, chị em đang học lớp 8, em đang đi học lớp 2…” đến đây, bài văn dừng lại! Trái tim tôi như nghẹn lại, nước mắt trào ra vì thương con bé bỏng! Vì giận mình không quan tâm đến con! Vì cô giáo không hiểu con! Hay vì gì nữa tôi cũng không rõ.

Tôi ôm con vào lòng dỗ dành: “Con nín đi, mẹ hiểu con không phải lười làm bài, mẹ sẽ cùng con làm lại bài văn này, ngày mai đến lớp con hãy can đảm gặp cô giáo xin lỗi vì hôm nay con chưa viết xong, nhưng con đã sửa lỗi và làm lại bài, mẹ tin cô giáo sẽ hiểu con và chấm lại bài cho con!”.

Với tấm lòng bao la của người mẹ, và giống như cô giáo dạy văn của con, tôi đã giúp con gái mình thấy rõ hoàn cảnh của gia đình, dám trung thực sống đúng như những gì mình có. Chỉ cần một câu văn chân thực được viết ra là toàn bộ bài văn của cô bé lại được tuôn chảy ra với mạch cảm xúc yêu thương, trong sáng, chứ không bị tắc nghẽn như khi ở trên lớp sáng nay, bé đã viết:

“Còn cha em đã bị một căn bệnh ác mang đi về một nơi xa lắm khi em mới 5 tuổi”.

Sau đó cô bé lại hân hoan tả về mẹ, về chị, về gia đình hạnh phúc của nó, nơi nó đang được sống đủ đầy, được đi học và được yêu thương trọn vẹn.

Vì không muốn làm tổn thương con, cũng vì hiểu và thông cảm hoàn cảnh cô giáo của con còn rất trẻ và có con nhỏ bận rộn, nên có thể cô đã đọc hết nhưng chưa nhớ cụ thể hoàn cảnh của từng em học sinh trong lớp (thông qua bản khai sơ yếu lí lịch làm quen mà phụ huynh học sinh đã gửi cho cô chủ nhiệm vào đầu năm học, tôi nhớ mình đã ghi rõ phần Người cha là: đã mất vì trọng bệnh khi cháu 5 tuổi) nên mới có bài văn 2 điểm ngày hôm nay, đó là điều đáng tiếc! Tôi đã nhờ cô chủ nhiệm của các con (người đã rất hiểu các con) giúp đồng nghiệp của mình khắc phục sự cố, rất mừng là mấy ngày sau trong giờ văn của cô giáo đã chấm lại bài văn của con, đọc trước lớp và khen con dũng cảm viết lại bài văn rất hay và cảm động. Con gái tôi vui lắm!

Thời gian đã qua, con gái tôi giờ đã sắp hết lớp 8 và học văn rất tốt, tôi muốn chia sẻ câu chuyện nhỏ của mình để các cô giáo tiểu học (những người mẹ thứ hai khi các cháu ở trường) hiểu cho mong muốn của chúng tôi (những người mẹ thứ nhất khi các cháu ở nhà): Hãy hiểu các con hơn, yêu thương, quan tâm các con hơn thì nhất định những bài dạy văn - bài dạy làm người của các cô sẽ là hành trang mà các con sẽ mang theo suốt cuộc đời mình.

Nguồn: Dân trí

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Bài văn 2 điểm của con tôi Flags_1