Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Phần 1: Ôn tập môn ngữ văn

Ôn thi tốt nghiệp hiệu quả tất cả các môn Thittn10
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (TP.HCM) ôn tập môn ngữ văn
Việc đổi mới cách kiểm tra đánh giá đối với môn ngữ văn của Bộ GD-ĐT nhằm mục đích hướng vào việc đánh giá - kiểm tra năng lực của học sinh, tránh lối học cũ. Năm nay, đề thi sẽ có những thay đổi đáng kể so với đề thi các năm trước nhưng chắc chắn sẽ vừa sức với  học sinh. Chẳng hạn thời gian thi rút ngắn còn 120 phút thì dung lượng kiến thức và yêu cầu sẽ phù hợp để học sinh làm được bài; ngữ liệu trong cả hai phần đọc hiểu và làm văn sẽ gần gũi và dễ hiểu… Vì vậy, các em cần yên tâm để ôn tập và làm bài thi cho tốt.

Tìm hiểu thêm các văn bản ngoài sách giáo khoa

Với phần đọc hiểu, học sinh chú ý ngữ liệu được sử dụng trong phần này có thể ngoài chương trình - sách giáo khoa (CT - SGK). Như vậy, bên cạnh việc ôn tập kiến thức cơ bản ở những bài học trong SGK, học sinh cần luyện tập đối với những đoạn văn bản, hoặc những văn bản ngắn hoàn chỉnh (có thể là văn bản văn học hoặc nhật dụng). Ở phần này, học sinh sẽ phải trả lời một số câu hỏi xoay quanh việc đọc hiểu văn bản như xác định nội dung, thông tin chính, ý nghĩa văn bản, chi tiết, tên văn bản; ý nghĩa của từ ngữ, cú pháp; các biện pháp nghệ thuật tiêu biểu và tác dụng của chúng… Với văn bản văn học, đặc biệt là văn bản có tính chất hư cấu, các em cần phân biệt nội dung cụ thể của văn bản với ý nghĩa toát ra từ nội dung đó. Học sinh cần tìm thêm các văn bản ngắn ngoài SGK như những câu chuyện gần gũi, có ý nghĩa nhân văn trên các trang mạng xã hội để dùng làm ngữ liệu rèn luyện việc đọc hiểu.

Một điểm mới trong yêu cầu ở phần đọc hiểu năm nay là tích hợp kiểm tra kiến thức tiếng Việt của học sinh. Tuy nhiên, học sinh cần chú ý đề thi không kiểm tra kiến thức về lý thuyết mà là kiểm tra sự vận dụng kiến thức tiếng Việt vào việc đọc hiểu văn bản. Vì vậy, cách ôn tập hiệu quả là nên dành thời gian luyện tập vận dụng các kiến thức tiếng Việt đã học vào một văn bản cụ thể. Có thể “nhóm” các vấn đề lại để luyện tập, chẳng hạn cách nhận diện, tác dụng của các biện pháp tu từ; nhận diện và sửa lỗi sai trong câu... Và cần chú ý trả lời từng câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, tránh dài dòng, lan man.

Chú ý về độ “mở” của đề văn nghị luận

Với phần làm văn, ngữ liệu được sử dụng trong đề bài nghị luận văn học vẫn là những tác phẩm, đoạn trích đã học trong CT - SGK nhưng cách hỏi có thể mới và “mở”.

Trước những đề bài “mở”, chẳng hạn với đề yêu cầu “Cảm nhận về một nhân vật văn học trong CT - SGK lớp 12 mà anh/chị yêu thích”, học sinh cần xác định độ “mở” chính là “mở” về sự chủ động lựa chọn nhân vật để làm bài chứ không phải muốn viết gì thì viết. Với đề bài này, dù trình bày bằng cách này cách khác, các em vẫn phải xác định một lập luận chặt chẽ thuyết phục với hệ thống ý: vài hiểu biết về tác giả, tác phẩm - xuất xứ nhân vật, những đặc điểm nổi bật ở nhân vật, nghệ thuật xây dựng nhân vật, đánh giá ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm; ý nghĩa của nhân vật đối với bản thân...

Với cả hai dạng bài nghị luận, cần rèn cách viết ngắn gọn, chặt chẽ mà thuyết phục để đảm bảo được yêu cầu của bài văn nghị luận và phù hợp với thời gian 120 phút.


Dạy ngữ văn theo hướng phát triển năng lực

Vào ngày 25.4, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ tổ chức hội thảo “Dạy học ngữ văn trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông”. Hội thảo này sẽ bàn về nội dung CT - SGK, dạy văn theo hướng phát triển năng lực của học sinh.

Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận về các vấn đề khác như kinh nghiệm giáo dục môn ngữ văn từ các nước, cơ sở khoa học và thực tiễn của việc đổi mới mục tiêu của môn ngữ văn trong chương trình tổng thể ở trường phổ thông, những đề xuất đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học môn ngữ văn... 

Minh Luân

Thạc sĩ Triệu Thị Huệ (Tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Phần 2: Ôn tập môn toán

Ôn thi tốt nghiệp hiệu quả tất cả các môn Hocsin11
Giáo viên Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập môn toán
Cấu trúc đề thi

Đề thi làm trong thời gian 120 phút, gồm 2 phần, bao gồm 7 chuyên đề: khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị hàm số cùng những vấn đề liên quan (3 điểm), giải phương trình mũ hoặc logarit (1 điểm), tích phân (1 điểm), tìm giá trị lớn nhất và giá trị nhỏ nhất của hàm số (1 điểm), hình học không gian (1 điểm), hình học giải tích trong không gian Oxyz (2 điểm), số phức (1 điểm). Trong đó, các câu được coi là dễ, cần ôn tập kỹ để lấy 8 điểm theo thứ tự từ dễ đến khó: khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị hàm số, số phức, tích phân, phương trình mũ hoặc logarit và hình học giải tích trong không gian Oxyz. Những năm gần đây câu hỏi khó thường là câu tìm giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của hàm số. Cũng cần lưu ý chỉ được sử dụng các kiến thức có trong chương trình sách giáo khoa để giải, các kiến thức khác nếu muốn sử dụng thì phải chứng minh.

Tránh những lỗi thường gặp

Trong quá trình ôn tập, phải chú ý những kiến thức sau để tránh những lỗi mà học sinh hay mắc phải:

Sử dụng không đúng hoặc tùy tiện các ký hiệu toán học, ví dụ: d Î (P) hoặc "số thực a”  là không đúng. Phải viết là : d Ì (P) hoặc với mọi số thực a.

Sử dụng sai các khái niệm toán học. Ví dụ: Thể tích hình chóp, hàm số có tiệm ngang y = 2  là không đúng. Viết đúng phải là: Thể tích khối chóp, đồ thị hàm số có tiệm ngang là đường thẳng y = 2.

Khi giải phương trình quên đặt điều kiện để phép biến đổi là tương đương. Ví dụ: là sai vì thiếu điều kiện x > 0, do đó phải loại nghiệm x = -2.

Không đọc kỹ đề và thế sai dữ liệu, hoặc hiểu lạc đề nên đặt vấn đề sai. Ví dụ: Khảo sát hàm số khi m = -1 nhưng khi làm bài lại thế m = 1; hoặc: Viết phương trình tiếp tuyến của đồ thị hàm số đi qua điểm A thì lại viết nhầm tiếp tuyến tại điểm A.

Vô ý để dẫn đến những sai lầm cơ bản. Ví dụ: Trong không gian Oxyz, đề bài yêu cầu viết phương trình đường thẳng lại viết nhầm thành phương trình mặt phẳng, véctơ chỉ phương lại viết nhầm thành véctơ pháp tuyến, -a luôn nhỏ hơn a là sai vì quên rằng nó phụ thuộc vào dấu của a, phương trình x2 - 4x + 7 = 0 có tổng 2 nghiệm bằng 4 mà không phát hiện rằng phương trình đã cho vô nghiệm…

Trần Văn Toàn
(Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie, TP.HCM)

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Phần 3: Ôn tập môn lý, hóa

Ôn thi tốt nghiệp hiệu quả tất cả các môn Onthid10
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (TP.HCM) hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập môn lý
Môn vật lý, tập trung cụ thể chương trình lớp 12

Học sinh nhất thiết phải nắm vững nội dung của các phần nêu trong cấu trúc đề thi. Mặc dù yêu cầu ôn tập của Bộ GD-ĐT là chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT nhưng thật ra tất cả câu hỏi của đề thi tốt nghiệp THPT đều dựa vào các nội dung cụ thể của chương trình 12.

Học sinh nên học thật kỹ lý thuyết, không chỉ các dạng câu hỏi ở mức độ vừa phải mà còn phải chịu khó học thuộc và tổng hợp được kiến thức. Đối với câu hỏi trắc nghiệm về lý thuyết, đề thi sẽ khai thác tối đa các hiện tượng, khái niệm hoặc công thức mà nếu bạn chưa nắm kỹ dễ bị nhầm lẫn. Chẳng hạn, khái niệm cùng pha, lệch pha giữa các đại lượng vật lý; các khái niệm dao động điều hòa, dao động tuần hoàn, dao động cưỡng bức, dao động tắt dần, dao động riêng, dao động duy trì; tính chất và tác dụng của các bức xạ không nhìn thấy; tính chất và ứng dụng của các loại sóng vô tuyến điện; các hiện tượng tán sắc, giao thoa ánh sáng, hiện tượng quang điện, quang dẫn, hiện tượng phóng xạ...

Khi rèn luyện các dạng bài tập, học sinh nên mạnh dạn từ bỏ các loại bài tập thuộc vào một trong 3 điều sau: Đề bài quá dài, rườm rà hoặc hình vẽ phải mô tả phức tạp; bài giải cần nhiều giai đoạn biến đổi; kiến thức lý thuyết vật lý để giải bài tập không có trong nội dung sách giáo khoa và cấu trúc đề thi.

Môn hóa, học theo hệ thống hóa, so sánh

Về lý thuyết, học sinh cần phải biết xâu chuỗi tính chất hóa học của các chất, nhóm chất bằng cách hệ thống hóa, so sánh những điểm giống nhau và khác nhau. Điều này sẽ giúp học sinh nhanh chóng chọn được phương án đúng. Đây là phần có số lượng câu hỏi chiếm khoảng 70% đề thi. Không nên học từng chất riêng lẻ vì như thế sẽ khó nhớ hết được những phương trình phản ứng hóa học và sẽ xử lý chậm, mất nhiều thời gian để chọn phương án đúng.

Cụ thể, đối với hóa học hữu cơ, học sinh cần có sự liên kết giữa các nhóm chất sau đây để so sánh: Amin, anilin, aminoaxit, liên kết với a xít hữu cơ, phenol; Cacbohidrat: Glucozơ, fructozơ, mantozơ, sacarozơ, tinh bột, xenlulozơ liên kết với andehit và ancol; Este, lipit cần liên kết với ancol, andehit, a xít; Phần polyme các em nên xâu chuỗi lại dựa vào sự phân loại: theo nguồn gốc, theo cách tổng hợp, theo cấu trúc, tên riêng của các polime.

Đối với hóa vô cơ - phần kim loại, cần liên kết phần tính chất hóa học chung, so sánh chúng trong dãy điện hóa. Ngoài ra, trong mỗi nhóm kim loại cần nắm phần tính chất hóa học đặc trưng riêng như kim loại phản ứng với nước, với dung dịch kiềm... Riêng phần kim loại sắt, cần quan tâm sự chuyển hóa giữa Fe(II) và Fe(III).

Học sinh cũng có thể hệ thống hóa từng loại phản ứng. Cụ thể như chất hữu cơ nào tham gia phản ứng thủy phân, với Na, với dung dịch kiềm, với Cu(OH)2… Kim loại nào tác dụng với nước, với dung dịch kiềm, với dung dịch a xít... Những oxit, hidroxit và muối nào lưỡng tính...? Nếu không làm được việc này, sẽ gặp nhiều lúng túng khi làm bài.

Các bài toán trong đề thi tốt nghiệp chiếm khoảng 30% số lượng câu hỏi của đề thi và khá đơn giản. Chỉ cần biết tính lượng chất tham gia phản ứng, chất tạo thành trong một phương trình phản ứng hóa học hay giải các bài toán hỗn hợp hai chất, hai ẩn số và có hai dữ kiện (có thể kèm theo hiệu suất phản ứng để tạo câu hỏi khó).

Ngoài ra, trong đề thi tốt nghiệp THPT thường có một số ít câu hỏi khá bất ngờ, không khó nhưng do học sinh ít quan tâm nên dễ chọn phương án sai. Ví dụ, một số tính chất vật lý đặc biệt của chất hữu cơ (như este có mùi thơm dễ chịu, anilin là chất lỏng không màu để lâu trong không khí chuyển thành màu đen...), các tính chất vật lý của kim loại: có khối lượng riêng lớn nhất, cứng nhất, có nhiệt độ nóng chảy cao nhất trong dãy kim loại cho sẵn, hay các loại quặng, mỏ...

Muốn đạt được điểm cao, học sinh phải đọc thật kỹ các chi tiết ở sách giáo khoa lớp 12 ít nhất một lần trước ngày thi (nhớ lược bỏ những phần đã giảm tải).

Thạc sĩ Bùi Văn Thơm - Võ Lý Văn Long

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Phần 4: Ôn tập môn sinh, tiếng Anh

Ôn thi tốt nghiệp hiệu quả tất cả các môn Onthi10
Giáo viên hướng dẫn ôn tập môn tiếng Anh cho học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (TP.HCM)
Lập sơ đồ tóm tắt kiến thức môn sinh

Là môn thi trắc nghiệm, kiến thức trải đều các phần, các chương, vì vậy học sinh không nên học tủ mà cần học chắc các phần để có thể làm trọn vẹn từ câu dễ (học thuộc) đến câu khó (vận dụng).

Để nắm chắc nội dung, học sinh cần lập sơ đồ tóm tắt những kiến thức cốt lõi nhất để ôn tập. Sơ đồ sẽ giúp học sinh hệ thống hóa toàn bộ bài học, không lẫn lộn kiến thức của bài này với bài khác. Sơ đồ này còn giúp các em có thể giải quyết tối đa các câu hỏi vận dụng nâng cao, tổng hợp.

Ở phần kiến thức về biến dị, cần phân biệt khái niệm, nguyên nhân và cơ chế phát sinh, đặc điểm, vai trò, ý nghĩa trong chọn giống, tiến hóa, nghiên cứu di truyền. Ví dụ, với câu hỏi cơ chế phát sinh đột biến nhiễm sắc thể trong các hình thức phân bào thì thí sinh nên chọn đáp án là rối loạn sự phân ly một vài cặp nhiễm sắc thể hoặc toàn bộ nhiễm sắc thể lúc phân bào.

Đề thi thường không nằm ngoài chương trình và không quá khó, phức tạp nên học sinh không nên lo lắng. Học sinh cần bám sát sách giáo khoa, nắm các ý chính của bài, hướng dẫn của giáo viên, thực hành các tài liệu trắc nghiệm, đặc biệt là đề thi các năm trước để làm quen.

Môn tiếng Anh nên ôn từng chủ đề

Ngoài những nội dung và các dạng bài tập quen thuộc trong các bài trắc nghiệm khách quan, đề thi năm nay có phần tự luận nên cần độ chính xác cao. Tuy nhiên, phần này vẫn sát theo chương trình phổ thông.

Học sinh nên ôn theo từng chủ đề bài học. Ở mỗi bài học, cần chú ý từ vựng chính của bài (key word) và mở rộng thêm phần họ từ/từ loại của những từ chính này. Học sinh nên học kỹ các cấu trúc trong phần ngữ pháp (language focus) của từng bài. Các cấu trúc này rất dễ gặp dưới dạng bài tập tự luận. Vì vậy, phải nắm vững, hiểu rõ và luyện viết các mẫu câu này.

Học sinh nên rèn thêm các dạng bài tập tự luận: Đối với từ vựng là các dạng bài tập họ từ - word form, học sinh phải viết được chính xác các từ “gia đình”, không được sai chính tả đối với bài tập word form.

Đối với phần viết mẫu câu, nên rèn thêm viết câu theo yêu cầu, xây dựng câu từ những từ cho sẵn, điền khuyết vào câu sao cho đúng ý nghĩa của câu trước, hoặc chuyển đổi câu với số từ giới hạn…

Bích Thanh (ghi)

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Phương pháp hay để tự tin thi tốt nghiệp môn Lịch sử

Ôn thi tốt nghiệp hiệu quả tất cả các môn 0414_t10
Thí sinh dự thi tốt nghiệp năm 2013
Năm nay là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyền lựa chọn môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho các em học sinh.

Theo khảo sát sơ bộ tại nhiều trường trung học phổ thông trên cả nước, tỷ lệ chọn môn Lịch sử gần như thấp nhất trong tất cả các môn, thậm chí có trường công bố không có học sinh nào chọn môn này vì tâm lý lo ngại điểm thấp.

Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nếu biết cách ôn tập hiệu quả, học sinh hoàn toàn có thể đạt điểm cao ở môn Lịch sử.

Tự tin đăng ký môn sử trong kỳ thi sắp tới, em Lê Thị Sáng, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hồng Đạo, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, chia sẻ: “Em thấy các bạn toàn học sử theo kiểu học thuộc lòng, học “vẹt” nên nếu quên một câu là kéo theo quên hết các câu sau. Em ôn tập theo phương pháp vẽ “cây kiến thức,” thân cây có các mốc thời gian chính, tới các nhánh cây biểu diễn các sự kiện phụ, rất dễ nhớ. Việc này cũng giống như lập một đề cương khi viết văn, giúp các ý chính không bị nhầm lẫn, không bị bỏ sót.”

Em Sáng cũng cho biết đây là phương pháp học rất hiệu quả mà thầy giáo môn Lịch sử của trường đã dạy cho em và các bạn. Nhờ phương pháp này mà mỗi tiết học Lịch sử của thầy không làm cho học sinh căng thẳng, mà kích thích tư duy và khả năng sáng tạo của mỗi em khi vẽ những sơ đồ “cây kiến thức” của riêng mình.

Thầy giáo Trần Ngọc Thạch, người trực tiếp truyền cảm hứng và tình yêu lịch sử cho các em học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Hồng Đạo tâm sự là một giáo viên, ai cũng mong muốn các em yêu thích môn học của mình. Khi thấy tâm lý chán học môn Lịch sử của phần lớn học sinh, thầy cũng rất buồn. Nhưng càng buồn, thầy lại càng cố gắng để các em có thể học Lịch sử thật tốt.

Ngoài phương pháp vẽ cây kiến thức, để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới, thầy nhắc nhở học sinh phải luôn bám sát các vấn đề thời sự hiện nay, vì chúng rất có thể sẽ liên quan tới đề thi.

"Các em học sinh cũng phải luôn nhớ rằng với những đề thi ra theo hướng mở, học sinh phải có lập luận thuyết phục. Chỉ nhớ kiến thức lịch sử chưa đủ để có bài sử đạt điểm cao. Để có kết quả tốt, lời văn rất quan trọng, không thể thiếu trong một bài lịch sử hay, đặc biệt là cách dẫn dắt vấn đề sao cho hấp dẫn người đọc, người chấm," thầy Thạch đưa ra lời khuyên.

Cũng sử dụng phương pháp học bằng vẽ sơ đồ thời gian, nhưng Nguyễn Thị Thu Ngân, sinh viên năm cuối khoa Lịch sử, Trường Ðại học Quy Nhơn (Bình Định) cho rằng như thế là chưa đủ, cần phải bổ sung thêm những kiến thức ngoài sách giáo khoa.

Ngân cho biết ngay từ khi còn là học sinh trung học phổ thông, em đã có niềm say mê đặc biệt đối với môn Lịch sử. Kết hợp với học bài trên lớp, Ngân thường xuyên tìm hiểu thêm qua truyện tranh, ảnh, sách báo, các bộ phim điện ảnh và phim hoạt hình về lịch sử. Điều đó giúp em hình thành một chuỗi hình ảnh các sự kiện trong trí nhớ. Môn Lịch sử không còn là những sự kiện khô khan mà trái lại rất sinh động.

Mong muốn đưa lịch sử đến gần hơn với giới trẻ, Ngân đã chọn vào ngành Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Quy Nhơn.

Để thay đổi chương trình, cách dạy hay sách giáo khoa môn Lịch sử như nhiều ý kiến trong dư luận hiện nay thì cần nhiều thời gian để nghiên cứu. Nhưng học sinh có thể áp dụng những phương pháp học lịch sử mới mẻ, đơn giản và hiệu quả trên trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.

Nguồn: TTXVN

Sponsored content


Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Ôn thi tốt nghiệp hiệu quả tất cả các môn Flags_1