Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Kết quả bất ngờ về trình độ tiếng Anh của người Việt Hoc_ti10Học sinh tiểu học học tiếng Anh
TTXVN - Trong số 60 nước tham gia khảo sát về khả năng tiếng Anh, Việt Nam xếp thứ 28 và thuộc nhóm các quốc gia có trình độ tiếng Anh trung cấp.

Khả năng Anh ngữ của Việt Nam xếp trên 32 quốc gia trong nhóm khảo sát, trong đó có Trung Quốc, Pháp, Nga. Thái Lan thuộc nhóm có trình độ tiếng Anh thấp nhất và ở vị trí thứ 55.

Đây là kết quả chỉ số đánh giá Anh ngữ vừa được tổ chức giáo dục quốc tế EF Education First công bố sáng nay, ngày 18/1/2014, tại Hà Nội.

EF đã có 6 năm thực hiện việc đánh giá này (từ 2007 đến 2013) và kết quả tổng hợp từ 6 năm cho thấy Việt Nam thuộc nhóm 5 nước có sự tiến bộ vượt trội nhất về khả năng Anh ngữ.

Kết quả này đã gây khá nhiều ngạc nhiên do các đại biểu tham dự lễ công bố, nhất là khi ngành giáo dục Việt Nam đã chính thức thừa nhận việc giảng dạy tiếng Anh trong các bậc học hiện nay chưa hiệu quả.

Mới đây, dù biết tiếng Anh là quan trọng và ngành đang tiến hành triển khai đề án ngoại ngữ 2010-2020 nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn phải tính đến phương án bỏ tiếng Anh khỏi nhóm môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông bắt buộc để hoàn thiện hơn nữa cách dạy, học và thi môn này, nhằm nâng cao thực sự việc đào tạo ngoại ngữ trong trường học.

Tuy nhiên, sự mâu thuẫn này cũng không quá khó lý giải khi mẫu điều tra của EF khá hạn chế và tập trung vào đối tượng thành thị. Cụ thể, EF điều tra bằng cách đưa các bài kiểm tra lên mạng internet để người dân tự nguyện tham gia, bên cạnh đó còn có đối tượng học sinh của tổ chức này. Như vậy, mẫu điều tra của EF sẽ là những người biết sử dụng internet, có trình độ tiếng Anh nhất định, biết đến tổ chức này cũng như cuộc điều tra để tham gia.

Bên cạnh đó, số lượng người tham gia điều tra không lớn. Theo ông Trần Minh, Giám đốc Dự án chuyên trách của EF, những quốc gia có tối thiểu 400 người tham gia bài kiểm tra trên mạng sẽ được EF đánh giá. Trong 6 năm qua có khoảng 5 triệu người đã tham gia. Ban tổ chức cũng không đưa ra con số cụ thể về số người tham dự của Việt Nam cũng như các nước khác.

Tuy nhiên, theo ông Minh, do cùng một hình thức điều tra nên kết quả trên cũng đã cho thấy sự phát triển nhanh chóng của người Việt về trình độ tiếng Anh so với các quốc gia khác.

Cũng theo kết quả công bố của EF, nhóm các nước có khả năng Anh ngữ tốt nhất thuộc châu Âu, gồm có Thuỵ Điển, Na Uy, Hà Lan. Các nước Trung Đông và Bắc Phi có trình độ tiếng Anh kém nhất.

EF Education First được sáng lập năm 1965 bởi Bertil Hult khi ông chỉ 23 tuổi, trong căn hầm của ký túc xá trường đại học ở Lund, Thụy Điển và là tập đoàn giáo dục tư nhân. EF hoạt động trong 16 lĩnh vực, tổ chức các chương trình đào tạo từ ngôn ngữ, du học, học thuật đến các chương trình giao lưu văn hóa. EF hiện có 400 văn phòng và trường ở hơn 50 quốc gia trên thế giới. Hệ thống EF bao gồm 9000 nhân viên, 25000 giáo viên và hướng dẫn viên.

muctim

muctim
Thành viên tích cực
Thành viên tích cực
Kết quả bất ngờ về trình độ tiếng Anh của người Việt 6a_bcz10Ông Minh Trần trong buổi thuyết trình báo cáo chỉ số thành thạo tiếng Anh toàn cầu cuối tuần qua ở Hà Nội
TPO - Theo báo cáo của tổ chức EF(Thụy Sĩ) về chỉ số thông thạo tiếng Anh toàn cầu năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam được lọt vào danh sách các nước có khả năng nói tiếng Anh ở mức trung bình, với vị trí cao hơn cả Thái Lan, Đài Loan. Trao đổi với Tiền Phong, ông Minh Trần, Giám đốc Dự án Chuyên trách của EF cho rằng sự thăng hạng của Việt Nam là điều có thể lý giải được.

Ông Minh Trần cho biết:

Trước khi báo cáo chỉ số thông thạo tiếng Anh EPI của tổ chức EF (Education First – Thụy Sĩ) ra đời, trên thế giới chưa từng có một bản báo cáo tương tự để nhìn vào đó người ta có thể đánh giá chung về khả năng sử dụng tiếng Anh của các khu vực trên thế giới.

Điều này sẽ là một rào cản nếu như các quốc gia muốn đánh giá việc đầu tư cho hoạt động đào tạo tiếng Anh của mình có thật sự hiệu quả! Mặt khác, họ không có căn cứ để so sánh khả năng tiếng Anh của người dân nước mình với quốc gia láng giềng. Sự ra đời của EF EPI đã trả lời được các câu hỏi này.

Lần đầu tiên EF tổ chức thực hiện báo cáo chỉ số thành thạo tiếng Anh toàn cầu là năm 2007. Từ đó, hằng năm chúng tôi đều làm báo cáo EF EPI. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi gồm những thành viên đến từ nhiều nước khác nhau. Tôi là thành viên trẻ nhất và đến từ Hồng Kông.

Lần đầu lên hạng trung bình

Kết quả báo cáo chỉ số thành thạo tiếng Anh 2013 thế nào, thưa ông?

Năm 2013, chúng tôi thực hiện kiểm tra trên mạng internet với 750.000 người đến từ 60 vùng, lãnh thổ. Như từ trước đến nay, châu Âu vẫn là khu vực có chỉ số thành thạo tiếng Anh cao nhất thế giới, ngoại trừ Pháp.

Nhiều nước châu Á đạt sự tiến bộ vượt bậc về khả năng sử dụng ngoại ngữ, trong đó có Việt Nam. Khu vực Mỹ La tinh là nơi có khả năng thành thạo tiếng Anh tương đối thấp. Nhưng khu vực có khả năng tiếng Anh kém nhất trên toàn thế giới là Bắc Phi và Trung Đông.

Trong bảng xếp hạng của chúng tôi trong báo cáo EF EPI 2013, chúng tôi chia thành các nhóm: rất thông thạo, thông thạo, trung bình, thấp, rất thấp. Nhóm rất thông thạo mà đứng đầu là Thụy Điển đều là những nước châu Âu. Nhóm thông thạo, ngoài các nước châu Âu đã xuất hiện thêm hai nước châu Á là Malaysia và Singapore.

Trong nhóm trung bình có khá nhiều quốc gia châu Á: Ấn Độ thứ 21, Hàn Quốc 24, Indonesia 25, Nhật Bản 26 và Việt Nam - lần đầu tiên trong lịch sử của EF EPI được đẩy lên mức độ cao hơn chỉ số trung bình – thứ 28.

Trong nhóm thông thạo tiếng Anh thấp có Nga xếp thứ 31, Đài Loan 33, Trung Quốc 34. Tuy nhiên họ còn cao hơn cả Pháp. Trong 6 năm mà chúng tôi thực hiện bảng nghiên cứu EF EPI thì Pháp đã có chỉ số không những không tăng mà còn giảm. Nhóm có chỉ số thông thạo tiếng Anh rất thấp là nhiều nước Bắc Phi, Trung Đông. Tuy nhiên có một quốc gia châu Á trong nhóm rất thấp là Thái Lan.

… Điểm mới của bảng đánh giá EF EPI lần này là chỉ ra mối liên hệ giữa việc thông thạo tiếng Anh của lực lượng lao động và sự phát triển kinh tế của đất nước đó. Chẳng hạn chúng tôi đưa ra chỉ số thu nhập bình quân đầu người.

Các nghiên cứu cho thấy khả năng sử dụng tiếng Anh càng tốt thì thu nhập của người lao động càng cao. Một chỉ số khác, đó là tỉ lệ thuận giữa chỉ số xuất khẩu bình quân/ đầu người với chỉ số thành thạo tiếng Anh. Chúng tôi cũng chỉ ra được, khả năng tiếng Anh ở đâu càng cao thì ở đó càng có nhiều quốc gia muốn kết hợp cùng trong hoạt động thương mại.

Tôi tin người Việt giỏi tiếng Anh hơn người Thái

Nhiều người thấy khó tin khi mà chỉ số tiếng Anh của một số nước trong khu vực, chẳng hạn Thái Lan, còn thấp hơn cả Việt Nam?

Tôi cho rằng có thể nhận xét của dư luận về trình độ tiếng Anh của các nước đã có sự lỗi thời so với thực tế hiện nay. Tôi cũng đã từng ở Thái Lan và nhận thấy nhiều người Thái dùng tiếng Anh trôi chảy nhưng chỉ ở trong lĩnh vực du lịch, còn tiếng Anh chung trong các lĩnh vực đời sống khác thì họ không tốt bằng Việt Nam.

Tôi nghĩ các bạn đánh giá hơi thấp bản thân mình. Quan trọng là chúng ta không đánh giá dựa vào cảm tính mà dựa vào các chỉ số đã được lượng hóa.

Theo ông, vì sao Việt Nam lại đạt thứ hạng cao?

Điều rất đặc biệt của Việt Nam, đó là các bạn có đến 60% dân số dưới 35 tuổi. Với đội ngũ dân số trẻ như vậy, người Việt Nam dễ dàng tiếp thu kiến thức mới, ngôn ngữ mới. Nhưng điều quan trọng là chính phủ Việt Nam đã sớm nhìn thấy tầm quan trọng của tiếng Anh trong phát triển kinh tế xã hội và đã sớm có một chiến lược để tăng cường khả năng tiếng Anh cho lực lượng lao động kế cận.

Tôi nghĩ họ đã đi đúng hướng khi mà theo Đề án ngoại ngữ 2020, chính phủ các bạn đã chi 9.000 tỷ đồng để tăng cường khả năng tiếng Anh cho đội ngũ giáo viên.

Nhưng để số tiền này được sử dụng hiệu quả hơn, theo tôi, đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh cần được đào tạo khác đi. Truyền thống giáo dục của VN và các nước châu Á là học để thi nên khi học ngoại ngữ thì cố gắng nhớ từ mới, học thuộc lòng cấu trúc ngữ pháp làm sao để khi thi được điểm cao nhất trong khi điều quan trọng của học ngôn ngữ là làm sao để giao tiếp. Để tăng cường khả năng tiếng Anh thì mỗi người hãy dành nhiều thời gian hơn nữa để sử dụng tiếng Anh. Tôi nhận thấy cách dạy tiếng Anh của các bạn cũng giống như người Nhật. Ở Nhật, 80% giáo viên dùng tiếng Nhật để dạy tiếng Anh. Quan điểm của chúng tôi là hãy để học sinh khám phá tiếng Anh thực tế của mình, để đạt được hiệu quả sử dụng tiếng Anh tốt nhất thì học sinh cần phải được sử dụng tiếng Anh nhiều hơn trong các hoạt động của mình, từ trong lớp học cho đến hoạt động ngoại khóa, đọc sách, xem TV, nghe nhạc. Các em nên được tạo mọi cơ hội để tận dụng điều kiện sử dụng tiếng Anh.

Hiện nay Bộ GD&ĐT định đưa môn ngoại ngữ vào kỳ thi tốt nghiệp THPT như một môn khuyến khích thay vì là môn bắt buộc như trước đây. Ông có cho rằng đây là điều đáng lo ngại cho việc dạy tiếng Anh trong nhà trường phổ thông ở VN không?

Theo tôi, việc bắt buộc hay không bắt buộc thi ngoại ngữ trong các kỳ thi không phải là điều quan trọng nhất. Quan trọng là mỗi học sinh nhận thấy việc sử dụng ngoại ngữ tốt hay không tốt cho công việc, cho thu nhập trong tương lai của mình! Nếu họ thấy cần phải chủ động học ngoại ngữ để chuẩn bị cho tương lai chứ không phải vì kỳ thi thì đó là điều tốt nhất.

Cảm ơn ông!

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Kết quả bất ngờ về trình độ tiếng Anh của người Việt Flags_1