Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Trợ giáo

Trợ giáo
Thành viên xuất sắc
Thành viên xuất sắc
Gần nửa chặng đường thực hiện Quy hoạch phát triển Giáo dục: Quy hoạch và thực tế đang ngày càng xa nhau Gan20n10Sinh viên Trường CĐSP Tây Ninh trong ngày khai giảng năm học mới
BTN - Tháng 4.2009, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Tây Ninh xây dựng xong bản “Quy hoạch phát triển ngành giáo dục và đào tạo của Tây Ninh giai đoạn 2009 - 2020” (gọi tắt là Quy hoạch). Tháng 12 cùng năm, UBND tỉnh thông qua bản quy hoạch này. Từ khi Quy hoạch ra đời đến nay cũng đã gần 5 năm, tức gần bằng phân nửa thời gian của giai đoạn 2009 - 2020 nhưng những gì diễn ra cho thấy, thực tế đang ngày càng xa rời Quy hoạch…

ƯỚC MƠ “MỞ RỘNG QUY MÔ VÀ THỰC HIỆN XÃ HỘI HOÁ GIÁO DỤC”

Xin được khái quát lại, theo tinh thần chung của Quy hoạch, trong thời gian từ năm 2009 - 2020, quy mô giáo dục Tây Ninh sẽ phát triển, hình thành theo hai hướng chính: xây thêm nhiều trường học cho các cấp, bậc học và xã hội hoá mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó, giai đoạn 2010 - 2015 sẽ xây thêm hai trường THPT là Trường THPT Liên xã Long Giang và Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh.

Giai đoạn từ 2015 - 2020 mở tiếp hai trường THPT gồm Trường THPT Liên xã Phước Đông - Bời Lời tại khu công nghiệp cùng tên và Trường THPT Liên xã Tân Hoà - Tân Châu tại khu công nghiệp xi măng Tân Hoà. Cả 4 ngôi trường có tên như vừa nêu đều là trường công lập, do Nhà nước đầu tư xây dựng và quản lý.

Ngoài số trường công lập, sẽ kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập 4 trường THPT ở những địa bàn có điều kiện kinh tế phát triển bằng nguồn vốn xã hội hoá. Cụ thể, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2015 - 2020 sẽ xây 3 trường THPT tại Thị xã và 1 trường ở huyện Hoà Thành.

Đối với giáo dục chuyên nghiệp và đại học, trong giai đoạn 2010 - 2015, Trường CĐSP Tây Ninh sẽ mở rộng quy mô đào tạo và phát triển thêm một số ngành như tin học, ngoại ngữ và một số môn học khác để đáp ứng nhu cầu giáo viên cho bậc học phổ thông. Hai trường trung cấp nghề Tây Ninh và trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật sẽ được nâng cấp thành trường cao đẳng nhằm đào tạo lao động có chuyên môn. Tương tự, Trường trung cấp Y tế Tây Ninh cũng được “lên đời” thành trường cao đẳng. Trường trung cấp Y tế Tây Ninh (khi đã lên cao đẳng) có nhiệm vụ liên kết với Trường đại học Y - Dược TP. Hồ Chí Minh để đào tạo trình độ đại học (không chính quy) cho cán bộ, nhân viên ngành y tế.

Ngoài vấn đề liên kết đào tạo, hằng năm trường sẽ tuyển mới từ 600 - 800 sinh viên. Ngoài chuyện nâng cấp các trường hiện có, trong giai đoạn này sẽ thành lập một trường đại học tư thục đa ngành (Trường đại học tư thục Khai Minh) để đào tạo các ngành: quản trị kinh doanh, thương mại, kế toán - tài chính, du lịch, khách sạn… và cả giáo viên dạy THPT. Trong giai đoạn này cũng sẽ thành lập Trường trung cấp Văn hoá - Nghệ thuật của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành văn hoá - nghệ thuật.

Ngoài giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp, theo kế hoạch, sẽ có thêm nhiều trường mầm non trong và ngoài công lập được xây mới.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Trường CĐSP Tây Ninh sẽ được nâng cấp thành trường đại học. Ngoài nhiệm vụ chính là đào tạo giáo viên cho tỉnh, trường sẽ đào tạo một số ngành mới và liên kết với một số trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh để đào tạo một số ngành sau đại học tại địa phương.

Về vấn đề đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, theo Quy hoạch thì đến năm 2015, sẽ chuyển đổi tám trường mầm non công lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế phát triển sang loại hình trường ngoài công lập, nâng tổng số trường ngoài công lập trong giai đoạn này lên con số mười một. Đến năm 2020 sẽ có thêm bốn trường mầm non ngoài công lập, nâng tổng số trường mầm non ngoài công lập lên mười lăm trường.

Đối với bậc học phổ thông, đến năm 2020 sẽ chuyển bốn trường phổ thông công lập ra ngoài công lập, gồm ba trường THPT là Trần Đại Nghĩa, Trần Quốc Đại, Nguyễn Trung Trực và Trường thực nghiệm giáo dục phổ thông…

NHƯNG CHƯA GẮN LIỀN VỚI THỰC TẾ

Sau hơn bốn năm thực hiện, đối chiếu với thực tế có thể thấy một số nội dung trong Quy hoạch đã trở thành hiện thực. Ví dụ: Trường THPT Liên xã Long Giang (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) và Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh đã ra đời và đi vào hoạt động. Kế hoạch “lên đời” cho một số trường trung cấp, cao đẳng cũng đã được xúc tiến, đẩy mạnh.

Đề án nâng cấp các trường chuyên nghiệp và dạy nghề cũng đã xây dựng xong. Tuy nhiên, lộ trình nâng cấp các trường chuyên nghiệp, dạy nghề đang gặp nhiều thách thức và có thể nói, với tình hình như hiện nay, chưa biết đến bao giờ việc nâng cấp mới được thực hiện xong.

Nhưng, điều quan trọng, theo tinh thần chính của Quy hoạch là phát triển quy mô trường lớp và xã hội hoá giáo dục thì khó có thể trở thành hiện thực.

Gần nửa chặng đường thực hiện Quy hoạch phát triển Giáo dục: Quy hoạch và thực tế đang ngày càng xa nhau Gan20n11
Sau lễ động thổ “hoành tráng”, Trường đại học tư thục Khai Minh dự kiến khai giảng khoá đầu tiên vào năm 2015, nhưng điều ấy khó thành hiện thực
Trước hết nói về quy mô trường lớp, các số liệu hiện có chứng minh rằng, quy mô giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông không những không tăng, không mở rộng mà còn liên tục bị thu hẹp. Trong 3 - 4 năm trở lại đây, số lượng trường tiểu học hầu như năm nào cũng giảm. Chỉ xin đơn cử một ví dụ gần đây nhất: So với năm học 2012 - 2013 thì năm học 2013 - 2014 đã giảm 4 trường tiểu học. Lý do: vì số học sinh của mỗi trường quá ít nên phải sáp nhập để có điều kiện đầu tư tốt hơn.

Đối với bậc THCS, số liệu trong mấy năm qua cho thấy, tổng số lớp học trong một trường năm sau thấp hơn năm trước, quy mô của trường ngày càng thu nhỏ. Đối chiếu với các quy định hiện hành thì trong tổng số 107 trường THCS của cả tỉnh, đa số trong đó đều thuộc trường loại 2 (dưới 18 lớp mỗi trường). Số học sinh ở bậc học phổ thông cụ thể là tiểu học và trung học cơ sở ngày càng giảm nên khi lên đến bậc THPT lại càng giảm mạnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giảm học sinh phổ thông, trong đó nguyên nhân chủ yếu được xác định là do ảnh hưởng bởi chính sách dân số. Trong mấy năm qua, mỗi khi đến kỳ tuyển sinh đầu cấp, trừ một số trường THPT có chút tiếng tăm, nhiều trường đã tuyển sinh không đủ chỉ tiêu được giao. Năm học 2013 - 2014 chẳng hạn, có trường nằm trong danh sách tổ chức thi tuyển nhưng số thí sinh đăng ký dự thi chưa đến con số 20. Để thu hút thêm người học, trường đã phải tổ chức xét tuyển bổ sung nhưng cuối cùng vẫn không đủ chỉ tiêu.

Có không ít trường THPT số lớp học còn ít hơn cả những trường tiểu học. Qua đây có thể nói, kế hoạch xây thêm một số trường THPT (kể cả trong và ngoài công lập) là không cần thiết, vì không phù hợp với thực tế. Đến hôm nay, Quy hoạch đã đi được gần nửa chặng đường nhưng ngoài hai trường đã nói ở trên ra, chưa có thêm ngôi trường nào ra đời.

Trong khi việc xây thêm trường THPT gần như không được thực hiện nữa thì cũng chính tại bậc học này đang tồn tại một nghịch lý có liên quan đến vấn đề quy hoạch. Đó chính là chuyện các trường THPT hiện có được xây quá gần nhau khiến nảy sinh nhiều bất cập. Xin đơn cử vài trường hợp.

Tại huyện Châu Thành, chỉ trong phạm vi bán kính khoảng 5km, có đến 3 ngôi trường THPT và tương đương, gồm: Hoàng Văn Thụ, Châu Thành và Trung tâm giáo dục thường xuyên. Trong số này, Trường THPT Hoàng Văn Thụ được coi là có bề dày nhất, lại được giao chỉ tiêu tuyển sinh cao nên hầu hết học sinh tập trung về trường này để học. Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trường THPT Châu Thành số học sinh theo học hiện rất ít.

Căn cứ vào dân số và vị trí địa lý, đã có ý kiến trong ngành giáo dục cho rằng Trường THPT Châu Thành được đặt không đúng chỗ! Tương tự, tại huyện Tân Biên, Trường THPT Trần Phú là trường trung tâm của cả huyện nên đa số học sinh Tân Biên học tại trường này. Thế nhưng, chỉ cách Trường Trần Phú mấy bước chân còn có Trường THPT Nguyễn An Ninh và Trung tâm giáo dục thường xuyên Tân Biên.

Trong khi cả hai ngôi trường THPT toạ lạc tại trung tâm huyện thì học sinh ở một số xã như Tân Lập, Tân Bình, Thạnh Bắc… học sinh phải đi học rất xa. Trong một lần tiếp xúc với các vị đại biểu Quốc hội cách nay chưa lâu, có cử tri tại Tân Biên nêu kiến nghị: nếu xây thêm trường THPT thì nên xây tại xã Tân Lập một trường để tạo điều kiện cho học sinh đỡ phải đi học xa.

Như đã thông tin ở phần đầu bài viết, nội dung Quy hoạch cho thấy, chủ trương xã hội hoá giáo dục, chuyển đổi loại hình trường công lập ra ngoài công lập cũng sẽ được đẩy mạnh thực hiện. Thế nhưng, thời gian qua đã chứng minh thực tế không diễn ra như dự kiến. Trước hết ở bậc học mầm non, việc chuyển đổi 8 trường mầm non công lập thành ngoài công lập vào năm 2015 có thể nói là không thực hiện được.

Số trường mầm non ngoài công lập được xây trong mấy năm qua cũng không nhiều, hiện toàn tỉnh chỉ có vỏn vẹn 5 trường. Tương tự, đối với bậc học phổ thông, kế hoạch kêu gọi xây mới 4 trường phổ thông ngoài công lập (tại Hoà Thành và Thị xã) có lẽ khó trở thành hiện thực. Cùng với đó, việc chuyển đổi 4 trường phổ thông công lập thành trường ngoài công lập cũng không thành nốt.

Có hai nguyên nhân chính được xác định khiến kế hoạch đề ra không thực hiện được. Thứ nhất, xét về cơ chế, nếu chuyển đổi trường công lập ra ngoài công lập sẽ liên quan đến chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên. Những giáo viên hiện tại đều là người trong biên chế, nếu chuyển trường công thành trường tư, không ai đảm bảo công ăn việc làm ổn định cho họ. Thứ hai, việc xây mới các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập chưa làm được (và có lẽ không thực hiện được) là do không có nhà đầu tư. Với những những gì đang diễn ra, e rằng hiếm có nhà đầu tư nào “mạo hiểm” lập trường học.

Ngoài bậc học mầm non và phổ thông, việc xã hội hoá giáo dục chuyên nghiệp và đại học cũng chưa thấy gì sáng sủa hơn. Theo kế hoạch, Trường đại học tư thục Khai Minh sẽ hoạt động vào năm 2015. Điều này khó diễn ra. Bởi lẽ, do năng lực, điều kiện tài chính của nhà đầu tư yếu kém nên dự án này đã bị rút giấy phép đầu tư. Cũng liên quan đến giáo dục đại học, đã từng có thông tin một doanh nghiệp sẽ xây dựng tại xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng một trường đại học. Ngay khi tin này mới được công bố, dư luận đã bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi của dự án. Và thời gian đã chứng minh, sự hoài nghi ấy không phải vô căn cứ.

LỜI KẾT

Để phát triển, không thể không có quy hoạch. Ngành nào có quy hoạch của ngành đó. Thế nhưng, thực tế cho thấy, quy hoạch “treo” vẫn đang tồn tại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vừa nêu như cơ chế chính sách, điều kiện tài chính, giải toả đền bù… Song có một nguyên nhân quan trọng nhưng hình như chưa được đánh giá đúng mức: khả năng phân tích, dự báo của những người làm quy hoạch không chính xác, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn. Những điều này khiến quy hoạch thiếu tính khả thi.

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Gần nửa chặng đường thực hiện Quy hoạch phát triển Giáo dục: Quy hoạch và thực tế đang ngày càng xa nhau Flags_1