Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
TTO - Ông giữ xe ở chỗ tôi sáng sáng thấy hai mẹ con hộc tốc chạy thường nhắc “cho cháu đi ngủ sớm đi, 9g tối ngủ là được rồi”.

Con cái chúng ta đang thiếu ngủ trầm trọng 66032610
Khổ nỗi, chúng ta đang sống ở đô thị, hoặc ở thời đại mà thế giới gần như không ngủ, bởi khi sách khi báo, chỗ ti vi, nơi internet, và khối lượng bài học "khổng lồ", việc đi ngủ lúc 21g là môt việc khó chứ không dễ.

Con tôi cố gắng lắm lên giường lúc 21g30, nhưng bao giờ cháu cũng vật vã mãi 22g hơn mới ngủ yên. Hỏi các bạn khác thì đa số đều như vậy. Có bé còn thường xuyên thức đến 23g. Hình như thức khuya đã là xu hướng chung của cả xã hội?!

Vào học lớp một gần hai tháng rồi, mà sáng nào tôi cũng phải lay gọi con như gọi đò, và sáng nào cháu cũng ỉ ôi, mẹ ơi, con ngủ thêm một chút nữa được không mẹ.

Nhà tôi cách trường 10 phút đi xe máy. Nhưng để đến trường trước giờ đóng cổng là 7g, tôi phải lay cháu dậy từ 6g, lăn qua lộn lại bao giờ cũng phải mất 10 phút. Vệ sinh cá nhân, ăn sáng, thay quần áo mất tất cả khoảng 30 phút, khoảng 6g45 hai mẹ con ra khỏi nhà.

Đấy là trường cháu còn qui định 7g mới vào lớp, trường của các bạn hàng xóm còn sớm hơn, 6g45 là phải có mặt trong lớp rồi. Từ 5g30 đã nghe tiếng cô hàng xóm giục giã con dậy đánh răng rửa mặt.

Không chỉ trẻ con, mà đối với hầu hết người lớn chúng ta, khoảng thời gian từ 5g đến 6g là lúc ngủ say nhất, êm nhất, tất nhiên trừ những người có đặc thù nghề nghiệp phải dậy sớm hoặc người cao tuổi.

Đã bao giờ chúng ta thử thức dậy sớm, rồi 5 phút sau ngồi vào bàn ăn sáng luôn chưa? Có thấy ngon lành gì không? Vậy mà trẻ con sáng nào cũng phải dậy rõ sớm so với nhu cầu của chúng, và chậm nhất là 10 phút sau đó phải cấp tập ăn sáng, bữa ăn luôn diễn ra trong tiếng thúc giục hối hả của phụ huynh.

Có phụ huynh chọn cho con ăn sáng trong trường, cũng chẳng thoải mái hơn mấy, cháu phải đến sân trường từ 6g15, cha mẹ gọi một suất ăn sáng rồi ngồi xúc hoặc nhắc nhở con tăng tốc cho kịp giờ học.

Tôi luôn tự hỏi, tại sao giờ vào lớp của học sinh của chúng ta quá sớm? nhất là bậc tiểu học? Có thể nào cho các cháu vào lớp muộn hơn không? Thí dụ như 8g15 mới vào lớp chẳng hạn, để các cháu được thêm khoảng một giờ ngủ ngon cho trí não phát triển.

Tôi nghĩ trẻ con thì thức giấc lúc 7g sáng là hợp lí, nhất là mùa đông ở các tỉnh phía bắc. Chúng ta sẽ dành cho chúng tối đa 45 phút để chuẩn bị, và từ 7g45 đến 8g15 là thời gian đi đến trường.

Các phụ huynh phải làm giờ hành chính có thể sẽ là người phản đối câu hỏi này đầu tiên. Vì các vị sẽ nói, 7g30 tôi cũng phải có mặt ở cơ quan rồi.

Khắc phục điều này đòi hỏi cả xã hội phải thay đổi giờ làm việc, như nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Phụ huynh sẽ đi làm muộn hơn, sau giờ học của con và sẽ nghỉ trưa ít hơn, 30 phút thôi thay vì 1g30 phút như hiện nay. Tôi thấy người nước ngoài ở Việt Nam họ làm việc thông tầm, ăn trưa xong họ không ngủ một giấc như chúng ta đâu, mà năng suất buổi chiều vẫn đảm bảo hơn hầu hết chúng ta. Người ta làm được, sao chúng ta không làm được, chẳng phải chúng ta vẫn luôn nói rằng “tất cả vì tương lai con em chúng ta” đó sao?

Những bậc phụ huynh làm nghề tự do thì tôi nghĩ chẳng có lí do gì phản đối.

Các cô giáo sẽ bảo, vào lớp muộn như vậy không đủ giờ giảng bài. Tôi lại thấy, đằng nào cháu cũng học 2 buổi ở trường, và giờ nghỉ trưa của cả cô và cháu hiện nay cũng khá dài, sao không thể bớt lại chút đỉnh. Nếu ngủ nhiều đủ giấc buổi sáng, các hoạt động khác của trẻ sẽ nhanh gọn hơn vì chúng đã tỉnh táo hơn.

Thay đổi một thói quen bao giờ cũng khó, nhất là thói quen đã quá lâu rồi, nhưng tôi tin với tình yêu và trách nhiệm đối với con em, chúng ta sẽ làm được.

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
TTO - Chia sẻ nỗi lo lắng của cha mẹ học sinh về tình trạng “học sinh thiếu ngủ, do phải đi học sớm”, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng Vụ GD tiểu học- Bộ GD-ĐT khẳng định các địa phương phải ấn định giờ học phù hợp đặc điểm vùng miền và tâm sinh lý HS.

Con cái chúng ta đang thiếu ngủ trầm trọng 66248810
Những cái ngáp dài vì ngủ chưa đủ - Ảnh: Minh Đức
Ông Nguyễn Đức Hữu cho biết:

- Khi Tuổi Trẻ đăng bài và diễn đàn về vấn đề trẻ phải đi học sớm, nên thiếu ngủ, đặc biệt có nhắc tới trường hợp của học sinh tại TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi đã kiểm tra thông tin từ một số sở GD-ĐT và trao đổi cụ thể về việc này với sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh.

Theo thông tin của sở GD-ĐT TP.HCM cung cấp, hiện những trường tiểu học trên địa bàn này vào học sớm nhất là 7 giờ- 7g30 phút. Giờ này ở khu vực phía Nam (không có mùa đông) thì không phải quá sớm trong điều kiện học sinh được học ở trường gần nhà và các bậc cha mẹ học sinh bố trí thời gian biểu hợp lý để trẻ có thể ngủ đủ giấc.

Nhưng theo ghi nhận của Tuổi Trẻ và phản ánh của nhiều bậc phụ huynh thì tình trạng trẻ em thiếu ngủ, ngủ gật trên đường tới trường, ngủ gật trong giờ học vẫn phổ biến. Quy định 7g học nhưng trẻ phải tới trường trước 15 phút, và để tới trường, trẻ phải dậy từ 6g, thậm chí dậy sớm hơn nữa.

Khi kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy có một số phụ huynh kết hợp đưa con tới trường rồi đi làm luôn, do vậy dễ dẫn đến tình trạng học sinh phải dậy sớm để theo bố mẹ đến trường trước khi bố mẹ tới công sở, nơi làm việc.

Ngoài ra có nhiều gia đình tự nguyện xin cho con em mình vào học các trường dân lập, trường quốc tế, những trường này thường tổ chức đưa đón học sinh bằng ô tô, ăn sáng tại trường, do đó một số học sinh ở xa trường có thể phải đón xe đi học sớm.

Cũng có những học sinh không học ở trường gần nhà mà học ở trường cách xa nhà, do bố mẹ muốn tiện đường đi làm hoặc bố mẹ muốn chọn cho con trường tốt hơn… Tất cả những lý do trên đều dẫn tới việc trẻ phải dậy quá sớm.

Những việc này không hoàn toàn đổ lỗi cho nhà trường được mà các bậc cha mẹ học sinh cũng có phần trách nhiệm.

* Như vậy, theo ông việc này các bậc phụ huynh là người cần thu xếp là chính?

- Ông Nguyễn Đức Hữu: Trước hết, cơ quan quản lí trực tiếp phải có trách nhiệm hướng dẫn các nhà trường căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương (điều kiện về địa lý, tự nhiên, thời tiết tùy theo mùa, điều kiện sinh hoạt, làm việc chung của các khu vực dân cư) và tâm sinh lí học sinh mỗi lớp, cấp học, để tổ chức giờ học một cách hợp lí.

Nhưng các bậc cha mẹ học sinh cũng nên cân nhắc, lựa chọn những trường cho con em mình vào học tại nơi cư trú. Hiện nay, hầu hết các xã, phường đều có trường tiểu học.

Các trường công lập có trách nhiệm phải nhận học sinh trong độ tuổi trên địa bàn vào học. Thay vào việc phải đi tới trường trong khoảng thời gian 20-30 phút, thậm chí cả tiếng đồng hồ thì trẻ có thể chỉ cần 5- 10 phút để tới trường. Như thế các em có thêm giờ ngủ, giờ nghỉ ngơi.

Nhiều trẻ ở thành phố có thói quen ngủ muộn nhưng bố mẹ không nghiêm khắc nhắc nhở con đi ngủ đúng giờ, việc này các bậc cha mẹ cũng cần thu xếp để trẻ có một thời gian biểu hợp lý, đảm bảo các em được ngủ đủ giấc.

* Bộ GD-ĐT có quy định gì liên quan tới việc ấn định giờ học cho học sinh không? Theo ông, giờ học nên bắt đầu sớm nhất từ mấy giờ là hợp lý cho số đông học sinh, tạm loại trừ những trường hợp cá biệt?

- Ông Nguyễn Đức Hữu: Từ nhiều năm nay, kể cả thời gian năm học, trong đó có ngày tựu trường, ngày kết thúc năm học, Bộ GD-ĐT đều giao chủ động cho các địa phương. Vì giữa miền xuôi và miền núi, giữa Nam và Bắc có những đặc thù khác nhau, việc quy định cứng trên toàn quốc là không hợp lý. Các địa phương phải quyết định khung thời gian năm học, trong đó có cả giờ học. Trong khung thời gian đó, các trường có thể ấn định thời gian cụ thể đảm bảo các yếu tố như đã nêu ở trên.

* Theo phản ánh của nhiều phụ huynh thì sở dĩ trẻ thiếu ngủ mà phụ huynh không thể thu xếp cho con ngủ sớm hơn vì các cháu phải làm bài tập quá nhiều vào buổi tối. Một số nhà trường cũng giải thích việc ấn định giờ học sớm để đảm bảo phân phối chương trình. Ngoài ra có nhiều học sinh tiểu học hết giờ chính khóa phải học thêm nên ít giờ nghỉ ngơi. Ông có ý kiến gì về việc này?

- Ông Nguyễn Đức Hữu: Theo quy định của Bộ GD-ĐT và hướng dẫn của Vụ GD tiểu học thì các trường tiểu học đã tổ chức học 2 buổi/ngày không được phép ra bài tập cho học sinh về nhà. Nếu trường nào vẫn giao bài tập tới mức học sinh phải học khuya là sai, cơ quan GD các địa phương cần kiểm tra, xử lý.

Các cơ sở GD cần nghiêm túc thực hiện quy định của Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT cũng quy định nơi dạy học 2 buổi/ngày tối đa không quá 7 tiết/ngày, nơi tổ chức dạy học 1 buổi thì tối đa không quá 5 tiết/buổi. Mỗi tiết học không quá 35 phút. Với thời lượng tối đa này thì không nhất thiết phải tổ chức giờ học quá sớm.

Các bậc phụ huynh không nên bắt con em mình phải đi học thêm vào các buổi tối vì hiện nay, cùng với việc đổi mới phương pháp, đổi mới cách thức tổ chức lớp học, giảm tải nội dung, cấp tiểu học đang triển khai đổi mới cách đánh giá sao cho nhẹ nhàng, động viên khuyến khích được sự cố gắng của mỗi học sinh, trong đó có việc không cho điểm trong quá trình đánh giá thường xuyên để tránh áp lực cho học sinh mà thay vào đó là những nhận xét nhằm giúp các em tiến bộ từng ngày.

* Theo ông trẻ thiếu ngủ, ảnh hưởng thế nào tới chất lượng học tập?

- Ông Nguyễn Đức Hữu: Đương nhiên thiếu ngủ sẽ khiến trẻ giảm khả năng tập trung, khó có thể tiếp thu bài học tốt. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, khiến trẻ bị căng thẳng, sợ học.

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Con cái chúng ta đang thiếu ngủ trầm trọng Flags_1