Trường Thực nghiệm GDPT Tây Ninh


You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Hòa bình

Hòa bình
Thành viên năng nổ
Thành viên năng nổ
TNO - Những 'xác ướp' trắng bệch nằm trước cửa nhà, hàng trăm 'đầu người' lăn lóc khắp nơi... tại một khu vườn ở ấp Long Hải, xã Trường Tây, H.Hòa Thành (Tây Ninh) khiến người dân sống trong khu vực phản ứng và làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.

Khu vườn kinh dị ở Tây Ninh Khu-vu10
Một tượng mặt người bị cắm dao đầy máu me mà người dân bức xúc
Khu vườn cách chợ Long Hải chưa đầy 1 km, nằm giữa ngã ba đường đất tại ấp Long Hải (xã Trường Tây), nơi có đông người qua lại, trở thành nỗi ám ảnh cho ai có việc đi ngang qua đây.

Ngày 23.9, chúng tôi đặt chân đến khu vườn "kinh dị" rộng trên 1.000 m2, bên trong có căn nhà cấp 4 (khoảng 30 m2) khóa cửa im ỉm, xung quanh cây cối mọc um tùm, lối vào được lót những bức tượng mặt người từ trước nhà ra tận sau vườn. Trong vườn, tượng mặt người nằm ngổn ngang trên mặt đất, trong đó có những cái tạo hình bị dao đâm ngập cán ở mũi, trán… Ngay trước cửa nhà, có 2 “xác ướp” nam và nữ nằm cạnh nhau, tạc chặt xuống nền gạch trước hiên nhà. Trong vườn, còn có hàng loạt bức tượng hình mặt người khác to hơn được dựng đứng, có cái miếu thần tài ở bìa vườn và một ngôi mộ lớn nằm giữa khu vườn...

Bà Đỗ Thị Lầm, nhà ở cạnh khu vườn, bức xúc: “Nhiều hình ảnh máu me quá ghê rợn khiến cả con nít lẫn người lớn bị ám ảnh, sợ hãi. Tối đến, người ta chẳng dám ra đường”. Còn ông Nguyễn Văn Thật, nhà đối diện khu vườn, cho biết thêm: “Chủ nhân khu vườn cứ khoảng nửa tháng hoặc một tháng thì xuất hiện, cặm cụi đúc vài chục bức tượng, đầu người như vậy rồi đi”.

Khu vườn kinh dị ở Tây Ninh Khu-vu12
Khu mộ trong vườn mà theo bà Dậu là mộ giả
Dẫn chúng tôi "xâm nhập" khu vườn, ông Nguyễn Hồng Phong, Trưởng ấp Long Hải, cho biết: “Chủ nhân căn nhà này là nghệ nhân, đã tạc ra tất cả số tượng trên. Người này khá lớn tuổi, sống rất cách biệt với người trong địa phương. Mỗi lần xuất hiện ở khu vườn thì ông lại mua xi măng về làm tượng rồi tạo ra những hình ảnh ghê sợ này".

Buộc tháo dỡ do vi phạm pháp luật

Ông Trương Văn Đề, Chủ tịch UBND xã Trường Tây (H.Hòa Thành), cho biết: “Đây là phần đất của gia đình ông Chứng (ông Phạm Chứng, 72 tuổi, ngụ TP.HCM - PV) mua từ hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, ông này không sinh sống ở đây mà lâu lâu ghé lại một lần”. Đề cập đến các tượng gây hoang mang người dân, ông Đề nói: “Nhiều người dân đã có đơn tố cáo những hình ảnh này làm ám ảnh cuộc sống của họ. Khi nhận được đơn của người dân, UBND xã đã phối hợp Phòng Văn hóa thông tin H.Hòa Thành trực tiếp kiểm tra và đã đề nghị ông Chứng dẹp bỏ".

Khu vườn kinh dị ở Tây Ninh Khu-vu11
“Xác ướp” trước hiên nhà ông Chứng
Trả lời PV Thanh Niên chiều 25.9, ông Nguyễn Văn Khanh Em, Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin H.Hòa Thành, cho biết: "Sau khi làm việc, bước đầu ông Chứng đã đập bỏ bớt những bức tượng bạo lực, ghê rợn. Riêng những bức tượng nghệ thuật bình thường khác thì chúng tôi cho phép ông Chứng giữ lại, nhưng không được trưng bày bên ngoài khu vườn. Phòng cũng đang giao lại cho UBND xã giám sát để nhanh chóng dẹp bỏ tình trạng này. Ngày 27.9, chúng tôi tiếp tục mời ông Chứng đến để hối thúc ông hoàn tất sớm việc phá bỏ”.

Theo ông Khanh Em, căn cứ vào Nghị định 103 của Chính phủ ngày 6.11.2009, thì các bức tượng của ông Chứng có mang tính chất kích động, bạo lực, làm người dân sợ hãi nằm trong quy định cấm của nghị định này.

"Hình ảnh nói lên tội ác thế gian"
Liên lạc với gia đình ông Chứng để tìm hiểu thêm, chúng tôi được bà Đinh Thị Dậu (68 tuổi, vợ ông Chứng, đang sống tại Q.3, TP.HCM) cho biết mảnh đất này bà đứng tên mua hơn 10 năm nay và xây căn nhà thờ họ. Bà Dậu nói: “Do ông Chứng thích chơi hình tượng nên không cản được. Tuy nhiên, tôi cũng có nghe nói một số hình ảnh rùng rợn khiến bà con xung quanh sợ hãi, ổng hứa sẽ khắc phục. Riêng ngôi mộ thì chỉ là ngôi mộ giả do ổng dựng lên thôi. Tôi nghe ổng nói đây là những hình ảnh nói lên tội ác của thế gian chứ ổng không có gây hấn hay thù hằn gì với ai đâu”.

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
Khu vườn kinh dị ở Tây Ninh Buctuo10
Ông Phạm Chứng tại khu vườn do ông tạo ra - Ảnh: Giang Phương
TNO - Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh, khu vườn do ông Phạm Chứng (73 tuổi, ngụ TP.HCM) mua đất cất nhà và lập vườn tại ấp Long Hải, xã Trường Tây, H.Hòa Thành. Sau đó ông Chứng tự mua cát, đá, xi măng rồi tự đắp họa những bức tượng đầu người rải rác khắp vườn, đồng thời đắp 2 ngôi mộ giả (thờ thần tài và mẹ ruột ông Chứng). Sau khi có dư luận về khu vườn với nhiều tượng thể hiện mặt người bị đâm chém, tạt a xít chảy máu (bằng nước sơn đỏ) và 2 ngôi mộ giả gây cảm giác rùng rợn, khiếp sợ cho dân cư địa phương nên trước mắt đình chỉ trưng bày. Sau đó, Phòng VH-TT H.Hòa Thành nhận được bản tường trình của ông Phạm Chứng thắc mắc về việc đình chỉ hoạt động trưng bày tượng của chính quyền xã Trường Tây. Đồng thời ông Chứng cũng thắc mắc rằng loại tượng nào đúng theo pháp luật, loại tượng nào không được phép xây lắp và trưng bày.

Cũng theo báo cáo, căn cứ vào khoản 1, điều 3 của Nghị định 103 ngày 6.11.2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và khoản 1, điều 3 của Thông tư 04 ngày 16.12.2009 của Bộ VH-TT-DL (hướng dẫn Nghị định 103), Phòng VH-TT H.Hòa Thành đã mời ông Chứng làm việc (ngày 5.9) và ông Chứng đồng ý làm bản cam kết tháo dỡ toàn bộ trong thời hạn 2 tháng (đến ngày 5.11). Trong đó, ông Chứng đồng ý tháo dỡ và hủy bỏ các bức tượng có tính chất “kinh dị”, “đầu rơi”, “máu đổ” và 2 ngôi mộ giả. Riêng về những bức tượng bình thường mang tính chất nghệ thuật, Phòng VH-TT đã yêu cầu ông Chứng thu gom vào nhà cất giữ, khi nào được ngành chức năng cho phép mới được trưng bày. Ngoài ra, Thanh tra Sở VH-TT-DL và Phòng VH-TT H.Hòa Thành vẫn đang tiếp tục phối hợp với UBND xã Trường Tây theo sát nhắc nhở ông Chứng nhanh chóng thực hiện việc tháo dỡ như đã cam kết. Nếu chủ khu vườn đã cam kết nhưng chậm thi hành, Sở sẽ phối hợp với chính quyền địa phương quyết liệt xử lý.

Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua, ông Dương Văn Phong, Giám đốc Sở VH-TT-DL Tây Ninh, cho biết trước mắt vẫn buộc ông Phạm Chứng tháo dỡ những bức tượng. Theo phân tích của ông Phong thì những bức tượng này có tính chất “kích động bạo lực” được quy định chi tiết ở Thông tư 04 là: “Mô tả cảnh đầu rơi, máu chảy, cắt, chặt bộ phận cơ thể con người; Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; Mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị, quằn quại, đau đớn của con người…”. Trong khi đó những hình ảnh này không được rào chắn nằm giữa khu dân cư nơi nhiều người phải chứng kiến. "Trong trường hợp ông Chứng muốn được cấp phép cho những bức tượng để xem có phải là tác phẩm nghệ thuật hay không thì phải được thông qua hội đồng nghệ thuật thẩm định”, ông Phong nói.

“Nhiều kẻ còn điên rồ hơn ông ấy”

Trong khi đó, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nhận xét: “Nghệ thuật là muôn hình vạn trạng. Không thể nói thế này là nghệ thuật, thế kia phi nghệ thuật, có nhiều kẻ còn “điên rồ” hơn ông ấy nữa kìa! Cho nên trước khi quyết định làm gì, chúng ta phải cân nhắc thật kỹ. Nếu người ta làm tượng trong khuôn viên gia đình của họ mà không xâm phạm đến những người xung quanh, không gây ra tiếng ồn, không chính trị, tôn giáo, dâm ô thì người khác không có quyền phá được. Nếu cứ xông vào phá, gặp người lành thì họ nhẫn nhịn cho qua, gặp người thủ đoạn thì họ bù lu, bù loa lên là vi phạm nhân quyền. Có thể vận động ông ấy tháo dỡ hoặc khuyên ông ấy rào kín khoảng vườn lại. Còn nếu ông ấy cố tình phô trương ra cho mọi người nhìn thấy thì cơ quan chức năng có thể xử lý về việc triển lãm không xin phép”.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, trên thế giới vẫn tồn tại một kiểu nghệ thuật - nghệ thuật của những người không bình thường. Họ có vấn đề về tâm lý, rồi dùng chính nghệ thuật để thể hiện vấn đề tâm lý bất thường đó của mình. Thậm chí ở một số nơi chữa bệnh tâm thần ở nước ngoài còn dùng cách cho bệnh nhân sáng tạo nghệ thuật như một liệu pháp. Trường hợp này có thể là một dạng nghệ thuật như vậy. Và nếu thế, nếu cộng đồng khoan dung chấp nhận thì mọi chuyện sẽ ổn. “Từ góc độ pháp luật, nếu muốn cấm thì phải dựa trên luật pháp. Nếu không, tôi rất sợ ném chuột vỡ đồ”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nói.

Sáng tạo không đi ngược với luật pháp

Trong khi đó, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, cho rằng trong sáng tác, người nghệ sĩ Việt Nam cần thông suốt 3 điều cấm được nêu rõ trong luật pháp: chống phá nhà nước, dâm ô đồi trụy, kích động bạo lực. “Tôi nghĩ tác giả làm nên những bức tượng kinh dị đã vi phạm vào điều 3. Chúng ta tôn trọng sự tự do sáng tạo nhưng sự sáng tạo này không được đi ngược với luật pháp. Nếu như một hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM nào đó có ý định tổ chức một cuộc triển lãm với những “tác phẩm” như vậy, chắc chắn tôi không dám ký duyệt!”.

Luật sư Trương Đình Tùng (Đoàn luật sư TP.HCM), phân tích: Nếu xét trên lăng kính pháp luật Việt Nam thì khu vườn là loại đất có mục đích sử dụng được nhà nước công nhận như thế nào: đất khu mộ, đất vườn hay đất ở (thổ cư). Và nếu đây không phải là đất khu mộ thì mọi vật thể bao gồm mộ giả và các hình tượng kinh dị tồn tại trên đất do chủ nhân trưng bày và thể hiện là trái pháp luật. Luật Đất đai không cho phép bất cứ chủ thể nào sử dụng sai mục đích về quyền sử dụng đất đã được nhà nước xác định. Mà cho dù đây là đất khu mộ thì việc những bức tượng được trưng bày như vậy cũng không có một sự liên quan nào đến những ngôi mộ này. Mặt khác, dù là đất của chủ vườn nhưng nếu như vì cá nhân mà bất chấp cái chung làm ảnh hưởng xã hội vẫn không được chấp nhận. Do đó, khu vườn muốn tồn tại thì chủ vườn phải xây tường kín lại để phục vụ cho cá nhân mình".


“Tôi chơi cái tàn của cuộc vui”
Cũng vào ngày 1.10, có mặt tại khu vườn kinh dị, ông Phạm Chứng, chủ nhân khu vườn, nói: “Việc những bức tượng do tôi làm phải hạ xuống, phải sơn trắng lại tôi cũng buồn lắm. Có lẽ năm nay là năm tuổi tôi, thời tiết lại đang “bão” nên tôi phải chịu thôi”.

Lý giải thêm về những bức tượng máu me, kinh dị, ông Chứng tươi cười: “Nhiều người hỏi tôi tại sao già rồi mà không chịu chơi những thú chơi nào cho nhẹ nhàng như cây kiểng, cá kiểng, chim chóc chẳng hạn. Nhưng cuộc vui nào cũng tàn, nghệ thuật của tôi trái ngược lại. Tôi chơi cái tàn của cuộc vui, tức là những người chết này. Do vậy mà có người còn gọi tôi biệt danh “dị nhân”. Những tác phẩm của tôi tạo ra có thể để được rất lâu khác với thú chơi khác...”.

Giang Phương

thanhha

thanhha
Thành viên nhiệt tình
Thành viên nhiệt tình
TNO - Khoảng 15 giờ ngày 2.10.2013, ông Phạm Chứng (72 tuổi, ngụ TP.HCM), chủ nhân khu vườn 'kinh dị' tại ấp Long Hải, xã Trường Tây, H.Hòa Thành (Tây Ninh) đã chủ động dẹp bỏ hàng chục bức tượng 'kinh dị' như đã cam kết.

Khu vườn kinh dị ở Tây Ninh Kvkinh11
Anh Điền giúp ông Chứng thu dẹp các bức tượng
Anh Hồ Thanh Điền, người dân ở cạnh căn nhà của ông Chứng đã tình nguyện cùng ông mang hơn 10 bức tượng "kinh dị" vào cất bên trong nhà.

Đến chiều tối, trời mưa to khiến anh Điền không thể tiếp tục khiêng hết số tượng vào trong nhà. Tuy nhiên, ông Chứng cho biết sẽ thực hiện đúng cam kết của mình.

Trong khi đó, một số người dân từ các tỉnh khác cũng tìm đến khu vườn để xem tận mắt.

Khu vườn kinh dị ở Tây Ninh Kvkinh10

Khu vườn kinh dị ở Tây Ninh Kvkinh13

Sponsored content


Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
Khu vườn kinh dị ở Tây Ninh Flags_1